Nguyên Tắc Bồi Thường Trong Bảo Hiểm Cụ Thể Ra Sao? Đừng Bỏ Lỡ!

Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản là gì và được thể hiện ra sao? Có hay không có nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm nhân thọ?

Để hiểu rõ nguyên tắc bồi thường trong các loại hình bảo hiểm mời bạn hãy tham khảo những thông tin được Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau!

I. Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm là gì?

Nếu bạn chưa biết thì đây là một trong những nguyên tắc cơ bản mà lĩnh vực bảo hiểm dựa vào đó để hoạt động. Nội dung của nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm rất ngắn gọn như sau:

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giá trị bồi thường bởi bảo hiểm không vượt quá tổn thất người được bảo hiểm phải chịu.

1. Mục đích khi thiết lập ra nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm chính là để:

  • Hợp đồng bảo hiểm thực hiện đúng chức năng: Khôi phục một phần hoặc toàn bộ trạng thái như trước khi xảy ra tổn thất cho người được bảo hiểm, bảo vệ lợi ích của người được bảo hiểm.
  • Tránh những hành vi lợi dụng rủi ro, thiệt hại để trục lợi từ hợp đồng bảo hiểm, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp bảo hiểm.

2. Không phải lĩnh vực bảo hiểm nào cũng thể hiện nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm

Nguyên tắc này là đặc trưng quan trọng, làm căn cứ để xác định số tiền bảo hiểm của những loại bảo hiểm có mục đích bồi thường.

Bồi thường là bù đắp cho những tổn thất có thể đong đếm và quy được thành tiền. Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm là việc bồi thường chỉ phát sinh khi thiệt hại đã xảy ra.

Vì thế nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm chỉ áp dụng cho các loại bảo hiểm đối với tài sản và thiệt hại đo lường được, mà không áp dụng cho đối tượng được bảo hiểm là tính mạng con người.

Ví dụ như:

  • Cơ bản nhất là bảo hiểm tài sản
  • Bảo hiểm trách nhiệm dân sự, vì trách nhiệm dân sự chủ yếu được thực hiện bằng tiền
  • Bảo hiểm cháy nổ
  • Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển
  • Bảo hiểm thiệt hại kinh doanh
  • Những hạng mục có thể đong đếm được như chi phí chăm sóc sức khỏe trong bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe…

II. Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản

nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm

Khi tham gia bảo hiểm tài sản, người tham gia cần phải nắm rõ nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản.

Đối tượng của loại bảo hiểm này là tài sản. Không như con người, tài sản có thể được định giá và thay thế. Vì vậy, bồi thường là mục đích của bảo hiểm tài sản.

Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản thể hiện ở các đặc điểm sau: 

1. Không được giao kết hợp đồng bảo hiểm trên giá trị

Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, số tiền bảo hiểm giao kết chỉ được bằng hoặc thấp hơn giá thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết. Nếu vô ý giao kết số tiền bảo hiểm lớn hơn giá trị tài sản (còn gọi là hợp đồng bảo hiểm trên giá trị), doanh nghiệp bảo hiểm phải hoàn lại phần phí bảo hiểm chênh lệch tương ứng cho người mua.

Trong bất kỳ trường hợp nào, nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản quy định rằng doanh nghiệp bảo hiểm chỉ có trách nhiệm bồi thường không vượt quá thiệt hại thực tế.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về quy định trên tại Điều 42 và 43 của Luật Kinh doanh Bảo hiểm Việt Nam (số 24/2000/QH10).

Trong nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm, số tiền bồi thường khi rủi ro xảy ra phụ thuộc vào:

  • Giá thị trường của tài sản tại thời điểm và nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế; làm căn cứ để quy đổi thiệt hại thành tiền
  • Tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm giao kết và giá thị trường của tài sản tại thời điểm giao kết

Doanh nghiệp bảo hiểm được mặc định là bên chịu trách nhiệm và chi phí giám định tổn thất. Nếu không đồng ý với kết quả giám định này, hai bên có thể thống nhất một giám định viên độc lập hoặc yêu cầu Tòa án cử giám định viên độc lập và tuân theo kết quả giám định đó.

2. Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản: đóng góp bồi thường nếu bảo hiểm trùng

Bảo hiểm trùng là trường hợp một tài sản trong cùng một sự kiện được bồi thường bởi hai hoặc nhiều hợp đồng bảo hiểm (tham khảo thêm tại Điều 44 Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000).

