Nhà Thơ Văn Công Hùng: Cuộc đời đáng Yêu Và đáng Viết

gqHfKtam.jpgPhóng to
AT - Nhà thơ Văn Công Hùng sinh năm 1958 tại Thừa Thiên - Huế. Hội viên Hội Nhà văn VN. Đã in các tác phẩm: Bến đợi, Trong mưa, Thảo nguyên, Chiều cao nguyên... Hiện là phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Gia Lai.

* Thưa nhà thơ Văn Công Hùng, ông vừa là nhà thơ vừa là nhà báo - đi nhiều, biết nhiều, viết nhiều. Ông có những tình cảm đặc biệt nào dành cho phố núi Pleiku?

- Tôi lên Pleiku đến nay đã gần ba mươi năm. Ba mươi năm với lịch sử chỉ là một cái chớp mắt, nhưng với một đời người là dài lắm. Từ một chàng sinh viên gốc Huế đến gã Văn Công Hùng hôm nay là một nửa đời người với bao nhiêu buồn vui sướng khổ. Tôi làm báo là để bù đắp cho thơ, để nuôi thơ - ở cả nghĩa cảm xúc, vốn sống và... tiền bạc. Tôi cũng là người rất chịu đi, có dịp là đi, từ ra nước ngoài, đi bụi đi phủi thôi, đến các tỉnh trong nước ta và các làng trong tỉnh Gia Lai. Đi nhiều thế nên có vốn mà viết báo và có cảm xúc, có sự từng trải để làm thơ.

Đến giờ Pleiku đã trở thành quê hương thứ hai của tôi, dù nói thật còn vô vàn điều phải bàn, phải góp với thành phố cao nguyên này. Nhưng thôi, cuộc sống luôn luôn vận động, luôn luôn đổi mới. Tôi nghĩ Pleiku cũng thế.

* Vừa qua ông được bạn bè bỏ tiền túi giúp đỡ xuất bản một trường ca rất hoành tráng Lời vĩnh cửu, và tác phẩm được bán rất "chạy". Xin ông chia sẻ cảm xúc này với độc giả Áo Trắng.

- Trước khi tập sách này ra đời, tôi đã có sáu tập sách gồm năm tập thơ và một văn xuôi. Một người bạn yêu thơ và yêu... tôi nhưng giấu mặt, sau khi đọc một số đoạn trích trường ca Lời vĩnh cửu trên blog của tôi thấy thích quá bèn nghĩ cách... xuất bản. Đơn giản thôi, anh ta liên hệ với tôi, tôi đồng ý rồi thực hiện bằng cách liên hệ với nhà nhiếp ảnh Dương Minh Long xin ảnh để in kèm thơ, thuê một công ty mỹ thuật thiết kế, rồi in ra.

Mỗi trang thơ có một ảnh nghệ thuật của Dương Minh Long - thơ kèm ảnh kiểu giống ngày xưa bia kèm lạc ấy. In xong anh bạn chỉ lấy mấy bản, còn lại chuyển cho tôi hết. Cũng anh bạn này đề nghị tôi bán tập thơ trên blog của tôi. Tôi làm theo và bán được mấy triệu đồng (hai trăm ngàn đồng một cuốn). Sau này nhà văn Nguyễn Quang Lập xuất bản tập Ký ức vụn và cũng bán theo hình thức này, đông người mua lắm, mở ra một kênh mới cho các nhà văn tự bán sách của mình, vừa sang trọng vừa... tiền tươi thóc thật!

* Tháng tư vừa qua có một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với mảnh đất phố núi này - "Thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại II". Và để kỷ niệm cho sự kiện này, tuyển tập thơ văn viết về Pleiku Quà của phố được trình làng. Xin ông cho biết đôi nét về quá trình "thai nghén" đến khi ra đời của tuyển tập?

- Tôi là người chủ biên tập sách và thật sự là người trực tiếp làm nó từ đầu đến cuối. In sách xong, bạn bè trong giới bảo đây là một cuốn sách sang và đẹp. Thế là tôi sướng rồi. Ấp ủ thì lâu rồi, từ khi tôi biết bài hát Còn chút gì để nhớ của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định, nhưng toàn hát dấm dúi.

Tôi cứ ước ao lúc nào đấy được công khai in bài thơ và bài hát này. Trước đó, cứ có dịp là tôi phổ biến bài thơ, nhiều khi phải... lừa, ví dụ trong các bài báo tôi tranh thủ trích một hai câu. Nhưng vẫn cứ ước ao một ngày nào đó được in công khai, đầy đủ, sang trọng. Và với tuyển tập này, tôi đã làm được điều ấy. Ngoài ra còn bao nhiêu bài thơ hay về Pleiku nữa tôi đã tập hợp được đưa vào đây như thơ của Thanh Quế, Nguyễn Tham Thiện Kế, Võ Kim Ngân, Nguyễn Thị Anh Đào, Nguyễn Thúy Quỳnh...

* Đánh giá chủ quan của ông và khách quan của độc giả về tuyển tập như thế nào?

- Tôi thấy vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Nhưng trong khả năng có thể thì nó cũng tàm tạm rồi, bạn bè thương thì khen ầm ĩ lên. Trong hoàn cảnh hiện tại, với kinh phí không nhiều và thời gian cũng ít thì việc cuốn sách ra đời được tôi thấy cũng... tự hào, dù bây giờ tôi không có cuốn nào trong tay. Nó đã được in nối bản và tôi vẫn... không có.

* Ông có điều gì muốn chia sẻ với những người viết trẻ nói chung và những người viết trẻ ở tỉnh nhà nói riêng?

- Cứ yêu, yêu cuộc đời này. Yêu tất cả những gì bên mình, dẫu nó chưa được như ý muốn thì sẽ thấy cuộc đời đáng yêu và đáng sống rồi đáng viết.

* Dự định của ông về việc phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ sáng tác trẻ của phố núi?

- Với tư cách cá nhân, tôi là người luôn luôn ủng hộ và quý trọng các bạn viết trẻ. Trong khả năng của mình, tôi luôn phát hiện và giới thiệu họ. Hiện tôi đang nhờ một phó giám đốc Sở giáo dục - đào tạo tìm và phát hiện giới thiệu giúp Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số VN, ba học sinh giỏi văn người dân tộc để dự lớp bồi dưỡng của hội này ở Buôn Ma Thuột. Và công việc té ra khó hơn tôi tưởng...

* Xin cảm ơn ông.

GBBq3JVI.jpgPhóng to

Áo Trắng số 11 (ra ngày 15-6-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Từ khóa » Tìm Hiểu Tác Giả Văn Công Hùng