Nguồn Gốc Hình Thành Và Sự Phát Triển Của Chữ Quốc Ngữ

Chữ cái Tiếng Việt hiện nay mà chúng ta đang sử dụng đã có cả một quá trình hình thành và phát triển lâu dài. Trải qua những biến động thăng trầm của thời gian và lịch sử, chữ Quốc ngữ vẫn tồn tại, trở thành biểu tượng của đất nước và dân tộc Việt Nam.

1. Giai đoạn phôi thai (thế kỉ 16-17)

Chữ Quốc ngữ hiện nay được coi là công trình sáng tạo của cả một tập thể.

Bắt đầu từ thế kỷ 16, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở châu Âu. Các công ty thương mại mọc lên như nấm sau mưa. Người châu Âu đua nhau vượt đại dương đi tìm vùng đất mới.Các nhà thương mại đi đến đâu thì các nhà truyền giáo theo đến đó. Họ đến Việt Nam vào thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, đất nước bị chia ra Đàng Ngoài và Đàng Trong. Muốn giảng đạo, các nhà truyền giáo phải học tiếng bản xứ, vì vậy họ đã dùng chữ La Tinh để ghi lại những cách phát âm của tiếng Việt và giảng nghĩa những chữ đó bằng tiếng của họ. Như vậy chữ Quốc ngữ ban đầu được ra đời nhằm mục đích để truyền đạo.

Người châu Âu đua nhau vượt đại dương đi tìm vùng đất mới.

Chữ Quốc ngữ được hình thành có lẽ từ năm 1533 khi giáo sĩ phương Tây tên là I-nê-khu đi từ đường biển vào truyền đạo Thiên Chúa ở tỉnh Nam Định. Trước tiên là các giáo sĩ Bồ Đào Nha dòng Phanxico; kế đến là các giáo sĩ Tây Ban Nha dòng Đa Minh rồi dòng Tên. Số văn tịch ghi lại dấu vết loại chữ này càng nhiều, kèm theo những biến đổi hoàn chỉnh với ký hiệu thanh giọng để thêm chính xác. Tên tuổi những giáo sĩ tiên phong đã góp công trong việc hoàn chỉnh lối chữ này gồm có Gaspar do Amaral, Antonio Barbosa và Francisco de Pina.

Francisco de Pina–người được coi là đã sáng lập ra chữ Quốc ngữ

Trên bia có ghi rõ F.Pina là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ.

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes- người Pháp cũng được coi là người có công trong giai đoạn phôi thai của chữ Quốc ngữ. Có nhiều tranh cãi xung quanh nhân vật giáo sĩ này. Trước đây, người ta cho rằng Alexandre de Rhodeslà người đã biên soạn cuốn từ điển phiên âm Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum vào năm 1651. Nhưng theo một số nghiên cứu có uy tín gần đây đã chỉ ra rằng Alexandre de Rhodes đã đạo công trình của Gaspar do Amaral và Antonio Barbosa. Ông ta chỉ có công mang những tác phẩm của hai vị giáo sĩ này về Việt Nam.

Alexandre de Rhodes và bản song ngữ Phép giảng tám ngày

Từ điển Việt- Bồ- La

Một trang từ điển Việt-Bồ-La

2. Giai đoạn cải tiến (thế kỉ 17-18)

- Trong giai đoạn đầu, chữ Quốc Ngữ còn nhiều khuyết điểm. Những khuyết điểm đó là: chưa có các dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng), viết dính nhau và còn thiếu nhiều nguyên âm. Chẳng hạn như: Quanmguya = Quảng Ngãi Onsaij = ông sải Tuijciam biêt = Tui Chẳng Biết Mocaij = một cái - Hồi này chưa có các phụ âm đơn: đ, x, v cho nên những phụ âm này được viết như sau: dj = đ (đói = doij) sc = x, (xin = scin) b = v, (vào = bau)

- Lại thiếu phụ âm kép: ch, gh, nh, tr; cho nên: gn = nh cia = ch - Đến năm 1626, chữ Quốc Ngữ đã được viết rời ra. Theo tài liệu viết tay của Francesco Buzomi: Thien chu = thiên chũ (thiên chúa) ngaọc huan = ngọc hoàng - Đến năm 1632, hệ thống phụ âm, nguyên âm và các dấu thanh đã trở nên hoàn hảo. Dưới đây là một vài chữ từ tài liệu của Amaral: Đàng tlaõ = đàng trong, Đàng ngoày = đàng ngoài, Đđàng tlên = đàng trên Nhà thương đây = nhà thượng đài Đến đây ta thấy chữ Quốc Ngữ đã tiến được một bước dài. Đó là có đủ năm dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã và nặng), các nguyên âm, các âm kép và những phụ âm kép.

