Nhà đầu Tư Phản ứng, VF1 Sửa Lại Giá Phát Hành - VnEconomy

Trở lại trang chủ

Chứng khoán

Đầu tư Giá phát hành của quỹ đầu tư VF1 vừa được khôi phục theo mức cũ, sau khi đã có một làn sóng phản ứng của các nhà đầu tư. Sáng 4/5, một số nhà đầu tư liên hệ với VnEconomy để yêu cầu có thông tin phản ánh bức xúc của họ về quyết định điều chỉnh giá phát hành của VF1 mà Công ty Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) vừa đưa ra. Một nhà đầu tư cho rằng “ở đây không chỉ liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư mà còn là một điển hình cần xem xét lại trong việc tạo dựng một môi trường minh bạch và công bằng trên thị trường chứng khoán”. Trong thư gửi tới VnEconomy, nhà đầu tư Ngô Minh Đức (số điện thoại 0983369…) bình luận: “Trong khi cơ chế pháp luật đang dần được hoàn thiện, tạo tính minh bạch và một sân chơi công bằng cho nhà đầu tư, thì những gì mà VFM và Ủy ban Chứng khoán đã và đang thực hiện với VF1 trong thời gian qua hoàn toàn đi ngược lại với những nguyên tắc và tinh thần ấy”. Trên sàn, nhiều nhà đầu tư đang đặt ra câu hỏi: Quyền lợi của họ đang ở đâu, đặc biệt là với nhà đầu tư mới? Và có hay không việc vi phạm các quy định pháp luật hiện hành? Liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư, độc giả Ngô Minh Đức đưa ra phân tích: “Căn cứ vào Quyết định số 144/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán ngày 15/3/2007 (cho phép VF1 được tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, phát hành cho nhà đầu tư hiện hữu của quỹ); căn cứ bản cáo bạch tăng vốn điều lệ của VF1 quy định giá phát hành áp dụng cho đợt tăng vốn được xác định dựa trên cơ sở tham chiếu là giá trị tài sản ròng (NAV) của Quỹ được công bố tại tuần có ngày chốt danh sách hưởng quyền và được chiết khấu tối đa 30% so với NAV được công bố; và theo biên bản họp Ban đại diện Quỹ đầu tư VF1 số 18 ngày 22/3/2007, giá phát hành áp dụng cho đợt tăng vốn điều lệ là 33.164 đồng/chứng chỉ quỹ. VF1 đã chốt danh sách cổ đông và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM cũng đã tiến hành điều chỉnh giá tham chiếu cho ngày giao dịch không hưởng quyền là 36.900 đồng theo như đúng quy định. Tuy nhiên, ngày 2/5, VF1 đã gây bất ngờ cho toàn thể các cổ đông, khi tự ý đưa ra mức giá phát hành mới là 23.700 đồng, mà không điều chỉnh lại giá tham chiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền, không hề thông báo trước cho các cổ đông, gây thiệt hại lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư mua VF1 sau ngày giao dịch không hưởng quyền. Cụ thể: - Giá đóng cửa của VF1 trước ngày giao dịch không hưởng quyền là 40.700 đồng/chứng chỉ quỹ. - Giá phát hành là 33.164 đồng/chứng chỉ quỹ, phát hành với quyền mua 1:1. Như vậy, giá tham chiếu cho ngày giao dịch không hưởng quyền là: (40.700 đồng + 33.164 đồng )/2 = 36.900 đồng/chứng chỉ quỹ,. Trong phiên giao dịch ngày hôm đó, giá khớp lệnh của VF1 là 36.900 đồng/chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, nếu tính theo phương án phát hành mới, thì giá tham chiếu cho ngày giao dịch không hưởng quyền phải là: (40.700 đồng + 23.700 đồng)/2 = 32.200 đồng. Như vậy, tính ra mỗi nhà đầu tư đã thiệt hại 4.700 đồng/chứng chỉ quỹ. Khoản thua lỗ này, ai sẽ bù cho nhà đầu tư? VFM hay đơn vị bảo lãnh phát hành là Công ty Chứng khoán Bảo Việt?”. Bên cạnh ý kiến trên, một số nhà đầu tư khác cũng có cùng câu hỏi: liệu quyết định của VFM và sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán có vi phạm nguyên tắc giao dịch và niêm yết cổ phiếu trên thị trường? Một loạt câu hỏi khác được nhà đầu tư đặt ra liên quan đến vai trò của tổ chức bảo lãnh phát hành trong trường hợp này như thế nào, ý nghĩa bảo lãnh đến đâu, cụ thể là vai trò bảo lãnh của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)? Một số nhà đầu tư yêu cầu xem xét lại phương án điều chỉnh của VFM, sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán; thậm chí có cả yêu cầu tạm ngừng giao dịch chứng chỉ quỹ này. Trở lại với cuộc họp chiều 4/5 giữa Ủy ban Chứng khoán với đại điện của VFM và BVSC, theo tìm hiểu của VnEconomy, nội dung chính là tập trung tìm giải pháp bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư trong sự việc này. Sau cuộc họp trên, VFM cũng đã có thông báo hủy bỏ mức giá 23.700 đồng/chứng chỉ quỹ, như đã thông báo trước đó và có những thay đổi quan trọng. Cụ thể là giữ nguyên mức giá phát hành trước đó với 33.164 đồng/chứng chỉ quỹ, và phí phát hành là 2%/mệnh giá/chứng chỉ quỹ (200 đồng); thời gian chuyển nhượng quyền được xác định từ 16/4/2007 đến ngày 25/5/2007; thời gian đăng ký đóng tiền từ 16/4/2007 đến hết ngày 30/5/2007. Ngoài ra, đơn vị bảo lãnh phát hành cũng đã cam kết thực hiện các trách nhiệm đối với việc bảo lãnh đợt phát hành tăng vốn của VF1. Đáng chú ý là việc VFM tuyên bố giảm giá phát hành chứng chỉ quỹ đã từng có tiền lệ. Nhiều người vẫn còn nhớ vào tháng 8 năm ngoái, khi tiến hành tăng vốn cho Quỹ VF1 từ 300 lên 500 tỷ đồng, công ty này cũng đã bất ngờ giảm giá phát hành chứng chỉ đợt 2 (từ 24.222 đồng xuống còn 18.167 đồng/chứng chỉ), gây ra nhiều thắc mắc và hoài nghi trong dư luận vào thời điểm bấy giờ.

Từ khóa » Giá Vf1