Tình Trạng đau Cơ Lưng, đau Nhức Sống Lưng Và Cách điều Trị | Hapacol
Đau nhức sống lưng và đau cơ lưng là một tình trạng xuất hiện khá phổ biến trong cuộc sống, hầu như ai cũng từng cảm thấy đau, mỏi ở lưng vào một thời điểm nào đó. Vậy bạn đã hiểu rõ về tình trạng đau cơ lưng chưa? Hãy tìm hiểu cùng Hapacol nhé!
Đau nhức sống lưng có khả năng xảy ra ở mọi lứa tuổi vì nhiều lý do khác nhau. Ví dụ như người lớn tuổi có nguy cơ bị đau cơ lưng dưới nhiều hơn do các yếu tố nghề nghiệp lúc còn trẻ tác động và tình trạng thoái hóa đĩa đệm do lão hóa.
Đau lưng dưới có thể liên quan đến cột sống thắt lưng, đĩa đệm giữa các đốt sống, dây chằng xung quanh cột sống và đĩa đệm, tủy sống và dây thần kinh, cơ lưng dưới, cơ quan nội tạng trong ổ bụng và xương chậu, da quanh vùng thắt lưng.
Đau ở lưng trên có khả năng do rối loạn động mạch chủ, khối u ở ngực và viêm cột sống.
MỤC LỤC NỘI DUNG
- 1. Đau nhức lưng là gì?
- Phân loại đau lưng theo khu vực
- Phân loại đau lưng theo cấp độ
- 2. Nguyên nhân nào gây đau nhức sống lưng và đau cơ lưng?
- Căng cơ
- Vấn đề về cấu trúc
- Tư thế và chuyển động
- Các nguyên nhân khác
- Những yếu tố khiến bạn dễ bị đau cơ lưng
- 3. Những triệu chứng đau cơ lưng phổ biến
- 4. Sự khác biệt giữa đau cơ lưng mạn tính và cấp tính
- 5. Điều trị đau cơ lưng và đau nhức sống lưng
- Biện pháp tại nhà
- Điều trị y tế
- Các liệu pháp bổ sung và thay thế
- Phẫu thuật
- 6. Làm sao để bạn phòng ngừa tình trạng đau cơ lưng và đau nhức sống lưng?
- Tập thể dục
- Chế độ ăn uống
- Hút thuốc
- Trọng lượng cơ thể
- Đứng, ngồi đúng tư thế
- Nâng đồ vật đúng cách
- Lựa chọn giày phù hợp
- Giường ngủ
1. Đau nhức lưng là gì?
Đau lưng (hay đau nhức lưng) là hiện tượng người bệnh gặp những cơn đau âm ỉ, kéo dài chủ yếu ở phần lưng. Cảm giác đau có thể lan ra các vùng như cánh tay, bàn tay hay bàn chân, gây tê yếu tứ chi. Ngoài ra, các đợt đau lưng có thể cấp tính, bán cấp tính hoặc mãn tính tùy theo thời gian.
Đau lưng được chia thành 2 loại chính đó là: Đau lưng theo khu vực và đau lưng theo cấp độ.
Phân loại đau lưng theo khu vực
Các tình trạng đau lưng theo khu vực thường gặp nhất đó là đau vùng cổ, đau lưng trên (vùng giữa lưng), đau lưng dưới (vùng thắt lưng) và đau vùng xương cụt. Cụ thể:
- Đau vùng cổ: Người bệnh cảm thấy đau nhức hoặc điện giật từ cổ xuống cánh tay.
- Đau lưng trên: Khó chịu ở cột sống giữa đáy cổ tới cuối lồng ngực.
- Đau lưng dưới: Vùng thắt lưng là vùng chịu ảnh hưởng nhiều nhất và gây đau lưng nhất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tổn thương cơ bắp (căng cơ) hoặc dây chằng (bong gân).
- Đau vùng xương cụt: Đau trong hoặc xung quanh các cấu trúc xương ở cuối cột sống.
Phân loại đau lưng theo cấp độ
- Đau lưng cấp tính: cơn đau diễn ra dưới 6 tuần.
