Nguyên Mẫu “ngôi Nhà Bá Kiến” Nổi Tiếng Trong Tác Phẩm “Chí Phèo”

Ngôi nhà Bá Kiến – vật chứng lịch sử, một kiến trúc độc đáo

Xã Hòa Hậu còn được biết đến bởi món cá kho Đại Hoàng nổi tiếng, hay còn nổi tiếng bởi chuối ngự tiến vua. Đây cũng là quê hương của cố nhà văn Nam Cao, Hòa Hậu trước đây vốn làng “Đại Hoàng”, cũng từ chính bối cánh ngôi làng này mà cố nhà văn Nam Cao đã viết ra tác phẩm văn học kinh điển “Chí Phèo”.

Cũng chính ở ngôi làng này vẫn còn một “vật chứng lịch sử” vẫn sừng sững thời gian, đó là căn nhà của cụ Bá Bính, chính là nguyên mẫu để nhà văn Nam Cao xây dựng nhân vật Bá Kiến.

Đường vào khu nhà nhân vật Bá Kiến
Đường vào khu nhà nhân vật Bá Kiến

Đã hơn 1 thế kỷ đi qua, dù đã nhuộm màu “úa bạc” của thời gian, những “thăng trầm” của chiến tranh, cũng như những câu chuyện “ba chìm bảy nổi” của 7 đời chủ nhà. Nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét cổ kính, mộc mạc cũng như những giá trị về văn hóa lịch sử mà nó mang lại. Chính vì vậy mà người dân xã Hòa Hậu mới truyền tục nhau đoạn thơ nói về sự vững chắc, trường tồn của ngôi nhà Bá Kiến:

"Đại Hoàng còn lại một ngôi nhà

Nếp cổ gỗ lim mái ngói ta

Bảy chủ thay nhau quyền sở hữu

Hơn trăm năm tuổi vượt phong ba.."

Nhà của Bá Kiến là ngôi nhà thời kiểu thôn quê Bắc Bộ những năm đầu thế kỷ 20, xây trên một khu đất rộng chừng 900m2. Nhà có mặt nhìn về hướng Đông Nam, theo đúng cách phong thủy của người Phương Đông Việt xưa, ngoảnh về phương Đông, hướng về phía Nam. Nên người xưa mới bảo, những ngôi nhà có thế, có hướng kiểu này thường là vượng khí, bền bỉ.

Hơn 1 thế kỷ trôi qua, ngôi nhà của cụ Bá Bính dù đã ố màu thời gian, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được những nét cổ kính của giai đoạn 1940 – 1945.
Hơn 1 thế kỷ trôi qua, ngôi nhà của cụ Bá Bính dù đã ố màu thời gian, nhưng ngôi nhà vẫn giữ được những nét cổ kính của giai đoạn 1940 – 1945.

Ngôi nhà có kết cấu theo kiểu “lộn thềm ngưỡng chồng, tàu bảy then trâu chồng chóp”, vì ngoài hiên có hè rộng, lại có hàng cột vững chãi và hàng dãi che mưa, chắn nắng. Kiến trúc ngưỡng chồng của nhà Bá Kiến là ngưỡng cửa được chồng cao lên 1m, khác hẳn với ngưỡng thấp, sát sàn. Trên mái nhà có tàu, có bảy, có then câu đan cài vững chãi vào nhau, lại được chồng chóp, nghĩa là chồng từ dưới xà thành lớp lớp lên tận mái nhà, một kiểu kiến trúc rất cầu kỳ, tinh xảo của những ngôi nhà đẳng cấp xưa.

Nhà có 3 gian theo truyền thống người Việt Nam, có 4 hàng cột với tổng cộng 16 cây cột lim, chân cột được kê đá tảng là một loại đá xanh được đẽo gọt công phu. Mái nhà lợp duy nhất một loại ngói ta theo kiểu bít đốc, hai đầu bờ nóc có đấu vuông giật cấp. Cửa ghép bức bàn, ngoài hiên có một hàng dãi dùng (hay còn gọi là tấm liếp) chống nắng và mưa được làm bằng gỗ. Tất cả gỗ của ngôi nhà này đều bằng lim. Trên các văng, kèo, li tô được chạm khắc nhiều chữ nho, hình rồng.

