TIỂU SỬ NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG

LỜI THƯA TRƯỚC.

Gần đây nhiều bạn là giáo viên đang dạy môn ngữ văn bộ sách cánh diều có nhắn tin hỏi nhà cháu một số thông tin về tác giả xung quanh bài ký “Đồng Tháp Mười mùa nước nổi” của nhà cháu mà các thầy cô ấy đã/ sẽ dạy. Nhiều nhóm giáo viên cũng trao đổi về bài này.

Về chuyên môn dạy thì nhà cháu xin được nghe/ xem, và đã xem một buổi dạy mẫu của Hải Phòng và không có ý kiến, xin tôn trọng người dạy, nhưng về tác giả, tức bản thân nhà cháu, thì các thầy cô tra trên mạng và nó cứ... lộn tùng phèo, tựu trung có 2 nhóm câu hỏi: Vậy thì ông quê ở đâu, và tác phẩm của ông là những cuốn gì?

Nên theo đề nghị của một số bạn, nhà cháu viết bài này để “tự giới thiệu” cho nó thống nhất, đăng trên web vanconghung.com và facebook của nhà cháu. Và vì viết kiểu giới thiệu nên có thậm xưng chút, nhất là cái tít, để khi tra google dễ tìm chứ không phải khoe khoang gì ahuhu ạ.

Về quê quán, thì nó như thế này ạ.

Năm 1954, chính xác là 1953, ông ba nhà cháu từ làng Thế Chí Tây, xã Phong Phú (tên cũ, giờ là Điền Hòa), Phong Điền Thừa Thiên Huế đi bộ... vượt biên ra Bắc trong chuyến đầu tiên theo đường U Bò. Ra Nghệ An nghỉ chân một thời gian rồi ra tiếp Thanh Hóa.

Năm 1945 mẹ nhà cháu, từ quê làng Đa Giá, xã Ninh Mỹ, Gia Khánh, Ninh Bình cũng thoát ly, lý do chính là... đói quá chứ chưa phải do lòng căm thù giặc sâu sắc và yêu nước nồng nàn hihi, ban đầu đi làm công nhân quân giới, là bộ đội ấy ạ, rồi từ từ tiến vào... Thanh Hóa. Gặp ông ba nhà cháu, đẻ ra nhà cháu. Nên chính thức, nhà cháu quê Thừa Thiên Huế, sinh ở thành phố Thanh Hóa chứ không phải quê Thanh Hóa như một số tài liệu hoặc bài báo viết. Bình thường chả sao, nhưng khi dạy thì các thầy cô giáo yêu cầu phải chính xác. Vầng, nó chính xác là thế ạ.

Sau năm 1975 cả nhà cháu “đổ bộ” về quê, là làng Thế Chí Tây, Thừa Thiên Huế, nhà cháu viết nhiều về cái làng này rồi, gúc phát là ra ạ.

Học xong đại học Tổng hợp Huế (khoa Văn khóa 1), năm 1981 nhà cháu xung phong lên Gia Lai - Kon Tum và ở đây từ bấy tới nay. 40 năm rồi. Nên chính thức những nơi có liên quan tới “cuộc đời và sự nghiệp” nhà cháu là Nình Bình (quê ngoại), Thừa Thiên Huế (quê nội và là quê chính), Thanh Hóa (nơi sinh) và Pleiku Gia Lai (nơi sống 40 năm).

Về tác phẩm: Một số trang mạng đăng tác phẩm của nhà cháu nhầm giữa tên bài thơ với tên tập thơ. Một số bạn giáo viên soạn giáo án cũng theo đấy lấy về.

Chính thức tới nay nhà cháu có 16 đầu sách, sách in chung thì rất nhiều, không nhớ. Hàng ngàn bài báo đã in, trực tiếp làm và cộng tác với vài ba chục tờ báo.

