Nguyên Nhân Xoắn Tinh Hoàn Và Cách Phòng Ngừa Hiệu Quả - YouMed

Nội dung bài viết

  • Hiện tượng xoắn tinh hoàn là gì?
  • Nguyên nhân gây ra tình trạng tinh hoàn bị xoắn
  • Biến chứng của bệnh lý xoắn tinh hoàn
  • Những cách phòng ngừa xoắn tinh hoàn hiệu quả

Xoắn tinh hoàn là một trong nhiều các bệnh lý cần được cấp cứu ngoại khoa. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ hơn là người lớn. Bệnh có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở cơ quan sinh dục. Vậy nguyên nhân xoắn tinh hoàn là gì và cách điều trị bệnh này như thế nào. Mời bạn cùng YouMed tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây của ThS.BS Trần Quốc Phong.

Hiện tượng xoắn tinh hoàn là gì?

Trước khi tìm hiểu nguyên nhân xoắn tinh hoàn thì chúng ta cần tìm hiểu xoắn tinh hoàn là gì.

Xoắn tinh hoàn là hiện tượng dây thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó và làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng tinh hoàn. Thừng tinh là bộ phận cung cấp lưu lượng máu đến tinh hoàn. Nếu bị xoắn sẽ dẫn đến phù nề, sung huyết và hoại tử tinh hoàn. 50% các trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra khi bệnh nhân ngủ với triệu chứng đau và sưng ở bìu.

Xoắn tinh hoàn là một trong những nguyên nhân gây mất tinh hoàn thường gặp ở nam giới. Đây là một trường hợp cấp cứu về mạch máu. Nếu không được cấp cứu trong vòng 4 – 6 giờ từ khi bắt đầu đau thì tinh hoàn sẽ bị nhồi máu hoàn toàn. Kết quả là tinh hoàn bị teo vĩnh viễn.

Xoắn tinh hoàn có 2 loại:

  • Xoắn tinh hoàn ngoài tinh mạc: hay gặp ở trẻ sơ sinh. Do dây chằng bìu cố định không hoàn toàn vào vách bìu, làm tinh hoàn xoay tự do ở trong bìu gây xoắn.
  • Xoắn tinh hoàn trong tinh mạc: hay gặp ở thanh thiếu niên (10 – 20 tuổi). Nguyên nhân là do tinh mạc bám cao vào thừng tinh cho phép tinh hoàn xoay quanh thừng tinh.
Tình trạng xoắn tinh hoàn
Tình trạng xoắn tinh hoàn

Nguyên nhân gây ra tình trạng tinh hoàn bị xoắn

Tinh hoàn được gắn vào thừng tinh và nhưng lại được tự do trong bìu. Tinh hoàn bị xoắn khi tinh hoàn xoay trên dây chạy lên từ tinh hoàn vào ổ bụng. Sự quay làm xoắn thừng tinh và làm giảm lưu lượng máu đến tinh hoàn. Nếu sự xoắn này lặp lại nhiều lần, dòng máu có thể bị nghẽn hoàn toàn gây tổn thương tinh hoàn.

Nguyên nhân xoắn tinh hoàn ở nam giới có thể liên quan đến di truyền. Yếu tố di truyền này cho phép 1 hoặc cả 2 tinh hoàn xoay tự do bên trong bìu. Như đã nói, tinh hoàn chỉ gắn vào thừng tinh, không dính vào bìu. Điều này làm cho chúng giống như quả chuông lắc, vì tinh hoàn có thể “lắc lư” giống như một cái chuông.

Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra bất cứ khi nào, đứng, ngủ, hoặc khi tập thể dục. Vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra ở những người dễ mắc bệnh. Đôi khi tình trạng này được thúc đẩy bởi một chấn thương hoặc do tăng trưởng nhanh chóng trong độ tuổi dậy thì.

Yếu tố làm tăng nguy cơ xoắn

Tuổi tác

Xoắn tinh hoàn thường gặp nhất ở nam giới trong độ tuổi 10 – 25 tuổi. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hiếm khi xảy ra ở người trên 30 tuổi. Khoảng 65% các trường hợp xảy ra ở thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi. Bệnh ảnh hưởng đến khoảng 1/4.000 nam giới trước 25 tuổi.

Xoắn tinh hoàn thường gặp nhất ở nam giới trong độ tuổi 10 - 25 tuổi
Xoắn tinh hoàn thường gặp nhất ở nam giới trong độ tuổi 10 – 25 tuổi

Tiền sử bị xoắn tinh hoàn

Tình trạng xoắn nếu đã xảy ra một lần và tự khỏi mà không cần điều trị, thì có khả năng xảy ra một lần nữa ở một trong hai tinh hoàn. Trừ khi người bệnh đã được phẫu thuật để khắc phục nguyên nhân cơ bản.

Khí hậu

Các cơn xoắn đôi khi được gọi là “hội chứng mùa đông”, vì chúng thường xảy ra khi thời tiết lạnh. Sự co thắt đột ngột do nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể làm kẹt tinh hoàn ở vị trí đó. Kết quả là gây ra xoắn tinh hoàn.

Tinh hoàn bị xoắn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Đôi khi xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở trẻ trong giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ. Trong trường hợp này thường không thể cứu được tinh hoàn. Tuy nhiên phẫu thuật chỉnh sửa được khuyến khích sau khi sinh để chẩn đoán và khắc phục tình trạng xoắn tinh hoàn ở tinh hoàn còn lại và ngăn ngừa các vấn đề sinh sản sau này.

Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở trẻ trong giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ
Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở trẻ trong giai đoạn còn nằm trong bụng mẹ

Biến chứng của bệnh lý xoắn tinh hoàn

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì xoắn tinh hoàn có thể gây ra các biến chứng như hoại tử tinh hoàn. Khi đã hoại tử thì cần phải cắt bỏ tinh hoàn. Điều này tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, vô sinh thứ phát và tinh hoàn bị biến dạng.

Những cách phòng ngừa xoắn tinh hoàn hiệu quả

Bệnh do đặc điểm di truyền nên để ngăn ngừa xoắn tinh hoàn thì cách phòng ngừa hiệ quả là phẫu thuật. Mục đích của phẫu thuật là làm dính tinh hoàn vào bên trong của bìu để tinh hoàn không thể xoay tự do.

Các bé trai nên tránh các va chạm mạnh ở vùng nhạy cảm này. Vì có thể sẽ dẫn đến tổn thương tinh hoàn. Đối với các trường hợp đã từng bị cắt bỏ một tinh hoàn do hoại tử thì càng cần phải thận trọng hơn. Vì nếu lỡ bị vỡ tinh hoàn còn lại mà không được điều trị kịp thời cũng sẽ làm tinh hoàn này bị hoại tử và mất khả năng sinh con.

Thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của bệnh

  • Tuân thủ đúng theo phác đồ của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Đi khám bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Tái khám định kì để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến bệnh.
  • Bệnh xoắn tinh hoàn có thể được hạn chế về sau nếu được phẫu thuật cố định cả hai tinh hoàn.
  • Bạn nên tránh tham gia các môn thể thao quá mạnh. Bởi các tác động mạnh đến tinh hoàn như va chạm trong lúc chơi thể thao có thể làm dây thừng bị xoắn lại.

Trên đây là bài viết của YouMed về nguyên nhân xoắn tinh hoàn. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã hiểu rõ hơn về bệnh lý này. Khi thấy đau hay có bất thường ở vùng nhạy cảm này, bạn đừng ngại ngần mà nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Từ khóa » Nguyên Nhân Xoắn Tinh Hoàn Là Gì