Người Hay Khóc Một Mình Là Bị Bệnh Gì? - Hello Bacsi

Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác ban ngày cười nói vui vẻ nhưng ban đêm người bạn ủ rũ rồi dễ khóc một mình? Dễ khóc nhiều trong thời gian dài không rõ nguyên nhân có thể là biểu hiện của trầm cảm.

Người bị trầm cảm thường thấy buồn bã, dễ tổn thương, dễ khóc hoặc dễ tức giận. Đôi khi họ còn không biết tại sao họ lại là người rất dễ khóc như vậy. Thậm chí, họ mất hứng thú và không quan tâm đến thế giới xung quanh.

Vì vậy, người dễ khóc một mình kèm cảm giác chán nản và tuyệt vọng sẽ dễ dàng mắc phải các hội chứng tâm lý.

Người dễ khóc là người như thế nào?

Khóc không có gì là xấu, khóc chỉ đơn thuần là một cách để biểu lộ cảm xúc, hoặc trong những tình huống khó khăn, căng thẳng gây ra. Một người có thể dễ dàng khóc khi đối mặt với sự chia ly, sự mất mát hay vừa bị công ty đánh giá là làm việc không tốt.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có những người dễ khóc hơn những người khác.

Theo Tiến sĩ Gail Saltz, Phó giáo sư Tâm thần học tại Trường Y khoa Weill-Cornell cho biết:

“Người dễ khóc thường là người có nhiều cảm xúc bị dồn nén hoặc đang trải qua nhiều căng thẳng trong cuộc sống. Họ cũng có thể là người nhạy cảm, có lòng thấu cảm sâu sắc với hoàn cảnh của người xung quanh. Ngoài ra, người dễ khóc cũng là những người có thể đang đấu tranh với rối loạn trầm cảm và lo âu.”

Tại sao có những người rất dễ khóc?

Tính cách nhạy cảm

Người có tính cách nhạy cảm thường rất dễ xúc động nên sẽ có xu hướng khóc một mình khi đau buồn. Những người có tính cách hướng nội hoặc một số người có cá tính mạnh mẽ cũng có xu hướng khóc một mình để giải tỏa cảm xúc kìm nén bên trong.

Giới tính

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ – APA, về mặt sinh học tự nhiên của cơ thể người cho thấy phụ nữ có khả năng dễ khóc hơn nam giới, do cơ thể có ít nồng độ testosterone hơn.

Testosterone có khả năng làm giảm và ngăn cản cảm giác muốn khóc. Ngoài ra, trong cơ thể phụ nữ cũng có chứa nhiều hormone prolactin hơn, một loại hormone thúc đẩy cảm giác muốn khóc.

Quá khứ và hiện tại

Người dễ khóc cũng có thể là những người trải qua đau buồn hoặc sang chấn tâm lý từ thời còn nhỏ. Điều này họ hệ thần kinh giao cảm của họ trở nên nhạy cảm hơn, nên họ dễ khóc hơn khi gặp phải tình huống tương tự với điều gây ra tổn thương tâm lý cho họ.

Những biến cố xảy ra trong hiện tại sẽ làm một người dễ khóc do đau lòng như: mất người thân, chia tay người yêu… Những biến cố này cũng góp phần lớn vào nguyên nhân gây rối loạn trầm cảm.

Người dễ khóc do sang chấn tâm lý
Sang chấn tâm lý thời thơ ấu có thể khiến một người dễ khóc hơn

Mức độ căng thẳng cao

Căng thẳng làm tăng nồng độ cortisol khiến một người dễ khóc do nhạy cảm và phản ứng mạnh mẽ hơn khi đối mặt với tác nhân gây stress. Hơn nữa, khi căng thẳng, cơ thể của một người đang phải gồng mình lên để đối phó với những cảm xúc mãnh liệt, điều này cũng cho phép nước mắt của họ chảy ra dễ dàng hơn.

