Vị Tổ Hát Chèo - Báo Bình Phước

BP - Phạm Thị Trân (926-976), hiệu là Huyền Nữ (người nữ huyền diệu), là nữ nghệ sĩ thời nhà Đinh của Việt Nam. Bà được tôn là bà tổ của nghệ thuật hát chèo, đồng thời là vị tổ nghề đầu tiên của ngành sân khấu Việt Nam. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được phong làm quan trong thời đại phong kiến ở nước ta. Với những đóng góp đặc biệt trong lịch sử dân tộc, bà Phạm Thị Trân được đưa vào danh sách những phụ nữ Việt Nam huyền thoại được thế giới tuyển chọn là “Những hình tượng phụ nữ nổi tiếng nhất của nhân loại từ thời tiền sử đến nay”.

Minh họa: S.H

Trong sách “Đả cố lục” có ghi: Phạm Thị Trân sinh ở Hồng Châu, vùng đất này thuộc các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện (phía tây tỉnh Hải Dương) và Yên Mỹ, Văn Lâm, Mỹ Hào (phía bắc tỉnh Hưng Yên ngày nay). Vùng đất Hồng Châu ở trung tâm đồng bằng Bắc bộ, giữa tứ giác nước tạo bởi sông Thái Bình với các sông Hồng, sông Đuống và sông Luộc. Sự nghiệp của bà được phát triển và biết đến kể từ khi được một viên quan tiến cử vào kinh đô Hoa Lư để tham gia múa hát, truyền dạy cho cung nữ và binh lính của triều đình.

Theo sử sách ghi lại thì bà Phạm Thị Trân sống vào thời Đinh Tiên Hoàng. Từ thuở nhỏ bà đã tham gia vào các nhóm, đoàn đi múa hát và làm trò. Bà là người thông tuệ, có tài sắc và rất được các quan khách ca ngợi. Đến khi trưởng thành, bà người phụ nữ nhan sắc, xinh đẹp. Tài múa hát của bà mỗi ngày thêm điêu luyện, tiếng đồn lan khắp một vùng. Bà là người nổi tiếng nhất trong đám hý phường ở Hồng Châu.

Theo sách “Hý phường phả lục” của trạng nguyên Lương Thế Vinh (1441-1496), khoảng niên hiệu Thái Bình (970-979), khi biết tin vua Đinh Tiên Hoàng ban chiếu lệnh tìm người giỏi ca múa, viên quan trấn giữ địa phương Hồng Châu đã tiến cử Phạm Thị Trân với triều đình: Bà Phạm Thị Trân, hiệu là Huyền Nữ, người Hồng Châu, phong tư mỹ lệ, giỏi về ca hát, múa và làm trò, nổi tiếng trong các hý phường đương thời. Khoảng năm Thái Bình, quan cai hạt đưa tiến bà vào cung. Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho mời bà về kinh đô Hoa Lư và phong bà chức Ưu Bà, chịu trách nhiệm dạy quân lính múa hát, đánh trống, gẩy đàn, diễn các tích trò, lúc đó gọi là hát trò nhời hay gọi là hát chèo. Cách rước trống chèo thời nhà Đinh của bà Phạm Thị Trân có sức cổ vũ lớn đối với tinh thần chiến đấu của quân sĩ. Nghệ thuật hát chèo bắt đầu hình thành từ thời đó. Cũng vì lẽ đó, cả vùng quê rộng lớn phía Bắc Việt Nam rất phát triển về hát chèo.

Đặc biệt, cùng với việc kết hợp chủ trương của vua Đinh, bà Phạm Thị Trân đã sáng tạo ra phép đánh trống rất hào hùng, mạnh mẽ vừa dùng khi biểu diễn, vừa dùng trong chiến trận mà đến nay vẫn còn lưu truyền. Khi bà mất, nhân dân đã tôn bà là bà tổ hát chèo. Tại Ninh Bình, bà Phạm Thị Trân được thờ ở 2 di tích là Phủ Chợ thuộc quần thể di tích cố đô Hoa Lư và đền Vân Thị bên cạnh Nhà hát chèo Ninh Bình.

Để tưởng nhớ những đóng góp của bà cho nghệ thuật hát chèo, những người hoạt động trong ngành sân khấu chèo Việt Nam và các chiếu chèo, làng chèo cổ đều tổ chức “Lễ giỗ bà tổ của nghề hát chèo” hằng năm vào ngày 12-8 âm lịch. Từ năm 2011, Nhà nước Việt Nam đã lấy ngày 12-8 (âm lịch) hằng năm là “Ngày sân khấu Việt Nam”. Nơi chính thờ bà tổ ngành chèo Phạm Thị Trân hiện nay là đền Vân Thị cùng khuôn viên với Nhà hát chèo Ninh Bình và Nhà văn hóa Ninh Bình. Đình làng Hoàng Quan và một số xã Đông Phương, Đông Phong, Đông Cường trên địa bàn huyện Đông Hưng, Thái Bình cũng thờ đào nương Phạm Thị Trân - bà tổ của nghệ thuật hát chèo ở Việt Nam. Và hát chèo từ lâu đã giữ vai trò quan trọng, và là linh hồn không thể thiếu trong các ngày hội của nhân dân vùng châu thổ sông Hồng. Cũng chính từ những lễ hội này đã có nhiều nghệ nhân giỏi của nghề hát chèo được phát hiện.

Lời bàn:

Nghệ thuật sân khấu chèo đã trải qua quá trình lịch sử lâu dài từ thế kỷ X tới nay, đã đi sâu vào đời sống xã hội Việt Nam. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt Nam: Lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, nhưng tràn đầy tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Cũng chính vì nội dung tư tưởng lành mạnh đó mà trong chèo có đầy đủ thể loại văn học: trữ tình, lãng mạn, anh hùng ca, sử thi, thơ ca giáo huấn,... hơn hẳn các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, cải lương, quan họ...

Và từ bao đời nay, hát chèo đã trở thành loại hình sinh hoạt văn hóa nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam, nuôi dưỡng đời sống tinh thần dân tộc bởi cái chất trữ tình đằm thắm sâu sắc. Tuy nhiên ít ai biết đến, người sáng tạo ra loại hình nghệ thuật đặc sắc này lại là một vũ ca bình thường trong hoàng cung xưa, đó là bà Phạm Thị Trân. Những lời ca tiếng hát của bà chứa đầy tinh thần thượng võ, yêu nước và có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng nên đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân sĩ đương thời. Và với việc sáng tạo ra phép đánh trống hào hùng khi biểu diễn, bà đã tạo nên sức hút cho bộ môn nghệ thuật này. Chính vì thế, bà được xem là người phụ nữ huyền thoại của dân tộc Việt Nam và được thế giới xếp vào danh sách “Những hình tượng phụ nữ nổi tiếng nhất của nhân loại từ thời tiền sử đến nay”.

N.D

Từ khóa » Tỉnh Nào Là đất Tổ Của Sân Khấu Chèo