NHÀ MÁY DỆT LỤA NAM ĐỊNH, "LỆ LÀNG" THÀNH "PHÉP VUA"

Nhà máy Dệt lụa Nam Định có tiền thân là một cơ sở nghiên cứu về tơ lụa, do Toàn quyền Đông Dương De Lanessan dùng ngân sách Đông Dương lập ra. Đến năm 1898, Toàn quyền Paul Doumer đồng ý cho Dadre, với danh nghĩa là phái viên nghiên cứu vấn đề tơ lụa Đông Dương, lập một nhà máy tơ chạy bằng hơi nước có sáu lò (basines) đặt ngay tại thành phố. Năm 1900, một số tư bản Pháp trong Công ty bông, vải, sợi Bắc Kỳ, đứng đầu là Dupré, hùn vốn với một tư sản người Hoa là Bá Chính Hội cùng kinh doanh. Cùng năm này, xưởng sợi A và xưởng cơ khí được xây dựng. Năm 1924, số công nhân có 6.000 người. Năm 1929, Nhà máy Tơ Nam Định đã có 135 máy dệt. Đến cuối năm 1939, nhà máy đã có 3 nhà sợi, 3 nhà dệt, 1 xưởng nhuộm, 1 xưởng chăn, 1 xưởng cơ khí 1 xưởng động lực...[57]

Sau năm 1954, Dệt lụa Nam Định được Nhà nước tiếp quản từ tay tư bản Pháp. Do điều kiện chiến tranh và sự phá hoại của tư bản Pháp nên máy móc còn lại ít, đa phần bị hỏng. Sau thời gian tiếp quản, xí nghiệp phục hồi lại một số máy móc và tiếp tục hoạt động. Được sự trợ giúp của Nhà nước và nguồn hàng viện trợ của Trung Quốc, xí nghiệp đã nâng cấp nhà máy và được giao nhiệm vụ sản xuất lụa đen phục vụ cho thị trường miền Bắc. Thời đó, hầu hết phụ nữ miền Bắc đều mặc quần đen. Lụa đen là một gánh nặng mà Nhà nước phải lo cho 1/2 dân số, gần 10 triệu người. Mỗi người phụ nữ được quyền mua 2 mét lụa đen trong số 4 mét vải/năm trên tem phiếu. Cũng vì vậy mà sản phẩm của xí nghiệp làm ra bao nhiêu đều được Nhà nước tiêu thụ hết, sản phẩm dù tốt hay xấu đều được chấp nhận, vì cung vẫn thấp hơn cầu. Ngoài số lượng lụa sản xuất trong nước, Nhà nước còn xin viện trợ để nhập thêm lụa đen về mới tạm đủ. Do vậy, trong suốt giai đoạn này nhà máy hoạt động tương đối bình thường, không có những khó khăn, ách tắc lớn.

Cho tới năm 1977, cùng với sự cấm vận của Mỹ, Trung Quốc và một số nước khác cắt viện trợ, tình hình nhà máy bắt đầu khó khăn. Nhà nước không còn cung cấp đủ sợi, thuốc nhuộm, phụ tùng thay thế. Không có tơ, nhà máy phải đổi quy định công nghệ, dệt bằng sợi petec. Đặc điểm của công nghệ này là năng suất thấp, vải sợi cứng và xấu, nhưng vì chẳng còn thứ nguyên vật liệu nào khác nữa nên vẫn phải sử dụng. Tuy nhiên, nhà máy vẫn không đủ việc cho công nhân, phải cho 30% công nhân nghỉ việc, hưởng 70% lương. Số còn lại cũng chỉ sản xuất cầm chừng và cũng phải thay phiên nhau nghỉ việc. Lương ít, phúc lợi xã hội hầu như không có gì. Tất cả ngân quỹ trống rỗng. Đời sống công nhân khó khăn vô cùng.

Bà Nguyễn Thị Chính, nguyên Trưởng phòng Đời sống của nhà máy kể lại: "Theo quy định của nhà nước, tiêu chuẩn cung cấp hằng tháng vốn đã rất thấp, đến lúc này thì ngay cả mức thấp đó cũng không đảm bảo được nữa. Gạo bán cho công nhân viên chức được quy định là 16kg với người làm ba ca, 13 kg với người làm hai tầm. Nhưng đến giai đoạn này thì phải độn thêm ngô và bột mỳ. Tiêu chuẩn 13 kg chỉ còn 9 kg gạo, còn 4 kg là độn. Về thịt, quy định của Nhà nước là mỗi công nhân làm nặng nhọc được 0,5 kg, tháng, những người không trực tiếp sản xuất thì 0,3kg/tháng. Nhưng đến giai đoạn này, nhiều khi thịt cũng không có, mỗi suất ăn cho công nhân phải được tính không phải là cân là lạng, và là hoa, tức là 10 gram. Bột ngọt có lúc rút xuống chỉ đảm bảo mức ăn cho mỗi người là 2 gram/tháng."[58]

Làn sóng chán nản trong xí nghiệp đã xuất hiện.

Đứng trước những khó khăn và bức bách đó, nhà máy phải tìm một so biện pháp tình huống, vạn bất đắc dĩ: Cho một số công nhân nghỉ việc vào xin một quả đồi ở nông trường Đồng Giao, cách đó gần 50 km, để nuôi bò. Kết hợp với một số hợp tác xã trong tỉnh Hà Nam Ninh để tổ chức làm một số ngành nghề tuy trái với nghề thợ dệt nhưng dù sao cũng còn có công ăn việc làm. Kết nghĩa với Hợp tác xã Nam Toàn để lấy đất trồng rau và nuôi lợn, đào đất đóng gạch đế bán. Kết nghĩa với Hợp tác xã Nghĩa Lợi cũng để nuôi lợn, trồng rau. Xin địa phương cho mượn một cái ao ở Trầm Cá để vừa nuôi cá, vừa thả bèo để lấy bèo nuôi lợn...