- Đau lưng bán cấp: từ 6 đến 12 tuần.
- Đau lưng mãn tính: trên 12 tuần. Đây cũng là tình trạng mà bạn nên chủ động tìm gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Xem thêm: Đau thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
2. Nguyên nhân nào gây đau nhức sống lưng và đau cơ lưng?
Lưng là một cấu trúc phức tạp bao gồm cơ bắp, dây chằng, gân, đĩa đệm và xương hoạt động cùng nhau để hỗ trợ cơ thể và giúp chúng ta di chuyển dễ dàng. Các đoạn của cột sống đều có một miếng đệm giống như sụn được gọi là đĩa đệm.
Khi bất kỳ cấu tạo nào gặp vấn đề đều sẽ dẫn đến đau cơ lưng. Thế nhưng trong một số trường hợp, nguyên nhân đau lưng chưa được biết chính xác.
Một số nguyên nhân gây đau lưng phổ biến như:
Căng cơ
Đau cơ lưng thường bắt nguồn do cơ bị kéo căng quá mức hay chấn thương. Nguyên nhân thường gặp của đau cơ lưng là:
- Cơ bắp hoặc dây chằng bị kéo giãn
- Co thắt cơ bắp
- Căng cơ
- Đĩa đệm bị tổn thương
- Chấn thương, gãy xương hoặc té ngã
Các hoạt động có khả năng dẫn đến căng hoặc co thắt cơ bao gồm:
- Nâng đồ vật không đúng cách
- Nâng đồvật quá nặng
- Vận động đột ngột hoặc sai tư thế
Xem thêm: Đau lưng mỏi gối tê tay: Nguyên nhân và cách chữa trị
Vấn đề về cấu trúc
Một số vấn đề liên quan đến cấu trúc lưng cũng có thể gây đau cơ lưng và đau nhức sống lưng nói chung.
- Rách đĩa đệm: Giữa các đốt sống trong cột sống đều được đệm bởi một đĩa đệm. Nếu đĩa đệm bị rách sẽ gây ra nhiều áp lực lên dây thần kinh, dẫn đến đau lưng.
- Phồng/lồi đĩa đệm: Tương tự như rách đĩa đệm, khi một đĩa đệm bị phồng/lồi ra cũng tạo áp lực lên dây thần kinh ở cột sống.
- Đau thần kinh tọa: Sẽ có một cơn đau dữ dội nhói lên ở mông và lan xuống phía sau đùi và bắp chân. Nguyên nhân thường là phồng đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm gây chèn ép dây thần kinh.
- Viêm khớp: Viêm xương khớp có thể gây ra nhiều vấn đề về khớp ở hông, lưng dưới và nhiều nơi khác. Một số trường hợp, không gian bên trong ống tủy bị thu hẹp, được gọi là hẹp ống sống.
- Độ cong bất thường của cột sống: Khi cột sống cong vẹo bất thường sẽ có khả năng gây ra đau lưng.
- Loãng xương: Xương, bao gồm cả các đốt sống của cột sống, trở nên giòn và xốp sẽ làm tăng nguy cơ gãy xương.
- Vấn đề về thận: Sỏi thận hay nhiễm trùng ở thận cũng có khả năng dẫn đến đau cơ lưng.
Tư thế và chuyển động
Đau cơ lưng và đau nhức sống lưng cũng có thể do một số hoạt động hàng ngày hay tư thế không đúng gây nên. Ví dụ:
- Xoay, vặn mình
- Ho hoặc hắt hơi
- Căng cơ
- Giãn cơ quá mức
- Cong lưng trong thời gian dài
- Đẩy, kéo, nâng hoặc mang/vác đồ vật
- Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài
- Cơ cổ bị kéo căng về phía trước, chẳng hạn như khi lái xe hoặc sử dụng máy vi tính
- Lái xe trong thời gian dài liên tục mà không nghỉ ngơi, kể cả cổ vẫn giữ thẳng
- Ngủ trên nệm không có tác dụng hỗ trợ nâng đỡ cơ thể và giữ thẳng cột sống
Các nguyên nhân khác
Một số vấn đề sức khỏe cũng có khả năng gây ra đau nhức sống lưng và đau cơ lưng:
- Hội chứng chùm đuôi ngựa (Cauda equina): Chùm đuôi ngựa là một bó rễ thần kinh cột sống bắt nguồn từ đoạn cuối cùng của tủy sống. Các triệu chứng bao gồm đau âm ỉ ở lưng dưới và mông, tê ở mông, cơ quan sinh dục ngoài và đùi. Đôi khi bạn có thể bị rối loạn chức năng ruột và bàng quang.
