Người Rể Quý Của đất Quảng

Nguyễn Phước Lan (1601 - 1648) là vị chúa Nguyễn thứ ba của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam. Ông đã cưới bà Đoàn Thị Ngọc, một thôn nữ của làng dâu tằm Chiêm Sơn, Duy Xuyên và đưa bà lên vị trí “Hiếu Chiêu hoàng hậu”, vì vậy ông chính là người rể quý của xứ Quảng!
Lăng mộ của Nguyễn Phước Lan ở Huế.
Lăng mộ của Nguyễn Phước Lan ở Huế.

Con Chúa trở thành rể của đất Quảng

Về chuyện thế tử Nguyễn Phước (Phúc) Lan trở thành rể của Quảng Nam, sách Đại Nam liệt truyện tiền biên viết: “Năm 15 tuổi, bà (Đoàn Thị Ngọc - NV) hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Hy Tông Hoàng đế ta (chúa Nguyễn Phước Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông hoàng đế ta (chúa Nguyễn Phước Lan) đi theo hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở Điện Châu câu cá, nghe tiếng hát lấy làm lạ, sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn (con Đoàn Công Nhạn), cho tiến vào hầu Chúa, được yêu chìu lắm”.

Tài liệu chính thống chỉ có vậy. Nhưng truyền thuyết dân gian lại “long lanh” hơn rất nhiều: “Vào một đêm trăng, công tử Nguyễn Phúc Lan cùng cha thả thuyền dong chơi trên dòng sông vắng, vui thú buông câu. Nhưng riêng với công tử Phúc Lan, đây là một đêm trăng được an bài của định mệnh. Mọi sự xảy ra hầu như đã được sắp đặt, bố trí của bàn tay Nguyệt lão. Vì giữa lúc canh khuya bỗng có tiếng hát véo von từ xa vọng lại. Giọng hát trong suốt như thủy tinh, nhu nhuyễn như tơ vàng vươn dài theo làn gió lụa và thoát ra từ một nương dâu yên tĩnh, bên dòng sông bạc. Âm hưởng tiếng hát có hiệu năng truyền cảm kỳ lạ khiến cho vị công tử đa tình, vừa mới nghe qua đã tin chắc rằng người hát phải là một giai nhân. Thuyền rồng vội nương dòng lá thắm, tiến tới ghé đậu ghềnh Điện Châu, và dưới bóng dâu xanh nhuộm ánh trăng vàng, quả nhiên công tử Phúc Lan đã gặp được ý trung nhân, cô con gái họ Đoàn…” (Phan Du, Quảng Nam qua các thời đại, Nxb Cổ học tùng thư, 1974, trang 124, 125).

Nguyễn Phước Lan trở thành rể của Quảng Nam từ đó. Ông là con trai thứ hai của chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, sinh năm 1601, mẹ là Quận chúa Mạc Thị Giai. Khi người anh trai trưởng Nguyễn Phước Kỳ mất (1831), ông được lập làm Thế tử. Năm 1635, khi chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên mất, ông lên ngôi chúa gọi là chúa Thượng hay Thượng vương, trị vì từ 1835 - 1648. Năm 1648, sau khi chiến thắng quân Trịnh, ông bị bệnh nặng, rút quân về đến phá Tam Giang thì mất, khi chỉ mới 48 tuổi.

Dưới thời chúa Nguyễn Phước Lan ở Đàng Trong có những sự kiện đáng chú ý. Năm 1636, phủ chúa được dời từ Phước Yên (Quảng Điền) về Kim Long (Hương Trà), làm cho “Khách phương xa ghé đến đây không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng huy hoàng của phủ chúa và các nhà quan lại”. Năm 1646, chúa cho tổ chức hai khoa thi Chính đồ và Hoa văn, khoa thi đầu tiên ở Đàng Trong.

Dưới thời ông, Đàng Trong đã đẩy lui hai cuộc tấn công của họ Trịnh vào các năm 1643 và 1648, bờ cõi được giữ vững. Nguyễn Phước Lan là người rất nhân hậu, sau chiến thắng quân Trịnh năm 1643, ông cho trả vùng đất Bắc Bố Chính cho Trịnh Tráng vì nghĩ đến “tình nghĩa lâu đời của hai họ” cũng như sau chiến thắng 1648 ông cho thả hơn 70 tướng nhà Trịnh về Bắc! Nhưng ông là người có tầm nhìn xa trông rộng. Ông đã đem toàn bộ tù binh bắt được trong trận chiến năm 1648 vào cho định cư khai phá vùng đất từ Thăng Điện (Điện Bàn, Thăng Bình) đến Phú Yên, nhờ vậy khu vực này “dân cư đông đúc, làng mạc liền nhau, về sau sẽ thành hộ khẩu”.

