Vụ Chứng Chỉ Quỹ VF1: Những Câu Hỏi Còn Bỏ Ngỏ - Tiền Phong

Vụ chứng chỉ quỹ VF1: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ ảnh 1
Nếu VF1 được bán giá 23.700 đồng sẽ khiến nhiều nhà đầu tư bị thiệt

Trong một động thái nhằm xoa dịu nhà đầu tư, ngày 6/5, ông Trần Thanh Tân - Tổng Giám đốc VFM đã trả lời trên báo chí rằng: “Hợp đồng bảo lãnh cũng có ghi là trong những điều kiện thị trường xấu thì việc bảo lãnh sẽ không còn hiệu lực.

Trên thực tế là các đơn vị bảo lãnh cũng chưa từ chối trách nhiệm của mình nên chúng tôi đã quyết định quay lại phương án cũ và kéo dài thời điểm nộp tiền. Nếu thị trường phục hồi, giá VF1 lên trở lại thì đợt phát hành vẫn có thể thành công”. Câu trả lời của ông Tân đặt ra rất nhiều câu hỏi đối với nhà đầu tư.

Hợp đồng bảo lãnh cũng có ghi là trong những điều kiện thị trường xấu thì việc bảo lãnh sẽ không còn hiệu lực: Thế nào là thị trường xấu? Mốc “xấu” trong hợp đồng là như thế nào? Và tại sao với một hợp đồng “bảo lãnh” có giá bạc tỷ rất chung chung như vậy mà lãnh đạo VMF vẫn chấp nhận?

Tại sao khi các đơn vị bảo lãnh phát hành vẫn chưa có động thái từ chối trách nhiệm của mình mà lãnh đạo VMF đã nhanh chóng điều chỉnh mức giá phát hành theo hướng chịu thiệt về phía VMF và có lợi cho phía bảo lãnh phát hành?

Trước đó, khi thông báo về lần phát hành tăng vốn này, lãnh đạo VMF đã khẳng định đợt phát hành đã được Cty Chứng khoán Bảo Việt và Cty Chứng khoán TPHCM thực hiện bảo lãnh với mức giá 33.164 đồng/CCQ.

Nghĩa là sau khi hết thời gian đăng ký và đóng tiền của nhà đầu tư hiện hữu theo danh sách chốt từ Trung tâm Lưu ký, số lượng chứng chỉ quỹ dư còn lại do không được nhà đầu tư mua hết sẽ được đơn vị bảo lãnh phát hành thực hiện mua với mức giá bảo lãnh.

Tuy nhiên không hiểu tại sao lãnh đạo VFM lại rất nhiệt tình trong việc giảm giá phát hành, vơ cái thiệt về mình và về những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu VF1?

Hậu quả của sự việc đã rõ. Tuy rằng VFM đã hủy bỏ việc điều chỉnh giá phát hành VF1 nhưng rất nhiều nhà đầu tư mua VF1 sau ngày VFM chốt danh sách NĐT phải chịu thiệt thòi lớn.

Ai cũng biết tính rủi ro trên thị trường chứng khoán, tuy nhiên với những “rủi ro” như vụ VF1 thì hoàn toàn nằm ngoài bất kỳ sự tính toán của bất cứ chuyên gia nào. Và trong trường hợp này, những thông tin chính thức bị thay đổi liên tục, người chịu thiệt cuối cùng là những nhà đầu tư.

Việc UBCKNN cho phép VFM điều chỉnh giảm giá phát hành so với công bố ban đầu là trái luật trong khi nhiệm vụ của UBCKNN là phải bảo vệ nhà đầu tư.

Việc một phó ban của UBCKNN phát biểu rằng: “Với những người đã và đang nắm giữ VFMVF1 lâu dài, mức giá này rõ ràng là rất tích cực và có lợi. Còn với những ai “mới vào”, trót mua lúc giá cao có thể là thiệt thòi” khiến cho nhiều nhà đầu tư hết sức khó hiểu.

Mức giá bị điều chỉnh giảm gây thiệt hại cho phần lớn những cổ đông đang nắm giữ VFMVF1 cho dù đó là nhà đầu tư đã lâu hay mới mua vào. Việc phát hành thêm CCQ nhằm tăng vốn nếu quỹ thặng dư thêm tiền mặt 33.000 đồng/CCQ rõ ràng có lợi hơn thặng dư tiền mặt 22.000/CCQ.

Chúng ta đang hướng tới việc xây dựng một thị trường chứng khoán minh bạch, trở thành một kênh đầu tư tốt đối với người dân. Tuy nhiên trước vụ việc VF1 và những câu hỏi còn chưa được trả lời thỏa đáng, niềm tin của nhà đầu tư đã bị lung lay nghiêm trọng nhất là trong giai đoạn thị trường đang ảm đạm như hiện nay.

Hoàng Tùng

Từ khóa » Giá Vf1