Nhà Tống - Người Kể Sử

Mục Lục [Thu / Mở]
  • Lịch sử Bắc Tống
  • Binh biến Trần Kiều
  • Thu phục Trung Nguyên
  • Bắc ngự Liêu hạ
  • Biến pháp và Đảng tranh
  • Sự biến Tĩnh Khang
  • Lịch sử Nam Tống
  • Kiến Viêm nam độ
  • Thiên an Nam Giang
  • Nội ưu ngoại hoạn
  • Kháng cự quân Mông
  • Hải chiến Nhai Môn và diệt vong
  • Chế độ chính trị
  • Tổng quan
  • Quan chế trung ương
  • Chế độ quản lý quan viên
  • Quân sự
  • Ngoại giao
  • Kinh tế
  • Nông nghiệp
  • Thủ công nghiệp
  • Giao thông
  • Thương nghiệp
  • Mậu dịch hải ngoại
  • Chế độ phú thuế
  • Nghệ thuật, Văn hoá và Kinh tế
  • Cương vực
  • Nhân khẩu
  • Quân chủ nhà Tống
  • Xem thêm
  • Chú thích
  • Tham khảo
  • Đọc thêm
Đại Tống
Đế quốc
960–1279
A map showing the territory of the Song, Liao, and Xia dynasties. The Song dynasty occupies the east half of what constitutes the territory of the modern People's Republic of China, except for the northernmost areas (modern Inner Mongolia province and above). The Xia occupy a small strip of land surrounding a river in what is now Inner Mongolia, and the Liao occupy a large section of what is today northeast China.Bắc Tống năm 1111
Thủ đô Biện Kinh (汴京) (960–1127) Lâm An (臨安) (1127–1276)
Ngôn ngữ Tiếng Trung
Tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo
Chính quyền Quân chủ
Hoàng Đế
 •  960–976 Thái Tổ
 •  976–997 Thái Tông
 •  1127–1162 Cao Tông
 •  1278–1279 Đế Bính
Thừa tướng
 •  Sái Kinh,
 •  Phạm Trọng Yêm,
Hàn Thác Trụ,
 •  Lý Phưởng, Tần Cối, Tư Mã Quang, Đồng Quán, Vương An Thạch, Văn Thiên Tường
Lịch sử
 •  Triệu Khuông Dẫn lên ngai vàng nhà Hậu Chu 960
 •  Sự kiện Tĩnh Khang 1127
 •  Lâm An thất thủ 1276
 •  Trận Nhai Môn; Đại Tống diệt vong 1279
Diện tích
 •  962 1.050.000 km² (405.407 sq mi)
 •  1111 2.800.000 km² (1.081.086 sq mi)
 •  1142. 2.000.000 km² (772.204 sq mi)
Dân số
 •  1120 (ước tính) 118.800.000a[›] 
Tiền tệ Giao tử, Cối Tử, Tiền xu

Nhà Tống (tiếng Trung: 宋朝; bính âm: Sòng Cháo, Wade-Giles: Sung Ch'ao, Hán-Việt: Tống Triều, phát âm tiếng Trung: [sʊ̂ŋ tʂʰɑ̌ʊ̯]) là một triều đại cai trị ở Trung Quốc từ năm 960 đến 1279, họ đã thành công trong việc thống nhất Trung Quốc trong thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc, và được thay thế bởi nhà Nguyên. Nhà Tống là nhà nước đầu tiên trên thế giới phát hành ra tiền giấy, và nhà nước Trung Quốc đầu tiên đã thành lập nên lực lượng hải quân thường trực lâu dài. Triều đại này đã chứng kiến việc lần đầu tiên sử dụng thuốc súng, cũng như nhận thức về cách sử dụng la bàn.

Triều nhà Tống được chia thành hai giai đoạn riêng biệt: Bắc Tống và Nam Tống.

  • Bắc Tống (北宋, 960-1127) là giai đoạn khi thủ đô của họ ở thành phố Biện Kinh (nay là Khai Phong) ở miền bắc và triều đình kiểm soát toàn bộ Trung Hoa.
  • Nam Tống (南宋, 1127-1279) để chỉ khoảng thời gian khi nhà Tống đã mất quyền kiểm soát phía bắc cho người Nữ Chân nhà Kim, trong thời gian này triều đình nhà Tống lui về phía nam sông Dương Tử và lập kinh đô ở Lâm An (nay là Hàng Châu).

Mặc dù nhà Tống đã mất quyền cai quản khu vực nền móng của nền nông nghiệp Trung Hoa quanh dòng sông Hoàng Hà, nhưng nền kinh tế nhà Tống không nằm trong đống đổ nát, dân số nhà Nam Tống chiếm gần 60% toàn bộ dân số Trung Hoa thời bấy giờ và nền nông nghiệp cũng trở nên hiệu quả nhất.1 Triều Nam Tống dành sự ủng hộ đáng kể cho nền hải quân, tạo nên sức mạnh bảo vệ vùng biển và biên giới đất liền cũng như tiến hành những nhiệm vụ hàng hải ra nước ngoài.

Để đẩy lùi những cuộc xâm lược của người Nữ Chân và sau đó là người Mông Cổ, nhà Tống đã phát triển quân đội tăng cường sử dụng thuốc súng. Nhà Kim bị người Mông Cổ chinh phục năm 1234, sau đó Mông Cổ kiểm soát toàn bộ phía bắc Trung Quốc và luôn đe doạ triều đình Nam Tống. Một hiệp ước hoà bình vội vàng được lập ra, khi Hốt Tất Liệt nhận được tin về cái chết của Mông Ca (còn gọi là Mông Kha), vua cai trị Mông Cổ. Ông quay về nước để chiếm ngôi báu từ tay các đối thủ và được tôn lên làm Đại Hãn, mặc dù chỉ được công nhận bởi một số người Mông Cổ ở phía Tây. Năm 1271, Hốt Tất Liệt tự xưng là hoàng đế Trung Hoa.2 Sau hai thập kỷ chiến tranh lẻ tẻ, quân đội Hốt Tất Liệt đã chinh phục nhà Tống năm 1279. Một lần nữa Trung Quốc được thống nhất, dưới triều đại nhà Nguyên Mông (1271-1368).3

Dân số Trung Quốc tăng gấp đôi trong thế kỷ 10 và 11. Sự tăng trưởng này đã thông qua bằng việc mở rộng canh tác lúa ở miền trung và miền nam Trung Quốc, việc sử dụng lúa chín sớm từ phía Đông Nam và Nam Á, và sản xuất thặng dư lương thực dồi dào.4 5 Dưới triều Bắc Tống đã thực hiện một cuộc điều tra dân số và kết quả là 50 triệu người, giống như thời nhà Hán và nhà Đường. Con số này được kiểm chứng trong Tống sử. Tuy nhiên, người ta đã ước tính rằng thời kỳ Bắc Tống đã có hơn 100 triệu người, vào thời kỳ đầu nhà Minh đã có hơn 200 triệu người.6

Lịch sử Bắc Tống

Binh biến Trần Kiều

Triệu Khuông Dận

Quân chủ khai quốc của triều Tống là Triệu Khuông Dẫn, Triệu Khuông Dẫn nguyên là "Điện tiền đô điểm kiểm" (tức thống lĩnh cấm quân) của triều Hậu Chu, do có chiến công xuất chúng nên được Hậu Chu Thế Tông tín nhiệm, trở thành thân tín của hoàng đế. Năm Hiển Đức thứ 6 (959), Hậu Chu Thế Tông băng hà, Cung Đế kế vị khi còn nhỏ, Triệu Khuông Dẫn trong lòng có ý muốn thay thế. Tết năm Hiển Đức thứ 7 (960), bè đảng của Triệu Khuông Dẫn tạo tin tình báo giả rằng quân Liêu nam hạ, tể tướng Phạm Chất liền lệnh Triệu Khuông Dẫn suất quân khỏi kinh thành chống địch. Ngày ba tháng giêng, Triệu Khuông Dẫn đến đóng tại Trần Kiều dịch, tối hôm đó khi Triệu Khuông Dẫn đang ngủ say thì bị tướng sĩ dưới quyền khoác hoàng bào lên người (tức "Hoàng bào gia thân"), hô to "vạn tuế", được lập làm Thiên tử, tức Tống Thái Tổ. Triều thần Hậu Chu khi biết tin thì trong thành đã rỗng không, chỉ có thể thừa nhận hiện thực. Hậu Chu Cung Đế bị buộc phải tốn vị.[tham 1] Triệu Khuông Dẫn từng giữ chức Quy Đức tiết độ sứ, trú tại Tống châu, trong thời kỳ Xuân Thu thì Tống châu là lãnh địa của nước Tống, do vậy định quốc hiệu là "Tống",[tham 2] định đô tại Khai Phong, cải nguyên Kiến Long.

Năm Kiến Long thứ nhất, Tống Thái Tổ bình định hai cuộc nổi loạn của Lý Quân và Lý Trọng Tiến. Nghe theo ý kiến của Triệu Phổ, Tống Thái Tổ hai lần tiến hành "bôi tửu thích binh quyền" vào tháng 7 năm Kiến Long thứ 2 (961) và tháng 10 năm Khai Bảo thứ 2 (969), tước đoạt quyền chỉ huy quân sự của các tướng quân nắm giữ trọng binh: Thạch Thủ Tín, Vương Thẩm Cơ, Cao Hoài Đức, La Ngạn Côi và các võ tướng địa phương, giao cho hư chức, chuyển sang dùng quan văn trị quân đội, đồng thời đem toàn bộ đại quyền quân sự và tài chính tập trung vào trung ương. Lưỡng Tống do vậy tránh được cục diện phiên trấn cát cứ như thời Đường. Tuy nhiên, quốc sách này khiến năng lực quân sự địa phương giảm thiểu, khiến triều Tống cuối cùng ở thế yếu trong chiến tranh với bên ngoài[tham 3].

Thu phục Trung Nguyên

Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa.

