Nguyên Nhân Nhức Mỏi Lưng Dưới Và Cách điều Trị Nhanh Khỏi Nhất

Nhức mỏi lưng, nhất là nhức mỏi lưng dưới, là vấn đề mà bất kì độ tuổi nào cũng có thể gặp phải. Đặc biệt, do tính chất công việc phải ngồi nhiều hoặc vận động quá mạnh nên nhức mỏi lưng rất hay gặp ở người trưởng thành. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng đây lại là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn tật trên toàn thế giới. Vậy nguyên nhân nhức mỏi lưng là do đâu và làm cách nào để đối phó với tình trạng này? Bài viết sau xin chia sẻ chi tiết hơn tới bạn đọc!

Nguyên nhân nhức mỏi lưng dưới và cách điều trị nhanh khỏi nhất 1

Mục lục

  • Các triệu chứng nhức mỏi lưng dưới
  • Nguyên nhân gây nhức mỏi lưng dưới
    • Căng cơ lưng hoặc dây chằng
    • Các bệnh lý xương khớp
    • Vấn đề chấn thương
    • Một số nguyên nhân khác
  • Đối tượng nào dễ bị nhức mỏi lưng dưới?
  • Làm gì để giảm nhức mỏi lưng dưới?
    • Các biện pháp khắc phục nhức mỏi lưng tại nhà
    • Điều trị nhức mỏi lưng bằng thuốc
    • Điều trị nhức mỏi lưng bằng phẫu thuật
    • Các biện pháp khác giúp giảm nhức mỏi lưng
    • Máy massage xung điện Omron – giải pháp xoa dịu nhức mỏi lưng tại nhà

Các triệu chứng nhức mỏi lưng dưới

Triệu chứng chính khi bạn bị nhức mỏi lưng dưới là cảm giác đau nhức ở vùng thắt lưng. Các cơn đau nhức có thể từ đau âm ỉ, liên tục đến đột ngột, đau buốt, khiến người bệnh rơi vào tình trạng mệt mỏi, khó chịu, hạn chế thực hiện các công việc hàng ngày. Lâu ngày, khu vực nhức mỏi có thể lan rộng ra, thường gặp nhất là đau ở mông và chân.

Nhức mỏi lưng dưới thường được chia làm 3 cấp độ, tùy thuộc vào thời gian tiến triển. Tình trạng nhức mỏi cấp tính thường diễn ra trong vòng vài ngày tới vài tuần (dưới 6 tuần). Nếu nhức mỏi tiếp tục trong khoảng 6-12 tuần, có thể bạn đã bước sang giai đoạn nửa mãn tính. Nhức mỏi lưng sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính trong trường hợp các triệu chứng đau nhức kéo dài liên tục hơn 3 tháng.

Nhiều trường hợp, các cơn nhức mỏi lưng sẽ tự biến mất sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể sẽ diễn biến nặng hơn và trở nên khó kiểm soát.

Nguyên nhân gây nhức mỏi lưng dưới

Lưng là một bộ phận có cấu trúc phức tạp bao gồm dây chằng, cơ, xương… hoạt động phối hợp cùng nhau để nâng đỡ cơ thể và cho phép ta di chuyển. Bất kỳ thành phần nào trong số này nếu gặp vấn đề hoặc bị tổn thương đều có thể dẫn đến nhức mỏi lưng. Một số trường hợp, tình trạng nhức mỏi lưng vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng.

Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp nhất gây nhức mỏi lưng dưới:

Căng cơ lưng hoặc dây chằng

Căng cơ lưng hoặc dây chằng 1
Căng cơ thắt lưng là một nguyên nhân rất phổ biến gây nhức mỏi lưng dưới

Đây có thể coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến chứng nhức mỏi lưng ở đa số người bệnh. Tình trạng đau nhức diễn ra do các cơ bắp và dây chằng xung quanh cột sống thắt lưng bị kéo căng quá mức.

