Nguyên Tắc Quản Lý Nhà Nước Về đất đai Hiện Nay Thế Nào?

Việc thực hiện nghiêm ngặt các nguyên tắc quản lý nhà nước về đất đai nhằm bảo đảm sử dụng, khai thác đất đúng mục đích, đồng thời giúp bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quá trình sử dụng đất.Câu hỏi: Xin hỏi, hiện nay Nhà nước quản lý đất đai dựa theo những nguyên tắc nào theo quy định của pháp luật? Tôi cảm ơn! - Hằng Nguyễn (Thái Nguyên).

Quản lý đất đai là gì?

Luật Đất đai và các văn bản pháp luật khác hiện nay không có quy định cụ thể giải thích “Quản lý đất đai là gì?”, tuy nhiên có thể hiểu quản lý đất đai là quá trình quản lý sử dụng đất và phát triển đất đai ở cả thành thị và nông thôn các tài nguyên đất.

Đất đai được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau bao gồm nông nghiệp hữu cơ, trồng rừng, quản lý tài nguyên nước, xây dựng nhà ở và các dự án du lịch sinh thái... Đất bị khai thác quá mức hoặc sử dụng sai mục đích có thể làm suy giảm và giảm năng suất, phá vỡ trạng thái cân bằng tự nhiên.

Do vậy, quản lý đất đai có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển nguồn tài nguyên.

Ở Việt Nam, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện sở hữu và quản lý. Quản lý nhà nước về đất đai là hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, các chủ thể là người có thẩm quyền trong việc sử dụng  công cụ quản lý,  phương pháp thích hợp tác động đến hoạt động, hành vi của người sử dụng đất để sử dụng đất một cách tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

nguyen tac quan ly nha nuoc ve dat dai

Nguyên tắc quản lý nhà nước về đất đai hiện nay thế nào? (Ảnh minh họa)

Nội dung quản lý Nhà nước về đất đai thế nào?

Những nội dung quản lý Nhà nước về đất đai được quy định tại Điều 22 Luật Đất đai 2013 gồm:

- Lập bản đồ hành chính và xác định, lập và quản lý hồ sơ địa giới hành chính.

- Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng, quản lý đất đai.

- Kế hoạch sử dụng đất và công tác quy hoạch.

- Quản lý hỗ trợ, bồi thường tái định cư cho người dân khi có quyết định thu hồi đất.

- Quản lý việc thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất.

- Đo đạc, khảo sát, lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất, bản đồ địa chính và bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Đồng thời, điều tra xây dựng giá đất, điều tra, đánh giá tài nguyên đất.

- Thực hiện cấp Sổ đỏ, đăng ký đất đai.

- Kiểm kê, thống kê đất đai.

- Quản lý tài chính và giá đất của đất đai.

- Giám sát, quản lý việc chấp hành các quyền và nghĩa vụ của người sở hữu đất.

- Theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vị vi phạm, đánh giá việc thực hiện quy định của pháp luật về đất đai.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai trong việc sở hữu và sử dụng đất đai.

Nhà nước quản lý đất đai theo những nguyên tắc nào?

Nguyên tắc quản lý nhà nước về đất đai theo quy định tại Luật Đất đai 2013 gồm:

Thứ nhất, đảm bảo quản lý tập trung và thống nhất

Đất đai là tài nguyên của quốc gia và đồng thời cũng là tài sản chung của toàn dân. Do đó, không cho phép bất kì chủ thể nào có hành vi chiếm đoạt tài sản công thành tài sản riêng.

Nhà nước là đại diện hợp pháp duy nhất cho toàn dân và có toàn quyền chỉnh sửa pháp lý của đất đai. Điều này nhằm mục đích tập trung quyền lực và quản lý thống nhất của Nhà nước trong toàn bộ lĩnh vực xã hội nói chung và đất đai nói riêng.

Từ đây, ta có thể thấy Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý về đất đai. Vai trò của Nhà nước được ghi nhận rõ trong Điều 4 Luật đất đai 2013.

Thứ hai, đảm bảo kết hợp hài hòa giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất đai

Quyền sở hữu đất đai bao gồm quyền sử dụng, quyền định đoạt và quyền chiếm hữu đất đai của chủ sở hữu. Quyền sử dụng đất đai là quyền tận dụng, khai thác, hưởng lợi tức từ giá trị đất của chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng đất đai.

Nhà nước không trực tiếp sử dụng đất mà thực hiện thông qua việc thu tiền từ chủ thể sử dụng. Bao gồm thu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, phí sử dụng đất, lệ phí trước bạ.

Để nguyên tắc quản lý đất đai được áp dụng một cách có hiệu quả, Nhà nước phải xây dựng những quy định pháp luật phù hợp và giao đất trực tiếp cho các chủ thể sử dụng. Vừa đảm bảo lợi ích của nhà nước, vừa đảm bảo lợi ích cho từng cá nhân.

Vấn đề này được quy định cụ thể tại Điều 60 Luật Đất đai 2013.

Thứ ba, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa các lợi ích

Đất đai phản ánh mối quan hệ về lợi ích giữa cá nhân, tập thể, cộng đồng xã hội, đồng thời đây cũng là yếu tố quan trọng trong sản xuất, vậy nên, phải đảm bảo lợi ích của người sử dụng đất.

Bên cạnh đó, đất đai là tài nguyên quốc gia nên phải được đảm bảo lợi ích chung của xã hội. Kết hợp hài hòa 03 lợi ích trên là việc phát huy đồng thời cả ba lợi ích, không để lợi ích này lấn át hay triệt tiêu lợi ích khác.

Việc đảm bảo hài hòa 03 lợi ích được thực hiện thông qua quy hoạch hoặc các quy định tài chính về đất đai. Cùng các chính sách về quyền, nghĩa vụ của nhà nước và người sử dụng đất.

Thứ tư, tiết kiệm và hiệu quả

Thực chất, nguyên tắc quản lý đất đai cần dựa trên nguyên tắc kinh tế, do đó, tiết kiệm là cơ sở, nguồn gốc của hiệu quả.

Điều này được thể hiện bằng việc xây dựng các kế hoạch sử dụng đất, phương án quy hoạch có tính khả thi cao. Đồng thời, cần phải quản lý và giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất, phương án quy hoạch.

Từ đây, vai trò của Nhà nước trong quản lý đất đai mới được tăng cường. Phục vụ cho chiến lược tăng trưởng kinh tế - xã hội, đảm bảo sử dụng tiết kiệm đất đai nhất có thể mà vẫn đạt được mục đích đề ra. Trên đây là giải đáp về Nguyên tắc quản lý nhà nước về đất đai. Nếu còn băn khoăn, bạn vui lòng gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ. >> Đất đai là gì? Khái niệm đất đai theo Luật Đất đai 2013

Từ khóa » Nguyên Tắc Qlnn