Nguyên Nhân Vàng Da Tắc Mật Là Gì? Triệu Chứng Và Cách điều Trị?

1. Nguyên nhân vàng da tắc mật là do đâu?

Gan có nhiệm vụ tiết ra mật để tham gia vào quá trình tiêu hóa. Nếu dòng chảy của mật khi được giải phóng ra khỏi gan bị tắc nghẽn thì sẽ gây nên hiện tượng vàng da do tắc mật. Lượng mật vì thế mà bị ứ đọng, dư thừa, các sản phẩm giáng hóa của dịch mật dần dần sẽ di chuyển vào máu và cơ thể không thể bài tiết hết mật ra ngoài.

Một trong những sản phẩm đó là bilirubin. Nguồn gốc sắc tố của chất này xuất phát từ các tế bào hồng cầu đã chết. Vì bilirubin có màu vàng nên những người bị tắc mật sẽ thường bị vàng ở da và mắt.

Dưới đây là một số nguyên nhân vàng da tắc mật dựa theo nhóm tuổi:

  • Vàng da tắc mật ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân là do các bé bị teo đường mật bẩm sinh (teo một phần hoặc toàn bộ đường mật). Chẩn đoán dựa trên các biểu hiện như da ngày càng vàng, nước tiểu vàng, phân bạc màu, gan to ứ mật.

Nguyên nhân vàng da tắc mật

Trẻ sơ sinh cũng có thể bị vàng da tắc mật

  • Vàng da tắc mật ở trẻ em:

  • Trẻ bị u nang ống mật chủ: biểu hiện đặc trưng là những cơn đau bụng xuất hiện ở khu vực hạ sườn phải, sốt rét, sốt nóng và vàng da;

  • Giun chui ống mật: trẻ sẽ bị vàng da nhẹ,cảm giác đau dữ dội ở dưới mũi ức và hạ sườn phải.

  • Vàng da tắc mật ở người trưởng thành:

  • Khi dòng chảy chính của mật đi xuống ruột bị chặn lại, mật ứ đọng nhiều trong máu sẽ gây nên tình trạng vàng da. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có thể là do có sỏi, xơ gan hoặc khối u nằm trong ống mật gây tắc nghẽn. Khối u có khả năng là ung thư;

  • Ung thư đường mật sẽ có các triệu chứng lâm sàng là vàng da, gan cứng lổn nhổn nhưng không đau.

2. Vàng da tắc mật có những triệu chứng nào?

Các biểu hiện ở người bị vàng da tắc mật bao gồm:

  • Vàng da: triệu chứng này biểu hiện theo cấp độ như vàng nhẹ củng mạc mắt cho tới vàng đậm ở da và sạm da. Tình trạng tắc mật càng để lâu thì da càng sạm, thậm chí hình thành những chấm sắc tố.

  • Sốt: biểu hiện tính chất và mức độ khác nhau dựa theo các nguyên nhân dẫn tới vàng da tắc mật.

  • Ngứa da: do đầu các dây thần kinh phân bố dưới da bị kích thích bởi sự gia tăng axit mật trong máu.

  • Phân bạc màu: phân có thể nhạt màu nhẹ hơn bình thường hoặc bạc trắng như phân cò. Thông thường trong 100g phân sẽ chứa 100mg stercobiline, nhưng khi bị tắc mật thì nồng độ chất này sẽ giảm đi rất nhiều nên khiến phân bị “bay màu”.

Vàng da là biểu hiện dễ thấy nhất ở những trường hợp bị tắc mật

Vàng da là biểu hiện dễ thấy nhất ở những trường hợp bị tắc mật

  • Rối loạn tiêu hóa: vì chất béo không được tiêu hóa triệt để nên người bệnh có thể bị chứng phân mỡ.

  • Nước tiểu sậm màu: ngược lại với sự bạc đi của phân thì nước tiểu sẽ sậm hơn tùy theo mức độ vàng da của bệnh nhân. Vì bilirubin chứa nhiều trong nước tiểu nên sẽ khiến nước tiểu có màu đỏ sẫm và nhiều bọt.

