Nhà Hát Chèo Ninh Bình – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
Nhà hát Chèo Ninh Bình là đơn vị hoạt động nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, gồm 2 đoàn chèo. Nhà hát được thành lập trên cơ sở nâng cấp Đoàn chèo Ninh Bình. Đây là Nhà hát Chèo nằm trên vùng đất kinh đô Hoa Lư xưa vốn được coi là đất tổ của sân khấu Chèo từ thế kỷ X. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, hiện nay chèo Ninh Bình vẫn là một trong những cái nôi hát chèo mạnh nhất ở Việt Nam. Từ năm 2010 đến nay, Nhà hát Chèo Ninh Bình là đơn vị nhà hát Chèo lớn nhất nằm ngoài thủ đô Hà Nội với tổng số nhân lực > 100 người trong khi các nhà hát Chèo tỉnh khác thường duy trì 45 - 60 người. Trong không gian văn hóa nghệ thuật chèo, Nhà hát Chèo Ninh Bình thuộc chiếng Chèo xứ Nam, ngoài Chèo nhà hát còn có vai trò bảo tồn các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian khác như xẩm, hát văn và ca trù.[1]
Lịch sử hình thành
[sửa | sửa mã nguồn]Nghệ thuật Chèo ở Ninh Bình
[sửa | sửa mã nguồn]Vùng đất kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình từ thời nhà Đinh xưa đã là quê hương của nghệ thuật sân khấu Chèo, hiện nơi đây vẫn là một trong những cái nôi Chèo ở Việt Nam. Chèo phát triển trong cung đình từ thế kỷ X đến thế kỷ XV thì được trả hoàn toàn về với nông dân ở Tứ chiếng chèo. Ninh Bình thuộc chiếng chèo xứ Nam. Chèo xứ Nam có những làn điệu đặc trưng như: Chèo quế hay điệu hạ vị tả cảnh du thuyền thăm cảnh đẹp cửa Thần Phù, núi Cánh Diều, chùa Non Nước ở Ninh Bình, Bà chúa con cua gắn với tín ngưỡng chầu văn Nam Định, Nhịp đuổi gắn với tích trấn thủ Lưu Đồn ở Thái Bình hay các làn điệu độc đáo xứ Nam như Đò đưa, Đường trường thu không, Đường trường tải lương, Tình thư hạ vị,...
Trên địa bàn Ninh Bình ngày nay đã hình thành và phát triển rất nhiều các vùng chèo, câu lạc bộ chèo tiêu biểu như ở các vùng quê Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn và thành phố Hoa Lư. Các cố nghệ nhân chèo nổi tiếng xưa là người Ninh Bình như: nghệ nhân An Văn Mược, Nghệ nhân Phạm Hồng Lô là đồng tác giả biên kịch hai trong số bảy vở chèo kinh điển của Việt Nam là Quan Âm Thị Kính và vở chèo cổ Kim Nham. Từ hai vở chèo kinh điển này đã tạo ra rất nhiều các làn điệu chèo cổ. Đóng góp cho chèo Ninh Bình còn phải kể tới Nghệ nhân dân gian, NSUT Hà Thị Cầu với bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam và giải đặc biệt "Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình" trong Liên hoan Trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc.
Ninh Bình là quê hương của những nghệ sĩ Chèo nổi tiếng hiện nay như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Thúy Mùi; NSND Thúy Ngần; Nhạc sĩ, NSND Hạnh Nhân; NSND Mai Thủy[2]; NSND Trương Mạnh Thắng (Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương); NSUT Thùy Dung (Nhà hát Chèo Việt Nam)[3], NSND Quang Thập; NSUT Huyền Diệu; NSƯT Phạm Quốc Nha (Nhà hát Chèo Ninh Bình); NSUT Thảo Quyên; NSƯT Minh Huệ (chèo Hà Nội); Các Nghệ nhân ưu tú nghệ thuật chèo như: NNƯT Phạm Ngọc Giới, NNƯT Vũ Văn Phó, NNƯT Vũ Xuân Năng, NNƯT Phạm Thị Điền, NNƯT Lại Thế Vũ, NNƯT Nguyễn Mạnh Hùng, NNƯT Vũ Minh Hượi...