- Ung thư cột sống: Một khối u trên cột sống sẽ đè lên dây thần kinh, dẫn đến đau lưng.
- Nhiễm trùng cột sống: Sốt và đau lưng có thể là do nhiễm trùng ở cột sống gây ra.
- Nhiễm trùng khác: Viêm vùng chậu, nhiễm trùng bàng quang hay thận cũng có thể dẫn đến đau lưng.
- Rối loạn giấc ngủ: Những người bị rối loạn giấc ngủ có nhiều khả năng cảm thấy đau cơ lưng hơn những người khác.
- Bệnh zona: Nhiễm virus gây ảnh hưởng đến dây thần kinh có thể dẫn đến đau lưng. Điều này còn phụ thuộc vào dây thần kinh nào bị ảnh hưởng.
Những yếu tố khiến bạn dễ bị đau cơ lưng
Các yếu tố sau sẽ khiến nguy cơ bị đau cơ lưng cao hơn bình thường:
- Một số bệnh nghề nghiệp
- Mang thai
- Lối sống ít vận động
- Thể lực kém
- Lớn tuổi
- Béo phì và thừa cân
- Hút thuốc
- Tập thể dục hoặc làm việc quá sức, đặc biệt là khi thực hiện không đúng cách
- Các yếu tố di truyền
- Vấn đề về sức khỏe như viêm khớp, ung thư
Đau lưng dưới hay đau thắt lưng có xu hướng xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới, có thể là do yếu tố nội tiết tố gây nên. Căng thẳng, lo âu hay tâm trạng không ổn định cũng có khi liên quan đến đau lưng.
Xem thêm: Đau lưng khi mang thai: Bà bầu nên làm gì?
3. Những triệu chứng đau cơ lưng phổ biến
Triệu chứng chính đương nhiên là cảm giác đau ở bất kỳ vị trí nào của lưng, thậm chí là lan xuống tận mông và chân.
Một số vấn đề ở lưng có khi gây đau ở các bộ phận khác của cơ thể, tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng.
Cơn đau cơ lưng thường sẽ tự biến mất mà không cần điều trị nhưng nếu xảy ra ở một vài đối tượng sau thì nên đến gặp bác sĩ sớm:
- Giảm cân
- Sốt
- Viêm hoặc sưng ở lưng
- Đau lưng dai dẳng, sau khi nằm nghỉ ngơi vẫn không thấy cải thiện
- Đau lan xuống chân
- Đau xuống dưới đầu gối
- Có một chấn thương ở lưng gần đây
- Đi tiểu không tự chủ
- Khó tiểu, bí tiểu
- Đại tiện không tự chủ hoặc mất kiểm soát nhu động ruột
- Cảm giác tê quanh bộ phận sinh dục ngoài
- Tê quanh hậu môn
- Tê ở mông
4. Sự khác biệt giữa đau cơ lưng mạn tính và cấp tính
Đau lưng được phân thành hai loại:
- Cơn đau cấp tính: bắt đầu đột ngột và kéo dài tối đa là 6 tuần.
- Cơn đau mạn tính: phát triển trong một thời gian dài hơn, kéo dài hơn 3 tháng và gây ra những vấn đề khác.
Nếu một người có cả cơn đau cơ lưng dữ dội và đau lưng nhẹ kéo dài, bác sĩ sẽ hơi khó xác định là họ đang bị đau lưng cấp hay mạn tính.