Nhà có mặt nhìn về hướng Đông Nam, theo đúng cách phong thủy của người Phương Đông Việt xưa, ngoảnh về phương Đông, hướng về phía Nam. Nên người xưa mới bảo, những ngôi nhà có thế, có hướng kiểu này thường là vượng khí, bền bỉ
Nhà có mặt nhìn về hướng Đông Nam, theo đúng cách phong thủy của người Phương Đông Việt xưa, ngoảnh về phương Đông, hướng về phía Nam. Nên người xưa mới bảo, những ngôi nhà có thế, có hướng kiểu này thường là vượng khí, bền bỉ

Khi xây dựng ngôi nhà, người ta trộn mật mía, bồ hóng vào vôi và thêm một số phụ gia khác để làm thành hồ xây nhà. Gạch dùng xây tường và lát nền nhà thì được nung bằng rơm nên dù qua thời gian nhưng bức tường vẫn không hề bong tróc.

Trên nóc thượng ốc của ngôi nhà có khắc dòng chữ Nho, ghi lại thời gian xây nhà là năm 1910, đầu thế kỷ 20. Tính đến nay đã 104 năm, ngôi nhà cũng đã trải qua đến 7 đời chủ, cùng những hưng thịnh của các đời chủ, ngôi nhà cũng mấy lần chìm trước phong ba và đứng trước cửa tử.

Người dựng ngôi nhà này chính là cụ Cựu Hanh. Cụ Hanh là một lái buôn giàu có nổi tiếng khắp vùng nam đồng bằng Sông Hồng lúc bấy giờ. Cụ Cựu Hanh đã thuê một tốp thợ mộc hơn 20 người ở phủ Lý Nhân làm ròng rã gần 1 năm mới xong. Khi vừa dựng xong ngôi nhà đã mang hình hài, thần thái dấu ấn văn hóa đẳng cấp của người chủ giàu có nhất vùng.

Thời đấy, ngôi nhà của cụ Cựu Hanh phải nói là “độc nhất vô nhị”, khắp phủ Lý Nhân và các tỉnh khác khó mà bì kịp. Riêng 16 cột lim và lối kiến trúc thuộc kiểu nhà này là vô cùng hiếm có. Toàn bộ cột kèo của ngôi nhà Bá Kiến được chạm khắc hình rồng, phượng rất tinh xảo. Những hình này người xưa gọi là “chạm bong” vì nó được trạm thẳng vào thanh bảy, làm nổi lên từng múi, từng hình khối vừa tinh xảo lại mất nhiều công.

Toàn bộ cột kèo của ngôi nhà Bá Kiến được chạm khắc hình rồng, phượng rất tinh xảo
Toàn bộ cột kèo của ngôi nhà Bá Kiến được chạm khắc hình rồng, phượng rất tinh xảo

Sau này, khi cụ Cựu Hanh mất đi đã để lại ngôi nhà này cho người con trai là Trần Duy Xầm, tiếp đến cụ Xầm mất đi để lại cho con cả là cụ Cựu Cát. Cụ Cựu Cát là người chơi bời nghiện ngập rượu chè, thường hay vay nợ, sau đó cụ Cựu Cát đã gạt nợ ngôi nhà về tay cụ Bá Bính - tên thật là Trần Bá Bính, cũng chính là nguyên mẫu của nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm “Chí Phèo”.

Sau khi cụ Bá mất đi, ngôi nhà được để cho con trai cụ là Trần Duy Tảo hay còn gọi là Binh Tảo. Khi Binh Tảo mất đi con cháu có ý định bán nhà. Lúc đó cụ Trần Thế Lễ đã có ý định mua ngôi nhà về xẻ ra lấy 16 cột gỗ lim để dựng nhà. Nhưng may mắn cho căn nhà, cụ Lễ chưa mua được thì ngôi nhà được cụ Cai Hậu, tên thật là Trần Hữu Hậu là một Việt kiều mua lại. Mặc dù rất giàu có, nhưng cụ Cai Hậu lại không có con trai nối dõi nên căn nhà sau này được chuyển cho người cháu của cụ là ông Trần Hữu Hòa.

Đến năm 2007 với mục đích lưu giữ ngôi nhà này Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Nam đã quyết định mua lại căn nhà để dựng khu di tích theo trục đền Trần Thương - Nhà tưởng niệm nhà văn liệt sĩ Nam Cao – nhà Bá Kiến. Hiện nay nhà Bá Kiến đang được đang giao cho UBND xã Hòa Hậu phụ trách trông coi và đón tiếp các du khách về đây tìm hiểu, tham quan, học tập.

Đức Văn

Từ khóa » Nguyên Mẫu Bá Kiến