Nhà Thơ Trần Đăng Khoa: “Tôi Vẫn Kẽo Kẹt đều...”
Có thể bạn quan tâm
“Giờ thì em đã chán/Những vinh quang hão huyền/Muốn làm làn mây trắng/Bay cho chiều bình yên…”. Tôi nhớ có lần ông đã viết như vậy trong bài thơ gửi người anh trai là nhà thơ Trần Nhuận Minh. Xin được hỏi ở tuổi này, khi đã bước qua ngưỡng U60, suy nghĩ ấy trong ông có gì thay đổi không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Vẫn kẽo kẹt vậy thôi. Mong ước lớn nhất của tôi vẫn là sự thanh thản. Và tôi cũng đã làm được điều ấy, cũng như rất nhiều văn nghệ sĩ. Mấy câu thơ bạn vừa nhắc ở trong bài thơ tôi tâm đắc, cũng chính là phương châm sống của tôi. Tôi luôn luôn mong mỏi cái tiên cảnh: “Đất trời thì chật hẹp/Làng quê thì mênh mông/Thung thăng em với bác/Ta cưỡi thơ ra đồng...”.
Rời Đài Tiếng nói Việt Nam tháng 10/2015, gác lại trọng trách của một công chức. Công việc thường xuyên của ông bây giờ là gì?
Công việc hiện nay của tôi còn vất vả và bận rộn hơn thời còn làm ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Vì ở đó, tôi có các cộng sự rất chuyên nghiệp. Ở đây, vừa vĩ mô, vừa vi mô. Ngoài công việc của Hội Nhà văn Việt Nam và ở Hội, tôi cũng ôm nhiều việc: Phó Chủ tịch Hội, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Hội viên, Trưởng ban Sáng tác, Tổng biên tập cổng điện tử vanviet.net, rồi còn kiêm thêm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, ủy viên Đảng đoàn. Công việc sự vụ rất nhiều. Việc không tên cũng nhiều. Ở cả hai Hội, tôi là cấp phó, là người giúp việc chuyên môn, nhân sự lại mỏng nên không muốn cũng vẫn phải ôm đồm. Nhưng bận rộn đến mấy, tôi vẫn không bỏ thói quen đọc và viết. Tôi vẫn viết nhiều, viết đều, đủ các thể loại. Ngoài thơ, văn, hiện tôi còn giữ nhiều chuyên mục cho các báo.
Tức là ông như hưu mà không hưu. Tôi được biết không ít người, khi nghỉ hưu họ đã có những quãng thời gian đầu rất hụt hẫng chênh vênh…
Tôi lại không như vậy. Không phải bây giờ, khi đã là một lão già ở lứa tuổi 60, mà cách đây, đến cả mấy chục năm, tôi cũng chỉ mong có thật nhiều thời gian để viết. Trong đầu có rất nhiều cái để viết. Riêng mảng đã viết rồi, gồm rất nhiều thể loại cũng đã lên đến 12 vạn trang. Vừa rồi mới xắn được một mẩu, phần trao đổi với trẻ con về văn chương để làm cuốn Hầu chuyện Thượng Đế đã in đến lần thứ 11. Còn nhiều mảng nữa, để in tiếp cũng cần có thời gian biên soạn. Tôi không có thời gian để buồn hay vui chứ đừng nói là chênh chao hay hẫng hụt. Nhiều dự định vẫn chưa thể thực hiện được. Tiểu thuyết Lão Đấu ấp ủ lâu rồi mà đến giờ cũng đã hoàn thành nổi đâu. Đôi khi, chỉ mong có 15 ngày thực sự rảnh rỗi để viết thôi mà vẫn chưa sắp xếp được. Tôi nghĩ 15 ngày là tôi đã có thể hoàn thành cuốn sách mà mình ấp ủ. Dù đó là tiểu thuyết.
Ông chủ trương viết những tiểu thuyết ngắn?
Đúng. Xu hướng của văn chương hiện đại là ngắn. Vì thế, có nhiều cuốn tiểu thuyết trường thiên như Donkyhote, Những người khốn khổ, Chiến tranh và hòa bình... người ta cũng rút ngắn thành những cuốn sách mỏng. Tiểu thuyết cũng cần phải hàm súc như thơ. Đặc biệt là phải hấp dẫn. Phải vít chặt bạn đọc vào trang viết của mình ngay từ dòng đầu tiên. Nếu không hấp dẫn, người ta sẽ không đọc. Và bạn đọc oải là mình thất bại. Mọi ý tưởng, thông điệp dù cao siêu thế nào cũng không tới được bạn đọc.
Ông có cuốn tiểu thuyết mini Đảo chìm viết về Trường Sa đã tái bản đến trên 40 lần. Ông có vẻ thích những tiểu thuyết viết ngắn?