Một số hoạt động có thể dẫn đến căng cơ và dây chằng vùng lưng dưới bao gồm:

– Nâng hoặc mang vác vật quá nặng: Khi nâng vật nặng, áp lực sẽ dồn lên vùng cột sống, làm chèn ép các đĩa đệm và hệ thống dây thần kinh, gây ra tình trạng nhức mỏi.

– Duy trì quá lâu một tư thế: Nếu bạn giữ nguyên một tư thế trong thời gian quá dài, các mô cơ và dây chằng sẽ bị hạn chế hoạt động. Điều này cũng cản trở sự lưu thông tuần hoàn và làm các cơn nhức mỏi lưng xuất hiện.

– Thay đổi tư thế đột ngột: Các chuyển động đột ngột cũng có thể dẫn đến co thắt cơ do cơ thể chưa kịp thích ứng và dẫn đến nhức mỏi lưng.

– Tư thế hoạt động xấu: Các tư thế xấu khi thực hiện các công việc hàng ngày sẽ làm ảnh hưởng tới đường cong sinh lý của cột sống, gây chèn ép các cơ, mạch máu và gây đau nhức khó chịu.

Các bệnh lý xương khớp

Cột sống là bộ phận cấu tạo vô cùng quan trọng của cơ thể. Rất nhiều vấn đề khác nhau có thể ảnh hưởng tới cơ quan này và gây ra nhức mỏi lưng, trong đó, không thể không kể đến các bệnh lý xương khớp, điển hình bao gồm:

– Thoái hóa cột sống: Đây là bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi nhưng hiện nay càng ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Thoái hóa cột sống khiến lớp sụn xương dần bị mài mòn và hình thành các gai xương, dẫn đến tình trạng đau nhức vùng thắt lưng.

– Viêm xương khớp: Viêm xương khớp có thể gây đau nhức tại nhiều vị trí, trong đó rất hay gặp ở hông và lưng dưới. Nguyên nhân là do các sụn khớp ở khu vực lưng dưới bị tổn thương và suy giảm chất lượng. Theo thời gian, bệnh lý này còn có thể dẫn đến hẹp ống sống – tình trạng không gian giữa dây thần kinh cột sống và tủy sống bị thu hẹp và đây cũng là một nguyên nhân gây nhức mỏi thắt lưng.

– Loãng xương: Loãng xương là tình trạng xương trở nên giòn, xốp và dễ dẫn tới xẹp hoặc gãy xương cột sống. Đốt sống bị xẹp có thể tạo áp lực lên dây thần kinh liên sườn làm xuất hiện các cơn đau nhức lưng từ âm ỉ đến dữ dội.

– Thoát vị đĩa đệm: Cột sống bao gồm các đốt sống xếp chồng lên nhau. Vùng mô đệm giữa hai đốt sống chính là đĩa đệm. Khi bị thoát vị đĩa đệm, đĩa đệm không còn ở vị trí bình thường mà sẽ chèn ép vào dây thần kinh gây tình trạng nhức mỏi lưng.

Các bệnh lý xương khớp 1
Dây thần kinh bị chèn ép do thoát vị đĩa đệm gây nhức mỏi lưng

Vấn đề chấn thương

Chấn thương là một tình trạng rất hay gặp trong cuộc sống thường ngày, như vấp ngã, tai nạn xe… Khi bị chấn thương, các mô có thể chỉ bị tổn thương đơn giản hoặc nghiêm trọng hơn như gãy xương, trật khớp cấp tính.

Các chấn thương có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của lưng, nhưng hay gặp nhất là các chấn thương vùng lưng dưới. Khi bị chấn thương, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau liên quan đến thể chất, trong đó có đau nhức lưng. Tình trạng nhức mỏi lưng sẽ có mức độ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.