Ảnh 5: Đào đất đóng gạch và nuôi lợn để kiếm sống

Ảnh 6: Công nhân dệt phải đi đóng gạch, gọi là "làm ca 3", tại Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định

Đó quả là một nghịch lý, nhưng dù sao thì cũng còn hơn là để người công nhân ngồi ở nhà, không đi làm, không có gì để sống. Còn để người công nhân sông bằng đúng nghề của mình thì phải giải một loạt bài toán. Bài toán hóc búa nhất lúc đó là: Nguyên liệu phụ tùng máy móc đều là những thứ phải nhập khẩu. Lấy đâu ra ngoại tệ mạnh để nhập khẩu.

Vào chính lúc này, Phó Giám đốc nhà máy là kỹ sư Trần Minh Ngọc được cử làm Giám đốc. Từ lâu ông đã trăn trở, ở cương vị mới ông càng thêm trăn trở: Không có lý nào mình có máy móc, có công nhân, kỹ thuật, thị trường thì đang khan hiếm hàng của mình, mà để sản xuất ách tắc, Công nhân phải về quê nuôi lợn, nuôi bò. Thế thì còn gì là công nghiệp hóa? Chẳng lẽ cứ phải "nông nghiệp hóa" mãi thế này hay sao? Là người đã từng làm việc lâu trong cương vị Phó Giám đốc, ông rất hiểu tình hình. ông nhẩm tính: Nếu có một số ngoại tệ làm đà, sẽ nhập được nguyên liệu và thiết bị để tổ chức sản xuất. Những sản phẩm đó có thể tiêu thụ trên rất nhiều kênh, không chỉ thu về tiền đồng Việt Nam mà còn có thể thu về ngoại tệ. Nếu cân đối lại thì thấy số ngoại tệ dùng để nhập nguyên liệu và thiết bị sẽ được bù đắp ở khâu tiêu thụ và chắc chắn còn dư ra một khoản ngoại tệ tự có. Cứ với cái đà đó, có thể tiến tới tự cân đối được ngoại tệ để tổ chức sản xuất, không chỉ duy trì ở mức hiện nay, mà còn có thể mở rộng hơn, nâng cao sản lượng, tạo công ăn việc làm cho công nhân, nâng mức thu nhập, cải thiện đời sống...

Bài toán đó xét về logic là suôn sẻ. Nhưng theo cơ chế lúc đó thì lại không khả thi. Về nguyên tắc, cơ quan được thay mặt Nhà nước để quản lý ngoại tệ là Ngân hàng Ngoại thương. Ngân hàng này chỉ được phép cung cấp ngoại tệ cho những đơn vị có chức năng kinh doanh gắn với ngoại tệ. Đó là Bộ Ngoại thương và các công ty xuất nhập khẩu. Các cơ sở sản xuất nội địa không được phép dính tới ngoại tệ. Tất cả việc nhập khẩu để sản xuất và giao nộp hàng để xuất khẩu đều phải qua các cơ quan ngoại thương. Cơ chế này đã đẻ ra những nghịch lý sau đây: Vietcombank thì có ngoại tệ. Các công ty xuất nhập khẩu của Trung ương và địa phương có quyền được cấp ngoại tệ để kinh doanh. Nhưng họ lại không mua được hàng để xuất khẩu vì nông dân không chấp nhận giá Nhà nước. Mà nếu đã không có hàng xuất khẩu để cân đối thì cũng không có khả năng quay vòng ngoại tệ và hoàn trả ngoại tệ cho Vietcombank. Trước đây, ba khâu Ngân hàng - Xuất nhập khẩu - Nhà máy còn có thể hoạt động bình thường vì còn có nguồn viện trợ được rót đều đặn cho Nhà nước, Nhà nước lệnh cho Ngân hàng Ngoại thương xuất ngoại tệ cho các công ty xuất nhập khẩu của Ngoại thương nhập hàng về. Hàng nhập về được các công ty này dùng để thu mua hàng xuất khẩu tuy theo giá thấp nhưng lại có hàng công nghiệp bán lại cho nông dân cũng theo giá thấp, xuất xong hàng thì phải hoàn lại ngoại tệ cho Ngân hàng Ngoại thương.

Bây giờ ách tắc ngay ở đầu nguồn: viện trợ. Tất cả những khâu còn lại vì thế đều "đông cứng." Vậy giải quyết vấn đề như thế nào? Nếu tự tiện đứng ra vay ngoại tệ thì không những không được vay, mà cả người cho vay lẫn người đi vay đều bị coi là vi phạm nguyên tắc. Giám đốc Trần Minh Ngọc nghĩ ra một con đường mà ông gọi là "lách cơ chế chứ không chống cơ chế": Xí nghiệp không trực tiếp đứng ra vay ngoại tệ nhưng thỏa thuận ngầm với Vietcombank và các công ty ngoại thương rằng: X nghiệp là người chịu trách nhiệm trực tiếp với Vietcombank về số ngoại tệ mà các công ty ngoại thương định vay. Giám đốc Trần Minh Ngọc đã đi gặp các công ty xuất nhập khẩu ở nhiều tỉnh, lúc đó gọi là các Unimex, để bàn về sáng kiến này. Hầu như tất cả các giám đốc đó đều đồng tình, vì nếu không bắt tay với người sản xuất thì họ không thể nào kinh doanh xuất khẩu được. Như vậy là không chỉ có các Unimex giúp đỡ xí nghiệp, mà xí nghiệp cũng giúp đỡ các Unimex. Tiếp đó, Giám đốc Trần Minh Ngọc đến gặp lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương Trung ương. ông Nguyễn Văn Dễ lúc đó là Phó Tổng Giám đốc Vietcombank hiểu ngay ra vấn đề và hoàn toàn đồng tình. Sau đó, cả ba bên thống nhất một giải pháp: Về danh nghĩa, các Unimex đứng ra vay tiền của Vietcombank, trên cơ sở có giải trình phương án thu mua hàng xuất khẩu. Cơ sở có khả năng thực tế đảm bảo sản xuất được hàng xuất khẩu chính là Nhà máy Dệt lụa Nam Định. Tất nhiên, ông Nguyễn Văn Dễ cũng phải xuống tận nơi xem xét, để thấy rõ rằng với máy móc, đội ngũ công nhân và kỹ thuật, nhà máy này hoàn toàn có thể sản xuất ra mặt hàng lụa xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu thì các Unimex đã có sẵn. Cuộc liên kết tay ba bắt đầu từ đó.