Năm 2020, trên địa bàn huyện Yên Khánh có 71 Câu lạc bộ hát Chèo,[4] tập trung nhiều ở các xã như Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Mậu, Khánh Lợi.[5] Toàn huyện Yên Mô đã thành lập được 28 CLB chèo, đội chèo đi vào hoạt động, thu hút đông đảo nhân dân. Trung bình 1 CLB có từ 15- 27 hội viên sinh hoạt thường xuyên, phát triển mạnh mẽ nhất trong các xã Khánh Thịnh, Yên Phong, Yên Nhân, Yên Hòa, Yên Mạc.[6] Thành phố Hoa Lư đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể chiếu chèo thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải) để phục vụ du lịch.
Nhằm mục đích bảo tồn nghệ thuật hát chèo truyền thống, năm 2013, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đã chọn tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương triển khai Dự án “Sân khấu học đường”.[7] Việc triển khai, nhân rộng và từng bước đưa nghệ thuật chèo vào trường học có thể xem là “chìa khóa” để tạo nguồn kế cận, góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật Chèo truyền thống ở địa phương vốn được coi là đất tổ của Chèo.
Nhà hát Chèo tỉnh Ninh Bình
[sửa | sửa mã nguồn]- Năm 1959, Đoàn văn công Sông Vân được thành lập với nhiệm vụ chính là tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua lao động sản xuất, chiến đấu của tỉnh Ninh Bình. Với lực lượng nòng cốt ban đầu là những cán bộ làm công tác thông tin địch vận, các tác phẩm là những hoạt cảnh có nội dung tuyên truyền… Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Đoàn văn công Sông Vân có sự thay đổi về tên gọi để phù hợp với tình hình như: Đoàn chèo Sông Vân, Đoàn chèo Ninh Bình, Đoàn văn công Ninh Bình… [8] Đoàn còn vào các chiến trường Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, sang Lào… để phục vụ bộ đội và nhân dân.
- Từ năm 1982 đến 1991, Đoàn chèo Ninh Bình sáp nhập với Đoàn chèo Nam Hà để thành lập Đoàn chèo Hà Nam Ninh. Thời kỳ này, Đoàn chèo Hà Nam Ninh đã gây được tiếng vang tại các hội diễn toàn quốc qua các vở diễn tiêu biểu như vở diễn "Những người nói thật" của tác giả An Viết Đàm, nghệ sĩ Kim Khuyên đạt huy chương vàng, NS Lâm Bình đạt huy chương bạc…
- Năm 1992, tỉnh Ninh Bình được tái lập, 24 cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên thuộc các lĩnh vực: chèo, ca múa nhạc, cải lương, kịch nói của Đoàn Hà Nam Ninh, là con em quê hương Ninh Bình đã trở về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tái lập lại đoàn nghệ thuật chèo Ninh Bình. Vở diễn đầu tiên sau 17 năm chia tách được Đoàn dàn dựng thành công là vở chèo "Tấm áo bào Hoàng đế". Trung bình mỗi năm, Đoàn đã biểu diễn trên 120 buổi phục vụ khoảng 180.000 lượt khán giả. Năm 2012 đoàn tham gia 176 buổi diễn.[9]
Cơ cấu tổ chức
[sửa | sửa mã nguồn]Nhà hát Chèo Ninh Bình có trụ sở nằm ở ngã 3 đường Hoàng Diệu và Lê Đại Hành, phường Thanh Bình, thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nhà hát nằm liền kề Trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Bình, rạp chiếu phim Ninh Bình cùng di tích đền Vân Thị thờ bà tổ hát chèo Phạm Thị Trân.
