Nhà Bác Học Lê Quý Đôn Và Câu đối Khiến Sứ Thần Nhà Thanh Vái Lạy
Có thể bạn quan tâm
Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, Lê Quý Đôn là một học giả kiệt xuất nhất, được mệnh danh “nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”. Bằng tài năng kiệt xuất của mình, Lê Quý Đôn để lại cho đời một kho tàng kiến thức đồ sộ, làm vẻ vang dân tộc.
Lê Quý Đôn (1726-1784), tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, người huyện Diên Hà (nay thuộc Hưng Hà, Thái Bình). Ông là con của tiến sĩ Lê Trọng Thứ, từng làm đến chức Hình bộ Thượng thư.
Thần đồng nức tiếng
Từ nhỏ, Lê Quý Đôn đã nổi tiếng thần đồng khắp trấn Sơn Nam. Đâu đâu người ta cũng bàn về cậu bé thông minh, có trí nhớ lạ kỳ. Năm 13 tuổi, ông theo cha lên học ở kinh đô, 14 tuổi đã học hết Tứ thư, Ngũ kinh, sử, truyện và đọc đến cả Bách gia chư tử, một ngày có thể làm xong mười bài phú.
Năm 17 tuổi, ông thi Hương đậu giải nguyên. Sau mấy lần thi không đỗ, đến năm 26 tuổi thi Hội, ông đỗ đầu. Ông cũng đỗ đầu thi Đình, trúng bảng nhãn. Khoa thi này không lấy trạng nguyên, ông trở thành người đỗ đầu cả 3 kỳ thi.
Theo sách Kể chuyện tấm gương hiếu học, năm Lê Quý Đôn mới 7 tuổi, một hôm, có người bạn của cha đến chơi, thấy chú bé thông minh, hỏi câu nào cũng trả lời được nên lấy làm kinh ngạc.
Người này muốn thử thêm tài năng của Lê Quý Đôn, liền chỉ vào con sông chảy quanh vườn nhà (chỗ đó sông chia thành hai nhánh) ra một vế đối chỉ gồm 2 chữ “Tam xuyên”. Đây là vế đối rất khó, bởi chữ nào cũng chỉ có 3 nét, hơn nữa chữ “xuyên” cũng chính là chữ “tam” xoay ngang lại.
Chú bé 7 tuổi hiểu ngay sự lắt léo của vế đối, nhất quyết không chịu mắc lừa vì vẻ ngoài dễ dàng của nó. Sau khi nhìn quanh tìm ý, nhìn lên chợt thấy ông quan đang đeo mục kỉnh, Lê Quý Đôn liền đối lại là “tứ mục” (4 mắt).
Đây là vế đối hết sức hoàn chỉnh. Ông khách thán phục, đứng dậy nắm lấy vai cậu bé nói rằng: “Tài học của cháu rồi sẽ ngang dọc một đời”.
Sau này, khi thi đỗ đạt, ông ra làm quan và giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều đình. Lê Quý Đôn là nhà bác học có kiến thức uyên bác, gần như thâu tóm được mọi tri thức thời bấy giờ.
Năm 1759, dưới triều vua Lê Hiển Tông, Lê Quý Đôn được cử đi sứ nhà Thanh để báo tang khi thái thượng hoàng Lê Ý Tông qua đời.
Khi sứ đoàn của ta đi qua các châu, phủ ở Trung Quốc đều bị gọi là “Di quan di mục”, nghĩa là quan lại mọi rợ. Bất bình, Lê Quý Đôn đã viết thư cho Tổng đốc Quảng Châu để phản đối. Với uy tín của mình, cùng lời văn chặt chẽ, đanh thép, triều đình Mãn Thanh buộc phải ra lệnh bỏ danh từ khinh miệt này và gọi sứ đoàn nước ta là An Nam Cống sứ.
Trong thời gian đi sứ phương Bắc, ông mang theo một số tác phẩm của mình cho nhiều nho thần Trung Quốc xem. Họ rất thán phục. Đề đốc Quảng Tây Chu Bội Liên, một học giả nổi tiếng đời Thanh đã nhận xét rằng: “Nước tôi có nhiều nhân tài, nhưng những người có tài như sứ quân đây chỉ được một vài người”.