Sau khi ổn định vững chắc chính quyền, Tống Thái Tổ bắt đầu diệt trừ tàn dư cát cứ Ngũ Đại Thập Quốc, thống nhất thiên hạ. Sau khi thương thảo với Triệu Phổ, Tống Thái Tổ quyết định tuân theo sách lược 'tiên nam hậu bắc', ban đầu chiếm lấy sáu nước phương nam có kinh tế thịnh vượng để củng cố quốc lực, sau đó chuyển sang Bắc phạt Bắc Hán nguyên được Khiết Đan hỗ trợ. Trước tiên Tống Thái Tổ dùng kế "giả Ngu diệt Quắc" để công diệt Kinh Nam và chính quyền cát cứ Hồ Nam, sau đó lại tiêu diệt ba nước Hậu Thục, Nam Hán, Nam Đường. Tống Thái Tổ một lòng hy vọng khôi phục lãnh thổ phương bắc như thời Đường, thiết lập 'phong thung khố' để trữ tiền tài vải vóc, nhằm sau này chuộc lại Yên Vân thập lục châu bị Thạch Kính Đường trao cho Khiết Đan khi xưa. Tháng tám năm Khai Bảo thứ 9 (976), Tống Thái Tổ một lần nữa tiến hành Bắc phạt, song đến ngày mười chín tháng mười cùng năm thì đột nhiên từ trần. sự nghiệp thống nhất Trung Nguyên tạm thời bị đình chỉ. Em trai Tống Thái Tổ là Triệu Quang Nghĩa kế vị, tức là Tống Thái Tông.[tham 4]

Sau khi ổn định vững chắc đế vị, Tống Thái Tông kế tục sự nghiệp thống nhất. Sau đó, chính quyền cát cứ Thanh Nguyên quân tại miền nam Phúc Kiến, cùng nước Ngô Việt lần lượt quy hàng. Tống Thái Tông khiển đại tướng Phan Mỹ đem quân về phía bắc công kích đô thành Thái Nguyên của Bắc Hán, đánh lui viện binh Liêu, tiêu diệt Bắc Hán, kết thúc cục diện phiên trấn cát cứ kéo dàu gần hai trăm năm.[tham 5]

Tháng năm năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 4 (979), Tống Thái Tông bất chấp phản đối của triều thần, thừa thế chiếm được Bắc Hán, từ Thái Nguyên xuất phát triển khai Bắc phạt. Ban đầu, quân Tống từng thu phục được Dịch châu và Trác châu tại Hà Bắc. Tống Thái Tông đắc ý, hạ lệnh vây đánh Yên Kinh, quân Tống cùng quân Liêu triển khai kích chiến bên bờ sông Cao Lương[tham 6] Tống Thái Tông ra chiến trường, kiến quả trúng tên bị thương, buộc phải triệt thoái, Bắc phạt không đạt. Bảy năm sau, tức năm Ung Hy thứ 3 (986), Tống Thái Tông khiển năm vị đại tướng là Phan Mỹ, Dương Nghiệp, Điền Trọng Tiến, Tào Bân, Thôi Ngạn phân quân theo ba lộ đông trung tây, lấy đông lộ là chính để tiến hành Bắc phạt. Quân tây lộ và trung lộ tiên quân thuận lợi, song quân Đông lộ chủ lực nhiều lần chiến bại trước quân Liêu, đường tiếp lương bị cắt đứt, cuối cùng không thể tụ hợp với hai lộ trung tây, đại bại tại Kỳ Câu quan mà tan vỡ. Hai lộ trung và tây cũng chỉ có thể rút về nam. Sau đó, triều Tống nhiều lần thất bại trước người Đảng Hạng trong các chiến dịch Tam Xuyên Khẩu, Hảo Thủy Xuyên, Định Xuyên Trại, song do người Đảng Hạng chán chiến tranh nên nghị hòa với Tống. Tháng hai năm Thuần Hóa thứ 4 (993), tại Tứ Xuyên bùng phát khởi nghĩa nông dân dưới quyền Vương Tiểu Ba và Lý Tuân. Quân khởi nghĩa được nông dân ủng hộ, đến tháng 1 năm sau thì chiếm cứ Thành Đô, kiến lập chính quyền Đại Thục. Thái Tông khiển hai lộ đại quân đi thảo phạt, quân khởi nghĩa cuối cùng thất bại triệt để vào năm Chí Đại thứ 2 (996). Nhiều lần thất bại tại phòng tuyến biên thùy, cộng với bùng phát khởi nghĩa tại hậu phương cản trở Bắc Tống thu phục cương thổ, song chính sách của Tống Thái Tông vẫn không đổi là 'trọng nội hư ngoại'.[tham 5]

Bản thân Tống Thái Tông là người phong nhã, yêu thích thơ phú, chính phủ do vậy đặc biệt trọng thị sự nghiệp văn hóa, truyền thống trọng giáo của triều Tống do vậy được khởi đầu. Tống Thái Tông yêu thích thư pháp, giỏi sáu kiểu chữ thảo, lệ, hành, triện, bát phân, phi bạch, đặc biệt giỏi viết kiểu phi bạch, đồng tiền Thuần hóa nguyên bảo của triều Tống là do Tống Thái Tông tự thân đề tả[tham 7]

Sự kiện Tống Thái Tông tức vị hết sức kỳ lạ, là do sự kiện "Chúc ảnh phủ thanh", triều dã tương truyền Quang Nghĩa mưu sát Thái Tổ để đoạt vị, nhằm đảm bảo tính hợp pháp của chính quyền, Tống Thái Tông vứt bỏ lời di mệnh của mẹ là Đỗ thái hậu, tức "Kim quỹ chi minh". "Kim quỹ chi minh" khởi nguyên là lúc Đỗ thái hậu lâm chung có triệu Triệu Phổ nhập cung ghi lại di mệnh, muốn Tống Thái Tổ trước tiên truyền vị cho Quang Nghĩa, sau truyền lại cho Quang Mỹ (sau đổi tên thành Đình Mỹ), rồi truyền cho Đức Chiêu (trưởng tử của Tống Thái Tổ), và Thái Tổ đồng ý. Bức di thư này được cất trong hộp bằng vàng, do vật mà gọi là "Kim quỹ chi minh". Tuy nhiên, Tống Thái Tông liền trước sau bức tử hoàng tử của Thái Tổ là Đức Chiêu và Đức Phương, còn biếm truất Đình Mỹ đến Phòng châu, hai năm sau Đình Mỹ từ trần. Trưởng tử của Tống Thái Tông là Nguyên Tá do đồng tình với Đình Mỹ nên bị phế, hoàng tử Nguyên Hy đột ngột từ trần, cuối cùng một hoàng tử khác là Nguyên Khản được lập làm thái tử, đổi tên là Hằng[tham 8] Năm Chí Đạo thứ 3 (997), Tống Thái Tông băng hà, Lý hoàng hậu và đám hoạn quan Vương Kế Ân trù tính lập Nguyên Tá làm hoàng đế. Đương thời, tể tướng Lã Đoan xử trí thích đáng, Triệu Hằng thuận lợi kế vị, miếu hiệu là Chân Tông. Triều Tống bắt đầu bước vào thời kỳ yên ổn bảo tồn thành quả[tham 9].

Bắc ngự Liêu hạ

Tống Chân Tông Triệu Hằng

Tống Chân Tông kế tục "Hoàng Lão chính trị, Vô sở tác vi" vào cuối thời Tống Thái Tông. Từ sau Bắc phạt thời niên hiệu Ung Hy, triều Liêu thường tấn công khu vực giao giới Tống-Liêu, đến năm Cảnh Đức thứ 1 (1004) cuối cùng diễn biến thành chiến tranh xâm chiếm đại quy mô.[tham 10] Tể tướng Khấu Chuẩn cực lực chủ trương kháng chiến, kết quả Tống Chân Tông thân chinh, sĩ khí quân Tống phấn chấn cao độ, giao chiến ác liệt với quân Liêu dưới thành Thiền châu, quân Liêu cầu hòa. Trải qua nhiều lần giao thiệp, hai triều đại nghị hòa thành công. Nội dung chủ yếu của hòa ước là: Mỗi năm Tống trao cho Liêu 20 vạn xấp lụa, mười vạn lượng bạc, hai bên là quốc gia huynh đệ, sử gọi hòa ước này là "Thiền Uyên chi minh". Qua các thời đại, quan điểm phê bình hòa ước là chủ đạo, nhận định mục đích chiến lược là thu hồi Yên Vân thập lục châu chưa đạt được, bên thắng lợi quân sự hàng năm phải dùng một lượng của cải lớn để đổi lấy hòa bình, là điều sỉ nhục. Những quan điểm đồng tình thì nhận định bản thân việc đánh lui quân Liêu nam xâm đã là thắng lợi, thời Tống kinh thế phát đạt, gánh nặng theo hòa ước không quá lớn, khó có thể nói là điều ước ép buộc.[tham 11].

Sau đó, Khẩu Chuẩn dần dần thất sủng, cuối cùng bị bãi chức tể tướng. Tống Chân Tông bắt đầu tin dùng nịnh thần Vương Khâm Nhược. Vương Khâm Nhược thường đón trước ý của Tống Chân Tông, biết rõ Tống Chân Tông hy vọng thiên hạ xuất hiện một cảnh tượng cát tường an lạc, do vậy cùng tể tướng Vương Đán liên thủ, chế tạo tượng "tường thụy" tại các địa phương, cực lực cổ xúy Tống Chân Tông phong thiền, rất trúng ý Chân Tông. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 1 (1008), Tống Chân Tông lần lượt ba lần phong thiền trong một năm, làm tổn hạo nghiêm trọng dân lực[tham 12] Tống Chân Tông và Lưu hoàng hậu không có hoàng tử, Tống Chân Tông tình cờ một lần lâm hạnh thị nữ Lý thị của Lưu hoàng hậu, kết quả Lý thị vào năm Đại Trung Tường Phù thứ 3 (1010) sinh được một con trai tên là Triệu Thụ Ích. Sau đó, Lưu hoàng hậu và Dương Thục phi cùng nuôi dưỡng hài tử này. Trung thu năm Thiên Hi thứ 2 (1018), Tống Chân Tông chính thức phong Triệu Thụ Ích là Thái tử, đổi tên thành Triệu Trinh. Năm Càn Hưng thứ 1 (1022), Tống Chân Tông băng hà. Thái tử Triệu Trinh kế vị, Lưu hoàng hậu được tôn là Hoàng thái hậu và tạm thời quản lý đại sự quốc gia cho đến khi Tống Nhân Tông Triệu Trinh thành niên. Từ đây bắt đầu thời đại 11 năm Lưu Thái hậu "thùy liêm thính chính" (buông rèm nghe quốc sự).[tham 13] Giai đoạn đầu chấp chính, Tống Nhân Tông vẫn nằm dưới bóng của Lưu thị, đến khi Lưu thị từ trần thì Tống Nhân Tông mới thi hành lý tưởng của mình[tham 14].

Lý Nguyên Hạo xưng đế vào năm Đại Khánh thứ 3 (1038), lập quốc Tây Hạ, sau đó giữa Tống và Hạ bùng phát chiến tranh liên tục nhiều năm, quân Tống nhiều lần chiến bại. Chiến tranh Tống-Hạ chủ yếu trải qua năm thời kỳ, tức thời kỳ Tống Nhân Tông-Hạ Cảnh Tông, thời kỳ Tống Anh Tông-Hạ Nghị Tông, thời kỳ Tống Thần Tông-Hạ Huệ Tông, thời kỳ Tống Triết Tông-Hạ Sùng Tông, thời kỳ Tống Huy Tông-Hạ Sùng Tông. Việc quân Tống bất lợi trong chiến tranh Tống-Hạ khiến triều Liêu thừa cơ tăng áp lực, dẫn đến phát sinh "Trọng Hy tăng tệ".[tham 15] Sau khi gặp bất lợi trong chiến tranh với Tây Hạ, Tống Nhân Tông bãi miễn tể tướng Lã Di Giản, nhiệm dụng các danh thần Phạm Trọng Yêm, Phú Bật, Hàn Kì thi hành "Khánh Lịch tân chính", thu được hiệu quả tốt; nhiệm dụng Bao Chửng quản lý kinh thành và ngự sử đài. Trên biên cương, triều Tống bình định cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao ở phía nam và sự khiêu khích gây hấn của Tây Hạ. Bắc Tống tiến vào giai đoạn phồn vinh nhất kể từ khi lập quốc. Tuy nhiên, một vài nhân vật thuộc phái thủ cựu gọi những quan lại thuộc phái cải cách kéo bè kết cánh, bợ đỡ lẫn nhau, là bằng đảng. Tống Nhân Tông vẫn luôn chán ghét triều thần kết đảng mưu cầu tư lợi, những quan viên tân chính sau này có nhiều người bị biếm làm quan địa phương, "Khánh Lịch tân chính" ngắn ngủi đến đây kết thúc[tham 16].

Sau khi Tống Nhân Tông từ trần vào đầu năm 1063, Triệu Thự kế vị, tức Tống Anh Tông. Anh Tông là cháu nội của Thương vương Triệu Nguyên Phần-em trai Tống Chân Tông. Năm Gia Hựu thứ 7 (1062), Triệu Thự được lập làm hoàng thái tử. Tống Anh Tông nhiều bệnh tật, triều chính ban đầu do Tào thái hậu quản lý, từ tháng 5 năm Trị Bình thứ 1 (1064) thì Tống Anh Tông mới bắt đầu thân chính. Anh Tông thân chính gần nửa tháng thì lại bùng phát "Bộc nghị", tranh luận đến 18 tháng. Sự kiện là do tể tướng Hàn Kỳ đề thỉnh thảo luận vấn đề danh phận của sinh phụ của Tống Anh Tông, trong triều do vậy phân thành hai phái, một phái nhận định cần phải gọi sinh phụ của Tống Anh Tông là "hoàng bá", phái kia nhận định nên gọi là "hoàng khảo". Cuối cùng, Tào thái hậu hạ chỉ gọi là "hoàng khảo" mới làm ngưng được tranh luận này. Về tổng thể, Tống Anh Tông là một vị quân chủ có thành tích, ông kế tục nhiệm dụng triều thần có năng lực của tiền triều, cũng mạnh dạn tìm kiếm người mới. Tống Anh Tống hết sức trọng thị biên soạn thư tịch, "Tư trị thông giám" cũng là do Tống Anh Tông phát động[tham 17]

Biến pháp và Đảng tranh

Sau khi Tống Anh Tông mất vào năm 1067, trưởng tử là Triệu Húc kế vị, tức Tống Thần Tông. Trong thời gian Tống Thần Tông tại vị, chế độ được chế định vào đầu thời Tống đã sản sinh nhiều tệ nạn, dân sinh xuất hiện thụt lùi, còn có nguy cơ từ Liêu và Tây Hạ. Do vậy, Tống Thần Tông kiên định ý chí cải cách. Tống Thần Tông bắt đầu sử dụng đại thần trứ danh thuộc phái cải cách là Vương An Thạch thi hành tân pháp, bổ nhiệm làm 'tham tri chính sự'. Tân pháp mà Vương An Thạch thi hành bao gồm "quân thâu", "thanh miêu", "miễn dịch", "thị dịch", "bảo giáp", "bảo mã", "phương điền quân thuế".. Tuy nhiên, việc thực hành tân pháp gặp phải trở ngại mãnh liệt của phái bảo thủ do Tư Mã Quang lãnh đạo. Cộng thêm thiên tai không ngừng, quyết tâm thực hành tân pháp của Tống Thần Tông có dao động[tham 18] Năm Hi Ninh thứ 7 (1074), phương bắc gặp hạn hán nghiêm trọng, quan viên Trịnh Hiệp trình lên Tống Thần Tông một tranh về lưu dân, cảnh tượng trong tranh rất bi thương, Tống Thần Tông bị tác động mạnh về tâm lý. Ngày hôm sau, Tống Thần Tông liền hạ lệnh bãi 18 khoản trong tân pháp như "thanh miêu", "phương điền", "miễn dịch". Mặc dù những pháp lệnh này được khôi phục không lâu sau đó, song giữa Tống Thần Tông và Vương An Thành bắt đầu không tín nhiệm nhau. Tháng tư năm Hi Ninh thứ 7, Vương An Thạch lần đầu tiên bị bãi chức tể tướng, đi cai quản Giang Ninh phủ. Sau đó, quan viên trong phái biến pháp là Lã Huệ Khanh tự ý làm bậy, Vương An Thạch do vậy được phục chức hồi kinh, song vẫn gặp trở ngại mãnh liệt từ phái bảo thủ. Tháng sáu năm Hi Ninh thứ 9 (1076), trưởng tử của Vương An Thạch từ trần, Vương An Thạch nhân việc này kiên quyết cầu thoái, Tống Thần Tông vào tháng mười lại bãi chức vị tể tướng của ông, về sau Vương An Thạch không luận chính sự[tham 19]

Vương An Thạch.

Hậu nhân có nhìn nhận khác nhau nhiều về "Hi Ninh tân pháp", song dù sao hiệu quả của việc thi hành tân pháp không như kỳ vọng. Mặc dù việc thi hành tân pháp làm tăng đáng kể thu nhập tài chính quốc gia và diện tích canh tác, song lại gia tăng nghiêm trọng gánh nặng của bình dân. Trên phương diện quân sự, cải cách của Hi Ninh tân pháp dừng tại giải quyết phần ngọn, lực chiến đấu của quân đội không được cải thiện rõ ràng. Cộng thêm quan niệm của Vương An Thạch mới lạ, cần thời gian rất dài mới có thể thi hành toàn diện hơn 10 hạng mục cải cách, khiến biến pháp rơi vào khốn cảnh muốn đẩy nhanh song không đạt[tham 20] Thời kỳ sau thi hành tân pháp, độ lệch giữa pháp lệnh và chấp hành ngày càng lớn, một số biện pháp từ làm lợi cho dân biến thành nhiễu dân. Trong quá trình chấp hành tân pháp, việc dùng người không thích hợp còn là nguyên nhân sau cùng làm mất lòng dân, thành viên phái biến pháp như Lã Khanh, Tăng Bố, Lý Định và Sái Kinh đều là người có phẩm cách và cá tính chịu nhiều tranh nghị, bị cho là tiểu nhân. Hoàng Nhân Vũ (1918-2000) từng bình luận về cải cách này: "Trước thời chúng ta chín trăm năm, Trung Quốc đã có trù tính sử dụng biện pháp quản chế tài chính nhằm thao túng quốc sự, phạm vi và bề sâu chưa từng được đề xuất tại các khu vực khác trên thế giới."[tham 21]

Sau khi Vương An Thạch bị bãi chức, Tống Thần Tông kế tục sự nghiệp cải cách, hiệu là "Nguyên Phong cải chế". "Nguyên Phong cải chế" dù cùng với "Hi Ninh biến pháp" được gọi chung là "Hi Phong tân pháp", song cường độ thì không sánh được với "Hi Ninh biến pháp". Sau cải chế, quốc lực dần mạnh lên, Tống Thần Tông đưa trọng điểm chuyển dịch sang đối ngoại, quyết tâm tiêu diệt Tây Hạ. Tháng năm năm Hi Ninh thứ 5 (1072), Tống Thần Tông bắt đầu tây chinh, giành được đại thắng, lòng tin của Thần Tông được cổ vũ rất nhiều. Chín năm sau, vào tháng 4 năm Nguyên Phong thứ 4 (1081), Tây Hạ phát sinh chính biến, Tống Thần Tông nhân cơ hội này tiến hành tái chinh phạt Tây Hạ, không ngờ lại thảm bại, Tống Thần Tông do vậy mắc bệnh không khỏi được. Tháng một năm Nguyên Phong thứ 8 (1085), Tống Thần Tông lập lục tử Triệu Dung (sau đổi thành Hú) làm thái tử. Mặc dù tân pháp do Tống Thần Tông ban bố tạm thời bị mẫu hậu là Cao thái hậu phế, song không lâu sau lại dần dần được khôi phục, trong đó không ít biện pháp vẫn duy trì đến thời kỳ Nam Tống[tham 22] Sau khi Tống Thần Tông băng hà, Cao thái hậu "thùy liêm thính chính", kiềm chế nghiêm khắc Tống Triết Tông Triệu Hú mới kế vị. Cao thái hậu tin dùng phái bảo thủ do Tư Mã Quang lãnh đạo, thờ ơ với Tống Triết Tông, kết quả dẫn đến phát sinh đối kháng nghiêm trọng giữa hai phe tân và cựu, đó là "Nguyên Hựu đảng tranh". Sau khi Tống Triết Tông thân chính, ông giáng chức thành viên cựu đảng, tin dùng tân đảng, sự nghiệp biến pháp do vậy có thể kế tục[tham 23].

