Nguy Cơ đã Hiển Hiện - Báo Bình Phước

Họ đăng những dòng rất trịnh trọng, với những lời lẽ ca ngợi Nguyễn Ánh là người có công lớn với đất nước, kiểu như: “Kỷ niệm 260 năm ngày sinh vua Gia Long - vị hoàng đế đầu tiên của triều Nguyễn. Ông là vị vua có công rất lớn trong việc thống nhất, mở mang bờ cõi nước ta với vùng đất rộng lớn từ ải Nam Quan đến đất Mũi Cà Mau”. Hoặc là những thông tin mang tính câu khách, tâng bốc Nguyễn Ánh hết lời, xem như một vị vua anh minh bằng lối diễn đạt đánh lừa độc giả: “Phát hiện thú vị về vua Gia Long và những kế sách ngoại giao khôn khéo”.

Nguyễn Ánh tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, sinh năm 1762, mất năm 1820, là kẻ đã năm lần bảy lượt cầu viện ngoại bang đem quân sang đánh nhà Tây Sơn, từ Xiêm La đến thực dân Pháp. Năm 1802, với sự suy yếu của vương triều Tây Sơn bắt đầu từ sự ra đi đột ngột của vua Quang Trung (năm 1792), cùng sự giúp đỡ của thực dân Pháp, Nguyễn Ánh đã lật đổ nhà Tây Sơn, lập ra nhà Nguyễn (trước đây, tổ tiên của Nguyễn Ánh chỉ dám xưng chúa - sử gọi là chúa Nguyễn). Trong suốt quá trình từ khi lưu vong nhờ ngoại bang đến khi lên ngôi vua, Nguyễn Ánh đã phạm những tội lỗi không thể dung thứ đối với người thân, gia tộc và đất nước. Để phục vụ mưu đồ bá vương của mình, Nguyễn Ánh đã làm một việc thất đức là dùng chính con trai mình - hoàng tử Cảnh làm con tin để cầm cố cho Pháp; Ánh thậm chí còn giết con trai mình là hoàng tử Cải vì sợ bị tiếm quyền. Khi vợ là bà Phi Yến khuyên không nên cầu viện ngoại bang, Ánh đã giam bà đến chết. Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh đã cho phá thành Thăng Long để chở gạch ngói vào Phú Xuân xây kinh đô Huế.

Nếu cho rằng Nguyễn Ánh là người có công thống nhất giang sơn, xã tắc thì đó là sự hồ đồ về lịch sử, bởi vì vào cuối thời Lê Trung Hưng, chúa Trịnh chiếm đoạt quyền hành nhà Lê ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn cát cứ lập vương triều độc lập ở Đàng Trong, đất nước chia 2 nửa Nam - Bắc phân tranh hơn 200 năm bất phân thắng bại. Chỉ đến khi anh em nhà Tây Sơn lãnh đạo nông dân khởi nghĩa thành công, đánh tan 2 tập đoàn phong kiến Trịnh, Nguyễn cùng nhà Hậu Lê, chấm dứt tình trạng chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài suốt 2 thế kỷ, thống nhất Nam - Bắc, giang sơn liền dải. Cũng chính Quang Trung là người đã lần lượt đập tan các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La ở phía Nam và Mãn Thanh ở phía Bắc. Trong khi đó, giống như Lê Chiêu Thống ở phía Bắc đã rước 29 vạn quân Mãn Thanh vào giày xéo đất nước mình nhằm bảo vệ quyền lợi của cá nhân, gia đình, dòng tộc mình thì ở miền Nam, Nguyễn Ánh đã quỳ gối mời giặc Xiêm La vào nước ta. Sau khi Xiêm La bị thất bại, Nguyễn Ánh đã cầu viện giặc Pháp đánh nhà Tây Sơn hòng chiếm lại vương quyền. Thậm chí, khi nghe tin quân Thanh giúp Lê Chiêu Thống sang đánh Tây Sơn và đã tiến chiếm Thăng Long, Nguyễn Ánh từng sai chở 50 vạn cân gạo ra giúp quan quân Tôn Sĩ Nghị, tuy nhiên âm mưu bất thành do giữa đường đi bị sóng to, gió lớn đánh chìm.

