Nguyễn Chí Bền - Bền Chí Vươn Lên - Báo Công An Nhân Dân điện Tử

Nghe giọng nói trong điện thoại, dù là tiếng Bắc rõ ràng, song tôi đoán ngay đó là khách miền Nam... “Có phải máy của anh Ba Thái Dương không ạ...”.

Khổng Thái Dương là tên do Cục II đặt cho tôi để sử dụng công khai trong căn cứ từ khi vào chiến trường B và sau này trở thành bút danh trong các sáng tác văn học của tôi ở chiến trường. Còn tên trong căn cước để sử dụng khi hoạt động hợp pháp trong lòng địch lại là cái tên đặc trưng con gái - Đỗ Văn Nga - cũng do tổ chức đặt cho.

Khách tới quá nhanh. Ngoài tưởng tượng của tôi vì chỉ 15 phút sau cuộc đàm thoại kết thúc khách đã có mặt tại nhà tôi (khu cư xá Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa). Đó là một người đàn ông tầm thước, tuổi chừng dưới 40, niềm nở, vui tính. Nhấp ngụm nước chè, khách vào đề ngay:

- Em là Nguyễn Chí Bền. Mới ở trong kia ra. Anh Bảy Hoàng, Giám đốc Sở Văn hóa và anh em trong ấy gửi lời thăm và nhờ em chuyển quà quê hương tới anh.

- Cha!... - Tôi thốt reo lên - Vậy là chú mới ở Bến Tre ra... mà này! Chắc chú là học sinh miền Nam tập kết?

- Dạ... Em... Em cũng như anh ý mà. Quê thứ hai đó!

- A!... Chào đồng hương quê dừa thân mến! Vô lâu chưa? Quê gốc ở đâu?

- Thuận Thành, Bắc Ninh. Em vô mới được... (khách khẽ cười) - mới được có... 13 năm thôi.

- Trời ơi!... Thành “thổ địa” rồi còn gì... Vậy là chỉ mấy năm sau giải phóng chú đã...

- Vâng! Từ năm 1977. Hai mươi mốt cái xuân xanh. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Sư phạm I Hà Nội được quyết định về công tác tại Trường cao đẳng Sư phạm Bến Tre. Hôm nay mới được gặp anh nhưng thực ra đã biết anh ngay từ thời mới vô. Cũng là cơ duyên, ngoài giảng dạy, em đi sâu nghiên cứu văn học dân gian Nam Bộ, đặc biệt là ở Bến Tre. Nhờ vậy mà được biết tác giả Thái Dương thông qua nhiều truyện ngắn và thơ in ở Văn nghệ Đồ Chiểu và trên báo chí địa phương thời chiến tranh còn lưu trữ.

Biết tác giả Thái Dương quê miền Bắc nhưng không rõ ở tỉnh nào. Mãi tới năm ngoái trước khi làm thủ tục chuyển vùng công tác mới được anh Bảy Hoàng cho biết địa chỉ cụ thể. Nhưng mới ra, ngổn ngang bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, bươn chải bởi gánh nặng gia đình nên mọi quan hệ tình cảm đành gác lại.

- Vậy cô ấy quê Bến Tre?

- Dạ không. Quê Thành Nam chính gốc nhưng các cụ ra sống ở Hà Nội từ lâu. May mắn, vợ em cũng được chuyển về Đại học Văn hóa. Có hai “cách cách” còn nhỏ xíu nên đành phải thuyết phục bà nội ra trông giúp. Mày mò mãi mới mua được một “túp lều chị Dậu” bên Hào Nam.

- Sao không mọc rễ ở Bến Tre mà lại nhảy về quê dệt?

Bền cười bẽn lẽn: “Bị hớp hồn ở Đại học Sư phạm nên kéo cô nàng cùng vô trong đó”.

Bền đưa tôi túi quà đặc sản Bến Tre - những tôm khô, cá chỉ vàng, bánh chuối, kẹo dừa... và 2 cuốn sách dày cộp - Cuốn “Địa chí Bến Tre” - bìa cứng vừa in xong tại Nhà xuất bản Khoa học Xã hội và bản thảo cuốn “Văn học chữ viết Bến Tre từ khởi thủy tới 30/4/1975". Giọng Bền sôi nổi hẳn lên.

