Nguy Cơ Gây Ung Thư Hắc Tố, Bạn Cần Tránh - Bệnh Viện K

BVK - Ung thư hắc tố là bệnh lý ác tính của các tế bào sinh sắc tố melanin. Các tế bào này phân bố chủ yếu ở lớp đáy của thượng bì (90%). Ung thư hắc tố là một bệnh lý ác tính, nguy hiểm nhất trong ba loại ung thư da vì nó xâm lấn sâu, tiến triển nhanh, di căn sang các bộ phận khác của cơ thể. Dự phòng và sàng lọc ung thư hắc tố sẽ làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư hắc tố.

Về bệnh học ung thư da gồm có 4 loại:

  • Ung thư biểu mô tế bào đáy: hay gặp ở những vùng da hở.
  • Ung thư biểu mô gai sừng hoá: hay phát triển từ sẹo bỏng.
  • Ung thư hắc tố: thường khởi đầu từ một nốt ruồi lành, tàn nhang hoặc một đám sắc tố bẩm sinh (bớt).
  • Các ung thư xuất phát từ các tuyến dưới da như ung thư biểu mô tuyến mồ hôi hay tuyến bã.

U hắc tố ác tính có biểu hiện ban đầu rất đa dạng và đơn giản thường dễ bị bỏ qua mặc dù tổn thương ở ngay trên da, đến khi phát hiện thì đã ở giai đoạn muộn, tế bào ung thư đã di căn xa, khó chữa trị.

Tổn thương trên da là dấu hiệu đầu tiên của ung thư hắc tố

U hắc tố ác tính có thể tiến triển từ một số tổn thương lành tính trên da như nốt ruồi, bớt hắc tố, u hắc tố (đồi mồi ở người cao tuổi), nên cần có sự can thiệpvà sự quan tâm đúng đắn với những tổn thương lành tính này.

Ung thư da nói chung, kể cả ung thư tế bào hắc tố nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi hoàn toàn, cho nên vấn đề chẩn đoán sớm ung thư da càng trở lên cần thiết và quan trọng

Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư hắc tố bao gồm:

  • Ánh nắng mặt trời là tác nhân chủ yếu gây u hắc tố ác tính, trong đó tia cực tím gây nên những biến đổi của nhiễm sắc thể. Hầu hết các trường hợp mắc u hắc tố ác tính đều có tiền sử bị bỏng nắng khi còn trẻ.
  • Khoảng 5% u hắc tố ác tính xuất hiện trên bớt bẩm sinh, nhất là bớt bẩm sinh khổng lồ.
  • Mối liên quan giữa hormon sinh dục nữ (oestrogen) và u hắc tố ác tính cho đến hiện nay vẫn còn chưa rõ.
  • Khoảng 2-5% ung thư tế bào hắc tố có tính chất gia đình và 30% bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc ung thư tế bào hắc tố có những bất thường của gen p16 trên chromosom 9p21.
  • Những người có da thuộc typ 1,2,3 có nguy cơ mắc u hắc tố ác tính cao hơn những người da màu.
  • Di truyền: Khoảng 10% ung thư hắc tố có tính chất gia đình, nhiều trường hợp ung thư hắc tố gặp ở những người có cùng huyết thống, cùng một gia đình, cùng vị trí, ung thư hắc tố có thể xuất hiện từ khi còn trẻ với nhiều nốt ruồi bất thường.
  • Nốt ruồi không điển hình: Khoảng 10 đến 20 % ung thư hắc tố có liên quan tới nốt ruồi. Những người có nốt ruồi không điển hình có nguy cơ phát triển thành ung thư ác tính cao gấp 3 đến 20 lần so với người bình thường.
  • Người có nhiều nốt ruồi: Những người có số lượng nốt ruồi lớn sẽ có nguy cơ mắc ung thư hắc tố cao hơn người bình thường. Đặc biệt, số lượng nốt ruồi cao có liên quan chặt chẽ với ung thư hắc tố ở vị trí cẳng chân hoặc thân mình, so với các vị trí khác.

U hắc tố ác tính phát triển trên một nốt ruồi sẵn có thường hay bị đụng chạm sờ mó, hoặc bị ánh nắng tác động nhiều lần, nhưng không phải nốt ruồi nào cũng biến thành ung thư, tỷ lệ chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

Từ một nốt ruồi bình thường đột nhiên thay đổi về hình dạng, kích thước, hay chảy máu, lớn nhanh, ngứa ngáy. Nốt ruồi biến màu sẫm dần và đặc biệt nếu có dấu hiệu loét, sùi hoặc đang từ màu nâu đồng nhất trở nên đa sắc. Đường viền bình thường rõ và đối xứng, trở nên không đều, nham nhở, bất đối xứng. Bề mặt nốt ruồi mất các vân da bình thường....

  • Tình trạng nhạy cảm với ánh nắng mặt trời: Các cá thể nhạy cảm với ánh nắng như sắc tố da sáng, màu tóc đỏ hoặc vàng, tàn nhang mật độ cao và màu mắt sáng (nâu đỏ, xanh dương) làm tăng nguy cơ phát triển khối u ác tính.
  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc tia cực tím: Bằng chứng lâm sàng và dịch tễ học chứng minh tỷ lệ melanoma cao hơn ở những người có phơi nhiễm mạnh với ánh sáng mặt trời hoặc các nguồn bức xạ cực tím khác. Nguy cơ ác tính cũng tăng do tiếp xúc tia cực tím đặc biệt là trước tuổi 35.
  • Tiền sử điều trị ung thư bằng xạ trị khi còn nhỏ: Tiền sử xạ trị khi còn nhỏ có mối liên quan với sự gia tăng nguy cơ mắc melanoma.
  • Ức chế miễn dich: Đặc biệt những trường hợp ức chế miễn dich lâu dài bằng thuốc như người được ghép tạng, có mối liên quan với sự gia tăng nguy cơ mắc melanoma.
  • Dấu hiệu bất thường trên da như vùng da nhỏ nhám ráp, to nhanh dần trong một thời gian ngắn; vết bầm tím trên da không lành, vết loét lâu ngày không khỏi, móng tay đổi màu......

Phòng ngừa ung thư hắc tố

Từ các nguy cơ trên, để phòng ngừa ung thư hắc tố có thể áp dụng một số biện pháp:

  • Hạn chế và có biện pháp tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
  • Khám chuyên khoa với những trường hợp phát hiện tổn thương nghi ngờ hoặc có tiền sử gia đình có người mắc ung thư hắc tố.
  • Thường xuyên theo dõi và tự khám da toàn thân.
Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời để bảo vệ da

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu khi bệnh ở giai đoạn tại chỗ, tại vùng, các phương pháp điều trị bằng hóa chất, miễn dịch ít hiệu quả, mang tính chất bổ trợ khi bệnh ở giai đoạn muộn.

Để phát hiện sớm căn bệnh này nên chú ý quan tâm tới các vùng cơ thể, đặc biệt là các vùng da hở, chú ý tới sự thay đổi màu sắc, tính chất của nốt ruồi. Khi có triệu chứng nghi ngờ đến ngay cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị. Các nước phát triển khuyên nên đi khám định kỳ 3 năm 1 lần ở độ tuổi 30-39 và khám hàng năm sau tuổi 40 để phát hiện sớm bệnh ung thư da.

Từ khóa » Da Gồm Có *