Sự biến Tĩnh Khang

Tống Huy Tông là một nhà nghệ thuật tài hoa, song cũng là quân chủ vong quốc.

Tống Triết Tông không có con trai kế tập, sau khi từ trần vào năm 1100 thì em là Triệu Cát kế vị, tức là Tống Huy Tông. Tống Huy Tông từ nhỏ đã yêu thích những việc bút mực, hội họa, cưỡi ngựa, thích hưởng lạc, không hứng thú với triều chính. Tống Huy Tông sinh hoạt xa xỉ mê say, ưa vào thanh lâu, tin lời đạo sĩ mà cho xây nhiều công trình kiến trúc, tại góc đông bắc của Khai Phong cho tạo Vạn Tuế Sơn, sau đổi thành Cấn Nhạc, chu vi hơn mười dặm, trong đó có Phù Dung trì, Từ khê, đình đài lầu các, có đủ loại chim thú. Tại khu vực Tô-Hàng của Lưỡng Chiết lộ, Tống Huy Tông cho lập Ứng phụng cục và Tạo tác cục, chuyên sưu tập kỳ hoa dị thạch tại phương nam, thổi bùng sự phẫn nộ của dân chúng, gây nên dân biến.[tham 24] Năm Trọng Hòa thứ 1 (1118), Hoàng Hà gây lụt, bốn lộ Hà Bắc, Kinh Đông chịu thủy tai, lưu dân mất nhà cửa, không thể mưu sinh, tại Hoài Nam Tống Giang phát động dân biến, quân khởi nghĩa từng chiếm cứ một số huyện Kinh Đông, Hoài Nam, Hà Bắc. Hai năm sau, tức năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120), 36 thủ lĩnh khởi nghĩa bao gồm Tống Giang tiếp nhận chiêu an của triều đình, khởi nghĩa kết thúc. Ngày chín tháng mười cùng năm (1 tháng 11), Phương Lạp khởi nghĩa tại Thanh Khê (nay thuộc tây bắc Thuần An, Chiết Giang), nông dân các địa phương nghe tin thì hưởng ứng, không lâu sau phát triển đến vạn người. Tháng một năm sau, Tống Huy Tông phái Đồng Quán nam hạ chinh thảo, nhiều lần đánh bại nghĩa quân, cuối cùng bắt sống Phương Lạp trong tháng bảy.[tham 25]

Tống Huy Tông ít quản triều chính, chính vụ đều giao cho nhóm triều thần mà đứng đầu là Sái Kinh, họ bị gọi là "Lục tặc". Sái Kinh lấy danh nghĩa khôi phục tân pháp để áp chế phái khác, bài xích những người bất đồng. Sau khi Sái Kinh nắm quyền, ông ta tiến hành "Nguyên Hựu gian đảng án", các đại thần chính trị bị đưa ra khỏi vị trí chính trị trung tâm. Bản thân Tống Huy tham đại công, sau khi thấy triều Liêu bị triều Kim tiến công thì vào mùa xuân năm Trọng Hòa thứ 1 (1116), ông phái khiển sứ tiết Mã Chính từ Đăng châu vượt biển đến Kim. Hai bên thương nghị cùng tiến công Liêu, Tống phụ trách tiến công Nam Kinh và Tây Kinh của Liêu; sau khi diệt Liêu thì đất Yên Vân sẽ trao cho Tống; của cải mà Tống từng trao cho Liêu hàng năm trước đây chuyển sang trao cho Kim, tức là Hải thượng chi minh. Tuy nhiên, sau đó quân Kim thừa thắng đem nhân khẩu Yên Kinh về bắc, đồng thời cướp bóc ba châu Doanh, Bình, Loan. Năm Tuyên Hòa thứ 7 (1125), quân Kim phân thành hai lộ đông và tây nam hạ công Tống. Tống Huy Tông kinh sợ, sau đó theo kiến nghị của Lý Cương mà truyền vị cho con là Khâm Tông Triệu Hoàn. Tống Khâm Tông miễn cưỡng bước lên hoàng vị, thiếu quyết đoán chiến hay hòa, trong tình hình không còn cách nào bèn để Lý Cương bảo vệ Đông Kinh, Lý Cương tạm thời ngăn chặn quân Kim.

Năm Tĩnh Khang thứ 1 (1126), quân Kim nam hạ lần thứ hai, phân binh thành hai lộ tiến thẳng đến Khai Phong, thành Khai Phong bị quân Kim vây khốn. trong thành dịch bệnh lan truyền, không ít người chết đói và chết bệnh. Ngày Bính Thìn tháng 11 nhuận (9 tháng 1 năm 1127), Hoàn Nhan Tông Vọng, Hoàn Nhan Tông Hàn cùng chư tướng phá thành, bắt Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông. Ngày sáu tháng 2 năm Tĩnh Khang thứ 2 (20 tháng 3 năm 1127), quân Kim bắt các phi tần, công chúa, quý thích cùng tông phụ, tộc phụ, ca nữ tổng cộng vài nghìn người đến Ngũ Quốc thành (nay thuộc huyện Y Lan, Hắc Long Giang) của Kim[tham 26], phế Huy Tông và Khâm Tông làm thứ nhân, sử gọi là Tĩnh Khang chi biến. Tại Ngũ Quốc thành, người Kim làm nhục Huy Tông và Khâm Tông, phong Huy Tông là "Hôn Đức công", Khâm Tông là "Trọng Hôn hầu", cả hai sau đó đều từ trần trên lãnh thổ Kim. Sau khi tiêu diệt Bắc Tống, Kim trước sau hỗ trợ Trương Bang Xương, Lưu Dự kiến lập hai chính quyền bù nhìn "Đại Sở" và "Đại Tề".[tham 27].

Lịch sử Nam Tống

Kiến Viêm nam độ

Tượng Nhạc Phi tại Nhạc vương miếu, Hàng Châu.

Trong Tĩnh Khang chi biến, triều Kim bắt được nhiều tông thất của triều Tống, song Khang vương Triệu Cấu may mắn tránh được. Năm Tĩnh Khang thứ 2 (1127), Triệu Cấu từ khu vực Hà Bắc ngày nay đến bồi đô Nam Kinh Quy Đức phủ (nay là Thương Khâu, Hà Nam), tức vị, tức Tống Cao Tông, cải nguyên Kiến Viêm. Sau đó, Tống Cao Tông dời về phía nam, vượt Hoài Hà và Trường Giang, đến năm Kiến Viêm thứ 3 thì đổi Giang Ninh phủ thành Kiến Khang phủ (nay là Nam Kinh), xem là hành đô, gọi là "Đông Đô". Năm Thiệu Hưng thứ 1 (1131), thăng Hàng châu thành Lâm An phủ (nay là Hàng Châu), xem là "hành tại", đến năm Thiệu Hưng thứ 8 thì chính thức định Lâm An là hành đô, Kiến Khang đổi thành lưu đô.[tham 28] Triều Kim tiến quân về phía nam, trực tiếp uy hiếp Lâm An, Cao Tông không còn đường thoát, chỉ có thể theo đường biển đào tị, phiêu bạt tới bốn tháng tại duyên hải Ôn châu. Do ở phương nam ẩm ướt sông ngòi dọc ngang, cộng thêm quân dân Nam Tống tích cực kháng chiến, chủ soái quân Kim là Ngột Truật quyết định triệt binh về bắc. Khi triệt thoái đến Trấn Giang, quân Kim bị tướng Tống Hàn Thế Trung cắt đứt đường lui, bị buộc phải tiến vào Hoàng Thiên Đãng. Quân Tống dùng binh lực chỉ tám nghìn mà vây khốn quân Kim đông tới mười vạn, sau 48 ngày bế tắc, cuối cùng quân Kim dùng hỏa công mới mở được lối thoát để triệt thoái, trên đường còn bị Nhạc Phi đả bại tại Kiến Khang, từ đó không dám vượt Trường Giang.[tham 29]

Bản đồ Nam Tống, Kim, Tây Hạ vào năm 1141.

Trong "Trung Hưng tứ tướng" của Nam Tống, nổi danh nhất là Nhạc Phi. Thông qua Bắc phạt, Nam Tống chiếm lĩnh một phần lãnh thổ của chính quyền Đại Tề do Kim đứng sau. Tống Cao Tông do nhiều nguyên nhân nên một lòng nghị hòa, cuối cùng không hợp với ý tưởng Bắc phạt của Nhạc Phi. Năm 1138, Tống và Kim lần đầu nghị hòa, Nam Tống dùng đầu hàng ngoại giao để thu hồi Hà Nam và Thiểm Tây. Năm Thiệu Hưng thứ 10 (1140), triều Kim xé bỏ hòa nghị, nhanh chóng công hạ Hà Nam và Thiểm Tây, đồng thời thâm nhập về phía nam. Do quân dân triều Tống tích cực kháng chiến, quân Kim cuối cùng đều thất bại khi tiến công Xuyên Thiểm, Lưỡng Hoài. Tháng bảy, tướng Kim là Ngột Truật thấy bất lợi khi tiến công về phía nam, chuyển sang tiến công Yển Thành, bị Nhạc Phi đả bại, lại chuyển sang tiến công Dĩnh Xương song cũng bại trước Nhạc Phi. Nhạc gia quân thừa thắng truy kích, từng đánh tới trấn Chu Tiên cách Khai Phong gần 45 dặm, Ngột Truật đào thoát khỏi Khai Phong, nghĩa quân các địa phương phương bắc lần lượt hưởng ứng. Đúng lúc này, Tống Cao Tông liên tiếp hạ 12 đạo kim bài thôi thúc Nhạc Phi đem quân về. Tháng mười một năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141), Tống và Kim thông qua thư tín đạt thành "Thiệu Hưng hòa nghị", hai bên lấy Hoài Thủy-Đại tán Quan (nay thuộc Bảo Kê, Thiểm Tây) làm biên giới.[tham 30] Tống cắt nhượng Đường châu, Đặng châu và hơn một nửa Thương châu, Tần châu do Nhạc Phi chiếm lĩnh, mỗi năm Tống tiến cống Kim 25 vạn lượng bạc, 25 vạn xấp lụa. Đêm trừ tịch cuối tháng chạp (27 tháng 1 năm 1142), Tống Cao Tông và Tần Cối dùng tội danh "mạc thu hữu" để giết Nhạc Phi cùng con là Nhạc Vân và bộ tướng Trương Hiến tại Lâm An. Thực hiện "Thiệu Hưng hòa nghị", linh cữu của sinh phụ Tống Cao Tông là Tống Huy Tông và sinh mẫu được đưa về Nam Tống.