Như tôi đã nói, đấy là xu hướng của văn chương hiện đại. Trên thế giới, nhiều cuốn tiểu thuyết ngắn rất đặc sắc, như tác phẩm đoạt giải thưởng Nobel Ông già và Biển cả của Hemingway, Trên mảnh đất người đời của I. Ivanop, Sống mà nhớ lấy của. I Raputin. Ở ta như Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Tắt đèn của Ngô Tất Tố, Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương, đâu có dài. Đặc biệt, tác phẩm Ông già và Biển cả, kiệt tác của văn học thế giới mà cả cuốn sách không đến 100 trang in. Vấn đề không phải dài hay ngắn. Quan trọng là phải hay. Ngắn mà hay thì thật tuyệt vời...
Những bài thơ ông viết sau này, mỗi khi công bố đều rất được đón nhận. Nhưng xem ra ông không dành nhiều thời gian và cảm hứng cho việc sáng tác thơ nữa. Ông viết nhiều văn xuôi, phê bình tiểu luận và báo chí. Vì sao vậy?
Câu hỏi này nhiều người cũng hỏi tôi. Có người còn cho rằng, do bí thơ mà lão Khoa nhảy sang văn xuôi. Đâu phải vậy. Tôi rất thích văn xuôi và đã viết văn xuôi khi còn đang học lớp 4. Năm lớp 5, tôi đã viết tiểu thuyết. Nhưng hồi đó, nhà thơ Xuân Diệu khuyên: “Cháu nên dồn hết tâm lực cho thơ”. Tất nhiên đó chỉ là quan niệm của Xuân Diệu thôi. Bản thân Xuân Diệu cũng đâu chỉ có thơ, ông cũng viết văn xuôi, viết bút ký rồi phê bình. Đặc biệt mảng phê bình rất đặc sắc. Nguyễn Tuân cũng thế. Nói đến Nguyễn Tuân, ta cứ nghĩ đến nhà văn nổi tiếng có biệt tài viết ký. Ông viết cái gì cũng ra ký. Nhưng theo tôi, mảng đặc sắc nhất của ông lại là phê bình. Mảng này đã được tập hợp in thành cuốn Chuyện nghề dày gần 600 trang. Ông viết về các nhà văn rất hay. Bài nghiên cứu Tú Xương không nhà phê bình nào có thể sánh được. Rất nhiều nhà văn viết đủ các thể loại. Tôi cũng thế thôi. Đúng là bây giờ, tôi viết ít thơ dù vẫn rất thích nó. Thậm chí nếu chọn những bài thơ mình thực sự tâm đắc thì tôi sẽ chọn những bài thơ viết sau này chứ không phải những bài viết thời trẻ con. Nhưng có một thực tế rằng hiện nay, người làm thơ rất nhiều nhưng người đọc thơ lại ít. Hay nói cách khác, thơ có vẻ ít hấp dẫn hơn các loại hình nghệ thuật khác. Nhiều vấn đề thơ không nói được, không chuyển tải được. Chính vì vậy tôi viết nhiều văn xuôi, bình luận, báo chí. Những thể loại mà tôi nghĩ rằng, sẽ gần gũi và giúp ích được cho cuộc sống, cho xã hội nhiều hơn.
Ông là một người đặc biệt. Nó đặc biệt ngay từ khi ông mới lên năm lên tám, lên chín. Sau này cũng trải qua rất nhiều công việc, vị trí và hoàn cảnh khác nhau. Xin được hỏi trong quãng đời đã qua, giai đoạn nào để lại cho ông nhiều sự thú vị nhất?
Những năm tháng ở lính là những năm tháng tuyệt vời. Sau đó là quãng thời gian tôi ở Văn nghệ Quân đội và về Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở môi trường này tôi đã học được nhiều điều từ đồng nghiệp. Được đảm trách nhiều chức vụ và làm nhiều công việc khác nhau. Được cùng các đồng nghiệp xây dựng và phát triển kênh truyền hình VOV. Thậm chí sau này khi là Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đem lại cho tôi nhiều sự thú vị. Tôi cũng đã từng đi truyền đạt Nghị quyết, đi nói về Tư tưởng và Đạo đức Hồ Chí Minh. Đấy cũng là đề tài rất hấp dẫn đấy. Nói gì, viết gì cũng phải hấp dẫn. Đó là quãng thời gian tôi sẽ không bao giờ quên.
Là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đọc nhiều và cũng có nhiều tình cảm với văn học trẻ. Ông có nhận xét như thế nào về các sáng tác của các tác giả trẻ trong giai đoạn hiện nay? Bản thân ông ấn tượng với những cây bút nào?