Khi đó, nguyên tắc đóng góp bồi thường quy định rằng mỗi hợp đồng có trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm. Như vậy, tổng số tiền bồi thường người được bảo hiểm nhận được sẽ không lớn hơn thiệt hại thực tế người đó phải chịu. Điều này hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản.

3. Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm

Quy tắc này còn được gọi là nguyên tắc thế quyền, được hiện thực hóa ở Điều 49. Trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn, Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2000.

Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản này quy định rằng người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển lại cho doanh nghiệp bảo hiểm quyền yêu cầu bên thứ ba bồi hoàn đối với số tiền bồi thường đã nhận từ bảo hiểm. Nhờ đó, doanh nghiệp bảo hiểm có thể lấy lại từ bên thứ ba phần tiền bồi thường thiệt hại do lỗi của bên thứ ba đó.

Nếu người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền hoặc từ chối nhận bồi thường của bên thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bảo hiểm theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.

Mục đích của nguyên tắc thế quyền là:

  • Đưa trách nhiệm về đúng người; và
  • Tránh cho doanh nghiệp bảo hiểm những tổn thất bất hợp lý.

Lưu ý: Doanh nghiệp bảo hiểm không có quyền yêu cầu bồi hoàn bên thứ ba là người thân của người được bảo hiểm (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột), trừ khi lỗi là cố ý.

4. Những quy định khác về nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản

Trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tài sản được bảo hiểm

Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền kiểm tra, yêu cầu và hỗ trợ người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tài sản theo luật định.

Người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản

Pháp luật quy định người được bảo hiểm không được để mặc tài sản hư hỏng, trừ khi có lý do chính đáng như tránh tổn thất chung, cứu người, trường hợp khẩn cấp… được công nhận. Quy định này có mục đích:

  • Hạn chế tối đa tổn thất
  • Tránh việc doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho hành vi vô trách nhiệm của người được bảo hiểm
  • Tránh lợi dụng rủi ro để hủy hoại tài sản và trục lợi từ hợp đồng bảo hiểm.

III. Có hay không nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm nhân thọ?

nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm

Tính mạng của người được bảo hiểm là đối tượng của bảo hiểm nhân thọ. Mà tính mạng con người thì không thể được định giá hay thay thế. Vì vậy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ không có mục đích bồi thường, vì thiệt hại trong trường hợp này không thể quy thành tiền được.

Như vậy có thể khẳng định, không có nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm nhân thọ. Điều đó thể hiện ở các đặc điểm như sau: 

1. Chi trả bảo hiểm dựa trên nguyên tắc khoán, thay vì nguyên tắc bồi thường 

Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm (ví dụ, người được bảo hiểm tử vong), người thụ hưởng sẽ nhận số tiền chi trả dựa trên số tiền bảo hiểm đã giao kết và các điều khoản của hợp đồng. Việc chi trả này không nhằm mục đích bồi thường thiệt hại, nhưng là thực hiện cam kết theo mức khoán mà hợp đồng đã quy định.

2. Trường hợp bảo hiểm trùng, không áp dụng nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm

Với bảo hiểm nhân thọ, khi xảy ra rủi ro tính mạng, người thụ hưởng nhận được nguyên vẹn quyền lợi theo từng hợp đồng riêng biệt, không liên quan đến sự tồn tại của những hợp đồng khác. Nhờ đó, một người có thể tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để tăng thêm mức bảo vệ cho bản thân và gia đình của mình.

3. Doanh nghiệp bảo hiểm không có quyền yêu cầu bên thứ ba bồi hoàn

Nếu bên thứ ba trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tử vong, thương tật hoặc đau ốm cho người được bảo hiểm, họ sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp bảo hiểm không có quyền yêu cầu bên thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm, mà vẫn phải thực hiện chi trả theo hợp đồng đã cam kết.

Mong rằng qua bài viết trên đây, bạn đã hiểu đúng khái niệm “Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm”, biết được nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản được quy định ra sao cũng như tránh được cách gọi không chính xác về “nguyên tắc bồi thường” trong bảo hiểm nhân thọ.

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Nguyên Tắc Thế Quyền được áp Dụng Trong Loại Hình Bảo Hiểm Nào