Nguồn Gốc Và ý Nghĩa Của Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng - Sống Đẹp

NỘI DUNG BÀI VIẾT
  • Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Thành Hoàng
  • Thành Hoàng là ai?
  • Các vị Thành Hoàng gồm những ai?
    • Thượng đẳng thần
    • Trung đẳng thần
    • Hạ đẳng thần
  • Vì sao phải thờ Thành Hoàng?
  • Nghi lễ thờ Thành Hoàng

Nguồn gốc tín ngưỡng thờ Thành Hoàng

Ở các làng xã nông thôn Việt Nam, Thành Hoàng là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng từ bao đời nay. Thờ cúng Thành hoàng cũng giống như thờ cúng tổ tiên, nó mang đậm dấu ấn tâm linh và thể hiện quan niệm “uống nước nhớ nguồn” của người dân Việt Nam.

Thành Hoàng xuất hiện ở Trung Quốc thời cổ đại và đã được thờ như là vị thần bảo hộ cho một thành trì, một phủ, một châu hay một huyện. Xã hội cổ đại Trung Quốc được phân chia thành hai cấp: Vương và Hầu; vua nhà Chu là Vương cai quản chư Hầu, mỗi chư Hầu như là một vương quốc nhỏ có một tòa thành và một số ấp nông thôn vây quanh. Do vậy, để bảo vệ thành có Thành hoàng, bảo vệ ấp có Thổ địa. Việc thờ Thành hoàng phổ biến khắp đất nước Trung Quốc thời cổ đại; ở đâu xây thành, đào hào là ở đó có Thành hoàng. Thành hoàng thường được vua ban biển miếu hoặc phong tước. Chính quyền phong kiến Trung Quốc đã lấy việc thờ phụng Thành hoàng làm việc giáo hóa dân chúng.

Tuy tín ngưỡng thờ thành hoàng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng vì quy mô và cơ cấu làng cổ Trung Quốc có nhiều điểm khác với làng cổ của Việt Nam, nên tín ngưỡng thờ Thành hoàng của các làng Việt cổ cũng không giống tín ngưỡng thờ Thành hoàng của làng cổ Trung Quốc. Thành hoàng của các làng Việt cổ không chỉ và không phải lúc nào cũng thờ vị thần bảo vệ thành hào của làng, mà chủ yếu thờ những người có công với dân với nước, người có công lập ra làng, người có công truyền dạy một nghề nào đó cho dân làng, hoặc là một ông quan tốt (và một số vị tà thần – nhưng số này không nhiều).

nguon-goc-va-y-nghia-cua-tin-nguong-tho-thanh-hoang-1

Việc thờ Thành Hoàng của nhiều làng xã Việt Nam đôi khi là thờ một sức mạnh tự nhiên nào đó (như thần sông, thần núi, thần sấm, thần sét, thần mây, thần mưa). Trong số các vị thần này, nơi nào thờ loại thần gì là tùy thuộc vào đặc điểm cư trú của làng đó. Chẳng hạn, những làng ở hai bên bờ các con sông thường là thờ các vị thủy thần; những làng ở trên sườn núi thường thờ thần núi (sơn thần).

Một số làng thờ những nhân vật lịch sử làm Thành Hoàng mình là những vị anh hùng dân tộc, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại nền độc lập cho dân tộc, như các vị: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Hoàn, Dương Đình Nghệ, Lê Văn Thịnh, Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật,..

Một số làng thờ vị có công truyền dạy cho dân làng một nghề thủ công nào đó, như vị tổ nghề gốm Bát Tràng, làng Phù Lãng là Hứa Vĩnh Kiều, vị tổ nghề đúc đồng ở Đại Bái là Nguyễn Công Truyền, ở Quảng Bố là Nguyễn Công Nghệ,..

Một số làng thờ những quan lại phương Bắc đã từng cai trị nước ta làm Thành hoàng như: Triệu Đà, Sĩ Nhiếp, Cao Biền, Đào Hoàng,…

Nói chung, hầu hết các làng đều thờ hai loại Thành Hoàng, trong đó một vị là biểu tượng của sức mạnh tự nhiên, một vị là nhân vật lịch sử hoặc người có công với làng.

Điểm đặc biệt của tín ngưỡng thờ Thành Hoàng của các làng Việt cổ là ở chỗ, dù thời cuộc có biến đổi như thế nào, dù làng có chuyển nơi cư trú bao nhiêu lần, dù chính sách tôn giáo của Nhà nước có chặt chẽ hay cởi mở, dù dân làng giàu sang hay nghèo túng,.. thì nhân vật được dân làng thờ làm Thành hoàng vẫn không thay đổi, mà tồn tại mãi mãi, suốt từ đời này đến đời khác.

Thành Hoàng là ai?

Phong tục thờ Thành Hoàng ở nước ta được du nhập từ Trung Quốc. Ý nghĩa của từ này ở hai đất nước không giống nhau.

Thành Hoàng là từ Hán Việt, trong đó Thành là cái thành, Hoàng là cái hào bao quanh cái thành. Khi ghép chung lại thành một từ dùng để chỉ vị thần coi giữ, bảo trợ cho cái thành.