Sau khi hình thành phương án đó, Giám đốc Trần Minh Ngọc còn tính đến một giải pháp rộng hơn và thiết thực hơn: Khai thác thị trường trong nước. Mặt hàng lụa xuất khẩu đòi hỏi chất lượng cao. Muốn tạo được thói quen của người tiêu thụ ở nước ngoài, cần phải có thời gian. Trong khi đó, trên thị trường nội địa, lụa là mặt hàng rất quý hiếm, có thể nói là "đắt như tôm tươi." Nếu đem lụa đó trao đổi với các địa phương với nông dân, với các hợp tác xã thì có thể thu được những nông sản có giá trị xuất khẩu. Vốn quen biết rất nhiều cơ sở, ông đã liên lạc với các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa để bàn hướng liên kết này. Nhà máy đem vải lụa đổi lấy lạc, vừng, đỗ tương và đỗ xanh, theo tỷ lệ thỏa thuận hai bên cùng có lợi. Còn nông dân, thay vì giao nông sản cho các Unimex, nay giao cho nhà máy, nhà máy lại giao những thứ nông sản đó để cho các Unimex xuất khẩu thu ngoại tệ. Như vậy, một hình thức liên kết tay bốn đã hình thành mà thường được gọi là xuất khẩu "nội biên." Mối liên kết này cũng chỉ là sự thỏa thuận ngầm giữa bốn phía. Còn về hình thức thì ngân hàng chỉ rót tiền cho ngoại thương, nhà máy vẫn chỉ là đơn vị sản xuất, không mua không bán, mà chỉ cung cấp và giao nộp. Các cơ quan ngoại thương thì thu mua và xuất khẩu. Như vậy là đã rất kín kẽ đối với cơ chế lúc đó. Cái hay của giải pháp này là đã tìm được lối đi cho cái hợp lý, nhưng chưa hợp lệ để lọt qua được cái không hợp lý mà vẫn đang là hợp lệ.

Ảnh 7Nguyên Giám đốc Trần Minh Ngọc đang kể lại những việc ông đã làm

Vào giữa năm 1980, cuộc thử nghiệm bắt đầu. Vietcombank xuất 30.000 USD cho Nhà máy Dệt lụa Nam Định vay theo thỏa thuận ngầm, còn về hình thức là giao cho Unimex của Hà Nam Ninh nhận. Unimex nhập một số tơ của Nhật về giao cho nhà máy đề tổ chức sản xuất. Liều thuốc ngoại tệ này hiệu nghiệm ngay: Nhà máy có đủ việc làm cho công nhân, có sản phẩm giao nộp cho ngoại thương, ngoài ra còn thu được một số lãi bằng ngoại tệ để dự trữ.

Trên cơ sở thành công bước đầu, nhà máy lại tiếp tục phương án liên doanh liên kết: Vay thêm ngoại tệ, ngoài việc nhập khẩu tơ và sợi còn nhập thêm thuốc nhuộm để đa dạng hóa mặt hàng.

Tình hình năm 1980 nhờ đó đã khả quan hơn. Với bước đầu này, cả lãnh đạo nhà máy và toàn thể công nhân tuy vẫn chưa được hoàn toàn mãn nguyện, nhưng điều quan trọng là đã thấy được lối ra.

Không thỏa mãn với những thành tích khiêm tốn mới đạt được, ban lãnh đạo nhà máy vẫn không ngừng suy tư tìm cách đột phá tiếp. Vốn là một kỹ sư giỏi về ngành Dệt, Giám đốc Trần Minh Ngọc vẫn thấy con một trở ngại: Thiết bị quá cũ kỹ, không thể nào làm ra những mặt hàng có chất lượng cao để có thể chinh phục được thị trường thế giới. Nếu giải quyết được khâu này thì sẽ mở ra được một "chân trời" rộng hơn, xa hơn. Nhưng việc đó không thể chỉ giải quyết bằng đầu óc và nhiệt tình, mà phải bằng kỹ thuật. Cho đến lúc này, thế giới đã không còn bán những thứ lụa thông thường như thời thực dân Pháp sản xuất, mà đã có những loại lụa phẳng, mịn, bóng, không nhàu... Muốn làm được những mặt hàng như thế, phải có một loại máy mà trong kỹ thuật gọi là máy văng sấy định hình. Sau khi lụa dệt xong, phải dùng máy này để xử lý lụa, từ đó sẽ tạo được chất lượng lụa xấp xỉ chất lượng lụa trên thế giới. Mỗi chiếc máy đó khoảng hơn 100.000 đô la. Vào lúc đó, tất cả các nhà máy dệt trong nước từ Bắc chí Nam chưa có nhà máy nào có nổi. Giám đốc Trần Minh Ngọc quyết định đặt vấn đề vay ngoại tệ của Ngân hàng Ngoại thương để nhập chiếc máy này, với niềm tin sắt đá rằng: Sẽ không chỉ hoàn lại số tiền nhập máy, mà còn tạo thêm ra rất nhiều ngoại tệ.