Sứ thần phương Bắc phải vái lạy
Năm 1764, Lê Quý Đôn xin từ quan về quê trí sĩ, đóng cửa viết sách. Những lúc khó khăn, triều đình vẫn phải mời ông ra giúp sức.
Sách Sứ thần Việt Nam chép rằng có lần, sứ thần nhà Thanh sang đến cửa ải thì không chịu đi nữa, chỉ đưa một tấm vóc, đề chữ rất lạ “xa” không ra xa, “đông không ra đông” và nhắn chừng nào giải được thì mới vào.
Triều đình không ai giải được, phải sai người nhờ Lê Quý Đôn giải. Ông bảo cứ gửi cho sứ thần nhà Thanh một tấm áo cầu (loại áo làm bằng da, dành cho quan lại quý tộc), họ tự khắc sẽ đến ngay. Vua chúa, quần thần không ai hiểu nhưng cứ theo lời của Lê Quý Đôn. Quả nhiên, nhận được áo, đoàn sứ thần liền đến.
Lê Quý Đôn được cử ra tiếp sứ, ông viết vào mảnh giấy đỏ 4 chữ “Phỉ xa bất đông”, không phải chữ xa (xe) cũng không phải chữ đông (phía đông). Sau khi xem xong, sứ thần nhà Thanh đứng dậy vái bốn lần rồi trả lại áo cho ông, tỏ lòng hết sức khâm phục tài trí của người Nam.
Bấy giờ, triều đình mới biết đó là câu đố mẹo. Ý của sứ nhà Thanh là mình không có áo đại lễ nên không dám vào. Cả một câu mà thu gọn vào trong một chữ, chỉ một chữ mà thay thế được lời lẽ của cả một bức thư. Triều đình xôn xao, khen kẻ đối mười phần thì lại phải khen người giải tới cả trăm phần.
Nhờ tài làm thơ, ứng xử khéo léo, Lê Quý Đôn đã tranh thủ được tình cảm sứ thần, tạo tiền đề cho mối bang giao thân thiện của dân tộc.
Lê Quý Đôn đã để lại cho đời khoảng 40 công trình nghiên cứu có giá trị như bộ Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Thư kinh diễn nghĩa, Vân đài loại ngữ. Nhìn chung, lượng tác phẩm của ông hết sức đồ sộ.
Ông không những là thiên tài, mà còn là tấm gương về học tập, cần cù, chịu khó, quan sát, suy nghĩ để lĩnh hội kiến thức. Chỉ riêng cuốn Vân đài loại ngữ, ông đã trích dẫn tới 557 cuốn sách khác nhau.
Nhà sử học Phan Huy Chú từng đánh giá: “Ông tư chất khác đời, thông minh hơn người…, bình sinh làm sách rất nhiều, bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ, rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng ở trên đời”.
Từ khóa » Câu Chuyện Về Nhà Bác Học Lê Quý đôn
-
Câu Chuyện Về Nhà Bác Học Lê Quý Đôn [Danh Nhân Việt Nam]
-
Vài Mẩu Chuyện Về Bảng Nhãn Lê Quí Đôn - Truyền Thuyết Việt Nam
-
Nhà Bác Học Lê Quý Đôn Và Câu Chuyện "túi Khôn Của Thời đại"
-
Chuyện Lê Quý Đôn Bỏ Tính Kiêu Ngạo, Trở Thành Nhà Bác Học Lớn
-
Lê Quý Đôn - Nhà Bác Học Kiệt Xuất - YouTube
-
Câu Chuyện Về Lê Quý đôn - TaiLieu.VN
-
Câu Chuyện Về Lê Quý đôn - TailieuXANH
-
Câu Chuyện Về Lê Quý đôn.pdf (ngụ Ngôn -cổ Tích) | Tải Miễn Phí
-
Câu Chuyện Về Nhà Bác Học Lê Quý đôn Giúp Em Hiểu điều Gì? - Hoc24
-
Tiểu Sử Nhà Bác Học Lê Quý Đôn
-
Những điều ít Biết Về Nhà Bác Học Lê Quý Đôn
-
Kể Chuyện Về Một Danh Nhân Mà Em Ngưỡng Mộ Nhất - Văn Mẫu Hay
-
Lê Quý Đôn – Wikipedia Tiếng Việt
-
Kể Chuyện Danh Nhân Lịch Sử: Lê Quí Đôn - Rắn Đầu Biếng Học