Nguyên Tắc Tập Thể Lãnh đạo, Cá Nhân Phụ Trách.

tuan minhNguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách - Nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của Đảng.

( Nguyễn Hương Quế - Khoa NNPL )

Học tập và vận dụng chủ nghĩa Mác, Lê-nin, từ khi thành lập Đảng đến nay Hồ Chí Minh đều coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là nguyên tắc số một trong xây dựng Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, biểu hiện cụ thể của nguyên tắc đó chính là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

Ngày 16 tháng 01 năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Một trong ba vấn đề cấp bách nhất được xác định trong nghị quyết này là : 'Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị...'. Đây có thể xem là một trong những nội dung cốt lõi nhất và cũng là vấn đề phức tạp nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Thiết nghĩ để giải quyết thấu đáo vấn đề này cần phải xem xét lại nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách - nguyên tắc lãnh đạo chủ đạo của Đảng.

Học tập và vận dụng chủ nghĩa Mác, Lê-nin, từ khi thành lập Đảng đến nay Hồ Chí Minh đều coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, coi đó là nguyên tắc số một trong xây dựng Đảng. Trong điều kiện Đảng cầm quyền ở nước ta, biểu hiện cụ thể của nguyên tắc đó chính là nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Đây vừa là một nguyên tắc trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, vừa là một nội dung biểu hiện của nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung”. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách (TTLĐ, CNPT) góp phần xây dựng Đảng vững mạnh trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, phải hiểu và làm đúng, đầy đủ, toàn diện nguyên tắc này là yêu cầu cấp thiết đặt ra cho mọi cấp ủy Đảng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Vậy, tại sao lại phải tập thể lãnh đạo? Trước hết xuất phát từ vai trò, bản chất của Đảng là phải tiên phong về mặt lý luận để dẫn dắt định hướng sự phát triển của đất nước, dân tộc. Nguyên tắc này đòi hỏi toàn bộ những vấn đề cơ bản, hệ trọng, những chủ trương, phương hướng chiến lược, phải được dân chủ thảo luận trong tập thể các cơ quan lãnh đạo từ cao tới thấp theo phạm vi, quyền hạn đã được xác đinh và được quyết định theo đa số. Những ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu, đệ trình lên cơ quan cấp trên có thẩm quyền xem xét, nhưng không được tuyên truyền quan điểm cá nhân. Cá nhân đảng viên không có quyền tự ý quyết định những vấn đề thuộc về chức năng, quyền hạn của tập thể cấp ủy và tổ chức đảng. Trước yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng Đảng đòi hỏi phải có trí tuệ của một tập thể cấp ủy đoàn kết, vì HCM đã chỉ ra rằng: “Một người dù khôn ngoan tài giỏi mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu, cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Vì vậy, cần phải có nhiều người. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Người thì thấy rõ mặt này, người thì trông thấy rõ mặt khác của vấn đề đó. Góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì vấn đề đó được thấy rõ khắp mọi mặt. Mà có thấy rõ khắp mọi mặt, thì vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, khỏi sai lầm”. Do đó, khi đề ra chủ trương, chính sách mới của thì mọi cấp của tổ chức Đảng nhất thiết phải bàn bạc, thảo luận. Vì có như vậy mới phát huy được trí tuệ của tập thể, mới có thể tháo gỡ được mọi khó khăn. Vì Bác nói:“Có lực lượng nhân dân thì việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong. Nhân dân biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”.

Thứ hai, thực hiện nguyên tắc này chính là nhằm phát huy dân chủ một cách rộng rãi và mạnh mẽ. Các vấn đề hệ trọng của tổ chức Đảng khi đã có sự bàn bạc, thống nhất thì kết quả lãnh đạo mới tránh mắc phải những sai lầm, khuyết điểm. Vấn đề là làm sao để thu hút ý kiến, đóng góp của cán bộ và đảng viên. Muốn vậy cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi gợi. Phải thực sự dân chủ vì có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nguyên tắc và phong cách làm việc dân chủ, tập thể là:“Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng. Khi họ đã có ít nhiều sáng kiến, thì giúp đỡ cho họ phát triển, khen ngợi cho họ thêm hăng hái. Như thế, thì những tính lười, tính 'gặp chăng hay chớ' ngày càng bớt, mà sáng kiến và tính hăng hái ngày càng nhiều thêm””.