Ban giám đốc- Giám đốc: Đạo diễn - NSND Quang Thập (Nguyễn Quang Thập)
- Phó giám đốc: NSND Mai Thị Thủy
- Phó giám đốc: NS Mai Thị Hòa (Đã nghỉ hưu)
- Đoàn Chèo Ninh Bình 1 (Đoàn nghệ thuật 1): Trưởng đoàn NS Mai Thị Hòa (Đã nghỉ hưu)
- Đoàn Chèo Ninh Bình 2 (Đoàn nghệ thuật 2): PGĐ kiêm Trưởng đoàn: NSND Mai Thị Thủy
- Phòng Tổ chức hành chính: Trưởng phòng Đỗ Ngọc Vinh
- Phòng Tổ chức biểu diễn
- Phòng Nghệ thuật: Trưởng phòng Nguyễn Ngọc Thuân
Cơ cấu phân theo chuyên môn có: Đội múa Rối nước, đội Nhạc công, đội Công nhân, Đội diễn viên.
Các nghệ sĩ
[sửa | sửa mã nguồn]Hiện nhà hát Chèo Ninh Bình có các nghệ sĩ tên tuổi như: Đạo diễn - NSND Quang Thập (Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình), NSND Mai Thủy, NSƯT Huyền Diệu, NSƯT Bá Toản, NS Việt Triều, NS Khánh Hà, NS Quốc Trị, NSƯT Lê Anh Tú, NS Hoàng Thắng, NS Thanh Hải, NS Thu Quế, NS Phạm Bình, NSTNT Ngọc Anh,NSTNT Thiên Sinh, NS Phạm Thị Hiền, NSƯT Đỗ Thị Lý, NS Thanh Tuyền, NS Tiến Thành, NS Mai Hiên,NS Diệu Thuấn, NS Ngọc Xuân, NSTNT Thu Hương,
Các nghệ sĩ đã nghỉ của Nhà hát chèo như: NSUT Vũ Lâm Bình, NSUT Lý Thanh Kha, NSƯT Xuân Nghị, NSƯT Phạm Tuấn Dũng, NSƯT Phạm Quốc Nha, NSUT Mai Thế Tưởng, NSƯT Minh Huệ, NSƯT Thảo Quyên (chuyển Chèo HN)Lớp các nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn văn công Sông Vân được khán giả nhớ và biết đến qua các vai diễn tiêu biểu như: Nghệ sĩ Xuân Cưu, Kim Liên, Hồng Nhạn, Mạnh Thi, Mai Sen, Đăng Thanh (nguyên Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình), Thúy Mùi, Xuân Chính, Nhà viết kịch Am Viết Đàm, Nghệ nhân Phạm Quang Thảo (Cả Nghệ), Nghệ sĩ An Quang Định,...[10]
Tác phẩm tiêu biểu
[sửa | sửa mã nguồn]- Tấm áo bào hoàng đế: là vở diễn dựng từ năm 2009, tham gia “Liên hoan sân khấu các vở diễn lịch sử chào mừng nghìn năm Thăng Long”. Vở chèo Tấm áo bào hoàng đế kể chuyện Thái hậu Dương Vân Nga trao ngôi báu cho Lê Hoàn khi vua Đinh Tiên Hoàng mất và dân tộc đứng trước nguy cơ bị nhà Tống xâm lấn.[11] Tại cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, vở chèo "Tấm áo bào hoàng đế" của Nhà hát Chèo Ninh Bình đã về nhất; đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Thập là một trong hai đạo diễn trẻ tài năng được hội thi tặng Huy chương vàng[12]
- Tiếng hát đại ngàn: Vở chèo "Tiếng hát đại ngàn" là một vở chính kịch, được Nhà hát chèo Ninh Bình dàn dựng để tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013. Đây là vở diễn viết về đề tài du lịch, phong cách chèo hiện đại. Vở chèo do nhà viết kịch Nguyễn Đăng Thanh viết kịch bản; NSƯT Nguyễn Quang Thập, NSND Trần Ngọc Giàu đồng đạo diễn.[13] “Tiếng hát đại ngàn” là vở diễn đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013.[14] Vở diễn với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm như: NSƯT Xuân Nghị, nghệ sĩ nhân dân Mai Thủy; các nghệ sĩ trẻ như: Huyền Diệu, Anh Tú, Thanh Tuyền, Mạnh Hưng, Tiến Thành và các nghệ sĩ khác
