Nhà Nước Phong Kiến Tập Quyền đầu Tiên

Ðại Việt sử ký toàn thư ghi rõ: Năm Mậu Tuất (968) vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Ðại Cồ Việt, dời kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Ðại Thắng Minh Hoàng Ðế.

Trước đó, trong bối cảnh nhà Ngô suy tàn, các sứ quân nổi lên giành quyền ở khắp nơi. Lịch sử nhắc đến 12 sứ quân chiếm giữ 12 vùng miền của đất nước. Các sứ quân này đều có xu hướng bành trướng quyền lực của mình và ly khai khỏi chính quyền trung ương. Ðất nước bị đẩy vào cảnh binh đao, loạn lạc. Người dân chịu nhiều khốn khổ, điêu linh. Sự phân liệt, cát cứ và tranh giành quyền bính đã đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và vận mệnh của quốc gia. Ðứng trước nguy cơ này, Ðinh Bộ Lĩnh đã dũng cảm và mưu lược từng bước đánh bại các sứ quân và thống nhất đất nước. Khi đã nắm trong tay toàn bộ thiên hạ, ông thành lập Nhà nước Ðại Cồ Việt và lên ngôi Hoàng đế.

Biểu diễn nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Ðại Cồ Việt. Ảnh: HẢI YẾN

Việc thành lập Nhà nước phong kiến tập quyền Ðại Cồ Việt có một ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn.

Trước hết, ở thời điểm bấy giờ đây là mô hình thể chế tiên tiến nhất và có lẽ, cũng phù hợp nhất cho đất nước. Ðây vốn là mô hình thể chế đã tồn tại ở Trung Quốc và đã đem lại sự phát triển vượt bậc cho đất nước này với nhiều phát minh vĩ đại ở tầm nhân loại như giấy viết, thuốc súng… Mô hình thể chế này không chỉ tập trung được sức mạnh và các nguồn lực của quốc gia, mà còn bảo đảm một sự ổn định vững chắc hơn cho sự phát triển kinh tế. Không ai có thể làm ăn được khi các lãnh chúa liên tục tranh giành quyền lực và gây ra cảnh binh đao, chém giết lẫn nhau.

Ở một mức độ nhất định, hệ thống pháp luật đã được hình thành. Cho dù đây là một hệ thống thiên về luật hình, thì người dân vẫn có được một khuôn khổ tương đối rõ về những việc gì được làm và không được làm. Nhờ đó, họ có thể chủ động làm ăn và mưu cầu hạnh phúc. Ðây là điều kiện tiên quyết để kinh tế phát triển, cũng nhờ đó mà văn hóa, khoa học cũng phát triển theo.

Nhà nước phong kiến tập quyền Ðại Cồ Việt được thành lập chắc chắn đã mang lại sự phát triển vượt bậc cho đất nước ta. Những di tích còn sót lại ở Hoa Lư và sau đó là ở Thăng Long (do các triều đại phong kiến tập quyền kế tiếp xây dựng) cho chúng ta thấy rất rõ điều này. Một chứng cứ khác là khả năng chống giặc ngoại xâm của đất nước. Nếu không có một nền kinh tế phát triển, nền quân sự vượt trội, chúng ta đã không thể chiến thắng nhiều kẻ thù như vậy.

Như đã nói ở trên, việc hình thành nhà nước phong kiến tập quyền đã giúp nước ta có đủ sức mạnh để đánh bại nhiều cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù. Nhà nước phong kiến tập quyền là mô hình thể chế tập trung quyền lực vào trung ương và ở trung ương thì tập trung quyền lực vào hoàng đế. Nhờ sự tập trung quyền lực cao độ này mà khả năng thống nhất ý chí và huy động lực lượng để chống trả kẻ thù rất to lớn. Ðây chính là sức mạnh mà thể chế tạo ra cho việc tiến hành chiến tranh chống lại giặc ngoại xâm. Lịch sử cho thấy, về căn bản các nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược. Ngoại lệ chỉ là trường hợp, vào thời cận đại, khi chủ nghĩa tư bản đã thống trị trên thế giới và mô hình nhà nước phong kiến tập quyền bị trở nên lạc hậu.

Ðặc biệt, việc thành lập Nhà nước phong kiến tập quyền Ðại Cồ Việt đã khẳng định sự tồn tại của một dân tộc độc lập trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động. Nhà nước Ðại Cồ Việt ra đời thật sự là một dấu mốc lớn trong tiến trình lịch sử dân tộc. Với việc đặt Quốc hiệu, niên hiệu, xây dựng bộ máy hành chính thống nhất, thông suốt, xác định lãnh thổ, tổ chức quân đội riêng, phát hành tiền tệ,... Ðại Cồ Việt là quốc gia độc lập với đầy đủ tiêu chí sánh ngang với các quốc gia khác. Ðây là sự kiện có ý nghĩa hết sức to lớn. Thử tưởng tượng nếu chúng ta vẫn còn chia ra thành 12 sứ quân (12 tiểu vương quốc) thì làm sao chúng ta có thể chống lại được sự xâm lấn không chỉ về lãnh thổ, mà còn về văn hóa của các thế lực thù địch phương bắc?

Cuối cùng, một điểm rất thú vị của Nhà nước phong kiến tập quyền Ðại Cồ Việt là việc thiết kế chính quyền theo ba cấp hành chính: Triều đình Trung ương - Ðạo (trung gian)- Giám, xã (cơ sở). Thiết kế chính quyền ba cấp cũng là chuẩn mực chung của nhiều nhà nước hiện đại hiện nay. Cách thiết kế như vậy vừa giảm bớt những tầng nấc trung gian không đáng có, vừa giúp cho sự điều hành được nhanh chóng, hiệu quả. Trong những cố gắng tinh giản bộ máy của chúng ta hiện nay, đây là điều rất đáng quan tâm học hỏi. Kỷ niệm 1050 năm thành lập Nhà nước phong kiến tập quyền Ðại Cồ Việt là dịp quan trọng để chúng ta nhìn nhận đúng vai trò và ghi nhận công lao của nhà nước này trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam.

Từ khóa » Chế độ Phong Kiến Tập Quyền Có Nghĩa Là Gì