Người Tiểu đường Nên ăn Gì để ổn định đường Huyết? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Rau xanh
  • Thực phẩm nguyên hạt
  • Chất béo lành mạnh
  • Cacao
  • Thực phẩm chứa nhiều protein
  • Các loại thực phẩm nên tránh
  • Lợi ích của việc ổn định đường huyết

Chế độ ăn uống lành mạnh có một vai trò thiết yếu trong việc quản lý bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt về những gì nên ăn và khi nào. Qua bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ biết được những loại thực phẩm nào tốt hay không tốt trong việc giúp đường huyết của mình trở nên ổn định.

Rau xanh

Rau xanh mang lại rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe. Chúng là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn lành mạnh và dành cho tất cả mọi người.

Lợi ích

Một vài ưu điểm nổi bật có thể kể đến như:

  • Chúng cực kỳ bổ dưỡng và chứa rất ít tinh bột có thể tiêu hóa. Giúp cho lượng đường trong máu của người bệnh không tăng quá cao một cách đột ngột.  
  • Nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C. Đây là một chất cho thấy là có khả năng làm giảm các dấu hiệu viêm và đường huyết lúc đói ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2 hoặc tăng huyết áp.
  • Thêm vào đó, chúng cũng có chứa các chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin. Chúng có chức năng bảo vệ mắt những biến chứng thường gặp như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng,…

Khẩu phần

Cụ thể thì Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyên chúng ta nên sử dụng tối thiểu 3 đến 5 khẩu phần rau xanh mỗi ngày. Trong đó, một khẩu phần sẽ tương đương với:

  • 1/2 chén rau nếu đã nấu chín.
  • 1 chén rau nếu chưa nấu chín.
Rau xanh ổn định đường huyết
Rau xanh là một phần không thể thiếu của một chế độ ăn lành mạnh

Xem thêm: Tiểu đường và những biến chứng nguy hiểm

Thực phẩm nguyên hạt

Thực phẩm nguyên hạt là một sự thay thế rất tốt cho các loại thức ăn đã qua tinh chế. Sự khác biệt chính giữa chúng là thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin và khoáng chất hơn. Trong khi các sản phẩm tinh chế thì chỉ bao gồm phần tinh bột hấp thụ nhanh và có rất ít giá trị dinh dưỡng.

Một số ví dụ phổ biến của thực phẩm nguyên hạt có thể kể đến là:

  • Bánh mì đen.
  • Gạo lức.
  • Yến mạch nguyên chất hoặc bột yến mạch.
  • Bột ngô.

Chúng ta có thể kết hợp chúng vào các bữa ăn chính hoặc phụ để giúp đường huyết trở nên ổn định hơn.

Chất béo lành mạnh

Một quan niệm sai lầm thường thấy là tất cả chất béo đều xấu. Điều này hoàn toàn không đúng. Ngoài các chất béo xấu, chúng ta còn có các chất béo tốt. Chúng tác động tích cực đến sức khỏe như làm giảm cholesterol máu, cải thiện sức khỏe tim mạch, giúp đường huyết trở nên ổn định hơn.

Các chất béo có lợi cho sức khỏe là chất béo không bão hòa. Chúng tồn tại khá nhiều trong một số loại thực phẩm thường thấy như:

  • Các loại cá (tốt nhất là cá hồi, ngoài ra còn có các loại khác như cá ngừ, cá thu,…).
  • Trái bơ. Một nghiên cứu năm 2013 đã cho thấy bơ cung cấp một loạt các lợi ích đối với sức khỏe như cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ quản lý cân nặng,… Không những thế, quả bơ còn có hương vị tuyệt vời khi chế biến và thưởng thức. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần chú ý là ăn một cách có kiểm soát và hạn chế thêm các gia vị tạo ngọt như đường hay sữa đặc!
  • Dầu ô liu, dầu dừa.
  • Các loại hạt (chẳng hạn như hạt điều, hạt óc chó,…).
Cá hồi ổn định đường huyết
Cá hồi là thực phẩm rất tốt với hàm lượng protein cao cùng với các chất béo có lợi đối với sức khỏe

Cacao

Lợi ích

Cacao có chứa một chất đặc biệt là epicatechin flavonoid, có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Một nghiên cứu đánh giá năm 2017 đã cho thấy vai trò tích cực của cacao trong việc làm chậm tiến triển của bệnh tiểu đường type 2 và làm giảm hiện tượng đề kháng insulin.