- Linh khí Hoa Lư: Trong dịp hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Nhà hát Chèo Ninh Bình đã huy động mọi nguồn lực, động viên tập thể nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ công nhân viên nhà hát cùng đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng thành công vở chèo "Linh khí Hoa Lư". Tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Quảng Ninh cuối năm 2009, vở diễn "Linh khí Hoa Lư" đã được tặng huy chương vàng, cùng với 3 huy chương vàng, 3 huy chương bạc cho đạo diễn, diễn viên, nhạc công.[15]
- Kim Nham: là vở diễn xuất sắc nhất kỳ liên hoan nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp năm 2001.[16]
Thành tích
[sửa | sửa mã nguồn]Tại cuộc thi chèo
[sửa | sửa mã nguồn]- Năm 2020, Tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Chèo toàn quốc năm 2020 đã diễn ra tại Hà Nam, Nhà hát Chèo Ninh Bình đã xuất sắc giành 1 huy chương vàng cho Nguyễn Thị Tuyền); 3 huy chương bạc cho các nghệ sĩ trẻ: Ngọc Xuân, Vũ Thị Quỳnh, Dương Thị Hòa; Bằng khen có thành tích xuất sắc đào tạo diễn viên trẻ; Nguyễn Đoàn Thiên Sinh và 6 diễn viên khác giành giải triển vọng, xếp thứ ba các đoàn tham gia theo thành tích huy chương.
- Năm 2019, Tại Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc diễn ra tại Bắc Giang, chèo Ninh Bình giành 4 huy chương vàng cá nhân (Thiên Sinh, Đình Anh, Đỗ Lý, Bá Toản) và 4 huy chương bạc, xếp thứ 12/16 đơn vị tham gia theo thành tích huy chương.
- Năm 2017, Cuộc thi Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra ở Thanh Hóa, Chèo Ninh Bình xếp thứ 4 với 1 HCV của Nguyễn Thị Ngọc Anh và 2 HCB của Đỗ Thị Lý, Vũ Thị Thu Hương, đồng thời diễn viên Nguyễn Đoàn Thiên Sinh là 1 trong 2 thí sinh đạt giải diễn viên trẻ triển vọng của cuộc thi.
- Năm 2016, Tại Cuộc thi Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016, Nhà hát Chèo Ninh Bình giành huy chương bạc vở "Lưu Bình trả nghĩa"; dành 3 huy chương vàng cá nhân cho các nghệ sĩ: NS Nguyễn Đình Anh và NSUT Trần Thị Diệu trong vở: "Lưu Bình trả nghĩa", NS Nguyễn Bá Toản trong vở: "Cỏ lạ đường thôn"; 6 huy chương bạc cá nhân cho nghệ sĩ nhân dân Mai Thủy, NS Nguyễn Ngọc Anh, NS Mai Hiên trong vở: "Cỏ lạ đường thôn"; NS Đỗ Thành, NS Đỗ Thị Lý và NS Lê Anh Tú trong vở: "Lưu Bình trả nghĩa".[17]
- Năm 2014, Tại Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2014 Nhà hát Chèo Ninh Bình giành 2/6 Huy chương vàng (Phạm Thị Hiền vai Súy Vân và Nguyễn Thị Ngọc Anh vai Thị Kính); 2/11 Huy chương bạc (Trần Thị Diệu vai Nguyên phi Ỷ Lan và Đỗ Thị Lý vai Thị Nở).[18] Cùng với Nhà hát Chèo Việt Nam là 2 đơn vị về nhất theo thành tích huy chương với 2 HCV và 2 HCB.