Danh sách tác phẩm của Văn Công Hùng:

1. Bến Đợi (tập thơ- Hội VHNT Gia Lai 1992).

2. Hát rong(tập thơ NXB Đà Nẵng 1999).

3. Ngựa trắng bay về (trường ca NXB Quân đội Nhân dân 2002).

4. Hoa tường vi trong mưa (tập thơ NXB Đà Nẵng 2003).

5. Mắt cao nguyên (Văn xuôi NXB Đà Nẵng 2006).

6. Gõ chiều vào bàn phím (tập Thơ NXB Hội Nhà Văn 2007).

7. Lời vĩnh cửu (Trường ca NXB Hội Nhà Văn 2007).

8. Đêm không màu (tập Thơ NXB Hội Nhà Văn 2009).

9. Lục bát Văn Công Hùng (tập Thơ NXB Hội Nhà Văn 2010).

10. Vòm trời khác (tập Thơ NXB Hội Nhà Văn 2012).

11. Cầm nhau mà đi (Tập thơ NXB Hội Nhà Văn 2016).

12. Trong cơn mơ có thực (Tập thơ NXB Hội Nhà Văn 2019).

13. Tây Nguyên trôi (Tập bút ký ghi chép về Tây Nguyên NXB Hội Nhà Văn 2019).

14. Chợt. Tập thơ. (2021).

15. Từ Tây Nguyên. Văn xuôi (2021).

16. Nhặt chuyện văn nhân. Chân dung văn học (2021).

Một số luận văn thạc sĩ về thơ Văn Công Hùng đã hoàn thành (có một số đang thực hiện nữa không thống kê ở đây).

1. "Thế giới Nghệ thuật thơ Văn Công Hùng", trường đại học Khoa học Huế. Người hướng dẫn PGS TS Hồ Thế Hà. 2012. Người bảo vệ: Ths Trần Thị Vân Dung.

2. "Phong cách nghệ thuật thơ Văn Công Hùng", Trường đại học Quy Nhơn. Người hướng dẫn TS Nguyễn Quốc Khánh. 2017. Người bảo vệ: Ths Trương Thị Tường Thi.

3. "Từ ngữ chỉ thời gian và không gian trong thơ của Văn Công Hùng dưới góc nhìn ngữ dụng học", trường Đại học Quy Nhơn. Người hướng dẫn PGS TS Võ Xuân Hào. 2019. Người bảo vệ: Ths Phạm Thị Thu Bình.

4. "Thơ Văn Công Hùng nhìn từ phê bình sinh thái", trường đại học Khoa học Huế. Người hướng dẫn PGS TS Hồ Thế Hà. 2020. Người bảo vệ: Ths Đào An Duyên.

5. "Từ ngữ biểu thị không gian trong thơ Văn Công Hùng". Trường Đại học Tây Nguyên. Người hướng dẫn PGS Ts Lê Đức Luận. 2018. Người bảo vệ: Ths Ngô Thị Thanh Vân.

6. "Thế giới vô tri dưới góc nhìn tín hiệu thẩm mỹ trong thơ Văn Công Hùng". Trường đại học Sài Gòn, người hướng dẫn: TS Hồ Văn Hải. 2022. Người bảo vệ: Ths Phan Xuân Sang.

7. "Đặc điểm từ vựng trong thơ của Văn Công Hùng". Trường Đại học Quy Nhơn. Người hướng dẫn TS Trần Thị Giang. 2021. Người bảo vệ: Ths Nguyễn Thị Tài

Các việc đã kinh qua: từng là Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai.

Từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà Văn Việt Nam khóa 8.

Hội viên các hội: Hội Nhà Văn VN, Hội Nhà Báo VN, Hội Văn Nghệ dân gian VN, Hội VHNT các dân tộc thiểu số VN.

Có một số giải thưởng văn chương và báo chí từ Trung ương tới địa phương.

Tóm lại nó chỉ đơn giản thế thôi ạ.

-------

Mấy link bài nhà cháu viết về MẸ 1 và

2 Ký ức mẹ 2.

Và BA

----------

Một tiết dạy thể loại thơ ở đâu đấy, lấy thơ nhà cháu ra minh họa, bạn đọc phây chụp gửi, bài "Vô xúc"

Một tiết học bài thơ "Tượng mồ" của nhà cháu ở Gia Lai

Sách của nhà cháu, vẫn thiếu mấy cuốn...Link Bản gốc đầy đủ bài bút ký: "Đồng Tháp Mười mùa nước nổi"

Từ khóa » Tìm Hiểu Tác Giả Văn Công Hùng