Người Nông Dân Nghệ An Nghĩ Gì, Cần Gì Và Mong Muốn Gì Vì Sự ...
Có thể bạn quan tâm
Với diện tích đất tự nhiên rộng nhất cả nước, nền nông nghiệp Nghệ An hội tụ đặc trưng của nhiều vùng địa lý, những phương thức canh tác phong phú được người nông dân không ngừng tìm tòi nhằm mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Tuy nhiên, sự manh mún, những biến động giá cả thị trường hiện nay... khiến đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là bộn bề những trăn trở, suy nghĩ mong muốn làm sao để nông nghiệp phát triển. Ghi nhận ý kiến một số cán bộ cơ sở, người nông dân Nghệ An chung quanh vấn đề trên.
Bảo hiểm cho nông dân, cây trồng, vật nuôi: đòi hỏi bức thiết nhưng còn nhiều vướng mắc
Bà Nguyễn Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyệ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An |
Thấu hiểu nguyện vọng của người nông dân khi hết tuổi lao động muốn có nguồn thu làm chỗ dựa cho cuộc sống, không trở thành gánh nặng đối với gia đình, xã hội, Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội cho nông dân khi ban hành Điều lệ bảo hiểm xã hội nông dân năm 2001. Với mức đóng tối thiểu ban đầu mỗi tháng là 10.000 đồng (năm 2007 tăng lên 30.000 đồng), sau 20 năm (có thể ngắn hơn từ 5,5 - 15 năm nhưng mức đóng cao hơn tùy từng khung) và đủ tuổi (nam 60, nữ 55), người tham gia sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng, nếu chưa đủ năm được hưởng trợ cấp 1 lần, chế độ tuất... Đây là một hình thức người nông dân tiết kiệm chi tiêu để sau này có khoản tiền nhất định bảo đảm cuộc sống. Với đa phần dân số của huyện là nông dân, hoạt động này có ý nghĩa xã hội lớn đối với Hưng Nguyên, thu hút 6.400 người tham gia. Tuy nhiên, hiện nay số người tham gia bảo hiểm nông dân tại Hưng Nguyên đang băn khoăn, lo lắng khi sắp tới thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tự nguyện với quy định mức đóng thấp nhất 16% lương tối thiểu (86.400 đồng/tháng), cao so với thu nhập người nông dân thì không phải ai cũng đóng được.
Trong lúc dịch bệnh xảy ra liên tục, rủi ro đối với người nông dân ngày càng lớn thì vấn đề bảo hiểm nông nghiệp thực sự được đặt ra bức thiết. Bảo hiểm nông nghiệp là hình thức bảo hiểm phi nhân thọ, đối tượng giới hạn ở cây trồng, vật nuôi. Nó có chức năng chia sẻ rủi ro, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân và cộng đồng; thông qua những yêu cầu khắt khe của cơ quan bảo hiểm về hệ thống bảo đảm an toàn, quy trình sản xuất, dịch vụ, hiệu quả sản xuất nông nghiệp sẽ tăng lên. Đây cũng là cơ sở để người nông dân được vay vốn ngân hàng dễ dàng hơn, tạo điều kiện để họ đầu tư lớn vươn lên làm giàu.
Với rất nhiều lợi ích như vậy, song hiện nay dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp chưa phát triển. Nguyên nhân bởi sản xuất nông nghiệp tại Hưng Nguyên cũng như phần lớn các địa phương trên cả nước vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, khó kiểm soát để tổ chức bảo hiểm. Mặt khác, việc chăn thả, nuôi, trồng không đúng quy cách, chuồng trại, thức ăn không đủ tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng, làm cho việc bảo hiểm càng khó thực hiện hơn. Phần lớn nông dân hiểu biết về bảo hiểm rất hạn chế, ngay cả với nhiều hộ đã chăn nuôi theo hình thức công nghiệp. Các doanh nghiệp không muốn tham gia do bảo hiểm nông nghiệp là lĩnh vực phức tạp, rủi ro lớn, khả năng sinh lợi thấp, dễ thua lỗ.