5. Điều trị đau cơ lưng và đau nhức sống lưng
Các cơn đau cơ lưng thường được “giải quyết” bằng cách nghỉ ngơi và thực hiện các biện pháp khắc phục tại nhà. Đôi khi bạn vẫn sẽ cần đến điều trị y khoa cần thiết.
Biện pháp tại nhà
Thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hay thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có thể giúp giảm bớt khó chịu khi bị đau cơ lưng hoặc bị đau nhức sống lưng. Bạn cũng có thể chườm nóng hoặc chườm lạnh vào khu vực bị ảnh hưởng để giảm đau.
Nghỉ ngơi và tránh các hoạt động gắng sức cũng giúp giảm đau đáng kể. Tuy nhiên, bạn vẫn nên di chuyển nhẹ nhàng xung quanh để tránh tình trạng cứng khớp, phòng ngừa đau nhức tái phát và ngăn không cho cơ bắp trở nên yếu hơn.
Điều trị y tế
Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không làm giảm bớt cơn đau cơ lưng, bác sĩ có thể kê đơn cho bạn vài loại thuốc giảm đau mạnh hơn hoặc khuyên bạn tập vật lý trị liệu, cũng có thể kết hợp cả hai.
– Thuốc giảm đau cơ
Khi bạn không đáp ứng tốt với các thuốc giảm đau không kê đơn, bác sĩ sẽ kê một vài loại thuốc NSAIDs cần có đơn thuốc đi theo. Codein hoặc hydrocodone là những chất giảm đau nhưng gây nghiện, cần phải có chỉ định của bác sĩ và phải được theo dõi chặt chẽ, thường dùng trong thời gian ngắn. Một số trường hợp, bạn có thể được kê đơn các thuốc giãn cơ.
– Vật lý trị liệu
Sử dụng nhiệt độ nóng hoặc lạnh, sóng siêu âm và kích thích điện cũng như một số kỹ thuật giải phóng cơ bắp sẽ giúp giảm đau hiệu quả.
Khi cơn đau được cải thiện, chuyên gia trị liệu sẽ hướng dẫn bạn vài bài tập để tăng cường sức mạnh cho cơ lưng và cơ bụng. Cải thiện tư thế rất quan trọng để ngăn ngừa cơn đau tái phát.
Tốt hơn hết, người bệnh nên tập luyện thường xuyên ngay cả khi hết đau để phòng ngừa.
– Tiêm corticosteroid
Nếu các cách khác không có hiệu quả, bạn có khi được tiêm corticosteroid vào khoang ngoài màng cứng, xung quanh tủy sống. Cortisone là một loại thuốc kháng viêm, giúp giảm viêm xung quanh rễ thần kinh. Bác sĩ cũng sẽ tiêm vào các vùng được cho là gây đau để làm tê, mất cảm giác.
– Botox
Theo một vài nghiên cứu ban đầu, độc tố botulinum (botox) được cho là có khả năng giảm đau bằng cách làm tê liệt các cơ bị co thắt. Những mũi tiêm này có hiệu quả kéo dài trong khoảng 3–4 tháng.
– Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
Đây là cách giúp kiểm soát đau lưng mạn tính bằng việc khuyến khích người bệnh có những suy nghĩ tích cực. Liệu pháp này bao gồm các kỹ thuật thư giãn và hướng dẫn người bệnh làm sao để duy trì một thái độ sống lạc quan. Các nghiên cứu phát hiện ra rằng những người sử dụng liệu pháp hành vi nhận thức có xu hướng thay đổi lối sống năng động hơn, từ đó giảm nguy cơ tái phát đau cơ lưng dưới.
Xem thêm: Có nên uống thuốc giảm đau cơ lưng không?
Các liệu pháp bổ sung và thay thế
Liệu pháp bổ sung có khi được sử dụng cùng với các liệu pháp điều trị thông thường hoặc thực hiện độc lập.
Trị liệu thần kinh cột sống (chiropractic), nắn xương, massage shiatsu và châm cứu có thể giúp giảm đau lưng cũng như giúp người bệnh cảm thấy thư giãn hơn.
Chuyên gia nắn xương sẽ điều trị các vấn đề về xương và cơ bắp để chúng trở lại đúng vị trí và hoạt động bình thường.