Quý I năm 1981, chiếc máy đã được đưa về và được vận hành ngay Tất cả cán bộ, công nhân, viên chức đều hân hoan trước loại sản phẩm mới, mà từ ngày thành lập đến nay, nhà máy chưa từng sản xuất ra. Thị trường được mở rộng, không chỉ Unimex của thành phố Nam Định, mà rất nhiều Unimex của các tỉnh khác cũng muốn hàng của nhà máy, vì nó có sức thu hút ngoại tệ rất mạnh: Unimex Lạng Sơn, Unimex Quảng Ninh, Unimex Thanh Hóa...

Người xưa thường nói "phúc bất trùng lai", nhưng lần này thì ở đây "phúc" đã "trùng lai": Khi nhập chiếc máy này, có nhiều người cho rằng công suất quá lớn, mà chỉ phục vụ cho sản lượng của một Nhà máy Dệt lụa Nam Định thì quá lãng phí. Giám đốc Ngọc thì đã dự kiến sẵn trong đầu: Nếu cả nước chưa nơi nào có chiếc máy này, thì ngoài việc phục vụ cho nhà máy của mình, còn có thể làm gia công cho các xí nghiệp khác. Quả nhiên, từ giữa năm 1981, tiếng lành đồn xa, tất cả các xí nghiệp dệt lụa trên các tỉnh phía Bắc đều sớm tỉnh ngộ ra rằng: Mặt hàng lụa của họ làm rất công phu, nhưng vì không có máy văng sấy hiện đại nên chất lượng vẫn chỉ là "cổ truyền". Do đó, họ đã kìn kìn chở sản phẩm của mình đến để thuê Nhà máy Dệt lụa Nam Định hoàn thiện khâu cuối cùng này. Như thế, chiếc máy tưởng là thừa công suất ấy nay đã phải chạy hết công suất, phải bố trí thêm nhiều công nhân đứng máy, chạy hết ba ca mà không hết việc. Thế là công nhân có thêm việc làm, xí nghiệp có thêm thu nhập.

Cũng từ năm 1981, với một hệ thống thiết bị và cung ứng nguyên vật liệu đã đổi mới, Nhà máy Dệt lụa Nam Định có khả năng sản xuất ra những mặt hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho Liên Xô, Đông Âu, Nhật. Ngoài phần giao cho các Unimex, xí nghiệp còn cung cấp vải cho nhiều địa chỉ khác như Công ty Cung ứng tàu biển Quảng Ninh, để công ty này bán vải cho thủy thủ các tàu đến "ăn" than, thu về ngoại tệ mạnh. Liên hệ với Công ty Gang thép Thái Nguyên để đổi vải lấy thép, rồi mang thép về Hải Hậu đổi lấy nông sản, giao cho Unimex xuất khẩu nông sản lấy ngoại tệ: Đem hàng đến gửi bán ủy thác tại các cửa hàng Intershop để thu kiều hối. Đến đây, sự liên kết đã mở rộng hơn trước nhiều, không chỉ là liên kết tay ba, mà hến tới liên kết tay bốn, tay năm...

Ảnh 8: Nhà máy Dệt cũng tham gia xuất khẩu gạo thu ngoại tệ

Năm 1985, Giám đốc nhà máy Trần Minh Ngọc đã quyết định đầu tư hai máy nhuộm cao áp và dây chuyền bô-bin cho phép nhuộm sợi dạng côn.[59] Đây là thiết bị và công nghệ mới đầu tiên ở phía Bắc. Nhờ đó, nhà máy đã cho ra đời một loạt sản phẩm mới như: Vải bay Nga, photex, vải kẻ tự nhiên của Bungari. Các mặt hàng này đã chiếm lĩnh thị trường nhiều năm ở phía Bắc, tạo sự tăng trưởng nhảy vọt của sản xuất và đưa nhà máy thành một trong những đơn vị lá cờ đầu của ngành Dệt.

Cũng nhờ mở rộng liên doanh liên kết, mà cả bốn "vấn nạn" trước đây đều được giải quyết thỏa đáng: Hiện đại hóa thiết bị, mở rộng sản xuất tạo vốn ngoại tệ, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho công nhân.

Với những thành tựu như đã nói trên, nhà máy càng có thêm tín nhiệm với cấp trên và bắt đầu được chú ý đầu tư: Được nhập thêm những máy móc hiện đại, đắt và hiếm nhưng có hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, có chiếc máy nhuộm cao áp của hãng Fuji, trị giá hơn 350.000 USD (đây là chiếc máy duy nhất ở miền Bắc vào thời kỳ này). Có chiếc máy này, nhà máy có thể dệt được sợi petec, loại sợi mà ít nhà máy dám dệt, vì nếu không có máy nhuộm cao áp thì vải sẽ rất cứng. Tiếp đó, nhà máy còn mua thêm máy nhuộm con sợi, nhập thêm 60 máy dệt thoi kẹp hiện đại của Liên Xô.