Bảo hiểm nông nghiệp là một hoạt động mang lại hiệu quả lớn cho xã hội, bởi vậy, rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Người nông dân mong muốn Nhà nước bỏ tiền mua một phần bảo hiểm, nhằm chia sẻ rủi ro, hỗ trợ bà con; xây dựng quy định pháp luật về bảo hiểm nông nghiệp. Quan trọng và lâu dài hơn, định hướng để nông nghiệp phát triển mang tính hiện đại, quy mô. Hiện nay, mặc dù tại Hưng Nguyên chưa triển khai bảo hiểm, song huyện đang quy hoạch vùng, xây dựng các tiêu chí kỹ thuật, khuyến nông, thú y..., kêu gọi các doanh nghiệp tham gia, nhằm định hướng bảo hiểm theo từng vùng trong tương lai.
Không để người nông dân chịu thiệt nhiều trong "cơn bão giá"
Ông Hoàng Minh Long, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An |
Diễn Vạn là một xã đa ngành nghề: nông nghiệp, diêm nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, tiểu, thủ công nghiệp... Tác động về sự lên xuống bất thường của giá cả càng ở diện rộng. Mặc dù hiện nay, thu nhập bình quân 9 tháng năm 2008 đạt 550 nghìn đồng/người/ tháng, song đời sống người dân vẫn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao: 23%.
Ứng phó với sự bất thường của thị trường, nông dân gần như ở thế bị động từ nguyên liệu, vật tư đầu vào cũng như tiêu thụ. Bà con diêm dân của Diễn Vạn mong được hỗ trợ chuyển đổi ô dạt, sân phơi, kỹ thuật để giảm sức lao động so với làm thủ công đơn thuần. Nông dân rất cần các loại giống cây, con năng suất; giá phân bón, giống giảm thấp hơn so với hiện nay; hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu vốn hạn chế của vùng cuối nguồn được cải thiện, 13 km đê sạt lở thường xuyên khi mưa bão được xây mỏ kè. Người nuôi trồng làm thủy sản mong nguồn nước ít bị ô nhiễm do các nhà máy vùng thượng nguồn thải ra, để không buộc phải chuyển đổi từ nuôi mặn lợ sang nuôi ngọt hết sức tốn kém... Những mong muốn chính đáng ấy của bà con, chúng tôi đang nỗ lực thực hiện, song nhiều việc vượt khỏi tầm tay, cần sự vào cuộc của các cấp cao hơn.
Đẩy mạnh tích tụ ruộng đất và phải tránh hình thức trong trình diễn các mô hình kinh tế
Bà Hoàng Thị Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An |
Trình diễn, thử nhiệm các mô hình kinh tế có vai trò quan trọng. Đây là một kênh học tập trực quan hiệu quả giúp người nông dân dễ áp dụng vào thực tiễn. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng mô hình còn ít, nhỏ lẻ, ngắn hạn, chưa có tính thuyết phục, khó nhân ra diện rộng. Nhiều mô hình mang tính hình thức do thiếu kinh phí dẫn đến làm nửa chừng hoặc lồng ghép, chắp vá, bà con nông dân khó tiếp thu. Người nông dân đang muốn có những mô hình hiệu quả, mang tính ứng dụng cao, thích hợp với thổ nhưỡng, phương thức canh tác của địa phương để triển khai vào thực tiễn.
Xóa bỏ "tư duy nhiệm kỳ" trong định hướng phát triển cây công nghiệp cho người nông dân
Ông Lê Đức Trường, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An |
Lợi thế của vùng đất đỏ bazan trù phú đưa Nghĩa Đàn trở thành huyện dẫn đầu của Nghệ An về phát triển cây công nghiệp. Gặt hái thành quả trên là một chặng đường dài gian khó, đặc biệt trong việc lựa chọn những loại cây công nghiệp làm mũi nhọn kinh tế. Đã từng xuất hiện những quan điểm mang các giống cây ngắn ngày vào canh tác để thu kết quả nhanh, đầu tư ít. Song, Nghĩa Đàn quyết định tập trung phát triển cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả: cao su, cà-phê, mía, cam..., mặc dù mức đầu tư lớn hơn, thời gian chăm sóc, thu hoạch dài hơn. Vấn đề ở đây là, phải có tầm nhìn, do đó cần gạt bỏ "tư duy nhiệm kỳ", vượt qua lợi ích cá nhân, vì lợi ích chung. Chỉ có như thế mới đem lại sự phát triển của huyện, trực tiếp mang lợi cho người nông dân Nghĩa Đàn.
