Nguyễn Phước Và Tôn Thất - Báo Đà Nẵng

*Ở nước ta, cùng một dòng họ Nguyễn vương triều, nhưng sao có người mang họ Nguyễn Phước, có người lại mang họ Tôn Thất? (Hà Mỹ, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Ở Huế, hễ nghe ai có họ là Nguyễn Phước (Phúc) hoặc Tôn Thất thì người ta bảo đó là dân Hoàng phái, là dân “các mệ”.

Tác giả Diên Thống trong bài viết “Để hiểu thêm về cách đặt họ, tên trong dòng tộc Nguyễn Phước” đăng trên báo Thừa Thiên – Huế ngày 7-6-2012 đã dẫn thông tin từ các sách “Hoàng tộc lược biên” của Tôn Thất Cổn (in năm 1943, trang web Nguyễn Phước tộc trích lại), “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế” của Nguyễn Đắc Xuân... để giải thích vì sao cùng một dòng họ Nguyễn vương triều, nhưng có người mang họ Nguyễn Phước, có người lại mang họ Tôn Thất.

Theo đó, nguyên họ Nguyễn là họ Nguyễn Văn. Đến đời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tương truyền một hôm, vợ ông nằm mơ thấy có vị thần cho tờ giấy, trên đó viết đầy chữ PHÚC. Nhiều người khuyên bà nên lấy chữ Phúc để đặt tên cho con, nhưng bà cho rằng, nếu đặt tên thì chỉ một người được hưởng, chi bằng dùng chữ Phúc để làm tên đệm thì nhiều người sẽ cùng được hưởng phúc. Rồi liền đặt tên cho con là Nguyễn Phúc Nguyên, sau này là Chúa Sãi. Nhánh họ Nguyễn vào Nam làm chúa bắt đầu lấy họ Nguyễn Phúc từ đó.

Đến đời Minh Mạng, những người cùng họ với vua được vua đặt là Tôn Thất. Và để phân biệt thân sơ, phân biệt các đời, vua cho soạn hai bài Đế hệ thi và Phiên hệ thi. Mỗi bài đều có 4 câu 5 chữ, toàn là mỹ tự để đặt chữ lót cho con cháu 20 đời.

Đế hệ thi dùng cho con cháu của vua Minh Mạng, và chỉ những người thuộc dòng đế mới được làm vua. Đế hệ thi được áp dụng bắt đầu từ đời vua Thiệu Trị về sau, nguyên văn như sau:

Miên Hồng (Hường) Ưng Bửu Vĩnh/ Bảo Quý Định Long Trường/ Hiền Năng Kham Kế Thuật/ Thế Thoại Quốc Gia Xương.

Phiên hệ thi (phiên ở đây có nghĩa là phên dậu) có tất cả 10 bài, dùng cho hậu duệ của 10 người anh em trai của vua Minh Mạng (vua Gia Long có tất cả 13 hoàng tử, 3 người mất sớm, 10 người có con cháu). Phiên hệ thi cũng nhằm phân biệt Tôn Thất anh em gần gũi với vua Minh Mạng với Tôn Thất là con cháu các Chúa Nguyễn (thuộc Tiền hệ).

Mười bài Phiên hệ thi thứ tự gồm: Anh Duệ (cho con cháu Hoàng tử Cảnh - anh vua Minh Mạng), tiếp theo là Kiến An, Định Viễn, Diên Khánh, Điện Bàn, Thiệu Hóa, Quảng Oai, Thường Tín, An Khánh và Từ Sơn (đều là em vua Minh Mạng). Mỗi bài cũng 4 câu, tổng cộng 20 chữ. Ví dụ bài Anh Duệ:

Mỹ Duệ Anh Cường Tráng/ Liên Huy Phát Bội Hương/ Lệnh Nghi Hàm Tốn Thuận/ Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang.

Như vậy, có thể thấy, “các mệ” nào mang họ Nguyễn Phúc (ví dụ Nguyễn Phúc Hồng A, Nguyễn Phúc Bửu B, Nguyễn Phúc Quý C...) thì đó là con cháu của vua và có... khả năng làm vua (thời Nhà Nguyễn). “Các mệ” nào là Tôn Thất “gọn” (Tôn Thất D, Tôn Thất E, Tôn Thất G...), thì đó là con cháu thuộc Tiền hệ - dòng 9 chúa. Còn “mệ” nào có họ Tôn Thất nhưng có thêm chữ lót nữa (Tôn Thất Mỹ X, Tôn Thất Cường Y, Tôn Thất Tráng Z...), đích thị đó là con cháu dòng các vị anh em ruột của vua Minh Mạng.

Tuy nhiên, sau khi chế độ quân chủ Việt Nam cáo chung, việc phân biệt dòng đế, dòng phiên không còn ý nghĩa nên nhiều người họ Tôn Thất đã lấy lại họ gốc là Nguyễn Phúc.

ĐNCT

Từ khóa » Nguồn Gốc Dòng Họ Tôn Thất