- Cuốn này chuẩn bị in. Em là thành viên trong Ban biên soạn nên được tham dự tất cả các cuộc họp, từ sơ khởi cho tới khi hoàn chỉnh bản thảo. Tiêu chí của việc chọn tác giả là tất cả văn nghệ sĩ quê gốc Bến Tre từ thời cụ Nguyễn Đình Chiểu tới thời điểm giải phóng miền Nam 30/4. Ấy vậy mà lại lọt một ông “Bắc Kỳ chính hiệu” vô đây.

- Vì sao vậy?

- Quan điểm của lãnh đạo địa phương và Hội đồng biên tập là bất kể tác giả nào đã có quá trình chiến đấu ở Bến Tre từ 5 năm trở lên và có tác phẩm viết về quê dừa thì coi như tác giả đó là người Bến Tre. Tác giả Thái Dương được chọn 3 truyện ngắn với tổng số 20 trang trong cuốn sách này.

Tôi cầm tập bản thảo, xúc động, niềm hạnh phúc quá bất ngờ. Người lính sau chiến tranh có nhiều lúc xao xuyến, mủi lòng bởi cảm nhận phảng phất về một sự thờ ơ, quên lãng trước xô bồ những bất công, tiêu cực... Thật không ngờ đồng đội xưa vẫn còn nhớ tới mình. Ôi! Nghĩa tình đồng chí đã một thời sống chết với nhau thật đậm đà, sâu lắng...

Đó là buổi đầu tiên tôi gặp Nguyễn Chí Bền để nhận “đồng hương quê dừa” với nhau và từ đó thi thoảng mới gặp, thường là vào dịp có anh em ở Bến Tre ra Hà Nội. Khi thì ở nhà tôi tại khu cư xá Hoàng Cầu, khi thì ở nhà Bền ở làng Hào Nam. Từ ngõ Quan Thổ đi vào rồi theo một ngách nhỏ xíu, ngoằn ngoèo qua 5, 6 cái cua đến chóng mặt mà tôi tới mấy lần đều bị lạc. Cũng may, nhờ ăn dè hà tiện, vay mượn tứ tung để mua được “túp lều bác Tôm” làm điều kiện “cứu cánh” cho cuộc chuyển vùng công tác thuận lợi.

Những cuộc hội ngộ thời đó chẳng cao lương mỹ vị gì, chỉ rượu đế Liễu Khê (quê Bền) với tôm khô, mực khô, cá chỉ vàng Bến Tre, lạc rang húng lìu... đã trở thành “đại tiệc” tưng bừng đầy tình nghĩa để ôn lại kỷ niệm về mảnh đất máu lửa một thời. Khi đã “nạp 3 xị đế” vào rồi, không ngờ cái ông thầy “mất dạy” ấy lại trở thành một người rất dí dỏm.

Một lần Bền “truy bức” tôi về nhân vật trong một bài thơ tình tôi đã in ở Văn nghệ Đồ Chiểu năm 1971 mà sau này soạn giả Minh Quân đã chuyển thành vọng cổ - “Nè! Anh Ba!... đã tới lúc ông anh phải “bật mí” xem cái cô “đưa tôi chùm dâu em bẽn lẽn mỉm cười” là ai. Hiện giờ cô ấy ra sao?... -“Cha!... Cậu này thóc mách chưa! Định làm cuộc “điều tra” nhân vật trong tác phẩm phải không?...”.

Bền đã tạo ấn tượng cho tôi từ buổi ấy. Quả là một người chịu sưu tầm, nghiên cứu, bởi bài thơ đã phiêu bạt trong đạn bom mấy chục năm trước mà Bền vẫn tìm ra nó. Nội dung bài thơ nói về mối tình của anh du kích An Phước với một cô gái quê dừa đầy nhiệt tình với Cách mạng. Bài thơ có tên gọi “Chuyện mùa dâu chín” với mấy câu mở đầu như sau: “Nhớ buổi gặp em/ Giữa mùa dâu chín/ Đưa tôi chùm dâu em cười bẽn lẽn/ Ăn đi anh chùm dâu ngọt quê nghèo/ Tôi mải ngóng trông theo/ Khi gánh dừa mươi đôi kẽo kẹt theo em về xóm nhỏ/ Rừng dừa reo trong gió/ Gợi lòng người nỗi niềm nhung nhớ/ Hương thơm vị ngọt chùm dâu/ Chắc chưa bằng lời mời em gái...”.--PageBreak--