Để mở rộng sán xuất, xí nghiệp còn tính đến việc tận dụng các nguồn lực khác nhau đẩy mạnh sản xuất. Đến giai đoạn này, nhà máy không chỉ mở rộng sản xuất theo hướng tăng sản lượng và chất lượng của các sản phẩm chính, mà còn tính đến việc tận dụng tất cả những phụ liệu và phế liệu để nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản xuất chính càng phát triển, thì những phụ liệu và phế liệu càng nhiều, càng có thể bố trí được công ăn việc làm cho công nhân, nâng cao thu nhập của nhà máy và cải thiên đời sống của công nhân. Hướng mở rộng sản xuất đó được gọi là kế hoạch 3.

Với kế hoạch 3, những phế liệu mà trước đây thường bỏ đi, nay được sử dụng để sản xuất một số hàng xuất khẩu và bán trên thị trường nội địa.

Để làm việc đó, nhà máy tổ chức thêm một phân xưởng phụ gọi là phân xưởng tổng hợp, với khoảng từ 3 đến 5 máy dệt và 3 đến 5 chục công nhân viên để sản xuất. Sở đĩ gọi đây là phân xưởng tổng hợp vì tuy nó là phân xưởng phụ nhưng nó ngày càng phát triển và đa dạng ho các mặt hàng, tận dụng tất cả những nguồn lực từ lớn đến nhỏ; không bỏ thừa, bỏ phí một cái gì.

Ban đầu, phân xưởng này được lập ra để tận dụng số tơ bị đứt, không thể dùng để sản xuất các chính phẩm. Nhà máy bố trí những con em công nhân và những người yếu sức nối lại những sợi tơ đứt và xe lại để dệt thành lụa và xa tanh. Sản phẩm làm từ phế liệu như thế tất nhiên không thể đưa ra thị trường thế giới, nhưng đối với thị trường Việt Nam lúc đó thì vái đã là quý hiếm, huống chi là lụa và xa tanh, cho nên vẫn "đắt như tôm tươi." Xí nghiệp còn dùng loại "thứ phẩm" này đem về các địa phương đổi lấy lạc, vừng, gạo. Gạo thì cho công nhân ăn. Lạc và vừng thì chuyển giao cho bên ngoại thương xuất khẩu.

Có những thời kỳ, để phục vụ cho việc giao nông sản cho ngoại thương, xí nghiệp còn sử dụng con em công nhân về bóc lạc, chuyển lạc củ sang lạc nhân để đảm bảo giá hàng xuất cao hơn, thu thêm ngoại tệ về. Tiến tới một bước nữa, ngoài việc dệt lụa, xí nghiệp tổ chức một bộ phận sản xuất quần áo may sẵn cho phụ nữ và trẻ em để bán cho bách hóa và đem về nông thôn đổi nông sản. Phân xưởng may này cũng là một trong những nơi tạo ra ngoại tệ và tạo điều kiện cải thiện đời sống của công nhân: gạo, thịt, rau, cá... đều từ đây mà ra.

Khi đã tiêu thụ hết các thứ phẩm, nhà máy sử dụng phân xưởng may này để may chăn ga gối đệm chính phẩm xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu. Sau đó, nhờ đã có quan hệ mua bán với Nhật nên xí nghiệp lại tìm được một khách hàng để may khăn lụa chính phẩm xuất sang Nhật. Chất lượng khăn đã thỏa mãn khách hàng tới mức họ còn đưa thêm máy móc và thiết bị sang (loại máy hai kim, ba kim), đưa cả chỉ đặc chủng để may loại khăn này. Trong những trường hợp như thế thì phân xưởng phụ lại tạo ra sản phẩm chính cao cấp.

Đến lúc này thì các cơ sở "nông nghiệp hóa" của thời kỳ khủng hoảng và khó khăn đã mang một tính chất khác hẳn. Trước đây, do không có điều kiện để làm công nghiệp nên mới buộc phải đưa công nhân đi chăn bò, nuôi lợn, trống rau, đóng gạch, nuôi cá... như điều vạn bất đắc dĩ. Bây giờ, việc sản xuất chính của nhà máy phát triển mạnh, đã có đủ chỗ, đủ việc làm cho những công nhân có tay nghề, thì lại nảy sinh ra nhu cầu giải quyết công việc và đời sống cho gia đình công nhân, cho những người ốm yếu, những người về hưu, mất sức Không thể thu hút những người đó vào phân xưởng tổng hợp, và ở đây cũng đòi hỏi kỹ thuật cao và có sức khỏe. Nhà máy không những không dẹp bỏ, mà còn tăng cường các cơ sở nông nghiệp: Đầu tư thêm giống, thiết bị đề cải thiện điều kiện lao động và chỗ ăn ở cho những anh em và gia đình lao động ở đây. Chính họ lại tạo ra sản phẩm như thịt lợn, thịt bò, cá tươi, gạo nếp, gạo tẻ, đậu, lạc, rau..., phục vụ trực tiếp cho những công nhân lành nghề của xí nghiệp. Và đây không còn là "nông nghiệp hóa" nữa, mà là một sự "liên minh công-nông nghiệp" hợp tình, hợp lý. Bữa ăn giữa ca của công nhân được cải thiện rõ rệt! thức ăn đầy đủthực phẩm không còn ở mức vài gram như trước đây. Vào ngày Tết, mỗi công nhân được cấp không 2 kg thịt, ngoài ra có đường, gạo, gà, vịt, cá...

Như vậy, sản xuất phụ đã trở thành người bạn đồng hành của sản xuất chính. Nó dựa vào sản xuất chính để phát triển, đồng thời lại đóng góp cho sản xuất chính. Phân xưởng phụ thì có quần áo, vải, lụa làm tặng phẩm cho công nhân trong những dịp lễ tết, thưởng cho những người làm việc có năng suất cao. Các cơ sở sản xuất nông nghiệp thì cung cấp thức ăn và tạo công ăn việc làm cho gia đình, giúp cho những người công nhân trong sản xuất chính yên tâm hơn.