Thời Nguyễn Phước Lan, người Hà Lan đã lập thương điếm buôn bán ở Hội An vào 1636, thể hiện tinh thần mở cửa hội nhập của các chúa Nguyễn diễn ra từ rất sớm. Nhưng 8 năm sau, vào năm 1644, quân chúa Nguyễn do Thế tử Nguyễn Phước Tần, Tổng trấn Quảng Nam cũng đánh tan hạm đội Hà Lan ngoài khơi Đà Nẵng làm cho “uy danh của Chúa vang lừng khắp nơi trên mặt biển”.

Sách Đại Nam thực lục viết: “Chúa đã nắm chính quyền, lấy ơn huệ vỗ về dân chúng. Bấy giờ mưa nắng thuận hòa, nước giàu dân thịnh, có cảnh tượng thái bình rực rỡ”. Tuy nhiên cuối đời ông đã trở nên hư hỏng vì sự xúi sử của một người đàn bà (Tống Thị, người sau này được một nhà văn xứ Quảng gọi là “kỳ nữ”), may là đã gượng lại được nhờ nghe theo lời can gián của quan Nội tán họ Phạm!

Biến cố ở Quảng Nam năm 1635

Dưới thời Nguyễn Phước Lan ở Quảng Nam xảy ra một biến cố quan trọng, được đánh giá là: “Giai đoạn sóng gió nhất của Dinh trấn Quảng Nam, suýt làm đảo lộn cuộc diện chính trị nước ta ở thế kỷ 17” (Phạm Đình Khiêm, Việt Nam Khảo cổ tập san, số 1 năm 1960).

Năm 1631, khi thế tử Nguyễn Phước Kỳ mất đột ngột, Nguyễn Phước Lan được đưa lên ngôi thế tử; Nguyễn Phước Anh, em trai kế của Nguyễn Phúc Lan được cử vào làm Tổng trấn Quảng Nam thay Kỳ. Nguyễn Phước Anh không hài lòng nên định mưu phản để giành ngôi thế tử, vì vậy đã bí mật tư thông với chúa Trịnh nhưng việc bất thành.

Năm 1635, chúa Nguyễn Phước Nguyên mất, theo di chúc, Nguyễn Phước Lan được triều thần đưa lên ngôi chúa. Nguyễn Phước Anh không về chịu tang cha mà sai đắp lũy Cu Đê từ núi ra đến biển để cố thủ và dàn thủy quân ở cửa biển Đà Nẵng để chống cự với quân triều đình từ Huế vào.

Phạm Đình Khiêm trong tài liệu vừa nêu, dẫn lại một tài liệu của người Hà Lan cho biết “Trấn thủ Anh dàn 36 - 48 chiếc tàu chiến án ngữ các cửa biển Đà Nẵng và Đại Chiêm, lại đích thân chỉ huy 8 đến 10 ngàn quân theo đường bộ kéo ra Đà Nẵng để chặn đánh quân triều đình” (trang 90.)

Được viên ký lục họ Phạm ở dinh Quảng Nam mật báo, lại có sự ủng hộ hết mình của chú ruột là Tường Quận công Nguyễn Phúc Khê (con út của chúa Tiên Nguyễn Hoàng), Nguyễn Phúc Lan quyết dẹp “tình riêng” (nghĩa anh em) để lo cho “nghĩa lớn” (phép nước), đem quân vào Quảng Nam trừng trị đứa em phản nghịch.

Quân của Nguyễn Phúc Lan chia làm 3 đạo, thủy quân do Bùi Hùng Lương, Tống Triều Phương tiến vào vịnh Trà Sơn; bộ binh do Nguyễn Phước Yến, Tống Văn Hùng chỉ huy tiến đánh lũy Cu Đê. Đạo thứ ba do Dương Sơn, Nguyễn Phước Tuyên chỉ huy đi đường tắt, đánh thẳng vào Dinh trấn Thanh Chiêm. “Dương Sơn đến trước, xông vào dinh, bắt được quyển sổ gọi là “Đồng tâm hướng thuận” ghi tên họ những người trong đảng của Anh; Tuyên tiếp đến sau, phóng lửa đốt, Anh chạy trốn về ngả cửa biển Đại Chiêm định trốn sang Xiêm. Tuyên đuổi theo bắt được, đóng gông giải về Huế. Anh cùng những người trong sổ “đồng tâm” đều bị giết!” (Phan Khoang, Lịch sử Xứ Đàng Trong, Nxb Khai Trí, 1967, trang 191).

Theo Đại Nam thực lục thì khi về đến Thuận Hóa, Nguyễn Phước Anh phục xuống sân rồng kêu khóc, chúa Thượng không nỡ giết nhưng triều thần khuyên nên giết để trừ hậu hoạn, lúc đó chúa mới nghe lời.

Sau sự cố này Bùi Hùng Lương được cử vào làm Tổng trấn Quảng Nam thay vì một thế tử như lệ bất thành văn trước đây.

Từ khóa » Nguyễn Phước Yên