Nguy Cơ Brexit Và Hiệu ứng đô-mi-nô - Báo Nhân Dân

Nước Anh đang chuẩn bị bước vào “ngày phán quyết” với việc trưng cầu ý dân về số phận của quốc gia này trong mái nhà chung châu Âu. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều đang chống lại nỗ lực ngăn Anh rời EU của chính phủ nước này, cũng như các nhà lãnh đạo phương Tây. Trang mạng Independent của Anh vừa công bố cuộc thăm dò dư luận của họ cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Brexit đã lên tới 55%, cao hơn 10% so với tỷ lệ phản đối. Một cuộc thăm dò dư luận khác do tổ chức Ipsos Mori vừa tiến hành cũng cho thấy, chỉ có 25% số người được hỏi nghĩ rằng, Brexit sẽ khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn.

Trong khi đó, việc Anh có nguy cơ rời EU đang đặt ra những thách thức lớn với Chính phủ của Thủ tướng Đ.Ca-mê-rôn cũng như toàn bộ EU và cả kinh tế toàn cầu. Thủ tướng Anh đã cảnh báo người dân quốc đảo sương mù rằng, nếu Brexit xảy ra, các khoản tiền trợ cấp và chi phí cho dịch vụ y tế quốc gia tại Anh sẽ bị cắt giảm đáng kể, đồng thời nước này sẽ phải đối mặt một thập kỷ bất ổn định để thiết lập mối quan hệ mới với EU.

Trong báo cáo hằng quý về lạm phát công bố mới đây, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã cảnh báo, Brexit có thể khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật và dẫn tới tình trạng cắt giảm việc làm, đẩy lạm phát gia tăng, đồng bảng Anh rớt giá mạnh. Nguy cơ Brexit cũng khiến BoE vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Anh năm 2016 từ mức 2,2% xuống 2%, năm 2017 và 2018 xuống còn 2,3% từ mức dự báo là 2,6%.

Với EU, Brexit cũng sẽ là một kịch bản tồi tệ, mở ra những trang đen tối nhất trong lịch sử hợp tác và phát triển của khối này. Trong đó, đáng ngại nhất là nguy cơ EU sẽ “tan đàn sẻ nghé”. Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển trong bài trả lời phỏng vấn hãng tin BBC bày tỏ quan ngại rằng, nếu người dân Anh lựa chọn rời EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 tới, kết quả này sẽ mang tới hiệu ứng đô-mi-nô cho các thành viên khác trong khối, đồng thời dẫn tới việc những nước thành viên đòi hỏi ưu đãi. Bộ trưởng Tài chính Đức cũng có mối lo tương tự, khi trả lời phỏng vấn hãng tin Roi-tơ mới đây, ông khẳng định, không thể loại trừ khả năng các nước khác sẽ rời EU, nếu Anh quyết định rời khối gồm 28 thành viên này.

Việc Anh “dứt áo ra đi” hay miễn cưỡng ở lại mái nhà chung châu Âu còn tác động lớn đến thị trường tài chính khu vực và thế giới. Ngay cả khi kịch bản Brexit chưa ngã ngũ, nó đã tác động tiêu cực đến thị trường châu Âu và Mỹ. Mười ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit tại Anh, hôm 13-6, các chỉ số chứng khoán châu Âu đồng loạt giảm, trong khi chứng khoán Phố Uôn giảm ngày thứ ba liên tiếp.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) được cho là đang “nín thở” chờ kết quả trưng cầu ý dân về Brexit tại Anh và chưa thể đưa ra quyết định nâng lãi suất vào kỳ họp giữa tháng 6 này, vì chưa thể đánh giá hết tác động của Brexit với thị trường tài chính toàn cầu.

Thực tế nêu trên cho thấy, Brexit sẽ là “lợi bất cập hại” với nước Anh và đặt cả Anh và EU vào khó khăn, rắc rối. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Đ.Tu-xcơ vừa cảnh báo, Anh có thể đối mặt bảy năm đình đốn để thương lượng về một mối quan hệ mới, nếu cử tri nước này bỏ phiếu chọn rời khỏi EU. Bởi vì, bất cứ nước nào muốn rời khỏi EU sẽ được giải quyết theo Điều 50 của Hiệp ước Li-xbon, theo đó sẽ có hai năm đàm phán về các điều khoản rời đi với các nước thành viên EU còn lại. Trong khi đó, 27 nước thành viên còn lại cùng Nghị viện châu Âu cũng sẽ phải thông qua kết quả tổng thể. Quá trình này có thể kéo dài ít nhất năm năm và không có gì bảo đảm sẽ thành công.

Tuy nhiên, việc cử tri Anh ngày càng muốn rời bỏ EU và nguy cơ Brexit xảy ra đang là một thực tế mà cả Chính phủ Anh và các nhà lãnh đạo EU có thể không cưỡng lại được. Bởi vậy, giờ là lúc chính phủ của ông Ca-mê-rôn và các nhà lãnh đạo châu Âu phải chuẩn bị đối phó những kịch bản xấu nhất. Về trung hạn, để tránh xảy ra hiệu ứng đô-mi-nô làm tan rã EU, khối này cần tính tới giải pháp cải cách tổng thể để thoát khỏi các cuộc khủng hoảng tồi tệ hiện nay, đồng thời duy trì được sức hấp dẫn của mô hình EU với tất cả quốc gia thành viên.

Từ khóa » Hiệu ứng Brexit