Những cuộc gặp gỡ sau đó thưa dần. Không phải vì tình cảm nhạt phai mà vì mỗi người ngoài công tác ra còn phải xoay xở, bươn chải mà sống, mà lo cho cái gánh nặng gia đình. Nhất là với hoàn cảnh của Bền - Chân ướt chân ráo “kéo đoàn tàu” về Hà Nội giữa thời buổi cả nước chân ướt chân ráo nhảy vào đổi mới vẫn còn đang ngổn ngang những khó khăn, bất cập. Nhìn gia đình “đồng hương” mà mủi lòng, ái ngại.

Thực tình tôi có tới nhà mấy lần vào ngày nghỉ và buổi tối nhưng đều không gặp. Khi thì các cháu nói “bố cháu đi thực tế”, khi thì bà cụ bảo “bố nó đi học bác ạ”. Tài quá! Phục quá! Cuộc sống gieo neo như thế mà vẫn có tâm trí đi học thì ghê thật. Đến “Thần tài” cũng rơi nước mắt.

Bẵng đi một thời gian, đùng một cái nghe tin Nguyễn Chí Bền vừa bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ (nay là học vị tiến sĩ). Tháng 6/1995, lại nghe tin Bền được đề bạt Phó tổng biên tập Tạp chí Văn hóa - Nghệ thuật. Hơn một năm sau lên Tổng biên tập.

Rồi lại đùng một cái, năm 2002 nghe tin Nguyễn Chí Bền được đề bạt chức vụ Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật, sau đó đổi tên là Viện Văn hóa - Thông tin, là Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhiệm kỳ 2004-2009. Năm 2003, được phong chức danh Phó giáo sư Văn hóa học và năm 2006, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Cái “vắng bóng” và sự “thiếu mặn mà” giữa chúng tôi thời gian gần đây là vậy. Từ cái nguyên nhân thiếu hụt thời gian nên chẳng nỡ trách nhau. Hãy lấy mốc thời gian vừa tròn một con giáp - từ ngày Nguyễn Chí Bền chuyển công tác về Hà Nội (1990) tới năm 2002 - đó là thời gian đầy biến động về sự thăng tiến của một đời người cũng đủ đánh giá về sức bền bỉ phấn đấu vươn lên của Nguyễn Chí Bền. Nó lại diễn ra trong thời điểm mà nạn tham nhũng, tiêu cực trở thành hiện tượng nhức nhối trong đời sống xã hội.

Rì rầm đó đây về chuyện mua quan, bán chức, cậy thế cậy quyền, ô dù che chắn... để có nơi người đời phải thốt lên - “Không ô không dù tù mù ngồi đó”; “Không lọng không ô - chẳng cóc khô nào biết”... Sự đời có thực như thế đấy. Song, với Nguyễn Chí Bền, theo hiểu biết của tôi thì anh không thuộc diện trên. Chẳng có ô dù, tán lọng gì sất.

Cũng bởi chức năng công việc mà tôi được biết - kể từ khi Nguyễn Chí Bền về công tác ở Bộ Văn hóa - Thông tin cho tới nay, đã qua mấy thời kỳ thay đổi lãnh đạo Bộ, hầu như Bền không có ai thuộc diện “thân thiết ruột già”. Còn cái “thủ tục đầu tiên” như câu cửa miệng của người đời thì cái ngữ ấy có mà bán cả “cái lều bác Tôm” ở làng Hào Nam đi cũng chả bõ...

Vậy thì bởi lý do gì đây? Phải chăng đó chính là trí tuệ, ý chí vươn lên của một con người mà ông cha ta từ ngàn xưa vẫn thường nói: “Gái có công - chồng không phụ”. Đó chính là cái thiện. Cái tử tế còn sót lại trên cõi đời này để củng cố cho mỗi chúng ta niềm tin và hy vọng.