Diện tích đất trồng cây công nghiệp phần lớn tập trung ở những vùng sâu, vùng xa, đời sống người dân còn khó khăn, thiếu vốn đầu tư dài ngày, tập quán sản xuất hạn chế, một bộ phận trồng theo kinh nghiệm, không tuân thủ quy trình kỹ thuật và đầu tư nên chất lượng cây trồng không cao. Huyện kết hợp với các công ty, ngân hàng chính sách cho vay, hỗ trợ vốn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; giúp các hộ nghèo làm quen với cách thức sản xuất hàng hóa, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thay đổi nếp canh tác cũ. Hiện nay, cùng với chủ trương mở rộng diện tích cao su tiểu điền, người nông dân Nghĩa Đàn đang rất muốn nhận khoán trồng cao su, trên cơ sở được hỗ trợ về thủy lợi, giống, kỹ thuật. Nghĩa Đàn đã tạo ra được những vùng chuyên canh cây công nghiệp: mía, cà phê, cao su, cam..., bước đầu phát huy hiệu quả của một vùng sản xuất lớn. Nếu đồng bằng có cánh đồng 50 triệu/ha thì vùng núi cũng có mô hình những cánh rừng 50 triệu/ha từ cây công nghiệp, đang được nhân rộng. Tư duy sản xuất lớn, dài hạn của người nông dân Nghĩa Đàn đã bắt đầu hình thành.
Khôi phục nghề tinh hoa truyền thống
Ông Phan Trọng Khương, nông dân thôn Đồng Én, xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An |
Diễn Vạn là nơi xuất xứ của nước mắm Vạn Phần, từng nức tiếng thơm ngon, dùng để tiến vua. Nước mắm Vạn Phần được chế biến từ loại cá đốm tươi xanh vừa kéo từ biển vào, béo nục, ướp muối trong những chiếc vại lớn, sau một năm chắt ra loại mắm cốt màu hanh vàng, mặn mòi, thơm đặc biệt.
Nghề làm nước mắm ngày nay mai một dần, những người được coi là nghệ nhân cũng còn không mấy. Tại thôn Đồng én, hiện chỉ còn 18 hộ giữ nghề, sản xuất quy mô từ nhỏ lẻ đến trung bình. Mặc dù mang lại nguồn thu khá (hộ sản xuất lớn nhất hằng năm tổng thu trên 100 triệu đồng, lãi khoảng 30 triệu đồng), song ít người còn mặn mà với nghề bởi sản xuất khó tiêu thụ, những người có kinh nghiệm làm nghề không nhiều, lớp trẻ muốn chuyển đổi làm công việc khác. Những người sống cả đời với nghề như tôi rất mong mỏi nước mắm Vạn Phần được khôi phục, mong muốn có doanh nghiệp thành lập tại đây, thu hút những lao động giỏi, sản xuất, tiêu thụ gắn với xây dựng thương hiệu nước mắm Vạn Phần. Cùng với đa dạng hóa các nghề để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập thì việc giữ nghề truyền thống cũng chính là giữ nét tinh hoa, bản sắc riêng có của người dân Đồng Én./.
Từ khóa » Người Nông Dân
-
Nông Dân – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thấu Hiểu Giá Trị Cốt Lõi Của Người Nông Dân Và Tổ Chức Hội Nông ...
-
Người Nông Dân Cần được Tiếp Cận Tư Duy Mới Trong Nông Nghiệp
-
Câu Chuyện Người Nông Dân
-
NGƯỜI NÔNG DÂN | Tin Tuc CẬP NHẬT , Nguoi Nong Dan
-
Người Nông Dân Khốn Khổ Sống Chung Với đất Bạc Màu | ANTV
-
Vai Trò Của Người Nông Dân Trong Chuyển đổi Số Nông Nghiệp
-
Làm Gì Giúp Người Nông Dân Thoát Nghèo?
-
Các Bài Viết Về Người Nông Dân Việt Nam, Tin Tức Người Nông Dân ...
-
Đồng Tháp: Sơ Kết 1 Năm Mô Hình “Người Nông Dân Chuyên Nghiệp ...
-
Những Người Nông Dân Nghỉ Chủ Nhật - VnExpress
-
Người Nông Dân - Báo Tuổi Trẻ
-
Chân Dung Người Nông Dân Tỷ Phú