"Nhà Tôi Bốn Người Có Khi ăn 30 Gói Mì/tuần" - Tuổi Trẻ Online

Mì ăn liền vẫn được nhiều người ưa chuộng vì tiết kiệm thời gian, rẻ và hợp khẩu vị - Ảnh: Châu Anh
Mì ăn liền vẫn được nhiều người ưa chuộng vì tiết kiệm thời gian, rẻ và hợp khẩu vị - Ảnh: Châu Anh

“Nhà tôi bốn người, có khi một tuần ăn hết 30 gói mì. Con trai tôi có khi ăn hết 3-4 gói một lần, có bữa con vừa coi tivi vừa lấy gói mì ra ăn sống”. Đó là câu chuyện mà bà nội trợ Nguyễn Thị Mai Linh (39 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ với nhóm khảo sát của Tuổi Trẻ về việc sử dụng mì ăn liền trong gia đình.

Khảo sát nhanh của Tuổi Trẻ cho thấy có tới 79% số người trả lời khảo sát cho rằng ăn quá nhiều mì ăn liền sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng họ vẫn dùng thường xuyên vì thích và để tiết kiệm thời gian.

Cuộc khảo sát được thực hiện với 100 người thường xuyên sử dụng mì ăn liền, trong đó có 40 học sinh sinh viên, 30 người làm công việc văn phòng, 30 người lao động chân tay.

Ăn mì nhiều... phát sợ

Ở nhà chị Mai Linh, buổi trưa không kịp nấu cơm thì làm mì gói xào cho cả nhà cùng ăn. Con chị đi học về đói quá, hay lúc khuya không có đồ ăn sẵn lại “làm tạm gói mì”. Trường hợp như nhà chị Mai Linh không phải là quá hiếm.

Chị Đỗ Thị Như Nguyệt (Q.Bình Thạnh) cũng chia sẻ: “Tôi không ăn mì, nhưng chồng với con trai ngày nào cũng ăn. Tôi không mua thì ông ấy tự đi mua cho bằng được để ăn vào buổi tối. Trong nhà đồ ăn đầy đủ, tôi nấu không thiếu bữa nào, vậy mà nói hoài cũng không ngăn được chuyện ăn mì gói này”.

Anh Bùi Tuấn Anh, nhân viên giữ xe 27 tuổi, thì khoe mỗi ngày đều ăn mì gói, có ngày tới 4-5 gói: “Đủ kiểu hết. Có khi mì với thịt, với xúc xích, có lúc chế nước sôi vô cũng ăn được. Thậm chí ăn sống cũng được nữa”.

Có 15% số người trả lời khảo sát cho biết họ thường ăn trên 6 gói mì/tuần. Nhóm ăn mì thường xuyên nhất là những người lao động phổ thông (23,3% ăn trên 6 gói/tuần). Nhóm ăn mì gói ít nhất là người làm việc văn phòng, bởi chỉ có 6,7% ăn mì với mức nhiều như trên, còn đa số (73,3%) ăn 1-3 gói/tuần.

Lý do ăn nhiều mì gói mà anh Tuấn Anh đưa ra là vì công việc thường xuyên ở ngoài đường, chỉ có ăn mì gói là gọn lẹ nhất. Có 67% số người trả lời khảo sát cũng lấy lý do tiết kiệm thời gian để giải thích cho việc thường xuyên ăn mì gói.

Từ thực tế gia đình, chị Mai Linh nói rằng ngoài tiết kiệm thời gian, các thành viên gia đình chị ăn mì còn vì sở thích. Có đến 35% số người trả lời khảo sát cho biết thích ăn mì gói vì đây là loại thức ăn hấp dẫn và hợp khẩu vị nhiều người.

Ngoài ra, nhiều người có tâm lý lười nấu ăn, thậm chí có sinh viên không biết nấu ăn nên đành phải ăn mì triền miên nếu không đi ăn ngoài hàng quán được. Một sinh viên còn cho biết xung quanh ai cũng ăn mì nên mình cũng ăn theo rồi... nghiện đến mức “ăn nhiều phát sợ”.

Thầy Lý Minh Giang, giảng viên đại học ngụ Q.5, kể rằng sau khi chơi thể thao, một nhóm sinh viên chưa tới 10 người đã đánh bay hết một thùng mì!