Đấu tranh với rối loạn tâm lý

Các rối loạn tâm lý có thể khiến một người dễ khóc hơn người khác, đôi khi người đó có thể khóc không vì bất kỳ lý do gì:

  • Trầm cảm: Những người bị trầm cảm thường cảm thấy mình yếu đuối và có cảm giác bị bỏ rơi. Vì thế, người bị trầm cảm cũng có dấu hiệu khóc một mình khi gặp vấn đề bế tắc.
  • Rối loạn lo âu: Bạn không còn tự tin vào bản thân mình và thường xuyên thấy mình vô dụng.
  • Rối loạn ăn uống: Biểu hiện này liên quan mật thiết đến những dấu hiệu trầm cảm. Bạn có thể ăn rất nhiều để quên đi nỗi buồn hoặc ăn rất ít vì không cảm thấy ngon miệng.
  • Rối loạn giấc ngủ: Lo lắng và suy nghĩ nhiều sẽ khiến bạn trằn trọc khó ngủ hoặc ngủ rất nhiều. Đây cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy bạn đã gặp chứng trầm cảm.

Người dễ khóc một mình do rối loạn tâm lý thường có những biểu hiện như

Buồn bã và tuyệt vọng, cảm thấy bản thân vô dụng, khóc không rõ nguyên nhân, tự cô lập bản thân với mọi người, thay đổi tâm trạng nhanh chóng: Phút trước đang tức giận, ngay sau đó khóc không kiểm soát được

Cách để không khóc trước mặt người khác

Tập hít thở

Tập trung hít thở chậm và sâu. Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Điều này có thể giúp bạn thư giãn, đồng thời cũng có thể ngăn dòng nước mắt chảy ra.

Sử dụng lời nói

Bạn có thể hiểu đây là “câu thần chú” để giúp bạn giải tỏa cảm xúc khó của mình. Những lúc bạn thấy mình sắp khóc, hãy thử nói: “Không sao mà”; “Điều này sẽ qua”; “Rồi mọi thứ sẽ ổn thôi”;… Bạn cũng có thể tự nghĩ ra một câu thần chú, miễn sao khi nói câu ấy bạn thấy lòng bình an.

Thư giãn cơ mặt

Thư giãn cơ mặt cho đến khi bạn thấy khuôn mặt của mình ở trạng thái tự nhiên nhất. Bạn có thể nhắm mắt lại, xem thử trên gương mặt, bạn có đang nhăn hoặc căng ở nơi nào không. Sau đó, bạn vỗ nhẹ khu vực đó, nhắc bản thân “thư giãn” để cơ mặt được giãn ra tự nhiên nhất.

Bạn cũng có thể thư giãn cơ mặt khi thực hành các tư thế ngồi thiền như sau.

Tránh đi chỗ khác

Nếu bạn là người dễ khóc, hãy đi dạo hoặc tìm cách khác để tạm thời thoát khỏi tình huống căng thẳng hoặc khó chịu. Điều này cho bạn thời gian để bình tĩnh và làm việc với cảm xúc của mình một cách bình thản nhất.

Dành cho bản thân một khoảng thời gian, một khoảng không gian an toàn là cách để trấn an bản thân

Nghĩ về điều tích cực

Thật khó cho những người dễ khóc để nghĩ ngay đến những điều tích cực. Do đó, trong những lúc bạn thấy bình ổn, hãy viết ra niềm vui và điều bạn biết ơn trong cuộc sống vào tờ giấy. Mỗi khi bạn thấy tâm trạng xuống dốc và đôi mắt ứ nước; bạn hãy lấy mảnh giấy này để nhắc nhở cuộc sống bạn còn rất nhiều điều tuyệt vời.

Tập thể dục và chăm sóc sức khỏe tốt

Người dễ khóc có thể tĩnh tâm và thư giãn bằng cách ngồi thiền, xây dựng thói quen đọc sách và tập yoga để chăm sóc sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, tập thể dục đều đặn, có chế độ sinh hoạt lành mạnh, ngủ sớm và ăn uống điều độ cũng hỗ trợ xây dựng sự kiên cường khi bạn trải qua những cảm xúc khó.