Nếu chỉ dựa vào hình thức trên để minh chứng e rằng thiếu tính thuyết phục, sẽ rơi vào thế giới duy tâm, vào sự may rủi của số phận. Bởi chúng ta đang sống trong thời buổi không hiếm sự giả dối, không hiếm kẻ ăn theo, nói dựa, sống thân tầm gửi...

Nhà khoa học Nguyễn Chí Bền không thuộc típ người đó. 13 năm làm công tác giáo dục ở Bến Tre, một tỉnh nghèo khó nhất nhì Nam Bộ vậy mà anh vẫn say sưa sưu tầm nghiên cứu văn học dân gian. Dường như văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian các miền quê đất Việt đã ngấm vào máu chàng trai xứ Kinh Bắc Nguyễn Chí Bền.

Chùa Khơme - một thiết chế văn hóa. (Ảnh: Nguyễn Chí Bền).

Nhìn lại kết quả nghiên cứu lĩnh vực văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian 19 năm qua từ cuốn sách biên soạn đầu tay về văn hóa dân gian Bến Tre, xuất bản năm 1988 tới nay, Nguyễn Chí Bền đã trở thành soạn giả riêng của 9 đầu sách đã xuất bản.

Từ “Nữ sĩ Sương Nguyệt Ánh” - sách danh nhân (NXB Phụ nữ) in năm 1990, tái bản năm 1993; “Mãnh hổ giữa đồng hoang” - truyện dân gian Nam Bộ về cọp - NXB Văn hóa dân tộc in năm 1993; “Văn hóa dân gian Nam Bộ” - NXB Giáo dục in năm 1994, tái bản năm 1997,... tới cuốn “Văn hóa dân gian Việt Nam, những suy nghĩ” - NXB Văn hóa dân tộc in năm 1999.

Riêng năm 2006, anh đã cho công bố thêm 2 đầu sách đó là: "Văn hóa Việt Nam mấy vấn đề lý luận và thực tiễn", in tại NXB Văn hóa - Thông tin và cuốn “Góp phần nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam” do NXB Khoa học xã hội ấn hành. Sách dày trên 1.000 trang có nhiều hình ảnh minh họa cho những chuyến khảo sát của mình do chính tác giả thực hiện.

Cùng với những tác phẩm biên soạn riêng, Nguyễn Chí Bền còn là đồng tác giả của 21 đầu sách biên soạn chung đã xuất bản như: "Ba Tri - đất và người"; "Lịch sử xứ dừa Bến Tre"; "Đền hóa Dạ Trạch"; "Đền Chử Đồng Tử"; "Kho tàng truyện trạng Việt Nam"; "Văn hóa phi vật thể xứ Huế"; "Văn hóa dân gian Gia Lai"; "Địa chí Phú Yên"; "Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên"... Cùng với 16 công trình in chung trong các chuyên luận - "Làng nghề, làng văn Hà tây"; "Lễ hội cổ truyền Hà Tây"; "Đạo mẫu ở Việt Nam"; "Văn hóa Thăng Long hội tụ và tỏa sáng"; "Một thế kỷ sưu tầm, nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Việt Nam và châu Á"...

Thật không ngờ!... Dẫu rằng đã quen biết Nguyễn Chí Bền gần 20 năm nay. Song, nếu chỉ nghe ai đó kể lại thì người viết bài này cũng khó mà tin. Nhưng không tin sao được khi trên bàn viết của tôi đã hội tụ đầy đủ những tư liệu vừa kể.

Bỗng dưng trong tôi lại nảy sinh một sự liên tưởng kỳ lạ vào cái năm Bính Thân (1956) ở làng Liễu Khê, Song Liễu, Thuận Thành, Bắc Ninh, một công dân tí hon chào đời, không hiểu sao phụ mẫu cậu bé lại đặt cho cậu cái tên là Bền - Nguyễn Chí Bền.

Cái tên trở thành định mệnh tạo sự bền chí vươn lên để bước sang thế kỷ XXI Nguyễn Chí Bền đã trở thành một nhà khoa học chuyên tâm nghiên cứu về văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc, một tấm gương về sự bền chí phấn đấu vươn lên để mỗi chúng ta, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam noi theo

Từ khóa » Nguyễn Chí Bền