  • Xuất huyết: tình trạng này biểu hiện dưới nhiều hình thức và hình thành ở nhiều nơi nhưng hay gặp nhất là những mảng chấm xuất huyết dưới da hoặc có khi là bị xuất huyết khi bệnh nhân gãi. Tình trạng xuất huyết dưới da thường gặp khi có tổn thương tế bào gan gây ra sự rối loạn đông máu. Khi bệnh diễn tiến nặng có thể gây chảy máu cam, xuất huyết tiêu hóa, ho ra máu,...

  • Lách to, phù, tuần hoàn bàng hệ ở bụng: xảy ra trong trường hợp tắc mật kéo dài đến khi bị xơ gan.

  • Đau hạ sườn phải:

Các cơn đau quặn thắt là triệu chứng điển hình của tình trạng tắc mật do sỏi gây nên. Cơn đau có khi không dữ dội và đặc hiệu nên bệnh nhân không chú ý đến.

Sỏi mật hoặc viêm gan có thể khiến cho người bệnh bị sốt rét run và đau quặn gan. Trình tự xuất hiện các triệu chứng ứ mật do sỏi đó là: bệnh nhân đau quặn gan, sau đó bị sốt rét run và 1 - 2 ngày sau là biểu hiện vàng da. Khác với tắc mật, bệnh nhân bị viêm gan thì sẽ bị sốt đầu tiên, sau đó khoảng 2 - 3 ngày mới bị vàng da tắc mật. Ngoài ra bệnh nhân sẽ bị đau ít hoặc nhiều ở vùng hạ sườn phải, cơn đau xảy ra ngay từ khi bị sốt nhưng cũng có thể sau khi bị vàng da tắc mật mới bị đau.

3. Điều trị vàng da tắc mật bằng các phương pháp nào?

Dựa trên nguyên nhân vàng da tắc mật, ví dụ như nếu bệnh nhân bị ứ mật vàng da do bị sỏi mật thì bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau trong điều trị nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, thủ thuật ERCP cũng có thể được áp dụng. Đây là phương pháp dẫn lưu mật ứ đọng trong gan qua da, đưa lượng mật dư thừa ra ngoài.

Cụ thể hơn, các biện pháp giúp điều trị dứt điểm chứng vàng da tắc mật căn cứ trên nguyên nhân gây bệnh sẽ như sau:

  • Nếu nguyên nhân là do sỏi mật:

  • Khuyến khích áp dụng biện pháp nội soi để gắp sỏi mật đang làm tắc nghẽn ống mật.

  • Phương pháp tạm thời: nội soi đặt stent để giải phóng tình trạng tắc ống mật chủ, giải quyết dứt điểm nhiễm khuẩn trước khi thực hiện phẫu thuật.

  • Phẫu thuật nội soi để cắt bỏ túi mật.

  • Nếu nguyên nhân là do có khối u ác tính:

  • Có thể tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân để loại bỏ khối u.

  • Tuy nhiên đa phần trong hầu hết các trường hợp bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng biện pháp khác hiệu quả hơn để thay thế phẫu thuật đó là xạ trị hoặc hóa trị. Khi đã xác định đó là khối u ác tính (ung thư) thì bác sĩ sẽ đặt stent dưới hướng dẫn X-quang hoặc nội soi để làm giảm chứng vàng da tắc mật.

Khi xuất hiện triệu chứng vàng da tắc mật, người bệnh nên đi khám ngay

Khi xuất hiện triệu chứng vàng da tắc mật, người bệnh nên đi khám ngay

Để phòng ngừa chứng vàng da tắc mật, kể từ bây giờ mỗi người nên áp dụng ngay cho mình một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, cân bằng và hạn chế việc tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo, tránh xa rượu bia và đồ uống có cồn.

Tùy theo độ tuổi mà nguyên nhân vàng da tắc mật có thể khác nhau. Để biết rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình, bạn nên đi thăm khám định kỳ và duy trì một lối sống khoa học sẽ giúp ngăn ngừa được rất nhiều chứng bệnh nguy hiểm. Hãy lựa chọn cho mình một địa chỉ thăm khám uy tín, chất lượng với giá cả hợp lý, vì vậy, đừng ngần ngại mà hãy trao đổi với chúng tôi - Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900565656 để đặt lịch khám ngay hôm nay!

Từ khóa » Tắc ống Mật ở Trẻ Sơ Sinh