Ngoài các cơ sở sản xuất phụ, nhà máy còn tổ chức hàng loạt những dịch vụ như là thành quả của sản xuất chính, nhưng đến lượt nó lại có những đóng góp rất quan trọng cho sản xuất chính. Thí dụ: Giám đốc Trần Minh Ngọc đã cho xây dựng tới ba nhà trẻ cho con em cán bộ công nhân viên. Số nhà trẻ này được phân bố hợp lý để cho các cháu không phải đi quá xa. Nhà máy tiếp nhận tới 45 cô giữ trẻ, phần lớn cũng là con em công nhân. Như thế vừa giúp thêm cho con em công nhân đến tuổi lao động có việc làm, những cháu nhỏ thì được trông coi chu đáo, bố mẹ yên tâm lao động.

Để đảm bảo sức khỏe cho công nhân, khi ốm đau không phải đi bệnh viện của thành phố, nhà máy xây dựng một bệnh xá với 20 giường bệnh, có những phòng khám đa khoa, có bác sỹ, y sỹ, y tá phục vụ chu đáo. Việc khám, chữa bệnh và ăn ở tại dây hoàn toàn không mất tiền.

Ảnh 9: Một lớp học của con em công nhân nhà máy

Do liên doanh liên kết với các địa phương! Nhà máy Dệt lụa Nam Định còn thỏa thuận với chính quyền tỉnh Thanh Hóa cắt cho một mảnh đất ở bãi biển Sầm Sơn, xây dựng một nhà nghỉ tại đó để cán bộ công nhân viên nghỉ hè và nghỉ phép. Đặc biệt, nhà nghỉ này còn ưu tiên dành phòng cho những cặp vợ chồng mới cưới ra hưởng tuần trăng mật. Trong những điều kiện đương thời của đất nước, điều đó quả là hiếm ở đâu có thể thực hiện được.

Những năm 1982, 1983 là những năm có rất nhiều khách đến tham quan và học tập nhà máy. Ngoài các nhà máy bạn từ trong Nam ra, còn có các đoàn của các tỉnh, các bộ về thăm. Thực tiễn mấy năm hoạt động của xí nghiệp đã cho thấy bài học: Nếu như trong cơ chế quản lý cũ chỉ ách tắc một khâu ở đầu nguồn, tất cả các khâu còn lại đều bị xơ cứng. Bây giờ, khi mở được một mũi đột phá, có một hướng đi mới, tất cả cỗ máy đều chuyển động, từ sản xuất chính đến sản xuất phụ, từ công nghiệp đến các hoạt động dịch vụ, từ sự sống độn của nhập khẩu tới sự sống động của sản xuất, rồi sự sống động của sản xuất và lưu thông lại tạo ra công ăn việc làm cho công nhân vì gia đình họ... Sức lan tỏa của những kinh nghiệm tại nhà máy ngày càng lớn lên. Nhà máy Dệt lụa Nam Định từ chỗ là một nhà máy cổ lỗ, ít được ai biết tới, dần dần đã nổi tiếng cả nước.

Nhờ mở rộng sản xuất một cách có hiệu quả, nên nhà máy đã có tích lũy. Đặc biệt là tích lũy vốn ngoại tệ: Năm 1981-1984, nhà máy có số vốn ngoại tệ 2.426.963 đô la. Năm 1985, nhà máy đã đủ vốn để tự cân đối 100% nguyên liệu chính bằng nguồn ngoại tệ tự có, đưa công suất tăng 3 lần so với 5 năm trước, nộp ngân sách tăng 24% so với kế hoạch. Tính đến 30/4/1988, vốn ngoại tệ tự có của nhà máy là 6 triệu đô la. Số tiền này được dùng để đầu tư tài sản cố định 1,5 triệu đô la (phân xưởng dệt có hệ thống thông gió với công suất 200 tol lạnh, 2 máy nhuộm vải cao áp, một hệ thống nhuộm quả sợi cao áp) và hỗ trợ 450.000 đô la cho các nhà máy trong ngành.

Ảnh 10: Giám đốc Trần Minh Ngọc (người thứ nhất bên phải) dẫn đoàn chuyên gia đi thăm nhà máy

Vào lúc đó không mấy xí nghiệp trong nước có được một số dư ngoại tệ lớn như thế. Có một điều rất thú vị nữa là nhà máy không đi xin ngoại tệ của Nhà nước, mà còn hỗ trợ ngoại tệ cho Nhà nước: Vì nhà máy đặt tại thành phố Nam Định nên thành phố Nam Định đã được xí nghiệp cho vay một khoản ngoại tệ đáng kể để thành lập Xí nghiệp May Sóng Hồng, nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho thành phố. Điều quan trọng nhất là nhà máy đã làm thay đối hẳn cuộc sống của công nhân, từ chỗ thiếu thốn từng hạt gạo, nước mắm đến miếng thịt, cái áo, cái quần, nhà máy trở thành một trong những nơi mà người công nhân có thu nhập khá nhất, có đời sống tốt nhất vào lúc đó. Giám đốc Trần Minh Ngọc là người không chỉ quan tâm đến sản xuất mà luôn luôn nghĩ đến người lao động. Ông thường nói bằng mọi giá phải đảm bảo đời sống cho người lao động thì mới thúc đầy được sản xuất. Với quan niệm đó, ông đã chọn những cán bộ năng nổ nhất vào những vị trí chăm lo đời sống cho công nhân như Công đoàn, Phòng Đời sống.>Về gạo ăn từ 1981, xí nghiệp đã cử người vào miền Nam mua gạo (về nguyên tắc vẫn phải thông qua Công ty Lương thực của thành phố). Ngoài tiêu chuẩn được mua của Nhà nước, nhà máy đã lo cho công nhân 2 tháng một lần, mỗi lần một người được mua 20 kg gạo. Như vậy, về gạo ăn, người công nhân đã có thể hoàn toàn yên tâm.