Nhà trị liệu thần kinh cột sống giúp điều trị các vấn đề về khớp, cơ và xương. Trọng tâm chính là xoay quanh cột sống.
Massage shiatsu sử dụng các ngón tay và khuỷu tay để tạo áp lực dọc theo đường năng lượng trong cơ thể.
Châm cứu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Các chuyên gia sẽ dùng kim mảnh đưa vào các huyệt đạo trên cơ thể, kích thích giải phóng các chất có tác dụng giảm đau tự nhiên như endorphin. Đồng thời, phương pháp này cũng tác động đến các dây thần kinh và mô cơ.
Yoga bao gồm các tư thế, động tác kết hợp cùng bài tập thở sẽ giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện tư thế.
Tuy nhiên, bạn cần tập luyện thận trọng nếu không muốn cơn đau cơ lưng trở nên trầm trọng hơn.
Các nghiên cứu về hiệu quả của liệu pháp bổ sung và thay thế cho nhiều kết quả trái chiều.
Một số người trải nghiệm và cảm thấy tác dụng đáng kể nhưng những người khác lại không cảm thấy vậy.
Do đó, bạn cần tìm hiểu kỹ về phương pháp điều trị thay thế muốn thử và tìm đến các nhà trị liệu được đào tạo chuyên môn bài bản.
Phẫu thuật
Rất ít trường hợp đau cơ lưng cần phải phẫu thuật. Một người với tình trạng thoát vị đĩa đệm có khi cần được phẫu thuật nếu cơn đau diễn ra liên tục và sự chèn ép dây thần kinh gây ra yếu cơ.
Một số phẫu thuật liên quan đến đau lưng có thể là:
- Phẫu thuật cố định Fusion: Hai đốt sống sẽ được nối lại với nhau và một mảnh xương được chèn vào giữa. Các đốt sống sau đó được nẹp lại với nhau bằng các tấm kim loại, ốc vít. Tuy nhiên, người bệnh sẽ có nguy cơ phát triển viêm khớp cao hơn ở đốt sống liền kề.
- Đĩa đệm nhân tạo: Một đĩa đệm nhân tạo sẽ được đưa vào hai đốt sống, thay thế cho đĩa đệm bị tổn thương.
- Cắt bỏ đĩa đệm: Một phần đĩa đệm có thể được loại bỏ nếu chúng gây đau đớn, khó chịu hoặc chèn ép vào dây thần kinh.
- Loại bỏ một phần đốt sống: Bác sĩ có khi loại bỏ một phần nhỏ đốt sống nếu chúng gây chèn ép tủy sống hay dây thần kinh.
- Tiêm tế bào tái tạo đĩa đệm cột sống. Các nhà khoa học ở Carolina đã phát triển ra các vật liệu sinh học mới có thể được tiêm vào cột sống để tái tạo tế bào đĩa đệm, giúp giảm đau hiệu quả cho người bị thoái hóa đĩa đệm.
6. Làm sao để bạn phòng ngừa tình trạng đau cơ lưng và đau nhức sống lưng?
Các cách để giảm nguy cơ phát triển đau lưng chủ yếu là loại bỏ các yếu tố nguy cơ.
Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên giúp xây dựng sức mạnh cơ bắp và kiểm soát trọng lượng cơ thể.
Các bài tập theo hướng dẫn, cường độ thấp có thể tăng cường sức khỏe tim mạch mà không làm căng cứng cơ lưng.
Trước khi muốn bắt đầu chương trình tập luyện nào, bạn hãy nói chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Chế độ ăn uống
Đảm bảo chế độ ăn uống đủ canxi và vitamin D vì những chất này cần thiết cho sức khỏe của xương. Một thực đơn lành mạnh cũng giúp bạn kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể.
Hút thuốc
Những người hút thuốc có tỷ lệ bị đau cơ lưng cao hơn so với những người không hút thuốc ở cùng độ tuổi, chiều cao và cân nặng.