Tống Cao Tông nhiệm dụng Tần Cối làm thừa tướng, Tần Cối trong những năm Tĩnh Khang từng chủ trương kháng Kim, sau bị người Kim bắt. Tháng mười năm Kiến Viêm thứ 4 (1130), Tần Cối về nam, ông theo chính sách đầu hàng, rất hợp với ý của Cao Tông. Tần Cối về Nam Tống gần ba tháng thì được phong làm phó tể tướng, sau tám tháng thì trở thành hữu thừa tướng. Do Tần Cối hết sức đề xướng "nam tự nam, bắc tự bắc"[chú thích 1], mâu thuẫn với Cao Tông[chú thích 2], nên sau một năm thì bị Cao Tông bãi miễn. Sau khi bị bãi chức tể tướng, Tần Cối ẩn mình, xem xét tình hình để hành động. Tháng năm năm Thiệu Hưng thứ 8 (1138), Tống Cao Tông lại bổ nhiệm Tần Cối làm hữu thừa tướng. Sau đó, Tần Cối bách hại các quan viên có ý kiến bất đồng với mình, liên hôn với ngoại thích, kết giao nội thần. Sau này, Tần Cối có quyền thế cực lớn, khiến Tống Cao Tông cảnh giác. Tống Cao Tông đích thân hạ lệnh, khiến cháu nội của Tần Cối mất chức trạng nguyên, quyền thế của Tần Cối dần giảm đi. Năm Thiệu Hưng thứ 25 (1155), Tần Cối bệnh trọng, trù tính để con kế thừa chức thừa tướng, song bị Tống Cao Tông phủ quyết, không lâu sau thì mất.[tham 31]

Thiên an Nam Giang

Tống Hiếu Tông Triệu Thận.

Sau khi Tần Cối từ trần, Tống Cao Tông một mặt đả kích dư đảng của Tần Cối, một mặt trọng dụng quan viên phái chủ hòa. Tống Cao Tông không có năng lực sinh dục, do vậy ông chọn tuyển chọn người kế thừa trong số hai hậu duệ nổi bật của Tống Thái Tổ là Triệu Viện và Triệu Cừ, Triệu Viện giành thắng lợi. Năm Thiệu Hưng thứ 32 (1162), Triệu Viện được lập làm thái tử, đồng thời đổi tên thành Triệu Thận. Năm Thiệu Hưng thứ 31 (1161), Hoàng Đế Hoàn Nhan Lượng của Kim tiến hành xâm chiếm phương nam, bị Ngu Doãn Văn đánh lui trong trận Thái Thạch. Lúc này triều Kim phát sinh nội loạn, Hoàn Nhan Lượng bị giết, quân Kim về bắc. Sự kiện này khiến Tống Cao Tông nảy sinh ý muốn thoái vị, đến tháng 6 năm Thiệu Hưng thứ 32, Tống Cao Tông hạ chiếu thoái vị, Thái tử Triệu Thận kế vị, tức là Tống Hiếu Tông. Tống Cao Tông tự xưng là Thái thượng hoàng, cư trú tại Đức Thọ cung, sau đó hết sức hưởng lạc, hoang phí. Ngày tám tháng 10 năm Thuần Hi thứ 12 (1187), Tống Cao Tông từ trần.[tham 32]

Sau khi Tống Hiếu Tông tức vị, ông tiến hành cải cách triều chính, hết lức nỗ lực khôi phục, triều Tống tiến vào thời kỳ tương đối phục hưng, Tống Hiếu Tống giải oan cho Nhạc Phi, bắt đầu sử dụng nhân sĩ phái chủ chiến, một lòng muốn chiếm lĩnh Trung Nguyên. Tháng tư năm Long Hưng thứ 1 (1163), Tống Hiếu Tông lệnh Lý Hiển Trung, Triệu Hoành Uyên xuất binh Bắc phạt, Bắc phạt từng thu được thắng lợi, song do tướng lĩnh bất hòa cộng thêm tư tưởng khinh địch, cuối cùng thất bại. Sau đó, Tống Hiếu Tông bất đắc dĩ hòa đàm với Kim, vào tháng 12 năm Long Hưng thứ 2 (1164) thì hai bên chính thức ký kết hòa nghị, sử gọi là "Long Hưng hòa nghị". Tuy nhiên, Tống Hiếu Tông không mất ý chí khôi phục Trung Nguyên, tiếp tục chỉnh đốn quân bị. Tuy nhiên, do nhóm tướng lĩnh chủ chiến bao gồm Ngu Doãn Văn từ trần, sự nghiệp Bắc phạt dang dở. Trên phương diện nội chính, Tống Hiếu Tông tích cực chỉnh đốn lại trị, trừ bỏ quan yếu kém, trừng trị tham ô, tăng cường tập quyền, trọng thị sản xuất nông nghiệp. Xét về tổng thể, tình hình nội chính triều Tống có sự thay đổi. Sau khi Tống Cao Tông mất, Tống Hiếu Tông ngày càng lãnh đạm với chính trị, cuối cùng quyết định nhượng vị cho con là Triệu Đôn vào năm 1189, tức là Tống Quang Tông. Tống Quang Tông kế vị không lâu thì mắc bệnh về tinh thần, hết sức bất kính với Hiếu Tông. Tháng bảy năm Thiệu Hi thứ 5 (1194), Hiếu Tông từ trần.[tham 33]

Quang Tông có tính hay nghi kị, hết sức không tín nhiệm đại thần dưới triều Hiếu Tông, do vậy hai năm sau khi kế vị ngày càng điên loạn. Sau khi Hiếu Tông từ trần vào tháng 7 năm Thiệu Hy thứ 2, Tống Quang Tông không phục táng. Trong thành Lâm An hết sức hỗn loạn, cục thế bất ổn. Thành viên hoàng thất Tống là Triệu Nhữ Ngu và Triệu Ngạn Du bí mật mưu tính lập quân chủ mới. Cuối cùng, Thái hoàng thái hậu hạ chiếu, Quang Tông được tôn làm Thái thượng hoàng. Năm 1195, con trai Quang Tông là Triệu Khoách kế vị, tức là Tống Ninh Tông, Quang Tông từ trần sáu năm sau đó. Sách sử viết rằng Tống Ninh Tông "bất tuệ", trí lực thấp kém. Triều đình của Tống Ninh Tông bị hai quyền thần là Hàn Thác Trụ và Sử Di Viễn khống chế.[tham 34]

Nội ưu ngoại hoạn

Tống Lý Tông Triệu Quân

Đầu thời Tống Ninh Tông, Triệu Nhữ Ngu nhậm chức tể tướng, người này về chính trị vốn giữ gìn khí tiết tốt đẹp. Tuy nhiên, do thành viên hoàng thất nhậm chức tể tướng không hợp phép tắc từ trước, lại thêm Hàn Thác Trụ khích động, nên cuối cũng bị bãi chức tể tướng. Tuy nhiên, dân gian Nam Tống vẫn hết sức hoài niệm Triệu Ngữ Ngu, mỗi ngày trên cửa thành Lâm An đều có thơ văn điệu niệm. Nhằm triệt để thanh trừ ảnh hưởng của Triệu Nhữ Ngu, Hàn Thác Trụ mượn danh nghĩa học thuật, gây ra "Khánh Nguyên đảng cấm", đem lý học gọi là "ngụy học". Đương thời, đại thần lý học trong triều đại đa số phản đối Hàn Thác Trụ, Hàn Thác Trụ do đó tống khứ toàn bộ nhóm sĩ đại phu này khỏi triều đình. Khoảng năm Kháng Nguyên thứ 6 (1200), Hàn Thác Trụ thấy lý học đã không còn là mối uy hiếp, nên giải trừ đảng cấm. Đảng cấm không được lòng người, nhằm lung lạc sĩ nhân, Hàn Thác Trụ còn mượn danh nghĩa Bắc phạt để mê hoặc lòng người.[tham 35] Năm Khai Hy thứ 2 (1206), Hàn Thác Trụ thiếu thận trọng tiến hành "Khai Hy bắc phạt", kết quả nhanh chóng thất bại. Thất bại của Bắc phạt khiến Hàn Thác Trụ trở thành mục tiêu bị công kích, địch thủ chính trị của Hàn Thác Trụ là Sử Di Viễn nhân cơ hội này cùng phái chủ hòa và phái phản đối Hàn Thác Trụ kết thành liên minh, triều Kim cũng yêu cầu giết Hàn Thác Trụ làm một điều kiện hòa đàm. Ngày ba tháng 11 năm Khai Hy thứ 3 (1207), nhóm Sử Di Viễn ngụy tạo mật chỉ, giết chết Hàn Thác Trụ, từ đó bắt đầu thời kỳ Sử Di Viễn chuyên chính. Sử Di Viễn và Dương hoàng hậu câu kết nắm hết đại quyền.[tham 36]

Tống Ninh Tông vốn có tám hoàng tử, song đều chết yểu, do vậy lập Triệu Hoành-con của em họ là Nghi vương- làm thái tử. Triệu Hoành hết sức bất mãn trước việc Sử Di Viễn chuyên chính, do vậy Sử Di Viễn phế ngôi thái tử của Triệu Hoành, cải lập một thành viên xa trong hoàng tộc là Triệu Quân làm người kế thừa hoàng vị. Ngày ba tháng tám nhuận năm Gia Định thứ 11 (1224), Tống Ninh Tông từ trần, Triệu Quân kế vị, tức là Tống Lý Tông. Sau đó, Sử Di Viễn tiếp tục chuyên chính, Tống Lý Tông thi hành sách lược ẩn mình chờ thời. Tháng mười năm Thiệu Định thứ 6 (1233), Sử Di Viễn từ trần, Tống Lý Tông cuối cùng thoát khỏi bóng của Sử Di Viễn, sang năm sau cải niên hiệu thành Đoan Bình, thực thi một loạt cải cách, sử gọi là "Đoan Bình canh hóa". Tống Lý Tông bài xích triệt để cựu đảng của Sử Di Viễn, triều chính từng có biến đổi. Đương thời, triều Kim từng bước diệt vong trước đế quốc Mông Cổ, chính sách đối ngoại trong triều đình Tống phân thành hai phái, một phái nhận định nên liên Mông kháng Kim, phái còn lại lấy đạo lý môi hở răng lạnh và kinh nghiệm từ "Hải thượng chi minh", chủ trương viện Kim kháng Mông, biến Kim thành tường che chắn cho Nam Tống.[tham 37]