Năm 1787, hầu tước Montmorin đại diện cho vua Louis XVI của Pháp và Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) thay mặt Nguyễn Ánh ký Hiệp ước Versailles. Hiệp ước này gồm 10 khoản, nội dung chính là vua Pháp cam kết cung cấp cho Nguyễn Ánh 4 tàu chiến loại frégaté cùng 1.200 bộ binh, 200 pháo binh, 250 lính Cafres (lính da đen châu Phi) và các phương tiện trang bị vũ khí tương ứng; ngược lại, Nguyễn Ánh phải chấp thuận cắt cửa biển Đà Nẵng và quần đảo Côn Lôn cho Pháp; cho phép người Pháp được quyền tự do buôn bán và kiểm soát thương mại của người nước ngoài ở Việt Nam; phải cung cấp thủy thủ, tàu bè, lương thực và quân nhu thiết yếu cho Pháp khi Pháp có chiến tranh với một nước khác ở khu vực Viễn Đông; mỗi năm phải đóng 1 chiếc tàu, y như tàu của nước Pháp đã cho sang giúp, để đem sang trả cho vua nước Pháp. Đổi lại, Pháp sẽ đưa quân đội, vũ khí sang giúp đánh nhà Tây Sơn. “Công lao” của Nguyễn Ánh chính là đã mở đường cho sự can thiệp của Pháp ở Việt Nam qua việc mời Pháp giúp xây dựng các thành trì lớn, huấn luyện quân đội và khoan thứ cho việc truyền đạo Công giáo tại Việt Nam. Nguyễn Ánh nếu đem so với Lê Chiêu Thống thì cũng là kẻ tám lạng, người nửa cân, giống nhau như 2 giọt nước ở chỗ “cõng rắn cắn gà nhà”, “rước voi giày mả tổ”, bán nước cầu vinh.

Nguyễn Ánh đã gây dựng nên triều đình nhà Nguyễn - một triều đình trong suốt thời gian tồn tại 143 năm - luôn thỏa hiệp và cắt đất cho ngoại bang để giữ vững ngai vàng của mình. Chẳng hạn như phủ Trấn Ninh gồm các huyện Khám Liên, Quảng, Khang, Cát, Xuy, Mộc và Liêm rộng khoảng 45.000km² được Nguyễn Ánh cống nạp cho vương quốc Vạn Tượng (nay là tỉnh Xiêng Khoảng của Lào) để nhận lấy sự ủng hộ của họ trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Năm 1827, nhà Nguyễn đã cắt huyện Sầm Nưa, phủ Trấn Biên, tỉnh Thanh Hóa cho nước Ai Lao; 3 huyện Cam Môn, Cam Cát, Cam Linh trước đây thuộc tỉnh Nghệ An nhưng đến năm 1840 nhà Nguyễn cũng cắt cho Ai Lao. Phủ Lạc Biên thuộc Việt Nam năm 1828, sau cũng được nhà Nguyễn cắt cho Lào, nay là Savannakhet. Hay cam tâm tình nguyện để thực dân Pháp ngang nhiên cắt đất của tổ tiên dâng cho nhà Thanh theo Công ước Pháp - Thanh năm 1887. Khôn ngoan đâu chưa thấy, song lãnh thổ của Tổ quốc mất về tay ngoại bang là có thật, là sự thật hiển nhiên đau lòng, là tội nhân thiên cổ của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Ánh chính là kẻ đã thừa hưởng thành tựu thống nhất giang sơn của hoàng đế Quang Trung. Thế nhưng, vì sao ngày nay một số nhà sử học, trí thức “cấp tiến”, các tờ báo mạng lại trơ trẽn, tráo trở, bất trung, bất nghĩa vinh danh, ca ngợi Nguyễn Ánh? Mục đích cuối cùng của hành vi này là gì? Câu trả lời của trò “lật sử” này chỉ có thể là tạo tiền lệ công nhận và đạo đức hóa hành vi rước ngoại xâm vào lãnh thổ của ngụy Việt Nam Cộng hòa, cuối cùng là tấn công và phủ nhận các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta trong thế kỷ XX nhằm rửa mặt cho Mỹ và bọn bán nước cầu vinh Việt Nam Cộng hòa! Bọn chúng muốn hủy hoại lịch sử vẻ vang của nước ta. Giặc Xiêm La và các nhà truyền đạo phương Tây - công cụ hỗ trợ cho bọn thực dân kiểu cũ vào xâm lược Việt Nam cũng do một tay Nguyễn Ánh rước vào. Một số nhà sử học và thành phần “lật sử” khẳng định rằng, việc xây dựng cố đô Huế, giờ là di sản văn hóa thế giới chính là công lao của Nguyễn Ánh và nhà Nguyễn. Nhưng họ đã cố tình quên rằng, về cơ bản nó là di sản của nhân dân, nhà Nguyễn cũng chỉ dùng sức lực, trí tuệ, của cải của nhân dân để xây dựng mà thôi.

Tóm lại, Nguyễn Ánh chỉ xứng để so sánh với Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống. Nguyễn Ánh cùng phần lớn con cháu của mình đã để lại hậu quả nặng nề cho sự phát triển của đất nước, ôm chân ngoại xâm để bảo vệ đặc quyền gia tộc mà bỏ qua lợi ích dân tộc. Mục đích của bọn “lật sử” khi hết lời ngợi ca Gia Long - Nguyễn Ánh đã rõ. Hãy luôn tỉnh táo để nhận rõ phải - trái, đúng - sai, công - tội nhằm đập tan âm mưu phủ định cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đầy hào hùng của cha ông ta thế kỷ XX.

Từ khóa » Nhân Vật Nguyễn ánh