Nhà Thiết Kế Súng Cối Kiệt Xuất - Báo Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
Đam mê kỹ thuật công nghệ
Theo TASS, Boris Shavyrin sinh ngày 10/5/1902 tại Yaroslavl trong một gia đình có bố làm công nhân đường sắt, mẹ làm nội trợ. Ngôi nhà của Boris Shavyrin nằm ở một trong những nơi đẹp nhất thành phố, bên bờ sông Volga. Từ đây, hằng ngày cậu bé Shavyrin có thể ngắm nhìn các đoàn tàu phủ đầy tuyết trắng qua lại trên sông. Khi đó, cậu bé Borya chỉ có một mơ ước mình được lớn nhanh để trở thành người lái tàu.
Tuy nhiên, cha của nhà sáng chế súng cối tương lai, ông Ivan Semenovich, lại có quan điểm khác, ông muốn con trai mình sẽ tiếp tục theo nghề cha, trở thành một người lái xe đầu máy. Theo ý muốn của cha mình, sau khi tốt nghiệp trường phổ thông đường sắt, Boris có ý định học theo chuyên ngành khoa học ứng dụng và chính xác. Tuy nhiên, năm 1917, sau cái chết của cha, cậu bé 15 tuổi buộc phải bỏ học và tìm việc làm kiếm tiền nuôi mẹ và hai em gái nhỏ. Chàng trai trẻ thật may mắn khi được nhận vào làm việc tại một nhà máy hơi nước. Tại đây anh được một quan chức Ủy ban Lương thực của tỉnh giúp đỡ. Ông mời Boris Shavyrin làm kế toán của bộ phận thực phẩm. Tuy nhiên, chàng thanh niên nhanh chóng cảm thấy nhàm chán với những giấy tờ và con số. Như chính ông sau này đã nói, lúc đó ông chỉ muốn làm công việc của một người liên quan đến kỹ thuật công nghệ.
Để theo đuổi đam mê, năm 1920, Boris Shavyrin quyết định nộp đơn vào Trường Kỹ thuật cao cấp Moscow mang tên Bauman (nay là Trường đại học Kỹ thuật quốc gia Moscow mang tên N.E. Bauman). 5 năm sau, Boris Shavyrin tốt nghiệp khoa cơ khí của trường với chuyên ngành pháo binh và làm việc tại Hiệp hội súng máy và vũ khí pháo binh. Chính từ đây, ông bắt đầu sự nghiệp thiết kế kéo dài hơn 30 năm của mình.
Những thành tích đáng nể
Cuối những năm 20 thế kỷ trước, nhà thiết kế trẻ Boris Shavyrin được điều đến Kharkov nhận công tác tại nhà máy “Tháng Mười Đỏ”. Tại đây, Boris đã gặp Nikolai Dorovlev - người có ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp tương lai của ông. Lúc bấy giờ, kỹ sư Nikolai Dorovlev được coi là người sáng chế và nhà lý thuyết chính của khoa học súng cối Liên Xô. Ông có cách phân loại súng cối riêng như sau: Súng cối bám bắt mục tiêu dùng cho các đơn vị bộ binh nhỏ, súng cối yểm trợ dùng cho các nhiệm vụ cấp trung đoàn, súng cối tăng cường được sử dụng cho các sư đoàn và lực lượng dự bị của Tổng bộ.
Để phù hợp với các nhiệm vụ chiến thuật, Nikolai Dorovlev đề xuất một số cỡ nòng để sản xuất như 60, 82, 107, 120, 160 và 240 mm. Theo đó, Dorovlev đã đề nghị Shavyrin phát triển súng cối 82 mm, loại súng mà ông cho là rất linh hoạt và đa năng. Thực tế, vào thời điểm đó, súng cối 81,4 mm là loại mà nước ngoài sử dụng phổ biến nhất. Việc tăng cỡ chỉ 0,6 mm đã mang lại cho quân đội Liên Xô một lợi thế không nhỏ, bởi theo Boris Shavyrin giải thích: “Trong trường hợp không có đạn, súng cối của chúng tôi có thể bắn đạn của đối phương, nhưng đối phương không thể bắn được đạn của chúng tôi”. Sau một thời gian nghiên cứu, nhà thiết kế Boris Shavyrin đã “trình làng” loạt súng cối hạng nhẹ của riêng mình với các cỡ nòng 50, 82, 107 và 120 mm và đã được trang bị cho quân đội ngay trước cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Tháng 8/1941, Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Liên Xô đã quyết định tăng cường sản xuất súng cối trung đoàn 120 mm (PM-38). Boris Shavyrin được giao một nhiệm vụ khó khăn là đơn giản hóa thiết kế của súng, vì điều này sẽ giúp giảm đáng kể mức tiêu thụ vật liệu trong quá trình sản xuất hàng loạt. Kết quả là chỉ trong vài tháng, Shavyrin đã cho ra mắt phiên bản mới hạng nhẹ của PM-38. Loại súng cối này được công nhận là loại tốt nhất trong số tất cả những loại súng cối được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, nhóm thiết kế của Boris Shavyrin đã phát triển vũ khí cho các trận hải chiến.
