️ Nguyên Nhân Gây Sưng Tấy Chân Và Mắt Cá Chân (P1)

Nguyên nhân gây sưng chân và mắt cá chân

Dưới đây là 8 nguyên nhân tiềm ẩn khiến chân và mắt cá chân bị sưng.

1. Chấn thương bàn chân hoặc mắt cá chân

Chấn thương ở bàn chân hoặc mắt cá chân có thể gây sưng mắt cá chân và vùng cẳng chân. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chấn thương ở khu vực này là bị bong gân.

Bong gân vùng mắt cá chân có thể xảy ra do bước đi sai tư thế, hoặc chấn thương khi chơi thể thao hoặc tập luyện. Điều đó xảy ra khi các dây chằng nối mắt cá chân với bàn chân và chân bị kéo ra khỏi vị trí ban đầu.

Người bị bong gân mắt cá chân có thể bị đau và hạn chế khả năng vận động ở mắt cá chân hoặc bàn chân.

Điều trị

Phương pháp điều trị phổ biến nhất cho các chấn thương ở chân hoặc mắt cá chân là thủ thuật RICE. RICE là từ viết tắt của:

  • Nghỉ ngơi (Rest): Cho bàn chân bị ảnh hưởng được nghỉ ngơi giúp ngăn ngừa tổn thương thêm.
  • Đá (Ice): Chườm đá lên vết thương giúp làm tê liệt cảm giác đau và giảm sưng. Nên bọc đá vào khăn trước khi chườm lên da. Tốt nhất, mọi người nên chườm túi đá trong 10 - 20 phút, ba lần trở lên cho mỗi ngày.
  • Băng ép (Compression): Đeo băng ép sẽ giúp giảm sưng.
  • Nâng cao lên (Elevation): Nâng cao bàn chân hoặc mắt cá chân trên mức tim sẽ giúp giảm sưng.

2. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng ở bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân có thể gây sưng tấy ở khu vực này.

Những người bị bệnh đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng ở bàn chân của họ. Do đó, họ nên kiểm tra bàn chân thường xuyên để tìm vết bầm tím, vết cắt và vết xước.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh đái tháo đường và Tiêu hóa và Bệnh thận (NIDDK), những người bị đái tháo đường và nhiễm trùng ở bàn chân hoặc chân mà không được điều trị có thể bị hoại tử. Hoại tử là tình trạng các mô cơ thể chết đi do hậu quả của nhiễm trùng nặng hoặc giảm tưới máu.

Điều trị

Việc điều trị nhiễm trùng bàn chân phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Nếu nhiễm trùng dẫn đến hoại tử, người bệnh có thể được yêu cầu phẫu thuật để loại bỏ các ngón chân hoặc bàn chân.

3. Phù bạch huyết

Phù bạch huyết là tình trạng chất lỏng dư thừa tích tụ trong các mô của cơ thể, gây sưng tấy. Phù bạch huyết xảy ra khi các hạch bạch huyết của một người bị tổn thương hoặc không còn do đã được phẫu thuật cắt bỏ.

Hạch bạch huyết là các tuyến tạo nên một phần của hệ thống miễn dịch cơ thể. Chúng có nhiệm vụ giúp loại bỏ chất lỏng từ các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nếu các hạch bạch huyết trong khung chậu bị tổn thương hoặc cắt bỏ sẽ khiến chất lỏng tích tụ ở chân.

Người bị phù bạch huyết có thể cảm thấy nặng nề hoặc sưng phù ở chân hoặc các bộ phận cơ thể khác mà bị ảnh hưởng.

Điều trị

Một số lựa chọn điều trị cho bệnh phù bạch huyết bao gồm:

  • Băng bó chân bị ảnh hưởng
  • Mang vớ áp lực
  • Xoa bóp các hạch bạch huyết
  • Thực hiện các bài tập nhẹ nhàng
  • Chăm sóc da tốt để giảm nguy cơ nhiễm trùng và phù bạch huyết liên quan

phù bạch huyết

4. Suy tĩnh mạch

Các tĩnh mạch bên trong chân có các van đặc biệt ngăn dòng máu chảy ngược. Suy tĩnh mạch là tình trạng các van này không còn hoạt động bình thường. Kết quả là, các tĩnh mạch không còn vận chuyển đúng lượng máu từ chân trở về tim.

Khi bị suy tĩnh mạch, máu chảy ngược xuống chân và đọng lại trong các mô mềm của cẳng chân và mắt cá chân. Người bị suy tĩnh mạch cũng có thể gặp phải các tình trạng như:

  • Loét da
  • Thay đổi màu da
  • Nhiễm trùng

Điều trị

Theo Stanford Health, việc điều trị suy tĩnh mạch liên quan đến việc đưa máu trở lại chân. Những điều sau đây có thể giúp ích:

  • Tránh bắt chéo chân khi ngồi hoặc nằm
  • Nâng cao chân
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Mang vớ áp lực

Người bệnh cũng có thể được kê thuốc để điều trị suy tĩnh mạch. Loại thuốc được kê sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và sức khỏe tổng thể của mỗi người.

5. Huyết khối

Huyết khối ở chân có thể gây ra sự sưng tấy ở mắt cá chân và chân. Tình trạng này thường có xu hướng phát triển ở một bên của chi.

Có hai loại cục máu đông chính:

  • Huyết khối bề mặt, xảy ra trong tĩnh mạch gần bề mặt da hơn
  • Huyết khối ở tĩnh mạch sâu (DVT), xảy ra trong tĩnh mạch sâu bên trong cơ thể

Nên đến khám bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây của huyết khối:

  • Sưng và đau ở một chân
  • Đau nặng ở chân bị ảnh hưởng
  • Một vùng da có nhiệt độ cao hơn ở chân bị ảnh hưởng
  • Một vùng da đỏ ửng phía sau và dưới đầu gối
  • Sự thay đổi màu sắc của chân
  • Sốt nhẹ

Đôi khi, một phần của huyết khối vỡ ra và di chuyển đến tim, phổi hoặc não có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.

Điều trị

Thông thường, những người có huyết khối được dùng thuốc chống đông máu, giúp ngăn huyết khối hình thành lớn hơn và giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông mới. Hai loại thuốc chống đông máu phổ biến là heparin và warfarin.

Xem tiếp: Nguyên nhân gây sưng tấy chân và mắt cá chân (P2)

Chủ đề liên quan: Giãn tĩnh mạch chi dưới

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Sưng Mặt Bàn Chân