Về thực phẩm, cũng do liên kết với các địa phương, trao đổi hiện vật và có cơ sở sản xuất nên xí nghiệp đã đảm bảo hầu như tất cả các khoản thịt, cá, rau, đậu, đường bột ngọt... cho bữa ăn của công nhân. Bữa ăn giữa ca không mất tiền. Ăn sáng là một bát phở hoặc một bát bún. Ốm đau có bồi dưỡng đường, sữa. Ngày Tết, tiêu chuẩn của mỗi công nhân được nhà máy lo cho là 20 kg gạo tẻ, 5 kg gạo nếp, 2 kg đỗ xanh, 2 kg thịt, 1 lít nước mắm, 2 kg đường, 1 gói mì chính 100 g. Những ngày lễ trong năm, nhà máy đều có quà cho công nhân. Ngày Quốc tế Thiếu nhi mùng Một tháng Sáu thì tất cả những cháu thiếu nhi con em công nhân đều được một bộ quần áo mới. Ngày mùng Tám tháng Ba, mỗi nữ công nhân được tặng một chiếc quần lụa. Những ngày mùng Một tháng Năm, Quốc khánh mùng Hai tháng Chín, mỗi công nhân được 2 kg cá, 1 kg thịt, 10 kg gạo, 2 kg đường, 1 gói mì chính. Về những mặt hàng công nghệ phẩm khác, nhà máy cũng dùng liên kết để đổi về và dùng làm phần thưởng cho công nhân, như quạt điện, xe đạp, đài...

Từ năm 1983, Giám đốc Trần Minh Ngọc còn đặt vấn đề lo 100% nhà ở cho công nhân. Nhà máy đứng ra xin chính quyền địa phương cấp đất từ 100 - 200m2 cho mỗi gia đình tự xây nhà, nhà máy có thể giúp đỡ một phần. Những người không muốn tự xây nhà thì nhà máy xây nhà tập thể và cấp cho công nhân, mỗi gia đình từ một đến Hải Phòng, tùy theo nhân khẩu. Đến nay, một phần rất lớn công nhân vẫn còn ở trong những căn nhà phúc lợi đó.

cũng nhờ sàn xuất phát triển, cải tiến tổ chức quản lý lao động, áp dụng chế độ trả lương theo sản phẩm, nên tiền lương thực tế của công nhân tăng lên đáng kể. Trước đây, lương công nhân làm 3 ca cao nhất được 55 đồng, từ 1982 lên tới 90 đồng, ngang với lương cán bộ lãnh đạo Không ít công nhân có năng suất cao đạt mức lương tương đương mức của Giám đốc.

Ảnh 11: Công nhân đang làm ca 3 để đủ sản phẩm cung cấp theo đơn đặt h>

Ông Trần Văn Thìn, nguyên Quản đốc kể lại: "Đời sống công nhân trong thời kỳ này là khá cao. Ngoài tiền ăn ra, công nhân còn thừa tiền để mua vàng dự trữ. Lương quản đốc phân xưởng được tăng từ 65 đồng lên 180 đồng.

Việc chăm lo cho đời sống anh em công nhân thời kỳ đó rất đầy đủ. Tất cả các ngày lễ tết đều có tiêu chuẩn: - 2 bánh chưng, 2 cân thịt, bánh kẹo, thuốc lá... Công nhân của Dệt Nam Định có mức sống khá cao so với mức trung bình ở Việt Nam thời đó."[60]

Cũng vì gắn quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động với lợi ích của nhà máy, nên tinh thần lao động của mọi người khác hẳn trước. Kể từ Giám đốc, Quản đốc, tới công nhân, đều hết lòng với công việc của mình. Giám đốc thì tìm mọi cách đi ký kết các hợp đồng liên doanh liên kết, bán được nhiều sản phẩm. Công nhân hăng say lao động, coi việc của xí nghiệp còn hơn cả việc nhà mình.

Kỷ luật lao động lúc đó rất nghiêm, quy định chung là công nhân không được phép đi làm muộn giờ, phải đến sớm hơn giờ làm việc ít nhất là 5 phút. Trong thực tế thì công nhân thường đến sớm hơn quy định, để làm được nhiều việc, có lương nhiều hơn. Không còn ai tự ý nghỉ việc. ông Trần Văn Thìn kể lại một câu chuyện nhỏ, nhưng lại phản ánh một cách sắc nét mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể: "Có lần tôi và một người phó quản đốc khác đang ở nhà thì bỗng thấy có bão về. Chúng tôi đã vội bỏ nhà để cào cứu nhà máy. Gió to quá tốc hết mái phân xưởng. Máy móc thì không thể bị nước mưa. Hai chúng tôi đành chịu ướt để căng bạt che mưa cho máy, mỗi người cầm hai góc đầu bạt cho đến khi mưa tạnh. Sau khi cứu máy về đến nhà, thì ôi thôi, nóc nhà mình đã bay đi mất rồi. Tôi chui nào gầm giương ngủ lấy sức để sáng hôm sau còn đến nhà máy sớm..."[61]

Cùng với kế hoạch 3 nâng cấp trang thiết bị, nhà máy còn đề ra nhiều biện pháp như khoán lương vào sản phẩm, khuyến khích công nhân tăng năng suất lao động, cải tiến kỹ thuật, đề ra phương án thưởng cho cá nhân có sáng kiến mới...