Tháng chạp năm Thiệu Định thứ 5 (1232), Mông Cổ khiển sử thương nghị về việc Tống và Mông hợp tác giáp kích triều Kim, do chủ lực của triều Kim đã bị Mông Cổ diệt hết trong trận Tam Phong Sơn, nguy cơ vong quốc hiện rõ, đại thần đương triều của Tống đại đa số tán đồng liên Mông kháng Kim, chỉ có Triệu Phạm phản đối. Tống Lý Tông đáp ứng yêu cầu của Mông Cổ, Mông Cổ bằng lòng rằng sau khi diệt Kim sẽ đem Hà Nam giao cho Tống. Tuy nhiên, đây chỉ là hiệp định bằng miệng chứ không lưu thành văn kiện, gây nên hậu hoạn. Kim Ai Tông biết tin, cũng phái sứ tiết đến Tống trình bày lợi hại, hy vọng liên hiệp kháng Mông, song bị Tống Lý Tông cự tuyệt. Tống Lý Tông nhiệm mệnh Sử Tung Chi chủ quản công việc diệt Kim. Năm Thiệu Định thứ 6 (1233), quân Tống đánh chiếm Đặng châu. Năm Đoan Bình thứ 1 (1234), Thái châu bị chiếm, triều Kim diệt vong. Tướng Tống là Mạnh Củng đem di cốt của Kim Ai Tông về Lâm An, Tống Lý Tông đem di cốt cung phụng tại Thái miếu.[tham 38]

Kháng cự quân Mông

Bậc đá tại Điếu Ngư thành tại Hợp Xuyên.

Sau khi triều Kim diệt vong, quân Mông Cổ triệt thoái về phía bắc, Hà Nam trống không, Tống Lý Tông có ý đồ chiếm cứ Đồng Quan, Hoàng Hà, thu phục Tam Kinh (Đông Kinh Khai Phong, Tây Kinh Lạc Dương, Nam Kinh Quy Đức), quang phục Trung Nguyên. Tháng năm năm Đoan Bình thứ 1 (1234), Tống Lý Tông nhiệm mệnh Triệu Quỳ làm chủ soái, Toàn Tử Tài làm tiên phong, hạ chiếu xuất binh đến Hà Nam. Ngày mười hai tháng sáu, Toàn Tử Tài thu phục Nam Kinh. Ngày năm tháng bảy, quân Tống tiến trú Khai Phong. Tuy nhiên, do lương thảo không đủ nên lỡ thời cơ, khi tiến công Lạc Dương bị quân Mông Cổ phục kích, tổn thất nghiêm trọng. Các lộ quân Tống toàn tuyến chiến bại và triệt thoái. "Đoan Bình nhập Lạc" thất bại, Tống do chiến dịch này mà tổn thất nghiêm trọng, lãng phí một lượng lớn tinh binh và vật tư, tạo cớ cho Mông Cổ xâm chiếm Tống sau này. Sau "Đoan Bình nhập Lạc", Tống Lý Tông sao lãng chính sự, đắm chìm trong hưởng lạc, triều chính đại hoại.[tham 39]

Năm Đoan Bình thứ 2 (1235), ba lộ quân Mông Cổ phân biệt xâm nhập Xuyên Thiểm Tứ lộ, Kinh Hồ Bắc lộ và Hoài Nam Tây lộ, song đều bị đánh lui. Quân Mông không cam tâm, đến tháng 9 năm sau và năm tiếp đó lại phân thành ba lộ xâm nhập phương nam, quân tiền phong tiếp cận bờ bắc Trường Giang. Do quân Tống nỗ lực tác chiến, đả bại quân Mông, hơn một lần bẽ gẫy mưu tính của quân Mông là chiếm lĩnh Xuyên Thiểm Tứ lộ để vượt Trường Giang nam hạ. Sau đó, quân dân Tống dưới quyền chỉ huy của các tướng lĩnh kháng Mông như Vương Kiên, Mạnh Củng nhiều lần đánh bại quân Mông, khiến họ buộc phải đi đường vòng. Năm Khai Khánh thứ 1 (1259), Đại hãn của Mông Cổ là Mông Kha khi chinh chiến tại Hợp châu bị trúng tên của quân Tống rồi tử thương. Em trai Mông Kha là Hốt Tất Liệt đang giao chiến với quân Tống tại Ngạc châu, khi biết tin Mông Kha tử vong và em là A Lý Bất Ca chuẩn bị xưng hãn tại Hòa Lâm (Karakorum), quyết định chuẩn bị triệt quân để tranh ngôi đại hãn, quyền thần triều Tống là Giả Tự Đạo nhân cơ hội này cùng Hốt Tất Liệt nghị hòa, nhằm bảo đảm hòa bình. Hốt Tất Liệt trở về phương bắc tự lập làm hãn.[tham 39]

Hai hoàng tử của Tống Lý Tông chết yểu, do vậy chọn con của em trai tên Triệu Dữ Nhuế là Triệu Kỳ làm hoàng trữ. Do mẹ của Triệu Kỳ trong thời gian mang thai từng uống thảo dược phá thai, do vậy Triệu Kỳ sinh thiếu tháng. Tháng 6 năm Cảnh Định thứ 1 (1260), Tống Lý Tông hạ chiếu lập Triệu Kỳ làm thái tử. Ngày hai mươi sáu tháng 12 năm Cảnh Định thứ 5 (1264), Tống Lý Tông từ trần, Triệu Kỳ kế vị, tức là Tống Độ Tông. Sau khi kế vị, Tống Độ Tông không quản triều chính, Hữu thừa tướng Giả Tự Đạo do vậy chuyên quyền. Giả Tự Đạo kết đảng mưu tư lợi, bài xích những người bất đồng với mình, suốt ngày trong biệt thự tại Cát Lĩnh cùng thê thiếp nô đùa, do ông thích đấu dế, nên người đời gọi ông là "Tất suất tể tướng", tức tể tướng dế. Giả Tự Đạo cấm chỉ báo tin chiến sự cho Tống Độ Tông. Tương Dương, Phàn Thành sau ba năm bị vây thì Tống Độ Tông mới biết được. Năm Hàm Thuần thứ 7 (1271), Hốt Tất Liệt tại Đại Đô (nay là Bắc Kinh) kiến quốc, hiệu là "Đại Nguyên", kiến lập triều Nguyên. Ngày chín tháng 7 năm Hàm Thuần thứ 10 (12 tháng 8 năm 1274), Tống Độ Tông từ trần ở tuổi 35.[tham 39]

Hải chiến Nhai Môn và diệt vong

Sau khi Tống Độ Tông từ trần, hoàng tử Triệu Hiển kế vị khi mới 4 tuổi, tức là Tống Cung Đế, triều Tống đương thời đã tiến vào trạng thái bế tắc. Mùa xuân năm Đức Hựu thứ 1 (1275), quân Nguyên công chiếm các trọng trấn về quân sự là An Khánh và Trì Châu, uy hiếp Kiến Khang, phòng tuyến Trường Giang tan vỡ. Triều đình Tống hết sức kinh hãi, các giới đều hy vọng Giả Tự Đạo có thể xuất chinh, kết quả quân Tống đại bại, Giả Tự Đạo bị giáng chức, trên đường đi nhậm chức thì bị Trịnh Hổ Thần sát hại. Ngày hai mươi tháng 11 năm Đức Hựu thứ 1, Thường Châu bị chiếm, quân Nguyên tàn sát người trong thành. Không lâu sau, tin Bình Giang bị chiếm cũng đến, người Lâm An lo sợ. Tháng giêng năm Đức Hựu thứ 2 (1276), thành Lâm An cử hành nghi thức thụ hàng, Tống Cung Đế thoái vị, Nam Tống mất. Tuy nhiên, anh của Tống Cung Đế là Triệu Thị và em là Triệu Bính được đại thần bảo hộ đào thoát khỏi Lâm An.[tham 40]

Triệu Thị tức vị tại Phúc Châu, tức là Tống Đoan Tông, cải niên hiệu là Cảnh Viêm (1276). Tuy nhiên, nội bộ triều đình đấu tranh không ngừng, vào tháng 11 năm Cảnh Viêm thứ 1, quân Nguyên tới sát Phúc Châu, ngày mười lăm tháng mười một, quyền thần là Trần Nghi Trung, Trương Thế Kiệt hộ tống Triệu Thị và Triệu Bính đi thuyền về phía nam. Mùa xuân năm Cảnh Viêm thứ 3 (1278), tiểu triều đình đến Lôi Châu. Ngày mười lăm tháng tháng tư, Triệu Thị từ trần khi gần 11 tuổi, Lục Tú Phu và chúng thần tôn Triệu Bính làm hoàng đế, cải niên hiệu thành Tường Hưng (1278). Đến khi Lôi Châu thất thủ trước quân Nguyên, tiểu triều đình dời sang Nhai Sơn (nay thuộc Giang Môn, Quảng Đông). Tướng lĩnh quân Nguyên là Trương Hoằng Phạm lãnh quân truy kích, phát động tổng công kích Nhai Sơn, quân Tống không có năng lực chiến đấu, toàn tuyết thất bại, sử gọi là hải chiến Nhai Sơn. Triệu Bỉnh theo Lục Tú Phu và hơn tám trăm thành viên hoàng tộc Tống nhảy xuống biển tự vẫn, đến đây thế lực hoàng tộc triều Tống bị tiêu diệt triệt để.[tham 41]

Chế độ chính trị

Tổng quan

Vào sơ kỳ, thể chế Bắc Tống đại thể vẫn kế tục chế độ chính trị triều Đường.