Vấn đề chấn thương 1
Các chấn thương vùng lưng dưới do tai nạn là nguyên nhân gây nhức mỏi lưng

Một số nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân bên trên, có một số vấn đề khác cũng có thể được coi là nguyên nhân gây nhức mỏi lưng, bao gồm:

– Sỏi thận: Thận nằm tựa vào các cơ khu vực thắt lưng, do đó, khi bị sỏi thận, bạn cũng có thể gặp triệu chứng đau nhức lưng dưới.

– Mang thai: Khi thai phát triển, áp lực càng ngày càng lớn sẽ dồn lên cột sống người mẹ. Ngoài ra, khi mang thai, cơ thể mẹ sẽ tiết ra các hormon giúp nới lỏng dây chằng để ổn định xương chậu và cột sống thắt lưng. Những lý do này khiến các đốt sống thắt lưng có thể bị ảnh hưởng gây đau nhức, khó chịu.

– Các khối u: Các khối u này thường là từ vị trí khác di căn đến cột sống và gây đau đớn cho người bệnh, thường gặp nhất là u do di căn từ ung thư vú, thận, tuyến tiền liệt và phổi. Tuy nhiên, nguyên nhân nhức mỏi lưng do các khối u khá hiếm gặp.

Đối tượng nào dễ bị nhức mỏi lưng dưới?

Nhức mỏi lưng dưới có thể gặp ở bất kì lứa tuổi nào dù già hay trẻ. Tuy nhiên, một số yếu tố sẽ khiến bạn dễ bị nhức mỏi lưng hơn, điển hình có thể kể đến:

– Tuổi tác: Càng lớn tuổi, bạn càng dễ bị nhức mỏi lưng. Thông thường, tình trạng nhức mỏi lưng dưới sẽ bắt đầu khi bạn bước vào lứa tuổi 30 đến 40 tuổi.

– Lười vận động: Khi không được vận động thường xuyên, các cơ sẽ bị yếu dần đi, điển hình như cơ ở lưng và bụng, dẫn đến đau nhức lưng dưới.

– Thừa cân, béo phì: Nếu bị thừa cân, béo phì, trọng lượng của cơ thể sẽ tạo nên một áp lực lớn tới cột sống thắt lưng và có thể gây ra nhức mỏi.

– Bệnh tật: Các bệnh lý liên quan tới xương khớp và ung thư là một yếu tố quan trọng làm tăng nguy cơ nhức mỏi lưng.

– Nâng đồ vật không đúng cách: Khi bạn đặt trọng tâm vào lưng thay vì chân khi nâng đồ vật nào đó, nhất là vật nặng, các cơn đau mỏi lưng có thể xuất hiện.

– Các bệnh tâm lý: Nếu bạn bị trầm cảm và hay lo lắng, nguy cơ phải đối mặt với chứng nhức mỏi lưng cũng sẽ cao hơn so với người có sức khỏe tâm lý bình thường.

– Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có tỷ lệ bị đau nhức lưng cao hơn, có thể do thuốc lá gây ho nhiều và dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Một lý do khác là hút thuốc nhiều sẽ làm giảm lưu lượng máu tới cột sống và tăng nguy cơ loãng xương.

Đối tượng nào dễ bị nhức mỏi lưng dưới? 1
Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị nhức mỏi lưng

Làm gì để giảm nhức mỏi lưng dưới?

Hầu hết các cơn nhức mỏi lưng sẽ thuyên giảm sau khoảng 1 tháng điều trị tại nhà. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng bệnh và cơ địa của từng người, diễn biến của bệnh có thể khác nhau. Tình trạng nhức mỏi lưng có thể sẽ không biến mất trong vài tháng ở nhiều người, nhưng chỉ một số ít người bị đau dai dẳng và dữ dội.