Tôi rất lưu tâm đến các cây viết trẻ. Tôi nghĩ rằng họ đang lặng lẽ chiếm lĩnh văn đàn một cách rất tự nhiên. Có nhiều cây viết rất tốt. Tôi ấn tượng với Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Thị Ngọc Tư, Khúc Hồng Thiện, Nguyễn Văn Học, Lương Đình Khoa, nhiều cây bút trẻ bây giờ tuổi cũng đã cao như Đoàn Tuấn. Tuấn viết thơ, làm phim, nhưng văn xuôi mới là sở trường của cây bút này. Tiểu thuyết chiến tranh Mùa chinh chiến ấy của anh đã được Giải thưởng Văn học Sông Mê Công năm nay...
Có thể nói rằng văn học trẻ đang phát triển sôi động và có chất lượng. Nhưng để tạo ra những hiện tượng thì chưa có. Điều này cũng một phần bởi tâm thế xã hội bây giờ đã khác...
Từng nhận mình không phải là kẻ đắc đạo, bao năm vẫn còng lưng vác trên vai cây thánh giá của tuổi trẻ con. Xin được hỏi suốt bao nhiêu năm như vậy cảm giác của ông như thế nào? Có bao giờ ông thấy mình mỏi mệt?
Đấy chỉ là câu nói vui của tôi thôi. Nhiều người cứ nghĩ tôi bị ám ảnh bởi thời trẻ con là không phải. Tôi đã vượt qua lâu rồi. Năm 16 tuổi khi viết xong trường ca Khúc hát người anh hùng là tôi biết mình đã bước qua giai đoạn của thời thơ bé. Tôi chỉ nói vậy như một cách tự trào. Cũng như một cô gái. Khi cô nói, ôi, anh thì để ý gì đến em. Em đen thủi đen thui thế này. Thì đừng ngây thơ mà nghĩ rằng, cô đen thủi đen thui. Cô ấy trắng nõn đấy. Nếu đen thật, cô ấy sẽ không nói thế, mà lại ôi dào, em là cái con Tréc-nơ-mo, lùn tẹt lùn tè. Tất nhiên sự thật, cô ấy sẽ không lùn đâu...
Xem ra, ông cũng õng ẹo nhỉ?
Ừ, có thể. Nếu còn trẻ, khéo mình sẽ chuyển giới. Mình còn chuẩn bị cho cả cái chết của mình: “Lão Khoa chỉ là Trần Đăng Khoa khi vẫn còn đang sống. Nghĩa là còn thở ra hít vào. Khi không còn “ra vào” nữa thì không phải Trần Đăng Khoa. Vì thế tôi không chịu trách nhiệm về cái đống bầy hầy ở trong quan tài. Trông ghê chết đi được. Thế thì hãy đưa ngay y vào lò, rồi cho vào cái niêu đất, chôn dưới gốc kế. Xưa nay chó mèo chết đều thế cả. Trước khi cho y vào lò thì hãy thay mặt y đọc lời giã biệt: Bao năm dòng mệt mỏi - Xuống xứ này dong chơi - Giờ ta làm ngọn khói - Õng ẹo bay về giời...”. Có một bà sồn sồn bảo: Ông mà õng ẹo à. Đừng có mơ tưởng nhé. Ông phải “Ùng ục bay về giời”. Không ngờ ngay cả đến khi ngỏm, lão còn được chị em đề cao về sức mạnh đàn ông. Hình như đấy mới là lời khen mà lão già khoái nhất!
Xin cảm ơn ông!
Từ khóa » Kẽo Kẹt Là Gì
-
Kẽo Kẹt - Wiktionary Tiếng Việt
-
Nghĩa Của Từ Kẽo Kẹt - Từ điển Việt - Tratu Soha
-
Từ điển Tiếng Việt "kẽo Kẹt" - Là Gì?
-
Kẽo Kẹt Nghĩa Là Gì? - Từ-điể
-
Kẽo Kẹt Là Gì? Hiểu Thêm Văn Hóa Việt - Từ điển Tiếng Việt
-
Từ Kẽo Kẹt Là Gì - Tra Cứu Từ điển Tiếng Việt
-
Keo Kiết Kéo Kẹo Kẽo Kẹt... - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
-
Từ Điển - Từ Kẽo Cà Kẽo Kẹt Có ý Nghĩa Gì - Chữ Nôm
-
'kẽo Kẹt' Là Gì?, Từ điển Tiếng Việt
-
Kẽo Cà Kẽo Kẹt Nghĩa Là Gì?
-
Kẽo Cà Kẽo Kẹt - Hoàng Thùy Linh - NhacCuaTui
-
Hoàng Thùy Linh 'đối Thoại' Với Văn Hóa Dân Gian - VnExpress