Người Giữ Hồn Khăn đóng - Báo Cần Thơ Online

Cụ Thưởng luôn xem nghề làm khăn đóng là cách để bảo tồn bản sắc truyền thống. Ảnh DUY KHÔI

Áo dài - khăn đóng là trang phục thể hiện quốc hồn, quốc túy của dân tộc. Cụ Phạm Công Thưởng, 85 tuổi, ở ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, hiện là một trong vài nghệ nhân hiếm hoi ở ĐBSCL còn giữ nghề làm khăn đóng. Gần 30 năm gắn bó, với cụ Thưởng nghề làm khăn đóng không chỉ để mưu sinh mà còn là để giữ bản sắc truyền thống của cha ông.

Nhà cụ Thưởng không khó tìm bởi gắn liền với hai địa danh nổi tiếng: nằm dọc kinh xáng Vịnh Tre và Di tích Văn hóa - Lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành – lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Láng Linh. Cụ Thưởng cũng là hậu duệ đời thứ 4 của Đức cố quản. Ông lão 85 tuổi với chòm râu dài bạc phơ, nhanh nhẹn, minh mẫn còn được xem là "pho sử sống" ở địa phương bởi cụ rất am tường về lịch sử, văn hóa vùng đất này.

Hôm chúng tôi đến, cụ Thưởng đang cùng con dâu út gấp rút hoàn thành 200 chiếc khăn đóng để giao cho khách hàng ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Tuổi cao nhưng cụ Thưởng vẫn khéo léo, chăm chút từng đường kim, mũi chỉ. Vừa tỉ mẫn nắn chiếc khăn đóng cho thật tròn, đều, cụ Thưởng kể cho chúng tôi nghe cơ duyên đến với nghề. Hồi cụ còn trẻ, ở quê cụ hầu như nhà ai cũng có vài chiếc áo dài khăn đóng để mặc dịp giỗ chạp, cưới hỏi và nhất là lễ bái ở Đền thờ Đức cố quản. Nhưng gần 30 năm trước trở về đây, muốn mua một chiếc khăn đóng rất khó bởi trên thị trường chỉ có chủ yếu khăn đóng cỡ lớn, được làm công nghiệp, dành cho giới trẻ. Vì vậy, cụ Thưởng đã tìm học nghề làm khăn đóng truyền thống và gắn bó gần 30 năm qua.

Cụ Thưởng kể, trước đây, làm một chiếc khăn đóng rất khó khăn do thiếu vật liệu. Để có miếng lót giữ cứng các lớp của khăn đóng phải cắt bao bố tời từng mảnh rồi nhúng vào nước bột nhiều lần để miếng bao cứng, chắc. Bây giờ, thị trường có loại nhựa mềm nên dễ làm hơn nhiều. Vải để làm khăn hiện nay cũng có nhiều chủng loại có chất lượng tốt, hoa văn đẹp, trang trọng. Trong khi một số khăn đóng bán ngoài chợ dễ hư do được dán bằng keo hai mặt thì cụ Thưởng luôn may bằng chỉ, vắt bằng tay. Dù mất thời gian hơn do người làm phải cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ để đường may "nhặt", vải không bị nhăn nhúm, đùn nhưng bù lại khăn đóng rất bền chắc, có khi dùng vài chục năm mà không hư. Đó cũng là cái tâm làm nghề của cụ trong suốt 30 năm qua.

Khâu quan trọng trong làm khăn đóng chính là đặt chữ "Nhân" (phần chính diện của khăn đóng có hình hai đường cong bắt chéo giống hình chữ nhân trong tiếng Hán - PV), phải đặt ngay trung tâm, chia đều hai bên, khoảng giao thẳng xuống sống mũi. Chiếc khăn đóng có đẹp hay không phụ thuộc vào đường cong của chữ nhân phải sắc sảo, tinh tế. Làm khăn đóng nhất định phải theo nguyên tắc "nam thất nữ cửu" nghĩa là khăn đóng của nam giới có 7 lớp và phụ nữ có 9 lớp, kết chặt vào nhau. Phần phía trước của khăn bao giờ cũng phải cao hơn phần phía sau nhờ có các nếp giả để khi đội đầu, khăn đóng được cân đối, mặt khăn vươn cao và phía sau nhẹ đi.

Mỗi năm, cụ Thưởng làm khoảng vài trăm chiếc khăn đóng, tùy theo đơn đặt hàng. Khách hàng của cụ không chỉ ở tỉnh An Giang mà còn có ở TP Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long… Với giá 60 ngàn đồng/chiếc, trừ công và chi phí, tiền lời còn lại không là bao nhưng niềm đam mê giữ cụ lại với nghề. Gia cảnh khá giả, con cháu thành đạt, nhưng cụ Thưởng không bao giờ có ý định bỏ nghề để nghỉ ngơi. Mỗi khi có khách đặt hàng là cụ rất vui. Vui vì có người còn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc. Trong gia đình, các con cháu cụ Thưởng đều được đội chiếc khăn đóng do cụ làm trong đám cưới của mình. "Đám cưới giờ chủ yếu mặc đồ Tây Âu, nhưng khi đôi tân hôn làm lễ ở bàn thờ gia tiên nhất định phải áo dài khăn đóng để thể hiện sự trang nghiêm, thành kính" – cụ Thưởng khẳng khái.

Giờ đây, khi tuổi đã cao, cụ Thưởng an tâm vì nghề làm khăn đóng đã kịp trao truyền cho cô dâu út là bà Võ Thị Hơn gần 20 năm qua. Hiện bà Hơn là "thợ chính", cụ Thưởng chỉ làm "lai rai" phụ con. Bà Hơn kể: "Cha luôn để ý từng chiếc khăn tôi làm và nhắc nhở tôi phải cẩn thận, không làm ẩu, làm dối. Ông luôn nói chiếc khăn đóng có ý nghĩa tinh thần thiêng liêng".

Không đơn thuần là trang phục truyền thống, áo dài khăn đóng còn là nét văn hóa thể hiện "quốc hồn, quốc túy" của dân tộc Việt Nam. Những người như cụ Thưởng đã góp phần lưu giữ và trao truyền nét xưa của văn hóa Việt cho thế hệ mai sau.

Chia tay, cụ nắm chặt tay tôi, nói: "Ai muốn học, tôi dạy không công. Bao nhiêu cũng được, càng nhiều người học càng vui…".

Đăng Huỳnh

Từ khóa » Khăn đóng Là Gì