Các cơn đau nhức đôi khi sẽ trở nên nặng hơn hoặc quay trở lại sau một thời gian khỏi bệnh. Vì vậy, tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn các biện pháp để ngăn ngừa và giảm bớt được chứng nhức mỏi lưng khi cần thiết. Sau đây là một số phương pháp khá hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:

Các biện pháp khắc phục nhức mỏi lưng tại nhà

Các bài tập giảm nhức mỏi lưng

Các động tác giãn cơ và các bài luyện tập nhẹ nhàng là phương pháp được nhiều người áp dụng hiệu quả để giảm nhức mỏi lưng, cũng như ngăn ngừa các vấn đề có thể xảy ra do nhức mỏi lưng.

Các bài tập yoga rất được khuyến khích do vừa giúp giảm căng thẳng, vừa là một cách tuyệt vời để giảm nhức mỏi lưng. Một số tư thế yoga, như tư thế Cat – cow, giúp kéo căng và tăng cường các cơ ở lưng, nhờ đó có thể làm dịu cơn đau và giảm các vấn đề về lưng trong tương lai. Các bước thực hiện tư thế Cat – cow như sau:

  • Bước 1: Tạo tư thế cái bàn bằng cách chống tay và đầu gối xuống sàn hoặc thảm tập. Tay chống thẳng và vuông góc với sàn với bàn tay xòe rộng, hai tay rộng bằng vai. Tương tự, hai đầu gối thẳng và rộng bằng hông, duỗi mũi chân.
  • Bước 2: Nhẹ nhàng hít vào, võng lưng xuống tối đa, đồng thời nâng cằm, mắt hướng lên trần nhà. Giữ tư thế trong khoảng 5 giây
  • Bước 3: Thở ra từ từ và cuộn lưng lên cao, bắt đầu từ vùng thắt lưng, lưng giữa rồi lưng trên, gập cằm về sát ngực. Bạn nên cố gắng gù cao lưng lên hết mức trong khoảng 5 giây để cảm nhận vùng cột sống đang được kéo giãn.
  • Bước 4: Lặp lại các thao tác ở bước 2 và 3 trong khoảng 5-10 nhịp thở.
  • Bước 5: Từ từ hít vào và trở về tư thế ở bước 1, sau đó, bạn đưa mông ngồi về gót chân và thư giãn nhẹ nhàng.

Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội… để duy trì sức khỏe toàn diện, cũng như tăng cường sức mạnh và tính linh hoạt của cơ bắp và cột sống.

Trước khi luyện tập, bạn cần khởi động làm ấm cơ thể. Các bài tập nên được thực hiện một cách từ từ, tùy theo khả năng của bản thân, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia để có tư thế tập đúng nhất, đạt hiệu quả cao hơn.
Các biện pháp khắc phục nhức mỏi lưng tại nhà 1
Tư thế Cat-cow có hiệu quả giúp giảm bớt nhức mỏi lưng và ngăn ngừa các vấn đề về lưng có thể xảy ra trong tương lai

Chườm ấm hoặc chườm lạnh

Chườm đá giúp làm giảm cảm giác khó chịu và nhức mỏi trong các trường hợp đau nhức lưng cấp tính do viêm. Bạn cần lưu ý không nên chườm trực tiếp đá lạnh lên da, hãy bọc đá trong khăn hoặc gạc mỏng trước khi chườm để tránh làm tổn thương da.

Chườm ấm cũng có thể thực hiện để giảm nhức mỏi lưng khi tình trạng viêm đã thuyên giảm. Ngoài ra, bạn hãy xem xét chườm ấm và lạnh xen kẽ nếu phù hợp với tình trạng của bản thân.

Các biện pháp khắc phục nhức mỏi lưng tại nhà 2
Chườm đá giúp giảm nhức mỏi lưng cấp tính do viêm

Tắm muối

Tắm nước nóng có thể giúp xoa dịu các cơn nhức mỏi cơ thể rất tốt. Đặc biệt, hiệu quả sức khỏe đối với lưng sẽ càng được tăng cường nếu bạn cho thêm một chút muối Epsom (muối vô cơ Magie sulfat) vào nước trong lúc ngâm mình. Khi đó, cơ thể sẽ hấp thụ các khoáng chất từ nước muối và làm xoa dịu nhức mỏi.

