Nguyễn Du Khóc… Tố Như ? - Tạp Chí Sông Hương
NGUYỄN DƯ
Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như - Ảnh: internetBài tựa Truyện Thúy Kiều của Trần Trọng Kim có đoạn: - Ấy là cái tâm sự của tiên sinh (Nguyễn Du) đã đem gửi vào tập Truyện Thúy Kiều để hậu thế ai có con mắt tinh đời, thì soi xét đấy, mà thở dài thay cho một người tài tình, tiết nghĩa, sinh không gặp thời, phải đày đọa ở chốn phong trần, để tấm lòng son sắt mai một đi mất. Bởi thế nên khi tiên sinh sắp mất, có khẩu chiếm hai câu rằng: Bất tri tam bách dư niên hậu Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như (Không biết hơn ba trăm năm sau, Thiên hạ ai người khóc Tố Như?) Vậy nay ta đọc Truyện Kiều, mà có “khóc người đời xưa”, thì những người thức giả hẳn không ai cho là “khéo dư nước mắt” nữa(1). Trần Trọng Kim nhắc lại giai thoại Nguyễn Du “khẩu chiếm” hai câu thơ lúc sắp mất của cụ nghè Nguyễn Mai, thuộc thế hệ thứ mười họ Nguyễn Tiên Điền, kể cho Lê Thước và Phan Sĩ Bàng nghe năm 1924. Năm 1943, Đào Duy Anh khám phá ra hai câu thơ này là của bài Độc Tiểu Thanh ký, nằm trong Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du. Thì ra giai thoại Nguyễn Du “khẩu chiếm” chỉ là chuyện cụ nghè Nguyễn Mai bịa đặt để tâng bốc tổ tiên. Dù sao thì Nguyễn Du cũng đã để lại cho hậu thế hai câu thơ… mới lạ, thậm chí… khó hiểu. Có lẽ Nguyễn Du là người đầu tiên tự hỏi đời sau ai sẽ khóc mình? (Tố Như là tên tự của Nguyễn Du).
Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký được Nguyễn Du sáng tác trong khoảng thời gian ông làm quan ở Bắc Hà (1802 - 1804). Hồ-Tây cảnh đẹp hoá gò hoang, Thổn thức bên song mảnh giấy tàn. Son phấn có thần chôn vẫn hận, Văn chương không mệnh đốt còn vương. Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi, Cái án phong lưu khách tự mang. Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, Người đời ai khóc Tố Như chăng? (Bản dịch của Vũ Văn Tập) Tiểu Thanh là một người con gái có tài, có sắc, sống vào đầu đời Minh. Nàng họ Phùng lấy lẽ một người cũng tên là Phùng, vì tránh tên chồng, nên gọi là Tiểu Thanh. Vợ cả ghen, bắt ở một ngôi nhà trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ, chẳng bao lâu buồn mà chết. Lúc bấy giờ mới mười tám tuổi. Nay ở Cô Sơn (Chiết Giang) vẫn còn mộ. Tiểu Thanh có một tập thơ nói tâm sự của mình. Lúc nàng chết rồi, vợ cả ghen, lấy đốt đi. Còn sót một số bài, người ta chép lại gọi là Phần dư cảo. Có thuyết nói tính từ khi Tiểu Thanh mất cho đến lúc Nguyễn Du làm bài thơ Độc Tiểu Thanh ký là được ba trăm năm(2). Nhiều nhà nghiên cứu đã dựa vào câu thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (thiên hạ ai người khóc Tố Như?) để cho rằng Nguyễn Du đã nói về mình. - Hà Huy Giáp có nhận xét: Hơn ba trăm năm sau khi Tiểu Thanh, người con gái tài sắc đất Quảng Lăng mất, Nguyễn Du trong một bài thơ nói về nàng đã ngậm ngùi than thở: “Văn chương không có số mệnh gì mà sao người đời phải bận lòng đến những bài thơ còn sót lại sau khi đốt?” Rồi nhà thơ lớn của dân tộc ta đặt câu hỏi về mình: Ba trăm năm lẻ về sau nữa, Thiên hạ ai người khóc Tố Như? Trong xã hội phong kiến xưa, Tiểu Thanh phải đợi đến hơn ba trăm năm sau mới có một người tri kỷ như Nguyễn Du khóc mình, cho nên câu hỏi của Nguyễn Du không phải là không duyên cớ(3). - Bàn về triết lí Truyện Kiều, Hoàng Ngọc Hiến cũng dẫn hai câu thơ để đi đến kết luận: Triết lý của Nguyễn Du quả là không tương xứng với tác phẩm thiên tài của Nguyễn Du. Tác giả Truyện Kiều vẫn là một trí tuệ lớn, không phải là “trí tuệ của trí tuệ” mà đây là “trí tuệ của trái tim”. Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? Câu hỏi đau đớn và tha thiết này bao hàm một nỗi lo và ít nhiều hy vọng. Ngày nay chúng ta có thể hiểu được nỗi lo và niềm hy vọng của nhà thơ. Càng ngày càng thấy không thể quên được cái “tình” của Nguyễn Du, còn cái “lý” của Nguyễn Du, cuộc sống hiện tại đã khiến mỗi chúng ta thấy rõ là vô lý(4). Truyện Kiều còn đọng lại trong lòng chúng ta cho đến nay nỗi đau nhân tình của một tâm hồn u ẩn. Có lẽ ít có nhà thơ đã gửi gấm vào tác phẩm mình một tâm sự khó hiểu như Nguyễn Du, khóc người rồi lại đặt câu hỏi về mình: Không biết hơn ba trăm năm sau, Thiên hạ ai người khóc Tố Như?(5) Tuy nhiên… Có đúng là Nguyễn Du khóc người và đặt câu hỏi về mình như các học giả nhận xét không? Nguyễn Du thương nhớ nàng Tiểu Thanh, một cô gái trẻ đẹp, biết làm thơ, cũng như Nguyễn Du thương xót nàng Kiều xinh đẹp, đàn hay, là điều rất dễ hiểu. Chẳng cần bàn nhiều. Nhưng, Nguyễn Du là một nhà nho, một ông quan “dòng dõi một nhà thế phiệt trâm anh đệ nhất trong nước lúc bấy giờ” mà lại băn khoăn tự hỏi đời sau “thiên hạ ai người khóc Tố Như”, ai sẽ khóc mình thì quả thật là điều khó hiểu, dễ gây thắc mắc. Khó hiểu vì Nguyễn Du đã từng “dùi mài kinh sử” như bất cứ ai theo nghiệp “lều chõng”. Ông thuộc lòng “Tứ thư, Ngũ kinh”, thông suốt những lời dạy của đức thánh Khổng “vạn thế sư biểu”. Ông quên hết rồi sao? Đức Khổng Tử nói rằng: “Chớ lo mình không có chức vị; chỉ lo mình chẳng đủ tài đức để lãnh lấy chức vị mà thôi. Chớ lo người ta chẳng biết mình; chỉ cầu cho mình trở nên giỏi giắn và có đạo hạnh đặng đáng cho người ta biết vậy thôi” (Luận ngữ, chương Lý Nhân). Đức Khổng Tử nói rằng: “Người quân tử buồn vì mình không đủ tài đức; chớ chẳng buồn vì người ta chẳng biết mình”. (Luận ngữ, chương Vệ Linh Công). Đức Khổng Tử nói rằng: “Người quân tử trông cậy ở mình; kẻ tiểu nhơn trông cậy ở người”. (Luận ngữ, chương Vệ Linh Công)(6). - Nguyễn Tố-Như tiên sinh không những đã hiểu rõ cái tư tưởng của Phật học ở trong Truyện Kiều mà thôi, tiên sinh còn làm bài Văn tế thập loại chúng sinh cũng theo đúng cái tư tưởng ấy. Vậy tôi (Trần Trọng Kim) dám chắc rằng tiên sinh là một người học rộng, tinh thông cả Nho học và Phật học(7). Đạo Phật có thuyết “vô thường, vô ngã”, giải thích rằng mọi vật đều thay đổi từng sát na. Không có cái gì, kể cả “cái tôi, cái ta” là trường tồn, bất biến. Chúng sinh khổ vì bám víu vào bản ngã, bám víu vào “cái tôi, cái ta”. Một người tinh thông Phật học như Nguyễn Du mà lại thắc mắc đời sau ai sẽ khóc “cái tôi” của Tố Như sao? Chẳng lẽ Nguyễn Du lại tự kiêu, tự đại đến mức quên cả giáo lý của Phật, của Khổng Tử? Nếu Nguyễn Du chưa “phá giới”, không coi thường Khổng giáo thì câu thơ “khấp Tố Như” phải được hiểu như thế nào? Xin bàn về cụm từ “khấp Tố Như”. Từ trước đến nay, các nhà nghiên cứu đều tự động viết hoa hai chữ Tố Như và hiểu rằng đó là tên tự của Nguyễn Du. 1) Bản thân chữ Hán không có chữ hoa, chữ thường, chấm, phẩy v.v. như chữ quốc ngữ. Chữ hán viết không phân biệt danh từ riêng (tên người, tên đất) với danh từ chung. Vậy thì trước hết hãy thử viết “thiên hạ hà nhân khấp tố như” một cách bình thường. “Tố như” không viết hoa, không còn được hiểu là tên tự của Nguyễn Du. Nhưng, “khấp tố như” là… khóc ai, khóc cái gì? 2) Thi nhân ngày xưa có thú chơi chữ bằng cách chiết tự. Một thí dụ được nhiều người biết là nhà của họ Hồ (Hồ Xuân Hương) được đặt tên là Cổ Nguyệt đường. Chữ Hồ chiết tự thành chữ Cổ + chữ Nguyệt. Nguyễn Du cũng có tài chiết tự. Mọi người còn nhớ trong Truyện Kiều có hồi Sở Khanh viết giấy hẹn ngày đưa Thúy Kiều đi trốn. Mở xem một bức tiên mai, Rành rành “tích việt” có hai chữ đề Lấy trong ý tứ mà suy: “Ngày hai mươi mốt, tuất thì phải chăng?” Đào Duy Anh giải thích: Hai chữ “tích việt” được chiết tự thành “trấp + nhất + nhật, tuất + tẩu”, nghĩa là “ngày hai mươi mốt, giờ tuất thì đi trốn”(8). Trần Trọng Kim giải thích hơi khác: xem trong truyện tiểu thuyết (của Tàu) thì chữ “tích việt” cắt nghĩa là (trấp nhất nhật tuất thì việt tường tương kiến, nguyên văn viết bằng chữ hán) ngày 21, giờ tuất, trèo qua tường sang với nhau, chứ không phải là (trấp nhất nhật tuất thì tẩu) ngày 21 giờ tuất thì trốn. Vì lúc bấy giờ Kiều mới gặp mặt Sở Khanh, sau cách hai ngày nữa Sở Khanh mới rủ Kiều đi. Đọc truyện Kiều của Nguyễn Du thì thấy giải thích của Đào Duy Anh đúng và đầy đủ hơn giải thích theo truyện Tàu của Trần Trọng Kim. Xin trở lại trường hợp “khấp tố như”. Rất có thể là chữ như cũng đã được Nguyễn Du chiết tự: Như = Nữ + Khẩu. Tố như chiết tự thành tố nữ khẩu. Tố nữ là người con gái đẹp. Phàm cái gì nhan sắc mộc mạc cũng gọi là tố cả (Hán Việt tự điển, Thiều Chửu). Tranh dân gian Đông Hồ, tranh Oger, hay tranh trong sách của Durand đều có tranh Tố nữ. Tố nữ khẩu là “miệng người con gái đẹp”. Hiểu theo nghĩa rộng là “những lời nói của người con gái đẹp”. Nguyễn Du muốn ám chỉ những câu thơ giãi bày tâm sự của nàng Tiểu Thanh xinh đẹp chăng? Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp “tố nữ khẩu”? Ba trăm năm sau khi Tiểu Thanh chết, Nguyễn Du ngậm ngùi đọc những lời tâm sự của nàng trong Phần dư cảo. Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du trước sau chỉ xoay quanh chuyện “hồng nhan bạc mệnh”. Nguyễn Du không vô duyên, đang nhớ Tiểu Thanh lại quay sang thắc mắc đời sau ai sẽ khóc mình. Nếu đúng là Nguyễn Du, tự Tố Như, đã chiết tự “tố như” thành “tố nữ khẩu” thì… xin ngả nón bái phục! N.D (SHSDB33/06-2019) ................................................... (1) Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim, Truyện Thúy Kiều, Tân Việt, in lần thứ tám, tr. 16. (2) Thơ chữ hán Nguyễn Du, Văn Học, 1965, tr. 161-163. (3) Hà Huy Giáp, Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du, Khoa Học Xã Hội, 1967, tr.169. (4) Hoàng Ngọc Hiến, Kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du, sđd, tr. 284-285. (5) Hà Huy Giáp, Truyện Kiều, Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, 1976, tr. 23. (6) Đoàn Trung Còn, Tứ Thư, Thuận Hoá, 2011. (7) Trần Trọng Kim, Truyện Thúy Kiều, sđd, tr. 42. (8) Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, Khoa Học Xã Hội, 1989.