Kết quả khảo sát 100 người - Đồ họa: Tấn Đạt
Kết quả khảo sát 100 người - Đồ họa: Tấn Đạt

Đặt niềm tin vào nhà sản xuất

Ăn nhiều mì gói có ảnh hưởng đến sức khỏe không? Có tới 79% số người trả lời khảo sát cho rằng ảnh hưởng xấu, đặc biệt, 100% nhóm đối tượng học sinh sinh viên cho rằng ăn nhiều mì gói là có hại.

Nhiều người đưa ra lý giải rõ ràng về tác hại của việc ăn mì gói quá nhiều: do mì được chiên qua dầu mà dầu đó dùng quá nhiều lần, mì gói thiếu dinh dưỡng trong khi chất bảo quản thì có thừa; ăn nhiều mì bị nóng trong người, thiếu chất... Cho nên khi ăn mì gói, 68% số người trả lời khảo sát cho biết họ cho thêm rau, thịt, trứng... vào tô mì cho đủ chất, 18% trụng mì qua nước sôi cho bớt dầu mỡ. Nhiều người nhất quyết không dùng gói dầu có sẵn trong mì gói.

“Vì trong mì ăn liền có nhiều chất không tốt cho sức khỏe nên bù lại, tôi ăn thêm nhiều rau củ trái cây và uống nước thật nhiều” - anh Trần Quốc Thắng, làm trong ngành tổ chức sự kiện, bày cách. Với trẻ con - đối tượng dường như đặc biệt ưa thích mì gói, anh Nguyễn Lộc cho rằng ngay từ khi còn bé, không nên cho trẻ ăn nhiều, tránh tạo thói quen và sở thích không tốt.

Các nhà sản xuất nên nghiên cứu công thức mì an toàn hơn, như không dùng nhiều hương liệu, phụ gia, phẩm màu và dầu chiên, hay những loại mì có hạn sử dụng ngắn ngày để giảm chất bảo quản. Đó là giải pháp nhiều người lựa chọn nhất (59%) để việc ăn mì gói không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

“Mình là người dùng, chỉ biết trông chờ vào nhà sản xuất sẽ làm ra những loại mì an toàn hơn thôi” - anh Lê Chí Thành (Q.5) bày tỏ. Chị Chung Thanh Hương (27 tuổi, công nhân) nói: “Ăn nhiều mì gói tôi chỉ bị nóng thôi. Cũng nghe nói ăn nhiều là có hại, nhưng tôi nghĩ các nhà sản xuất đã có kiểm nghiệm này nọ rồi”.

Ngoài ra, người dân cũng mong muốn trên bao bì gói mì phải có thêm khuyến cáo về số lượng sử dụng tối đa, cách chế biến an toàn... “Mì gói là thức ăn cần thiết, thuận tiện. Nhà sản xuất và cơ quan chức năng cần phải đảm bảo sản phẩm đó là an toàn, không độc hại, cảnh báo đầy đủ những nguy cơ mà người dùng có thể gặp phải, chứ không thể nói anh không thích thì anh đừng ăn” - Phan Tuấn Linh, sinh viên ngành công nghiệp thực phẩm, góp ý.

* Phạm Ý Nhi: Sử dụng mì ăn liền chỉ tiết kiệm được thời gian, còn tính về tiền bạc thì chưa hẳn. Vì ăn mì rất nhanh đói, mà người ta cần rất nhiều năng lượng để hoạt động. Ăn mì tiết kiệm được chút tiền nhưng sau đó vì nhanh đói nên phải ăn thêm nhiều bữa. Như vậy không phải là tốn kém hơn sao?

* Thái Thị Nga (sinh viên): Ăn mì gói chỉ là bất đắc dĩ thôi.

Nó rẻ và tiện thật nhưng ăn thường xuyên sẽ tích tụ chất gây hại cho cơ thể: khó tiêu, nóng trong người, thiếu chất...

* Nguyễn Văn Danh (nhân viên văn phòng): Gia đình nấu nướng đàng hoàng thì đâu cần phải ăn mì gói? Với lại, bây giờ cửa hàng tiện lợi mọc lên khắp nơi, rất nhiều thứ để lựa chọn chứ không chỉ là mì gói.

Từ khóa » Tô Mì ăn Xong