Lần chỉnh lí đầu tiên: Từ Điển Béhaine (1772)

Một trang tự vị Dictionarium Abamitico Latinum của Pigneau de Béhaine (1773)

Béhaine và một số người Việt khác đã cộng tác cùng hoàn thành quyển từ điển Annam - Latin. Bộ từ điển này gồm hai phần, phần tra chữ Nôm theo 214 bộ chữ Hán và phần từ điển Nôm - Quốc ngữ - Latin.

Những cải tiến trong quyển từ điển này là:

+ Thống nhất các phụ âm đầu

+ Loại bỏ các phụ âm: bl, de, ge, ml, tl và thống nhất các phụ âm cuối Ngoài ra vì được sự cộng tác của nhiều người Việt cho nên trong quyển từ điển này có cả trăm câu ca dao, tục ngữ rất có giá trị như: + Sá bao cá chậu chim lồng, Hễ người quân tử có cùng mới nên + Duỗi theo ống thẳng lận theo bầu tròn + Bụng làm dạ chịu

+ Thắp đuốc tìm giàu, giàu chẳng thấy Cầm gươm chém khó, khó theo sau.

Lần chỉnh lí thứ hai: Từ Điển Taberd (1832)

Taberd

Từ điển Taberd

Với sự hợp tác của Phan Văn Minh và nhiều người Việt Nam khác, Taberd đã sử dụng và bổ sung quyển từ điển của Béhaine để hoàn tất hai quyển từ điển: Annam-Latin và Latin-Annam. Từ điển này có nhiều từ hơn quyển những quyển từ điển đã làm trước đó. Từ điển Annam-Latin của de Rhodes (1651) có 3772 từ, De Béhaine (1772) có 4843 từ, Taberd (1838) có 4959 từ. Công việc biên soạn phần Nôm, phần Quốc Ngữ và chú thích nghĩa là công việc của một số người Việt Nam. Còn trong việc biên soạn quyển từ điển này, Taberd chỉ chủ trương và phối hợp.

3. Địa vị chính thức

Sau hơn 300 năm hình thành và phát triển, chữ Quốc ngữ vẫn chưa được công nhận là văn tự chính thức cho tới khi người Pháp xâm lăng, chiếm lấy Nam Kì vào cuối thế kỉ 19. Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn ở Nam Kỳ. Nghị định 82 ký ngày 6 Tháng 4, 1878 do Thống đốc Nam Kỳ Lafont ký cũng đề ra cái mốc hẹn trong bốn năm (tức năm 1882) thì phải chuyển hẳn sang chữ Quốc ngữ.

Năm 1879, chính quyền Pháp đưa chữ Quốc ngữ vào ngành giáo dục, bắt đầu ở thôn xã Nam Kì phải dạy kiểu chữ này. Ngày 14 tháng 6 năm 1880 nhà chức trách thuộc địa Nam Kì đã ra nghị định giảm hoặc miễn thuế thân và miễn sưu dịch cho thân hào hương lý nếu họ biết chữ Quốc ngữ. Đây là những động thái bước đầu của chính quyền để khuyến khích việc truyền bá chữ Quốc ngữ trong nhân dân.

Gia Định báo là tờ báo viết bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên được phát hành. Câu văn mạch lạc, chính tả không khác mấy so với ngữ văn ngày nay.

Sang thế kỉ 20 chữ Quốc ngữ ngày càng trở nên phổ biến, lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Chữ Quốc ngữ qua những tác phẩm biên khảo, phóng sự,bình luận, du ký của những Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí, cùng một loạt tiểu thuyết và thơ mới của nhóm Tự lực Văn đoàn với tư tưởng mới, phong cách mới đã chứng minh chức năng toàn diện của chữ Quốc ngữ để rồi sau năm 1945 các chính quyền kế thừa đều công nhận lối chữ này.

Một đoạn viết chữ quốc ngữ theo Nguyễn Bạt Tuỵ (1949)

Dịch ra là:

"Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao.

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu."

Gia Định báo số đầu tiên

Những mẩu quảng cáo đầu tiên trên Gia Định báo

Tiếng Dân cũng là một trong những tờ báo đời đầu viết bằng chữ Quốc ngữ

Chữ Quốc ngữ góp một phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Những tác phẩm Hán và Nôm có thể được Quốc ngữ hóa một cách thuận tiện. Nhiều tác phẩm được phát hành rộng rãi, tạo nên những trào lưu và biến động trong làng văn học Việt Nam. Chữ Quốc ngữ cũng là chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận chính trị và vận động dân tộc. Nó đã tạo điều kiện cho nền văn học Việt Nam phát triển một cách toàn diện.

Nguồn: Wikipedia, dactrung,...

Tác giả: Vân Anh

Từ khóa » Trình Bày Sự Ra đời Của Chữ Quốc Ngữ