Chúng ta có thể dễ dàng thêm cacao vào chế độ ăn kiêng của mình bằng cách sử dụng các sản phẩm của chúng, phổ biến là sô-cô-la. Sô-cô-la đen thì có chứa nhiều cacao hơn sô-cô-la sữa.

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất lại có xu hướng cho thêm nhiều đường vào sản phẩm để tạo ra hương vị hấp dẫn hơn. Do đó, chúng ta cần kiểm tra kĩ hàm lượng dinh dưỡng ghi trên bao bì trước khi sử dụng để tránh việc đường huyết bị tăng đột biến.

Lưu ý khi sử dụng cacao

Bên cạnh những mặt tốt thì sô cô la cũng chứa chất béo và đường, không nên quá lạm dụng. Hãy tiêu thụ có chừng mực và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn uống của bạn!

Cacao ổn định đường huyết
Cacao có nhiều ảnh hưởng tích cực đối với sức khỏe

Thực phẩm chứa nhiều protein

Protein là một chất dinh dưỡng thiết yếu có trong thịt, cá và một số loại rau, chẳng hạn như các loại hạt, đậu và các loại đậu…

Các nghiên cứu hiện nay cho thấy rằng protein có thể giúp một người cảm thấy no lâu hơn mà không làm lượng đường trong máu tăng cao. Tuy vậy, kết quả này còn tùy thuộc vào từng loại protein. Cụ thể thì, một chế độ ăn có chứa quá nhiều protein động vật có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh trong khi một chế độ ăn uống với nguồn protein từ thực vật lại làm giảm nguy cơ này.

Một cách dễ hiểu hơn, người bệnh tiểu đường nên ưu tiên thực phẩm giàu protein nhưng ít chất béo động vật, chẳng hạn:

  • Cá: chẳng hạn như cá hồi, cá thu và cá ngừ,…
  • Gia cầm: như gà, vịt,…
  • Các loại đậu và hạt: như đậu nành, đậu đen,…
Thịt gà ổn định đường huyết
Thịt gà là nguồn protein động vật rất tốt với ít chất béo bão hòa
 

Các loại thực phẩm nên tránh

Ngược lại với các thực phẩm nêu trên, cũng có một số thực phẩm mà người mắc bệnh tiểu đường nên tránh hoặc chỉ ăn ở mức độ vừa phải. Bởi vì sử dụng chúng có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, chẳng hạn:

  • Gạo trắng, bánh mì trắng, mì ống, ngũ cốc ăn liền,..
  • Thức uống đóng chai như nước ngọt, nước trái cây, các đồ uống thể thao…
  • Các sản phẩm có hàm lượng đường cao như mật ong và xi-rô, sữa chua có đường,…
  • Trái cây sấy khô.
  • Các loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng hộp (chúng thường chứa chất béo có hại)

Lợi ích của việc ổn định đường huyết

Bệnh tiểu đường có thể gây ra một loạt các triệu chứng và các vấn đề sức khỏe trầm trọng. Duy trì lượng insulin và kiểm soát tốt đường huyết sẽ đem lại cho người bệnh một loạt các lợi ích, bao gồm:

  • Tràn trề năng lượng, giảm mệt mỏi.
  • Cải thiện tâm trạng.
  • Giảm nguy cơ biến chứng cấp tính (chẳng hạn như hôn mê tăng đường huyết, hôn mê tăng ceton máu,…).
  • Kéo dài thời gian xuất hiện các biến chứng mạn tính như suy giảm thị lực, nhiễm trùng tái phát, khó lành vết thương và các bệnh lý tim mạch khác,…

Để có được một sức khỏe tốt, người bệnh tiểu đường cần phải thường xuyên kiểm soát lượng đường trong máu. Cùng với điều trị bằng thuốc thì thay đổi lối sống và một chế độ ăn uống cân bằng, tránh các thực phẩm giàu đường và chất béo không lành mạnh được xem như một phần không thể thiếu. Thêm vào đó, nguồn thực phẩm giàu protein từ thực vật cũng như hạt ca cao cũng cho thấy nhiều lợi ích đối với việc ổn định đường huyết và sức khỏe người bệnh.

Từ khóa » Món ăn Tốt Cho Người Bị Tiểu đường