Ngoài ra, muối Epsom có thể tẩy tế bào chết và làm mềm da, giảm ngứa nên rất có lợi cho làn da của bạn. Bạn nên ngâm mình ít nhất 20 phút và tốt nhất là sau các bài tập thể dục.

Điều trị nhức mỏi lưng bằng thuốc

Tùy vào tình trạng nhức mỏi của bạn, bác sĩ có thể kê các loại thuốc khác nhau. Một số thuốc hay được sử dụng để làm giảm đau nhức lưng bao gồm:

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Các thuốc như Ibuprofen hoặc Naproxen có thể làm thuyên giảm các cơn đau nhẹ và vừa khi nhức mỏi lưng. Bạn nên dùng các thuốc này theo chỉ dẫn của bác sĩ, lạm dụng quá mức có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Ngoài ra, hãy cẩn thận khi sử dụng các NSAIDs nếu bạn đang bị loét dạ dày hoặc có vấn đề về thận.

– Thuốc giãn cơ: Nếu các cơn đau nhẹ đến trung bình không đỡ khi dùng NSAIDs, bác sĩ có thể sẽ kê cho bạn thuốc giãn cơ, đặc biệt nếu có dấu hiệu co thắt cơ. Các thuốc giãn cơ như Cyclobenzaprine, Metaxalone… sẽ tác động lên thần kinh trung ương để giảm đau nên có thể gây tác dụng phụ chóng mặt và buồn ngủ.

– Thuốc bôi ngoài da: Các sản phẩm này có thể có hiệu quả cao làm giảm nhức mỏi lưng do chứa các thành phần như Ibuprofen và Lidocain.

– Thuốc giảm đau Opioid: Các thuốc thuộc nhóm này ví dụ như Oxycodone và Hydrocodone, chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn với sự giám sát chặt chẽ của bác sĩ, khi bạn có các cơn đau dữ dội, không đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường.

– Thuốc chống trầm cảm: Bác sĩ có thể kê Amitriptylin – môt thuốc chống trầm cảm 3 vòng trong trường hợp bạn bị đau nhức nghiêm trọng. Thuốc chống trầm cảm cũng hiệu quả tốt hơn khi nhức mỏi lưng có nguyên nhân liên quan đến dây thần kinh.

– Steroid: Nếu các biện pháp giảm đau khác không có hiệu quả và cơn đau lan xuống chân, bác sĩ có thể tiêm Steroid (Cortisone) cùng với thuốc tê vào vùng quanh tủy sống để giảm viêm quanh rễ dây thần kinh. Việc tiêm Steroid giảm đau thường chỉ kéo dài 1 đến 2 tháng.

Điều trị nhức mỏi lưng bằng thuốc 1
Thuốc giảm đau là một giải pháp có thể sử dụng để xoa dịu các cơn nhức mỏi lưng

Điều trị nhức mỏi lưng bằng phẫu thuật

Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng, nhưng hiếm khi phải dùng đến khi bạn bị nhức mỏi lưng. Phẫu thuật thường chỉ dành cho những trường hợp bất thường về cấu trúc (như hẹp ống sống hoặc thoát vị đĩa đệm) và không đáp ứng với các thuốc hoặc liệu pháp điều trị khác.

Bác sĩ sẽ xem xét tình hình và có thể quyết định phẫu thuật nếu các cơn đau nhức của bạn diễn ra dữ dội và liên tục hoặc có chèn ép dây thần kinh làm cơ trở nên yếu. Thông thường, các trường hợp nhức mỏi lưng do thoát vị đĩa đệm nặng hay cần đến phẫu thuật để kiểm soát tình trạng bệnh.