Tuy nhiên, Tể tướng không còn do các quan đứng đầu Tam tỉnh đảm nhiệm, mà là Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (同中書門下平章事), sung nhiệm Thượng thư tả hữu thừa (尚書左右丞) đến Thị lang lục bộ trở lên. Thông thường đặt hai Tể tướng, có khi đặt một hoặc ba tể tướng, Tể tướng còn kiêm chức Quán, Điện Đại học sĩ. Triều đình còn đặt thêm Tham tri chính sự (參知政事) làm Phó tể tướng, cho sung nhiệm từ Trung thư xá nhân (中書舍人) đến Thượng thư lục bộ; thường thay đổi, thường đặt hai người, có khi đặt một người, ba hoặc bốn người.

Trung ương chính quyền thời Tống phân hóa ba nhánh chính:

  • Tể tướng và phó tể tướng, Xu mật sứ, Tri xu mật viện sự, Xu mật phó sứ, Đồng tri xu mật viện sự, Thiêm thư xu mật viện sự, Đồng thiêm thư xu mật viện sự; được gọi chung là Tể chấp.
  • Trung thư môn hạ và Xu mật viện được gọi là Nhị phủ; Đông Trung thư môn hạ; Tây Xu mật viện; cả hai quản lý đại quyền văn võ.
  • Tam ty: Diêm thiết, Bộ Hộ, Độ chi phụ trách chủ quản đại quyền tài chính, hiệu xưng Kế tỉnh.

Thời Tống, quyền của Tể tướng bị thu hẹp mạnh, chỉ phụ trách chức năng hành chính. Quyền lực của Tam ty, Tể chấp và Xu mật sứ chế ngự lẫn nhau, chính vì vậy đã giảm bớt quyền lực độc quyền trước đây của Tể tướng, ngược lại còn tăng cường hoàng quyền, một thể chế quân chủ tập quyền đúng nghĩa. Ngoài Ngự sử đài, triều Tống còn đặt thêm Gián viện và Trí gián quan, đều là các cơ cấu giám sát, phụ trách sự tình tra hỏi.

Đầu thời Bắc Tống, Tể tướng chủ quản dân chính, Xu mật sứ chủ quản quân chính, Tam ty sứ chủ quản tài chính. Sau "Nguyên Phong quan chế cải cách thời Tống Thần Tông, Tể tướng trên thực tế kiêm quản tài chính. Thời Nam Tống, tể tướng còn kiêm nhiệm Xu mật sứ, kiêm quản quân chính. Điều này khiến Tể tướng lại khống chế đại quyền dân chính, tài chính và quân chính.

Quan chế trung ương

Tam tỉnh Lục bộ của triều Tống một số được lập mới, một số được thay thế chức quyền. Như Thẩm quan viện thay thế thi hành chức quyền thi khảo quan chức triều đình trung ương vốn thuộc về Lại bộ; Thái thường lễ viện và Lễ nghi viện thay thế thi hành quyền lễ nghi của Lễ bộ; Tam ty thay thế thi hành đại bộ phận chức quyền của Hộ bộ và Công bộ; Thẩm hình viện thay thế thi hành công việc của Hình bộ trong việc phúc thẩm án kiện do Đại lý tự xác định. Đến thời "Nguyên Phong quan chế cải cách", Tam tỉnh thay thế Trung thư môn hạ, tại lục bộ thiết lập Thượng thư và Thị lang, chủ quản sự vụ các bộ; còn Tam tỉnh lục bộ chỉ thi hành chức quyền tương ứng[tham 42].

Trung thư môn hạ (中書門下) đặt trong cung cấm, là cơ quan hành chính tối cao, Tể tướng và phó tể tướng xử lý chính sự tập thể. Tể tướng gọi là Đồng trung thư môn hạ bình chương sự (同中書門下平章事), phó tể tướng gọi là Tham tri chính sự (參知政事). Việc đặt chức phó tể tướng là nhắm phân tán quyền lực của Tể tướng, cũng như mở rộng năng lực xử lý chính vụ, đây là một đặc sắc trong chính trị thời Tống.[tham 42] Thời "Nguyên Phong quan chế cải cách", triều đình đem Trung thư môn hạ đổi thành Môn hạ tỉnh, Trung thư tỉnh và Thượng thư tỉnh; cho các Thượng thư tả, hữu bộc xạ kiêm Môn hạ, Trung thư thị lang làm Tể tướng; đặt lại tại mỗi tỉnh các Môn hạ, Trung thư thị lang; các Thượng thư tả, hữu thừa làm phó tể tướng. Thời Tống Huy Tông, Sái Kinh xưng là Thái sư, thống lĩnh sự vụ của Tam tỉnh, đổi Thượng thư tả, hữu bộc xạ thành Thái tể, Thiếu tể, cho làm Tể tướng. Thời Tống Cao Tông, nhằm tập trung chính vụ để ứng phó quân vụ cấp bách, triều đình đem Tam tỉnh hợp làm một, đổi Tả, hữu bộc xạ thành Tả, hữu thừa tướng. Thời Tống Triết Tông, đặt chức Bình chương quân quốc trọng sự (平章軍國重事) hoặc Đồng Bình chương quân quốc sự (同平章軍國事), nhằm đặt "lão thần thạc đức" ở vị trí trên tể tướng, vài ngày đến chầu một lần. Thời Tống Ninh Tông, Hàn Thác Trụ nhậm chức "Bình chương quân quốc sự", ba ngày đến chầu một lần, Tể tướng không còn chưởng quản ấn tín. Những năm cuối Nam Tống, Giả Tự Đạo chuyên quyền, nhậm chức "Bình chương quân quốc trọng sự"; Tả hữu thừa tướng trên thực tế có địa vị như phó tể tướng.[tham 42]

Xu mật viện (樞密院) là cơ quan tối cao về quân chính toàn quốc, quan đứng đầu là Xu mật sứ (密院事) hoặc Tri xu mật viện sự (知樞密院事), sung nhiệm chức vụ từ Gián nghị đại phu đến Thượng thư lục bộ; quan cấp phó là Xu mật phó sư (樞密副使) hoặc Đồng tri xu mật viện sự (同知樞密院事), sung nhiệm chức vụ từ Khởi cư xá nhân đến Thượng thư tả, hữu thừa. Người ít thâm niên gọi là "Thiêm thư xu mật viện sự", "Đồng thiêm thư xu mật viện sự", không thường đặt. Nhằm đề phòng cục diện phiên trấn cát cứ thời Đường tái diễn, những chức vụ này đại đa số do quan văn đảm nhiệm. Xu mật viện chưởng quản quyền lực điều độ quân mã toàn quốc, và quản lý, huấn luyện, phòng ngự, thăng chức, thưởng phạt trong cấm quân toàn quốc đều do "tam nha" liên hiệp quản lý. Tam nha chính là Điện tiền đô chỉ huy ty, Thị vệ mã quân đốc chỉ huy sứ ty và Thị vệ bộ quân đốc chỉ huy sứ ty. Quan đứng đầu Xu mật viện cùng với Tham tri chính sự, Môn hạ thị lang, Trung thư thị lang, Thượng thư tả, hữu thừa tướng gọi chung là Chấp chính (執政). Tể tướng và quan chấp chính gọi chung là Tể chấp (宰執)[tham 43].

Tam ty (三司) là cơ quan tối cao chủ quản tài chính, tức ba cơ quan là Diêm thiết bộ, Độ chi bộ cùng bộ Hộ. Quan đứng đầu gọi là Tam ty sứ (三司使), sung nhiệm chức vụ từ Ngũ phẩm trở lên và Tri chế cáo, tạp học sĩ, học sĩ. Người cấp phó gọi là Tam ty phó sứ (三司副使), sung nhiệm chức vụ từ Viên ngoại lang trở lên. Trong "Nguyên Phong quan chế cải cách" thời Tống Thần Tông, chức quyền của Tam ti được quy về Hộ bộ và Công bộ. Nam Tống từng đặt thêm Tổng lĩnh sở (總領所), phụ trách cung ứng tiền lương các quân một số lộ hoặc một lộ, đồng thời tham dự quân chính. Người đứng đầu cơ quan này gọi là "Tổng lĩnh mỗ lộ tài phú quân mã tiền lương", giản xưng Tổng lĩnh (總領)[tham 44]

Ngự sử đài (御史台) chuyên quản giám sát, quan đứng đầu gọi là Ngự sử trung thừa (御史中丞), người cấp phó gọi là Ngự sử tri tạp sự (御史知雜事), chủ quản kiểm soát bá quan, chỉnh đốn kỷ cương. Quan của Ngự sử đài có quyền hạch hỏi, có thể trình tấu ngôn sự, bình luận triều chính, hạch hỏi quan viên, còn được phép luận sự phong văn. Dưới Ngự sử đài đặt ba viện: Đài viện (臺院), Điện viện (殿院), Sát viện (察院); bên dưới tiếp tục đặt Thị ngự sử (侍御史), Điện trung thị ngự sử (殿中侍御史), Giám sát ngự sử (監察御史). Gián viện là cơ cấu chuyên quản việc khuyến gián. Thời Tống Nhân Tông mới đặt riêng viện, quan đứng đầu gọi là Tri gián viện sự (知諫院事) hoặc Tả Hữu Gián nghị đại phu (諫議大夫), phàm là khuyết điểm triều chính, bất kể quyền thần nào, quan phủ các cấp làm việc sai trái, đều có thể gián chính. Quan của Đài viện và Gián viện đều có trách nhiệm là tiến gián, hạch hỏi, chức quyền vốn không có sai biệt nhiều, tình hình này khiến thời sau hợp nhất Đài viện và Gián viện.[tham 45]

Cuối cùng, cơ cấu khởi thảo chế cáo cho hoàng đế, quốc thư, hoặc văn thư sử dụng trong cung đình là Hàn lâm học sĩ viện (翰林學士院), đặt các chức Hàn lâm học sĩ (翰林學士); Hàn lâm học sĩ thừa chỉ (翰林學士承旨) hay Hàn lâm thị độc học sĩ (翰林侍讀學士) và Trực học sĩ viện (直學士院). Hàn lâm học sĩ và Trung thư xá nhân hoặc Tri chế cáo phân quản "nội chế" và "ngoại chế", gọi chung là Lưỡng chế, các Hàn lâm học sĩ còn thị phụng hoàng đế, đảm đương vai trò cố vấn.