Ở nước ta, Thành Hoàng còn để chỉ những vị thần hộ mệnh, bảo vệ và ban phúc cho những người dân sinh sống trong thành lũy xóm làng, thôn xã.

Thành Hoàng cai quản đình làng và cả một khu vực làng xã, hoặc thành lũy có đường biên, tức là quyền lực lớn hơn thần Đất, quyết định họa phúc của một làng và thường được thờ ở đình làng. Do vậy hầu hết ở mỗi làng quê hay phố nghề (nơi thị thành) đều lập đình (hoặc đền, miếu) thờ vị Thành Hoàng của làng hay phường hội. Thành Hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng, dựng ấp hay sáng lập nên một nghề (ông tổ của nghề).

Mỗi làng, mỗi thành đều chọn thờ một Thần Thành Hoàng để thần bảo vệ và ban phúc lành cho dân, có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị. Tôn thờ Thành Hoàng chính là một nhu cầu tâm lý, người dân thờ Thành Hoàng để phục vụ cho hiện thực cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu được, là phương tiện, là động lực thúc đẩy sản xuất và ổn định cuộc sống.

nguon-goc-va-y-nghia-cua-tin-nguong-tho-thanh-hoang-2

Đại đa số sự tích về Thành Hoàng đều là những truyền thuyết, sau này những truyền thuyết ấy được các địa phương chú trọng và trở thành văn bản chính thức được Nhà nước công nhận, từ đó đã ra đời các Thần tích, Thần phả, Sắc phong.

Thành Hoàng có nhiều nguồn gốc, có thể là nhân thần, có thể là nhiên thần, nhưng tựu trung lại là các vị thần đã được lịch sử hóa hay huyền thoại hóa. Tuy nhiên các Thành Hoàng được sắc vua phong (trừ những tà thần, yêu thần…) luôn luôn tượng trưng cho làng xã mà mình cai quản là biểu hiện của lịch sử, của đạo đức, phong tục, pháp luật cũng như hy vọng sống của cả làng. Thành Hoàng có sức tỏa sáng vô hình như một quyền uy siêu việt, khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ.

Các vị Thành Hoàng gồm những ai?

Theo sách Việt Nam Phong Tục, mỗi làng phụng sự một vị Thần Hoàng. Có làng thờ hai ba vị, có làng thờ năm bảy vị, gọi chung là Phúc Thần.

Xét theo công trạng mà các thần đã phò giúp nhà vua đánh giặc, giúp dân trừ thiên tai địch họa, bệnh dịch, tai ách và giúp dân lập ấp, mở nghề mà triều đình ra sắc phong cho các thần Thành Hoàng thành theo các cấp độ như sau:

Thượng đẳng thần

Bao gồm các vị thần có công lớn với dân, với nước, được nhà vua sắc phong và lập đền thờ như Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão,… và các thiên thần được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian như Tản Viên Sơn Thần, Thánh Gióng, Liễu Hạnh công chúa, Chử Đồng Tử… 

Tất cả các vị thần này đều có công trạng hiển hách và được vua sắc phong làm Thượng đẳng thần. Ví dụ cụ thể như thành Thăng Long (Hà Nội) thờ Thành Hoàng là thần Long Đỗ tại đền Bạch Mã.

Trung đẳng thần

Là các vị thần hoặc các quan địa phương có công khai điền lập ấp, có ơn với dân, có khi là các vị thần mà dân làng thờ đã lâu, có tên họ mà không rõ công trạng, hoặc có quan tước mà không rõ tên họ, hoặc những vị thần có chút linh dị, cho tới khi vua cầu đảo, có ứng nghiệm thì triều đình phong làm Trung đẳng thần.

Hạ đẳng thần

Là những vị thần được dân làng thờ cúng tuy không rõ thần tích, nhưng cũng thuộc bậc chính thần. Triều đình theo dân làng mà sắc phong làm hạ đẳng thần.

Theo tục lệ xưa, các đời vua thường phong các vị Thành Hoàng tuỳ theo sự tích và công trạng của các vị thần đối với nước với dân, với làng xã. Các vị thần cũng được xét đưa từ thứ vị nọ lên thứ vị kia, nếu trong thời gian cai quản các vị này đã phù hộ, giúp đỡ được nhiều cho đời sống vật chất và tâm linh của dân chúng. Việc thăng phong các vị Thành Hoàng căn cứ vào sớ tâu của làng xã về công trạng của các vị thần. Sớ này phải nộp về triều đình trong một thời gian quy định. Mỗi lần thăng phong triều đình đều gửi sắc vua ban rất linh đình và cất nó trong hòm sắc thờ ở hậu cung đình làng.

Nhưng có khi Thành Hoàng chỉ là một người dân mà theo quan niệm, là người được các vị thần ban cho sứ mệnh để sau này thay họ cai quản làng xã, được gọi là Thành Hoàng sống.

nguon-goc-va-y-nghia-cua-tin-nguong-tho-thanh-hoang-3

Vì sao phải thờ Thành Hoàng?