Rèn luyện trí tuệ cảm xúc

Bạn có thể rèn luyện trí tuệ cảm xúc của mình bằng những cách sau đây: định hình lại bản thân và điều chỉnh cảm xúc; chấp nhận sự thật và đối mặt với cảm xúc tiêu cực; tránh những tình huống gây căng thẳng.

Chia sẻ cảm xúc

Khi gặp những chuyện buồn phiền, bạn có thể tìm đến những người thân mà mình thực sự tin tưởng để tâm sự và nhờ họ đưa ra những lời khuyên thay vì khóc một mình.

Nếu chưa tin tưởng ai, bạn có thể học cách viết nhật ký để giải tỏa stress và chăm sóc sức khỏe tâm lý.

Tìm kiếm đam mê riêng

Bạn có thể tìm kiếm những đam mê và trải nghiệm mới bằng cách lên kế hoạch đi du lịch, dành thời gian học một ngoại ngữ mới hoặc một bộ môn nghệ thuật mình yêu thích.

Tránh dùng chất kích thích

Lạm dụng rượu bia và các chất kích thích sẽ làm tăng triệu chứng trầm cảm, lo âu và hay quên. Với các triệu chứng về thể chất, bạn có thể gặp tình trạng đau dạ dày, tăng nhịp tim, vàng da và mất ý thức.

Điều trị rối loạn tâm lý

Nếu nhận ra bản thân thường khóc một mình kèm thêm nhiều dấu hiệu trầm cảm khác, bạn nên tìm cách điều trị sớm. Bác sĩ tâm lý có thể lắng nghe bạn tâm sự, đưa ra lời khuyên và kê toa thuốc chống trầm cảm nếu cần thiết.

Khóc quá nhiều trong thời gian dài có thể gây ra nhiều tác hại cho cơ thể của bạn. Do đó bạn nên tìm đến sự hỗ trợ của các chuyên gia hoặc bác sĩ.

Câu hỏi thường gặp

Người dễ khóc và khóc nhiều sẽ bị gì?

Người dễ khóc, khóc nhiều có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe:

  • Tăng cân hoặc giảm cân đột ngột: Do thói quen ăn uống thay đổi theo cảm xúc mà bạn có thể tăng cân nhanh chóng đẫn dến béo phì hoặc sụt cân đột ngột.
  • Lạm dụng chất kích thích: Khi buồn phiền, bạn cũng thường có xu hướng sử dụng các chất kích thích như ma túy hoặc rượu bia để giải tỏa cảm xúc.

Nếu khóc nhiều có ảnh hưởng đến mắt không?

Người thường hay khóc sẽ có gương mặt kém tươi tắn với đôi mắt dưng súp. Thậm chím khóc quá nhiều có thể khiến bạn bị mờ mắt hoặc mù lòa.

Khóc có thể đem đến nhiều lợi ích như cảm thấy bình tĩnh hơn, làm dịu cảm xúc, giảm đau, giải tỏa căng thẳng, chống vi khuẩn, cải thiện tầm nhìn và giúp ngủ ngon. Tuy nhiên, nếu bạn là người dễ khóc, khóc rất thường xuyên hoặc tự dưng buồn và khóc không rõ nguyên nhân thì có thể là bạn đang có dấu hiệu của rối loạn tâm lý.

Kết luận

Nếu cảm thấy thất vọng và muốn khóc, bạn hãy để bản thân mình khóc. Nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải tìm cách tiếp tục tiến về phía trước. Nếu bạn giữ một cảm xúc tiêu cực quá lâu, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề tâm lý điển hình như bệnh trầm cảm.

Nếu bạn là một người hay nhạy cảm và dễ bị tổn thương, bạn có thể khóc một mình ở những nơi khiến bạn cảm thấy thoải mái nhất. Tuy nhiên, bạn cần phải tôi luyện cho mình tinh thần lạc quan và mạnh mẽ để bứt phá bản thân mình khỏi những giới hạn. Bên cạnh đó, bạn nên tìm sự trợ giúp nếu phải chịu đựng cảm giác tổn thương, tiêu cực và cô đơn quá lâu nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Khóc Là J