Người Nhiễm Covid-19 Có Nên Tắm, Gội? - Báo Kinh Tế đô Thị

Theo lương y Lương Cao Cường – Hội Đông Y TP Hà Nội, theo quan điểm của y học cổ truyền, Covid-19 là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan nhanh. Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm, ... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh lý nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng. Phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào từng giai đoạn bệnh lý.

Tư vấn cho F0 có nên tắm, gội đầu trong thời điểm dương tính hay không, lương y Lương Cao Cường cho rằng, người bệnh hãy lắng nghe cơ thể mình. Nếu quá mệt, đau đầu, chóng mặt…. thì không nên tắm, mà chỉ lau người bằng nước ấm cho sạch sẽ, lau nhanh tay để cơ thể không ngấm nước lâu.

Nếu thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng thì vẫn nên tắm. Tắm sẽ giúp cơ thể sạch sẽ, thoáng đãng hơn. Tẩy đi môi trường bẩn, hạn chế sự phát triển của mầm bệnh cũng là một điều tốt. Nhưng khi tắm thì cần lưu ý ở trong phòng kín gió với nhiệt độ được giữ ở mức vừa ấm, tuyệt đối không dùng nước lạnh.

Nếu trong thời điểm đang bị sốt, cần tránh gội đầu bằng nước lạnh, bởi sức đề kháng lúc này rất kém nên việc xả nước lạnh trực tiếp lên da đầu sẽ gây ra những tổn thương không hề nhỏ. Ngoài ra, nếu đang có triệu chứng đau đầu thì việc gội đầu sẽ làm tăng thêm các cơn đau lên gấp nhiều lần. Thêm nữa, gội đầu bằng nước lạnh khi bị cảm cúm có thể khiến người bệnh nhiễm chứng phong hàn, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khoẻ. Thay vào đó, nếu chỉ sốt hâm hấp, có thể gội đầu nhanh bằng nước ấm, sấy khô ngay sau khi gội để hạn chế nước lạnh ngấm vào cơ thể.

Ngoài ra, chỉ nên gội đầu trong phòng kín gió, có thể dùng các loại lá thảo dược như hương nhu, vỏ bưởi, sả, bồ kết...để gội. Không gội đầu vào thời gian quá muộn, đêm khuya. Không nên gội và tắm cùng lúc. Việc gội đầu trước khi tắm khiến cơ thể chưa kịp thích ứng với nhiệt độ nước nhất là khi trời lạnh. Khi đó mạch máu dễ đông lại, co thành mạch khiến cơ thể mệt mỏi.

Bên cạnh đó, lương y Lương Cao Cường cũng khuyến cáo, ngoài việc tuân thủ điều trị, vệ sinh cá nhân đúng cách, người bệnh cũng nên tập những thói quen sinh hoạt giúp cơ thể hạn chế diễn tiến của bệnh như: Uống nhiều nước ấm để làm loãng đờm nhầy từ phổi, ngưng hút thuốc để làm giảm nguy cơ gặp biến chứng, nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên (kể cả người chăm sóc), súc họng bằng nước muối ấm thường xuyên để giảm đau họng… Cùng với đó, kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với từng lứa tuổi, thể trạng để tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể nhanh hồi phục.

Từ khóa » Fo Tắm được K