Các biện pháp khác giúp giảm nhức mỏi lưng

Ngoài việc sử dụng thuốc giảm đau hay luyện tập tại nhà, bạn có thể tham khảo một số phương pháp khác để giảm bớt nhức mỏi lưng như sau:

– Châm cứu: Tuy không phải là phương pháp được khuyến nghị, châm cứu đôi khi có thể được sử dụng để giảm nhức mỏi lưng trong các trường hợp không xác định được nguyên nhân. Bạn sẽ được châm các kim nhỏ vào một số huyệt đạo trên lưng, khi đó cơ thể sẽ tiết ra Endorphin – một chất giảm đau tự nhiên, cũng như làm kích thích các mô cơ và thần kinh.

– Vật lý trị liệu: Các nhà trị liệu sẽ dùng các biện pháp khác nhau như nắn chỉnh xương khớp, kích thích xung điện và giới thiệu một số bài tập để cải thiện sức mạnh, sự linh hoạt của lưng, bụng. Bạn sẽ được khuyến khích thực hành các kỹ thuật thường xuyên, ngay cả khi hết đau, để ngăn ngừa nhức mỏi tái phát.

– Massage: Massage lưng cũng là một phương pháp hiệu quả giúp giảm nhức mỏi do làm giãn cơ, thả lỏng các khe khớp và tăng cường tuần hoàn. Ngoài ra, massage không chỉ giúp xoa dịu nhức mỏi mà còn giúp thư giãn cơ thể. Bạn nên kết hợp massage và các bài luyện tập giãn cơ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Máy massage xung điện Omron – giải pháp xoa dịu nhức mỏi lưng tại nhà

Máy massage xung điện Omron - giải pháp xoa dịu nhức mỏi lưng tại nhà 1
Máy massage xung điện Omron là một phương pháp tiện lợi giúp giảm nhức mỏi lưng ngay tại nhà

Massage là một phương pháp hiệu quả làm giảm nhức mỏi lưng, nhưng nếu bạn không muốn tốn thời gian và chi phí đến các tiệm spa thì máy massage xung điện Omron chính là giải pháp dành cho bạn.

Máy massage xung điện Omron với kích cỡ nhỏ gọn nên bạn có thể mang theo bên mình vô cùng thuận tiện. Với nhiều chế độ hoạt động khác nhau, máy massage sẽ giúp bạn thư giãn không khác gì như đi spa bất kỳ lúc nào. Các cơn nhức mỏi lưng sẽ được xoa dịu hiệu quả nhờ 3 tác động của máy, bao gồm: ngăn chặn các tín hiệu đau, kích thích cơ thể tiết chất giảm đau tự nhiên Endorphin và cải thiện lưu thông máu đến vùng bị đau nhức.

Không chỉ massage ở lưng, máy massage xung điện Omron có thể dùng ở nhiều vùng cơ thể khác nhau như vai, gáy, chân, tay… tùy theo vị trí nhức mỏi của bạn. Ngoài ra, máy massage cũng giúp tăng khả năng cử động cho bệnh nhân viêm khớp và có lợi cho quá trình hồi phục chấn thương.

Clip sau sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về tác dụng của máy massage xung điện Omron:

Nhức mỏi lưng có thể bắt nguồn từ các bệnh lý xương khớp nghiêm trọng hoặc sự bất thường của một số cơ quan khác, nếu không điều trị có thể làm bệnh diễn biến phức tạp hơn nhưng lại hay bị nhiều người bỏ qua. Tốt nhất, bạn nên thăm khám bác sĩ sớm để phát hiện và kiểm soát kịp thời tình trạng bệnh. Ngoài ra, hãy duy trì một tinh thần thoải mái, thường xuyên luyện tập thể thao để tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa nguy cơ nhức mỏi lưng bạn nhé!

Nguồn tham khảo:

    1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/back-pain/symptoms-causes/syc-20369906
    2. https://medlineplus.gov/backpain.html
    3. https://medlineplus.gov/ency/article/007422.htm
    4. https://www.nhs.uk/conditions/back-pain/
    5. https://www.healthline.com/health/back-pain

Từ khóa » ê Lưng Dưới