Thành Hoàng có sức tỏa sáng vô hình như một quyền uy siêu việt, khiến cho làng quê trở thành một hệ thống chặt chẽ

Chính sự thờ phụng này là sợi dây liên lạc vô hình, giúp dân làng đoàn kết, nếp sống cộng cảm hoà đồng, đất nề quê thói được bảo tồn. Vì lẽ đó, các hương chức cũng như các gia đình trong làng, mỗi khi muốn mở hội hoặc tổ chức việc gì đều phải có lễ cúng Thành Hoàng để xin phép trước. Dường như sự ngưỡng mộ Thành Hoàng của người dân không kém gì sự ngưỡng mộ đối với tổ tiên của họ.

Đình làng là nơi thờ phụng Thành Hoàng và trở thành một biểu tượng văn hóa tâm linh của mỗi người dân quê Việt. Làng nào cũng có đình, có khi mỗi thôn lại có một đình riêng. Đình để thờ Thành Hoàng nhưng đồng thời cũng trở thành nơi hội họp của chức sắc trong làng, hay là nơi sinh hoạt của cộng đồng làng xã. Mọi hoạt động này đều xảy ra ở đình với sự chứng kiến của Thành Hoàng.

Trong tâm thức người dân quê Việt, Đức Thành Hoàng là vị thần tối linh, có thể bao quát, chứng kiến toàn bộ đời sống của dân làng, bảo vệ, phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt, khỏe mạnh. Các thế hệ dân cứ tiếp tục sinh sôi nhưng Thành Hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của một làng qua những cơn chìm nổi.

Có thể cho rằng, Thành Hoàng chính là vị chỉ huy tối linh của làng xã không chỉ về mặt tinh thần mà còn một phần về mặt đời sống sinh hoạt vật chất của dân làng. Cho nên sự thờ phụng Thành Hoàng xét cho cùng là sự thờ phụng luật lệ làng xã, lề thói gia phong của làng.

nguon-goc-va-y-nghia-cua-tin-nguong-tho-thanh-hoang-4

Cùng với việc thờ cúng tổ tiên thì tín ngưỡng thờ Thành Hoàng đem lại cho người dân ý thức hướng về cội nguồn, về quê cha đất tổ bằng những biểu hiện sinh hoạt văn hóa truyền thống. Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa là trách nhiệm của mỗi người và cũng là để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Các thế hệ dân cứ tiếp tục sinh sôi nhưng Thành Hoàng thì còn mãi, trở thành một chứng tích không thể phủ nhận được của một làng qua những cơn chìm nổi.

Nghi lễ thờ Thành Hoàng

Để thờ phụng Thần Hoàng, người dân đã lập nên những kiến trúc để thần ngự như Đình, Đền, Miếu. Tín ngưỡng thờ Thành Hoàng thường được thể hiện trong các lễ hội xuân hoặc Tết cổ truyền. Lễ hội thờ Thành Hoàng thực chất là chiếc cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là sự giao lưu văn hóa giữa các làng xóm với nhau, là nét văn hóa đặc trưng trong sinh hoạt văn hóa làng, là sự kết tinh ý thức hệ tôn giáo quanh một hình thái thờ phụng tập thể thờ Thành Hoàng trong tâm thức dân gian, tâm thức truyền thống của người dân.

Ngày nay, lễ hội làng đang phát triển mạnh mẽ và nở rộ ở khắp nơi. Tục thờ cúng Thành Hoàng, diễn lại thần tích, rước xách, tế lễ đang được phục hồi, vì có như vậy mới ghi nhớ được công lao của các vị tiền bối với nước, với làng.

nguon-goc-va-y-nghia-cua-tin-nguong-tho-thanh-hoang-5

Hàng năm, ngày giỗ Thành Hoàng là ngày hội đông vui nhất của làng, của phố. Trong những ngày hội, ngoài việc làm cỗ, ăn uống còn rất nhiều nghi lễ như diễn lại sự tích về Thành Hoàng, tế lễ, rước kiệu hay các trò vui: đấu võ, chọi gà, thổi cơm thi, bơi chải, đánh đu, đánh cờ người, hát chèo, diễn tuồng… Không khí vui vẻ cả ngày lẫn đêm (có nơi hai, ba ngày), từ các lão ông, lão bà đến mỗi cháu bé, và chờ đợi nhất, vui nhất là những trai gái đương lứa, đây là dịp để gặp gỡ, kết bạn.

Tóm lại, tín ngưỡng thờ thần và Thành Hoàng của người Việt thực chất là thờ phúc thần, nó đóng vai trò liên kết cộng đồng trong làng xã và mở rộng ra cả nước, nhằm giáo dục lòng yêu nước, nhân nghĩa, hướng đến những điều tốt đẹp. Đó là những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc mà ngày nay chúng tạ cần thừa kế và phát huy.

Xem thêm: Hầu đồng là gì và ý nghĩa của hầu đồng trong tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt?

Từ khóa » Tín Ngưỡng Thờ Thành Hoàng Làng Của Người Việt Nam