Giám đốc Trần Minh Ngọc: "Áp dụng đòn bẩy kinh tế bằng cách đưa lương vào đơn giá khoán sản phẩm, trả lương theo luỹ tiến, đồng thời kết hợp đầu tư có chiều sâu, cải tạo thiết bị cũ, trang bị thiết bị mới để tạo điều kiện tăng năng suất lao động. Tiền thưởng xứng sáng và thường xuyên dành cho những ai có năng suất cao, đảm bảo chất lượng và sáng kiến có giá trị kinh tế cao trong cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và tổ chức lao động... Đó cũng là cơ sở thực tế làm cho công nhân, kỹ sư, cán bộ nói chung gắn bó đới xí nghiệp, nơi mình lao động và hưởng những thành quả lao động của mình mà có."[62]

Tất nhiên, mọi việc đột phá thường không bao giờ chỉ là việc suôn sẻ. Đã có nhiều ý kiến muốn xem xét lại việc làm của Nhà máy Dệt lụa Nam Định có đúng với định hướng hay không? Có lần, nhân Đại hội Công nhân viên chức, nhà máy tặng cho mỗi người hai chiếc quần lụa làn quà. Việc đến tai Trung ương, cùng với những thông tin về kế hoạch 3 của nhà máy. Bộ Công nghiệp nhẹ đã có quyết định thanh tra nhà máy trong hai tháng.

Như trên đã nói, tuy mở ra hướng đi mới, xét về mọi mặt đều có kết quả tích cực, nhưng trong cơ chế cũ thì cách làm của Nhà máy Dệt lụa Nam Định không khỏi bị những cách nhìn cũ lên án. Song, lãnh đạo nhà máy hiểu rất rõ những gì mình có thể làm và những gì không được làm. Về nguyên tắc, nhà máy không vi phạm những quy chế của Nhà nước. Về việc sử dụng ngoại tệ, giao nộp sản phẩm, cung ứng vật tư... Tất cả những đột phá của nhà máy đều là vận dụng sáng tạo cơ chế cũ để thực hiện một cơ chế mới. Do đó, thanh tra xong, nhà máy không bị lên án về mặt này. Toàn bộ các mặt hoạt động của nhà máy đều có sổ sách phân minh. Ban lãnh đạo nhà máy rất bình tĩnh giúp đỡ đoàn thanh tra làm tốt nhiệm vụ. Để thể hiện sự tự tin của mình, Giám đốc còn chỉ thị cho các bộ phận phục vụ không được làm điều gì quá ân cần với đoàn thanh tra.

Bà Nguyễn Thị Chính kể lại: "Ông Ngọc biết là mình làm đúng "cây ngay không sợ chết đứng cho nên ông chỉ thị cho tôi chuẩn bị các bữa ăn cho đoàn thanh tra y như những bữa ăncông nhân viên chức trong nhà máy, không có đặc cách gì cả. Công nhân được một bữa ăn không mất tiền, thanh tra về cũng được ăn như thế. Mức ăn không hơn chút nào. Chúng tôi dọn bàn, công nhân năm người một bàn và hai món ăn thì thanh tra cũng năm người một bàn và hai món ăn, không hơn không kém. Tôi thấy làm như thế cũng đúng vì trong hoàn cảnh như thế, cho đoàn thanh tra ăn nhiều hơn cán bộ công nhân viên thì họ lại nghĩ rằng chúng tôi muốn mua chuộc họ. Khi đoàn ra về, có kết luận xong rồi, thì xí nghiệp biếu mỗi thành viên trong đoàn một chiếc quần lụa. Việc đó đối với nhà mày không có gì quá đáng, vì ngày Tết ngày lễ một công nhân bình thường cũng được quà tặng như thế."[63]

Rất may, kết luận cuối cùng của đoàn thanh tra là: Nhà máy nên rút kinh nghiệm, nên xin ý kiến cấp trên trước khi quyết định những vấn đề "nhạy cảm" như làm quà bằng quần lụa đen, là thứ mà thời đó được coi là "của quý hiếm."

Năm 1985, tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, Giám đốc Trần Minh Ngọc được tặng danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc. Ông kể lại chuyện đó:

"Các anh trong Ban Thi đua toàn quốc nói với tôi rằng: Với những thành tích của nhà máy trong mấy năm qua, tôi thừa đạt tiêu chuẩn Anh hùng Lao động. Nhưng trên đã có chỉ tiêu là Anh hùng Lao động trong ngành Dệt dành cho một đồng chí nữa, do đó tôi phải "nhường". Phần tôi thì vẫn nghĩ rằng, tôi có là anh hùng là chiến sĩ thi đua hay không không quan trọng bằng trong đời mình, tôi đã làm được một số việc có ích cho đất nước, cho nhà máy, cho công nhân. Thế là hể hả lắm rồi."[64]

Sau này, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh năm 1996, nguyên Giám đốc nhà máy đã trúng Bí thư Tỉnh ủy, rồi sau đó trúng ủy viên Trung ương Đảng. Thế là người suýt bị "huýt còi" bây giờ đã được giao "cầm còi". Lúc đó, có người cho rằng, như thế là "phép vua" đã thua "lệ làng." Nhưng có lẽ cũng không hẳn là như vậy, vì phát triển sản xuất, tăng tích luỹ, tăng vốn tự có, cải thiện đời sống người lao động đâu chỉ là "lệ làng", mà cũng là "phép vua" chứ?[65]

Từ khóa » Nhà Máy Dệt Lụa Nam định