- Năm 2013, Tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013 diễn ra ở Hải Phòng[19] Nhà hát Chèo Ninh Bình giành Huy chương bạc vở diễn “Tiếng hát đại ngàn”. Giải cá nhân có 03 Huy chương vàng (Huyền Diệu, Anh Tú, NSND Mai Thủy) và 01 Huy chương bạc (Thanh Tuyền). Cơ cấu giải thưởng cuộc thi có tổng 03 vở diễn đạt HCV và 06 vở diễn đạt HCB, 42 HCV cá nhân, 68 HCB cá nhân. Xếp thứ 5/17 đoàn tham dự theo thành tích huy chương.[20]
- Năm 2013, Tại cuộc thi tài năng trẻ đạo diễn sân khấu được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, vở chèo "Tấm áo bào hoàng đế" của Nhà hát chèo Ninh Bình đã về nhất và là vở chèo duy nhất trong số 22 tác phẩm dự thi; đạo diễn, NSƯT Nguyễn Quang Thập là một trong hai đạo diễn trẻ tài năng được hội thi tặng Huy chương vàng[12]
- Năm 2009, Tại Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2009 diễn ra ở Quảng Ninh[21] Nhà hát Chèo Ninh Bình giành Huy chương vàng vở diễn “Linh Khí Hoa Lư” (Cơ cấu giải hội diễn có 02 vở diễn đạt Huy chương vàng và 05 vở diễn đạt Huy chương bạc). Giải cá nhân có 03 Huy chương vàng (Thế Tưởng, Thanh Tú, Thanh Tuyền) và 03 Huy chương bạc (Bá Toản, Huyền Diệu, Quốc Trị). Xếp thứ 1/17 đoàn tham dự về số lượng huy chương.
Trong lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]- Từ năm 1959 - 1982: Đoàn đã dàn dựng những vở diễn có nội dung gắn liền với lịch sử, truyền thống của quê hương như: Nàng tiên bên núi Thúy, Lá cờ năm xưa, Vườn cam, Trần Quốc Toản, Thái hậu Dương Vân Nga…
- Từ năm 1982 - 1991: Thời kỳ này, Đoàn chèo Hà Nam Ninh đã gây được tiếng vang tại các hội diễn toàn quốc qua các vở diễn. Tiêu biểu năm 1985, vở diễn "Những người nói thật" của tác giả An Viết Đàm, nghệ sĩ Kim Khuyên đạt huy chương vàng, Lâm Bình đạt huy chương bạc…
- Từ năm 1992: Vở diễn đầu tiên được Đoàn Chèo Ninh Bình dàn dựng thành công là vở chèo "Tấm áo bào Hoàng đế". Những vở chèo như: Nước mắt vua Đinh, Kim Nham, Trương Hán Siêu… là những vở diễn chèo cổ, mang lại thành công cho các nghệ sĩ của Đoàn vì đã xuất sắc giành được các huy chương. Nghệ sĩ chèo Vũ Lâm Bình giành huy chương bạc hội thi Giọng hát chèo hay toàn quốc năm 1992; huy chương vàng vai Thái hậu Dương Vân Nga vở "Tấm áo bào Hoàng đế" tại Liên hoan các trích đoạn chèo hay toàn quốc năm 1993; huy chương vàng vai Ngô Phu Nhân trong vở "Nước mắt vua Đinh" tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995; huy chương bạc vai Mụ Mối vở "Kim Nham" trong Hội diễn sân khấu chèo truyền thống tại Quảng Ninh...[22]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Nhà hát chèo Ninh Bình vững tay chèo
- ^ “NSƯT Mai Thủy: "Cháy bỏng, khát vọng và cống hiến"”. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 2 năm 2015.
- ^ NSƯT Thuỳ Dung: Trọn vẹn với nghề
- ^ Yên Khánh bảo tồn nghệ thuật hát chèo gắn với phát triển du lịch
- ^ Yên Khánh gìn giữ và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống
- ^ Yên Mô: Khôi phục và phát triển nghệ thuật truyền thống
- ^ Khơi dậy tình yêu với nghệ thuật truyền thống
- ^ “Nhà hát Chèo Ninh Bình, nửa thế kỷ xây dựng và phát triển”. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 12 năm 2009. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2009.
- ^ “Nhà hát chèo Ninh Bình - Một năm đầy sôi động”. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2014.