Trọng lượng cơ thể
Những người bị thừa cân thường có nguy cơ bị đau lưng cao hơn. So với những người có cân nặng bình thường, người béo phì có tỷ lệ đau lưng cao hơn đáng kể. Những người có trọng lượng vùng bụng nhiều hơn vùng mông và hông cũng có nguy cơ đau cơ lưng cao hơn.
Đứng, ngồi đúng tư thế
Hãy cố gắng luôn giữ cột sống ở hình dáng theo đúng sinh lý tự nhiên của cơ thể.
Giữ lưng thẳng, cân bằng trọng lượng đều trên cả hai chân, để đầu thẳng với cột sống.
Khi ngồi, bạn cũng nên cố gắng để chân vuông góc trên sàn nhà.
Tốt nhất, bạn hãy sử dụng gối hỗ trợ ở phía sau lưng để ngồi thẳng lưng. Nếu sử dụng bàn phím, hãy để khuỷu tay và cẳng tay nằm ngang và vuông góc với cơ thể.
Nâng đồ vật đúng cách
Khi nâng đồ vật, đừng cúi cong lưng xuống để bê đồ lên. Hãy giữ lưng thẳng nhất có thể, hai chân ngang bằng vai và khuỵu đầu gối xuống để nâng đồ vật lên từ từ. Bạn có thể vẫn phải hơi cong lưng nhưng hãy cố gắng không khom lưng và cần dùng lực siết chặt cơ bụng để kéo xương chậu vào trong. Lưu ý, không nên duỗi thẳng chân trước khi nâng đồ vật vì khi đó bạn sẽ sử dụng sức mạnh từ cơ lưng nhiều hơn.
Nếu đồ vật quá nặng, tốt hơn hết bạn nên nâng chúng cùng với những người khác. Trong lúc nâng, hãy nhìn thẳng về phía trước để cho cổ và cột sống giữ thành một đường thẳng.
Lựa chọn giày phù hợp
Những đôi giày đế bằng vừa giúp bạn đi lại dễ dàng, chắc chắn hơn vừa ít gây căng cơ ở lưng hơn so với giày cao gót.
Giường ngủ
Bạn nên chọn lựa một tấm nệm giúp giữ thẳng cột sống đồng thời hỗ trợ trọng lượng từ vai và mông. Sử dụng gối với độ cao vừa phải, giữ cho đầu, cổ và lưng thẳng hàng thay vì chọn gối quá cao sẽ gây gập cổ.
Tóm lại, bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích để đối mặt với vấn đề đau cơ lưng và nhức sống lưng. Sự kết hợp giữa các phương pháp tự nhiên và y học hiện đại có thể mang lại hiệu quả cao nhất trong việc làm giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Từ khóa » ê Lưng Dưới
-
Đau Lưng Dưới: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán, điều Trị
-
Đau Lưng Dưới Gần Mông Có Nguy Hiểm Không Và Cách Khắc Phục
-
Đau Lưng Dưới: Nguyên Nhân, điều Trị | Vinmec
-
Vì Sao Bạn đau Lưng Dưới Gần Mông? | Vinmec
-
Hiện Tượng đau Lưng Dưới Là Dấu Hiệu Của Bệnh Gì? | Medlatec
-
Đau Lưng Dưới Có Nguy Hiểm Không Và Cách Khắc Phục | Medlatec
-
Nguyên Nhân Nhức Mỏi Lưng Dưới Và Cách điều Trị Nhanh Khỏi Nhất
-
Đau Lưng: Vị Trí, Nguyên Nhân, Triệu Chứng Và Tham Khảo Hướng điều Trị
-
Đau Lưng Dưới Gần Mông Là Bệnh Gì, Chữa Trị được Không? | ACC
-
Đau Thắt Lưng (Đau Lưng Dưới): Nguyên Nhân - Triệu Chứng - Điều Trị
-
Bị đau Lưng Dưới Là Bệnh Gì? Nguyên Nhân & Cách điều Trị đau Lưng
-
Chấn Thương Lưng & Cột Sống Và Phương Pháp điều Trị
-
Đau Lưng Dưới Bên Trái, Phải Gần Mông - Nguyên Nhân Và Cách ...