Có như vậy mới tránh được tình trạng các đảng viên dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình, cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra. Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị 'tai bay vạ gió' là khác. Họ không dám nói, cứ để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản, sinh ra thói 'không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng', 'trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm', thói 'thậm thà thậm thụt' và những thói xấu khác.

Thứ ba, tập thể lãnh đạo để tránh được tình trạng làm việc một cách quan liêu. Cái gì cũng dùng mệnh lệnh, áp đặt. Đóng cửa lại mà lên kế hoạch, viết chương trình rồi bắt nhân dân theo, không cần biết đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp. Sự độc đoán chuyên quyền, mất dân chủ này sẽ dẫn đến sự chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân, làm suy yếu niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng và nhân dân xa rời nhau.

Tuy nhiên, khi thực hiện nguyên tắc này cũng cần lưu ý rằng “không phai vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng đưa ra bàn - mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy, là hiểu tập thể lãnh đạo một cách quá máy móc”. Như vậy là biểu hiện của dân chủ quá trớn, vô chính phủ, “trên bảo dưới không nghe”; “phép vua thua lệ làng”. Mặc dù tập thể lãnh đạo là cần thiết, song khi tổ chức thực hiện nghị quyết, trong công tác quản lý thì phải có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, có người phụ trách. Nếu không có cá nhân phụ trách, thì sẽ sinh ra cái tệ người này ỷ lại người kia, kết quả là không ai thi hành, sẽ dẫn đến tình trạng cha chung không ai khóc, nhiều sãi không ai đóng cửa chùa, nên Hồ Chí Minh khẳng định: “Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.

Vì sao phải cá nhân phụ trách? “Phụ trách mà không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc”. Cá nhân phụ trách chính là biểu hiện của sự tập trung. Cá nhân phụ trách là khâu nối tiếp của quá trình lãnh đạo tập thể. Mỗi đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cùng cấp (và từng bộ phận) phải trên cơ sở nghị quyết của Đảng và theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đề cao trách nhiệm cá nhân, tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhưng phải chịu trách nhiệm trước tập thể và chịu sự kiểm tra, giám sát của tập thể. Cá nhân phụ trách chính là nhằm tăng cường và phát huy trách nhiệm cá nhân nhưng phải đặt trong mối quan hệ với tập thể lãnh đạo và hướng vào tăng cường quyền lãnh đạo cũng như hiệu lực lãnh đạo của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng. Có như thế mới tránh được “căn bệnh”quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, xa dân.

Nội dung của cá nhân phụ trách là khi công việc của Đảng, của cấp uỷ, của tập thể sau khi đã được bàn bạc thấu đáo đi đến ra nghị quyết hoặc quyết định thì phải được phân công cho từng người phụ trách thi hành. Việc gì một người không làm được thì phải giao cho một tập thể thực hiện. Nếu tập thể thực hiện thì cũng phải có người đứng đầu tập thể đó chịu trách nhiệm chính. Người phụ trách là người phải có đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Cá nhân phụ trách trên cơ sở tập thể lãnh đạo nghĩa là phải quyết tâm tổ chức thực hiện đúng việc tập thể đã bàn, đã quyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Người nào phụ trách thi hành, mà không làm đúng kế hoạch do đa số đã quyết định, là làm trái với nhiệm vụ của mình, và cũng không xứng đáng là một người lãnh đạo. Đó phải là người: “Những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề, trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn cần phải: Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn. Những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật”.

Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách luôn có quan hệ chặt chẽ không thể tách rời, luôn bổ sung, hỗ trợ cho nhau và trở thành nguyên tắc chi phối toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị” là một trong ba vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng cần làm ngay theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Để thực hiện hiệu quả giải pháp quan trọng này, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nhất thiết phải thực hiện đúng những nội dung Trung ương đã nêu trong Nghị quyết, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng./.

Từ khóa » đảng Cộng Sản Việt Nam Lãnh đạo Công An Nhân Dân Việt Nam Theo Nguyên Tắc Nào