Các bài mới Một vùng văn hóa Ô Lâu (12/07/2019) Các bài đã đăng Người đàn bà và con mèo (12/07/2019) Lời cầu hôn trên đỉnh tháp Phước Duyên (08/07/2019) Chùm thơ Đặng Văn Sử (05/07/2019) Thơ Nguyễn Quang Hà hay là cuộc sống và tình yêu vi vu giữa vũ trụ sinh thành (04/07/2019) Người đàn ông ở ngã tư đường (04/07/2019) Chùm thơ Ngàn Thương (04/07/2019) VÀNG trên biển đá đen (28/06/2019) Trăng biển (28/06/2019) Chùm thơ Trường Thắng (28/06/2019) Bay đêm (27/06/2019) Tạp chí Sông Hương Số 429 (T.11-24) Số 428 (T.10-24) » Năm 1983 » Năm 1984 » Năm 1985 » Năm 1986 » Năm 1987 » Năm 1988 » Năm 1989 » Năm 1990 » Năm 1991 » Năm 1992 » Năm 1993 » Năm 1994 » Năm 1999 » Năm 2000 » Năm 2001 » Năm 2002 » Năm 2003 » Năm 2004 » Năm 2005 » Năm 2006 » Năm 2007 » Năm 2008 » Năm 2009 » Năm 2010 » Năm 2011 » Năm 2012 » Năm 2013 » Năm 2014 » Năm 2015 » Năm 2016 » Năm 2017 » Năm 2018 » Năm 2019 » Năm 2020 » Năm 2021 » Năm 2022 » Năm 2023 » Năm 2024 Góc ảnh đẹp Bạn đọc nhiều Học viện Âm nhạc Huế khai giảng năm học mới và trao bằng tốt nghiệp Chuyện một “công tử” Huế từ cửa Ngọ Môn đến Thành Hà Nội Phủ An Khánh Quận vương Về bản Nôm Kim Vân Kiều tân truyện 金雲翹新傳, Liễu Văn Đường khắc in năm 1880 mới được phát hiện Kỳ nghỉ phép thứ bảy Quảng cáoTòa soạn: 09 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế Điện thoại: 0234. 3686669 (Trị sự) - 3822338 (VP) - 3846066 Ban Biên tập: songhuongtapchi@gmail.com Ban Trị sự: tapchisonghuong.vn@gmail.com
© Bản quyền thuộc về Tạp chí Sông Hương ® Ghi rõ nguồn "Tạp chí Sông Hương Online" khi phát hành lại thông tin từ website này.
Từ khóa » Khấp Và Khốc
-
Thiên 81: GIẢI TINH VI LUẬN. - Y Dược Tinh Hoa
-
"Khấp Tố Như" - Báo Nghệ An
-
Tra Từ: Khấp - Từ điển Hán Nôm
-
Giải Thích Cung Phương Của Bát Quái (của Bói Toán Thường Thức)
-
Về Cách Hiểu Bài Thơ "Độc Tiểu Thanh Ký" - Công An Nhân Dân
-
[Danmei] Khốc Khấp Thiên Sứ [Đoản Văn]
-
Lửa Bừng Nhật Tảo - Báo Đà Nẵng
-
Vũ Trung Khốc Khấp (Nhạc Tình Huống TVB) - V.A - NhacCuaTui
-
Minh định Lại Tác Giả Từ Một Bài Thơ được Chép Trong Quốc Sử Di Biên
-
Các Cung Còn Lại Trong 8 Cung Của Các Hướng Chính Trong Bát Trạch
-
Thưởng Thức Thơ Chữ Hán Nguyễn Du Của Trần Nguyên Thạch ...