Sau Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Boris Shavyrin tiếp tục tham gia chế tạo súng cối. Đầu những năm 1950, các loại súng cối cỡ nòng 82, 107, 160 và 240 mm được đưa vào sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, ông đã lãnh đạo sản xuất súng cối bộ binh chống tăng không giật, cũng như các loại súng phóng bom hải quân mới BMB-2, MBU-200 và MBU-600. Giữa những năm 1950, Boris Shavyrin cho ra mắt pháo tự hành 1B “Oka” và sau đó, nhóm do ông lãnh đạo được giao nhiệm vụ chế tạo tên lửa chống tăng có điều khiển. Chỉ sau một vài năm, ông cùng các cộng sự đã chế tạo thành công tổ hợp Shmel. Đây là tổ hợp tên lửa chống tăng đầu tiên được đưa vào phiên chế của quân đội Liên Xô. Tiếp theo, ông tiếp tục lãnh đạo chế tạo thành công các tổ hợp tên lửa “Strela-2” và “Gnom”.
Súng cối diệt “Chim nhạn”
Trong lịch sử Chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã có không ít trường hợp bằng sự mưu trí, dũng cảm và phương thức sử dụng vũ khí một cách khéo léo, những người lính Hồng quân đã đánh địch theo cách riêng và đầy bất ngờ. Một trong những câu chuyện hy hữu, nhưng chứa khá nhiều điều bí ẩn đã xảy ra vào ngày 23/12/1941 trong chiến dịch bảo vệ Sevastopol. Khi đó, Vladimir Simonok - chỉ huy Đại đội súng cối số 2, Trung đoàn súng trường số 31 thuộc Sư đoàn súng trường Chapaev số 25, đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của Đức Messerschmit-109 (Chim nhạn-109) bằng một khẩu… súng cối, khi chiếc máy bay này đang không kích tầm thấp các hỏa điểm của quân phòng thủ Sevastopol.
Điều này thật sự “gây sốc” bởi theo lý thuyết, súng cối không được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, nên nhiều người thiên về khả năng vụ “Chim nhạn” trúng đạn do ngẫu nhiên, chứ không phải chủ đích. Tuy nhiên, bản thân Vladimir Simonok lại một mực khẳng định rằng, ông cố tình nhắm vào máy bay, chứ không phải bắn kiểu “tên rơi, đạn lạc”. Vladimir Simonok tiết lộ, vũ khí mà pháo binh Liên Xô tiêu diệt máy bay Đức có biệt danh “Chim nhạn” là một khẩu súng cối cấp tiểu đoàn 82 mm kiểu 1937 (BM-37), thuộc dòng súng cối nội địa, được phát triển dưới lãnh đạo của nhà thiết kế vũ khí nổi tiếng Boris Shavyrin.
Theo tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quân sự pháo binh, trong giai đoạn từ năm 1941 đến năm 1945, các xạ thủ súng cối đã sử dụng hết khoảng 200 triệu quả đạn, tiêu diệt gần một nửa sinh lực quân đội Đức và hầu hết số đạn này là từ các khẩu súng cối rất dễ sử dụng của nhà thiết kế Shavyrin.
Ngày nay, các ý tưởng của nhà thiết kế kiệt xuất Boris Shavyrin đều được ứng dụng trong các tổ hợp tên lửa vác vai hiện đại “Igla” và “Verba”, tên lửa chống tăng có điều khiển “Ataka”, cũng như trong các hệ thống tác chiến-chiến thuật nổi tiếng thế giới “Oka” và “Iskander-M”. Có thể nói rằng, di sản của Boris Shavyrin không chỉ là vũ khí nội địa đáng gờm mà còn là trường phái thiết kế mà ông đã tạo ra.
Từ khóa » Trọng Lượng Súng Cối 82
-
Những Loại Súng Cối Việt Minh Sử Dụng Trong Kháng Chiến Chống ...
-
Những Loại Súng Cối Việt Minh Sử Dụng Trong Kháng Chiến Chống ...
-
Bất Ngờ Khả Năng Chiến đấu Của Súng Cối 100mm VN
-
Súng Cối – Wikipedia Tiếng Việt
-
Thảo Luận:Súng Cối – Wikipedia Tiếng Việt
-
Súng Cối 60mm, 81mm, 120mm Trong Chiến Tranh Việt Nam
-
Điểm Danh Các Súng Cối “khủng” Nhất Của Nga - Tiền Phong
-
Chi Tiết Súng Cối, đại Liên Do Việt Nam Tự Chế Tạo - Tiền Phong
-
Các Loại Pháo Dùng Trong Hai Cuộc Kháng Chiến
-
Súng Cối Hoạt động Như Thế Nào? | VOV.VN
-
Lính Văn Phòng Ra Thao Trường - Báo Quân Khu 7 Online
-
Sáng Kiến Hay, Hiệu Quả Thiết Thực