Nhà Máy Trung Quốc Chuyển Sang Mô Hình “bong Bóng” để Chống ...

(KTSG Online) - Các nhà sản xuất trên khắp Trung Quốc đang chuẩn bị cô lập nhà máy của họ theo mô hình “bong bóng” để có thể tiếp tục hoạt động trong nhiều tuần ngay cả khi giới chức trách triển khai lệnh phong tỏa để kiểm soát đà lây lan của dịch bệnh Covid-19.

Các nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến đã nhanh chóng chuyển sang mô hình “bong bóng” để có thể duy trì sản xuất trong những ngày thành phố này bị phong tỏa. Ảnh: Shanghai Eye

Họ được khuyến khích làm như vậy sau khi chứng kiến thành công của một số nhà máy áp dụng mô hình này để duy trì sản lượng trong suốt hai tháng qua bất chấp đợt bùng phát dịch lớn nhất kể từ khi thành phố Vũ Hán tê liệt vì Covid-19 vào đầu năm 2020.

Các đợt phong tỏa gần đây tại các trung tâm sản xuất và công nghệ ở miền nam Trung Quốc như Thâm Quyến và Đông Quản thuộc tỉnh Quảng Đông đã khiến nhiều nhà máy đóng cửa, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã quá căng thẳng.

Bất chấp những hạn chế nghiêm ngặt, một số nhà máy ở Quảng Đông vẫn được phép tiếp tục hoạt động miễn là công nhân không rời khỏi nhà máy. Về cơ bản, họ phải làm việc trong những môi trường cô lập hoàn toàn với xã hội.

Bosch Unipoint, một trong những nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới, vẫn có thể duy trì hoạt động sản xuất tại nhà máy ở quận Long Cương, TP Thâm Quyến nhờ khoảng 200 công nhân đồng ý ở lại các ký túc xá trong khuôn viên nhà máy khi thành phố trải qua 1 tuần phong tỏa trong tháng này.

“Nhiều công ty khác đã gọi đến học hỏi cách mà chúng tôi vẫn có thể duy trì sản xuất”, Marco Morea, Tổng giám đốc Bosch Unipoint tại Trung Quốc, nói và cho biết thêm rằng nhà máy đã hợp tác với các nhà cung cấp quan trọng nhất để bảo đảm dự trữ đầy đủ các nguyên liệu thiết yếu trước khi Thâm Quyến áp đặt lệnh phong tỏa.

Giờ đây, Bosch Unipoint chuẩn bị áp dụng mô hình bong bóng tương tự cho những nhà máy của công ty ở các thành phố khác của Trung Quốc để ứng phó với các lệnh phong tỏa có thể bất thình lình xảy ra trong tương lai.

Morea cho biết ông đang tìm cách đảm bảo rằng nhà máy sản xuất má phanh ô tô của Bosch Unipoint ở TP Nam Kinh, với 500 công nhân, có thể hoạt động trong bốn tuần ngay cả khi trải qua lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như  ở Thâm Quyến.

Ông nói: “Chúng tôi đã bắt đầu tích trữ nguyên liệu thô và sắp xếp chỗ ngủ cho công nhân ở đây”.

Sau khi tạm dừng hoạt động trong thời gian ngắn, các nhà máy lắp rắp thiết bị điện tử bao gồm iPhone của Foxconn ở Thâm Quyến đã nối lại sản xuất bằng cách triển khai mô hình “bong bóng” trong những ngày thành phố này bị phong tỏa.

Tổng giám đốc tại một công ty sản xuất khác có trụ sở tại Quảng Đông cũng cho biết công ty ông đang sắp xếp chỗ ngủ cho công nhân của các nhà máy ở những nơi khác ở Trung Quốc để có thể duy trì sản xuất trong trường hợp giới chức trách áp đặt lệnh phong tỏa.

Vị tổng giám đốc này nói:  “Omicron đang lan rộng nhưng nếu bạn có ký túc xá và nguyên vật liệu bên trong khuôn viên nhà máy, bạn vẫn có thể điều hành sản xuất”.

Các động thái chuẩn bị ứng phó này phản ánh rõ mối lo ngại của các doanh nghiệp ở Trung Quốc rằng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch sẽ tiếp tục được duy trì cho đến ít nhất là năm sau.

Fabian Blake, Giám đốc điều hành Công ty AMS Products Assembly ở TP Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, nói: “Omicron rất khó ngăn chặn và dễ lây lan. Rất có thể những thành phố còn lại ở miền nam Trung Quốc rồi sẽ bị phong tỏa”.

Trung Quốc đã trải qua đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất trong hơn hai năm vào tháng 3, với hàng chục triệu người trên được yêu cầu ở nhà khi giới chức trách tiếp tục triển khai các nỗ lực quét sạch virus.

Trong những tuần gần đây, công nhân từ nhiều nơi trên khắp Trung Quốc đã chia sẻ hình ảnh và video trên mạng xã hội về trải nghiệm của họ khi ăn ở ngay tại nhà máy trong thời gian chính quyền địa phương phong tỏa.

Đầu tuần này, thành phố sản xuất thép Đường Sơn, miền bắc Trung Quốc, với dân số 7,7 triệu người, đã phong tỏa một phần.

Ki-ling Cheung, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, nói: “Ở các tỉnh và thành phố khác, Omicron có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Và các lệnh phong tỏa sẽ khiến hoạt động sản xuất sa sút hoặc dừng lại. Vì vậy, các nhà máy cần lên kế hoạch ứng phó dài hạn để giảm nhẹ rủi ro”.

Tại Thượng Hải, nơi đã áp đặt lệnh phong tỏa theo khu vực nhằm với các khu chung cư riêng lẻ, một số công nhân đã chọn ngủ trên sàn nhà máy để đảm bảo họ có thể đi làm và tiếp tục được trả lương.

Nhưng việc bắt buộc công nhân tại ăn ở tại chỗ đã gây ra phản ứng dữ dội, với một số người dùng internet Trung Quốc lo ngại rằng nhiều công nhân bị buộc phải sống trong điều kiện không đạt tiêu chuẩn trong thời gian dài.

Công ty Dongguan Fuqiang Electronic (Đài Loan), một nhà cung cấp của Apple, đã dựng lều xung quanh nhà máy của công ty này ở TP Đông Quản để làm chỗ ở cho những công nhân sống ở nơi khác. Sau khi hình ảnh những chiếc lều này được chia sẻ trên mạng và nhận nhiều ý kiến chỉ trích, công ty đã phải dỡ bỏ chúng. Một nữ công nhân của Dongguan Fuqiang Electronic cho biết thay vì dựng lều, cô đã ngủ trên sàn nhà máy trong sáu ngày. “Tất cả chúng tôi đều ngủ lại nhà máy và sử dụng giấy bìa cứng làm nệm”, cô nói.

Theo Financial Times

Từ khóa » Nhà Máy Sản Xuất Bong Bóng