- ^ Văn hóa - Văn nghệ NB: Làng chèo Sông Vân - 27/12/2014
- ^ Khi tấm áo bào đoạt giải vàng
- ^ a b NSƯT Nguyễn Quang Thập: Tuổi tác không quyết định sáng tạo
- ^ Nhà hát chèo Ninh Bình trình diễn vở chèo "Tiếng hát đại ngàn"
- ^ “Tiếng hát đại ngàn” đoạt Huy chương Bạc tại Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013[liên kết hỏng]
- ^ “Về việc Khen thưỏng "Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2009"”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2015.
- ^ Sức hấp dẫn của nghệ thuật chèo cổ
- ^ Bế mạc Hội thi Nghệ thuật sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016
- ^ “Bế mạc "Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2014"”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2015.
- ^ “Kết quả giải thưởng tại cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2013”. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2016.
- ^ “NHÀ HÁT CHÈO NINH BÌNH THÀNH CÔNG NỐI TIẾP THÀNH CÔNG”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2015.
- ^ “Quyết định số 4916/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2009 Về việc Khen thưỏng "Hội diễn sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc - 2009"”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 12 năm 2015.
- ^ Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lâm Bình
| ||
---|---|---|
7 vở chèo cổ kinh điển | Lưu Bình - Dương Lễ • Quan Âm Thị Kính • Trương Viên • Chu Mãi Thần • Kim Nham • Trinh Nguyên • Từ Thức | |
Hệ thống làn điệu chèo | Đối đáp, trữ tình • Đường trường • Sắp • Hề • Ra trò • Vãn, thảm • Nói sử • Sa lệch • Nói, vỉa, ngâm vịnh • Bài ca lẻ | |
Hệ thống vai diễn chính | Kép (chính, lệch, ngang) • Đào (chín, lệch, ngang) • Hề (áo dài, áo ngắn)• Mụ (ác, thiện, mối) • Lão (say, mốc, bộc, chài, tiều) | |
Tứ chiếng chèoĐồng bằng sông Hồng |
| |
Nhà hát chèo chuyên nghiệp | Nhà hát Chèo Việt Nam • Nhà hát Chèo Quân đội • Nhà hát Chèo Hà Nội • Nhà hát Chèo Ninh Bình • Nhà hát Chèo Thái Bình • Nhà hát Chèo Hải Dương • Nhà hát Chèo Hưng Yên • Nhà hát Chèo Bắc Giang • Đoàn Chèo Hải Phòng | |
Đơn vị nghệ thuật có chèo | Nam Định • Hà Nam • Vĩnh Phúc • Quảng Ninh • Phú Thọ • Thanh Hóa • Yên Bái • Thái Nguyên • Tuyên Quang | |
Thông tin khác | Nghệ sĩ chèo ở Việt Nam • Các làng chèo cổ • Danh sách các làn điệu chèo • Danh sách các vở chèo Việt Nam | |
Thể loại |
| |
---|---|
Hà Nội |
|
TPHCM |
|
Tỉnh khác |
|
Đoàn nghệ thuật |
|
Từ khóa » Tỉnh Nào Là đất Tổ Của Sân Khấu Chèo
-
Chèo – Wikipedia Tiếng Việt
-
Nghệ Thuật Chèo ở Thái Bình: Xưa Và Nay - Báo Thái Bình điện Tử
-
Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) Là đất Tổ Của Sân Khấu Chèo, Và Người ...
-
Xuân Về Trên đất Tổ Chèo Làng Khuốc - VOV World
-
Chèo - Wiki Là Gì
-
Nguồn Gốc Và Thời điểm Hình Thành Chèo
-
Người ”tiên Phong” Của Làng Chèo đất Tổ - Báo Phú Thọ
-
Sự Khởi Nguồn Và Phát Triển - Facebook
-
Vị Tổ Hát Chèo - Báo Bình Phước
-
Lịch Sử Dân Ca Chèo
-
Chèo – Là Gì Wiki - Chickgolden
-
Nhà Hát Chèo Ninh Bình – Du Học Trung Quốc 2022 - Wiki Tiếng Việt
-
Chèo – Wikipedia Tiếng Việt