Đầu thời Tống, cơ cấu tư pháp tối cao là Đại lý tự và Hình bộ. Tống Thái Tông đặt Thẩm hình viện (審刑院), quan đứng đầu gọi là Thẩm hình viện sự (審刑院事). Các địa phương tấu án trước tiên là qua Đại lý tự phán quyết, báo cáo Thẩm hình viện phức tra, viết ra bản thảo tấu, trình lên Trung thư. Trung thư đích thân tấu để hoàng đế luận quyết, đến khi Tống Thần Tông cải cách quan chế thì Thẩm hình viện nhập vào Hình bộ.[tham 46]

Chế độ quản lý quan viên

Thời Tống, thực hành chế độ phân ly quan, chức và sai khiển. Đầu thời Tống, tận dụng các quan danh tam tỉnh lục bộ triều Đường tổ hợp thành cấp quan, chỉ dùng để định phẩm cấp, bổng lộc, chương phục và thăng cấp, do đó còn gọi là "giai quan" hoặc "ký lộc quan". Thời "Nguyên Phong quan chế cải cách" Tống Thần Tông, văn quan (kinh triều quan) định thành 25 bậc, thời Tống Huy Tông tăng thành 37 bậc (bao gồm tuyển nhân), còn cải định võ quan tổng cộng 52 bậc. Sai khiển là chỉ chức vụ thực tế mà quan viên đảm nhiệm, tức "chức vụ quan". Đầu thời Bắc Tống, quan phẩm kế tục chế độ triều Đường, văn quan tổng cộng có 9 phẩm, có chính, tòng; từ chính tứ phẩm trở xuống, lại phân thành thượng và hạ, tổng cộng có 30 đẳng. Tuy nhiên, nhiều quan phẩm và quan chức không tương xứng. "Nguyên Phong quan chế cải cách" chuyển đổi sang gắn chức danh với trách nhiệm thực, giảm thiểu đẳng cấp quan phẩm, cải thành cửu phẩm chính, tòng, tức 18 cấp. Triều đình đối với quan viên các cấp chế định các chế độ ma khám (khảo sát công lao lỗi lầm), tự thiên (thăng chức theo công lao), ấm bổ (bổ nhiệm theo công lao của tổ tiên). Đối với quan viên trung và thượng cấp, họ được đãi ngộ khá tốt, có bổng lộc, chức điền, từ lộc, ân thưởng. Sau thời Tống Thần Tông, một số quan viên hạ đài hoặc sắp hạ đài còn được trao cho hoặc tự thỉnh đảm nhiệm các chức vụ thanh nhàn như "cung quan quan", "giám nhạc miếu", ngồi lĩnh "từ lộc". Ngoài ra, các loại ban thưởng nhất thời của triều đình cũng trở thành một khoản thu nhập kinh tế trọng yếu của quan viên. Việc phân ly quan, chức và sai khiển khiến xuất hiện số lượng lớn quan viên dư thừa[tham 47]

Quân sự

Một chiếc chiến thuyền triều Tống, lấy từ "Vũ kinh tổng yếu".

Những năm đầu, Bắc Tống kế tục chế độ thời Hậu Chu, đặt "Điện tiền ty" và "Thị vệ thân quân ty", gọi chung là lưỡng ty,[tham 48] với các quân chức cao cấp như "Điện tiền ty đô điểm kiểm", "Điện tiền ty phó đô điểm kiểm", "Thị vệ thân quân ty mã bộ quân đô chỉ huy sứ", "Thị vệ thân quân ty phó đô chỉ huy sứ". Nhằm tăng cường hoàng quyền và ổn định tầng lớp quân sự, Tống Thái Tổ quyết định tăng cường trung ương tập quyền, đề phòng võ tướng tước đoạt quyền lợi.[tham 49] Tháng ba năm Kiến Long thứ 2 (961), Tống Thái Tổ tước bỏ quân chức "điện tiền ty đô điểm kiểm" trọng yếu trong cấm quân. Tháng bảy cùng năm, Tống Thái Tổ thông qua "bôi tửu thích binh quyền" để giải trừ quân quyền của võ tướng, đồng thời phế trừ chức "điện tiền ty phó đô điểm kiểm",[tham 50] Thị vệ thân quân ty mã bộ quân đô chỉ huy sứ và phó đô chỉ huy sứ trong một thời gian dài không đặt,[tham 51]. Năm Cảnh Đức thứ 2 (1005) thời Tống Chân Tông, phế bỏ "thị vệ thân quân ty đô ngu hầu",[tham 52] "thị vệ thân quân ty" phân thành "thị vệ thân quân mã quân ty" và "thị vệ thân quân bộ quân ty", hai đơn vị này và "điện tiền ty" được gọi chung là "tam nha", đến đây hoàn thành diễn biến từ lưỡng ty đến tam nha môn, tam nha phân biệt do "điện tiền ty đô chỉ huy sứ", "thị vệ thân quân ty mã quân đô chỉ huy sứ" và "thị vệ thân quân ty bộ quân đô chỉ huy sứ" thống lĩnh. Tuy vậy, tam soái không có quyền phát binh. Thời Tống, tại trung ương thiết lập xu mật viện để phục trách quân vụ, xu mật viện do hoàng đế phụ trách trực tiếp, bất kỳ quan viên nào cũng không được can thiệp. Xu mật viện tuy có thể phát binh, song không thể trực tiếp thống quân, điều này dẫn đến phân ly quyền thống binh và quyền điều binh. Triều Tống thực hành "Canh Tuất pháp", thường tiến hành thay thế tướng lĩnh thống binh, nhằm khiến tướng không thể chuyên thống lĩnh một đơn vị, nhằm đề phòng trong quân đội xuất hiện thế lực cá nhân. Thời chiến tranh, tư lệnh chiến khu đều do văn quan hoặc thái giám đảm nhiệm, và cải biến chiến lược nhất thiết phải được hoàng đế đồng ý, điều này có ảnh hưởng tiêu cực đến chiến lực của triều Tống. Triều Tống thực hành "sùng văn ức võ, dĩ văn chế võ", xu mật viện sứ và xu mật viện phó sứ phần nhiều là do văn quan đảm nhiệm, thiểu số võ thần từng nhậm chức tại xu mật viện, song đều chịu sự phản đối từ văn thần với lý do quy tắc của tổ tông,[tham 53] đều bị bãi truất. Sau thời Tống Chân Tông, triều đình sử dụng văn quan làm quan thống binh, đốc soái võ tướng, dần thành quán lệ; an phủ sứ, kinh lược an phủ sứ do văn quan đảm nhiệm, võ tướng đảm nhiệm đô bộ thư (đô tổng quản), phó đô bộ thự, bộ tự (tổng quản), phó bộ thự, kiềm hạt, tuần kiểm, đô giám, hiệu là tướng quan, lĩnh binh mã, thụ chỉ huy. Thời kiến quốc, Tống bố trí binh lực "thủ nội hư ngoại", song sau những năm Hi Ninh (1068-1077) thì quân đồn trú tại thủ đô giảm thiểu[chú thích 3]

Triều Tống thi hành chế độ mộ binh mang tính tự nguyện[tham 54], và trong năm có nạn thì chiêu mộ dân lưu tán, dân đói làm binh sĩ, như một loại quốc sách truyền thống, có tính chất phúc lợi xã hội, tạo tác dụng ổn định chính quyền[chú thích 4][chú thích 5] Quân đội triều Tống phân thành bốn quân chủng là cấm quân, sương quân, hương binh, phiên binh. Cấm quân là quân chính quy, cũng là chủ lực trong quân đội triều Tống. Sương quân là trấn binh các châu, do quan đứng đầu địa phương khống chế. Hương binh gồm các tráng đinh được các cơ quan chọn ra. Phiên binh là quân đội dân tộc phi Hán phòng thủ tại biên cảnh[tham 55].

Máy bắn đá vẽ trong "Vũ kinh tổng yếu".

Bắc Tống từ thời trung kỳ về sau tiến hành chiến tranh với các quốc gia Liêu và Tây Hạ, khiến phí tổn quân sự gia tăng, đối với tướng soái thống binh hạn chế quá nhiều "quyền nhiệm nhẹ song pháp chế mật", tướng không được chuyên binh, bị kiềm chế hành động; chủ tướng không biết bộ tướng có tài hay không, còn các tướng lĩnh thì không biết mạnh yếu của tam quân, mỗi người không quản hạt lẫn nhau, tự khiêm nhường. Ngoài ra, kỷ luật quân đội bất minh khiến quân Tống thiếu huấn luyện nghiêm trọng, suốt ngày "du hí giữa phố chợ". Trương Diễn Bình nói rằng triều Tống đối đãi với võ thần thì hậu về lộc song bạc về lễ.[tham 56] Chủ lực trong quân đội Nam Tống là đại binh đồn trú và tam nha. Đại binh đồn trú có sức chiến đấu khá mạnh, phần nhiều thuộc bộ đội do tư nhân triệu mộ, như "Nhạc gia quân". Đương thời, năng lực khống chế quân đội của triều đình đã yếu đi, quyền hạn của Xu mật viện cũng dần giảm thiểu. Năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141), binh quyền của các tướng lĩnh như Hàn Thế Trung, Nhạc Phi lần lượt bị tước giảm[tham 57]

Thời Tống, kỹ thuật quân sự rất tiến bộ, từ triều Tống về trước vẫn nằm trong thời đại lãnh binh khí, song từ triều Tống trở đi thì hỏa khí bắt đầu xuất hiện trên vũ đài chiến tranh, sử dụng các vũ khí "phích lịch pháo", "chấn thiêu lôi", "dẫn hỏa cẩu", "thiết hỏa pháo", "hỏa tiễn", "hỏa cầu", "hỏa thương", "hỏa pháo", từng bước tiến vào thời đại sử dụng cả lãnh binh khí và hỏa khí. Về trang thiết bị thủy chiến, thủy quân vẫn phát triển tại khu vực Giang Hà, Tần Hải, thời Nam Tống còn có "xa thuyền". Về máy bắn đá thì có "xa hành pháo", "đơn sảo pháo", "toàn phong pháo"[tham 58] Trong các đời vua, tại trung ương và địa phương thiết lập nhiều cơ cấu chế tạo và quản lý binh khí, khống chế nghiêm ngặt chế tạo và phân phát binh khí, còn quy định chế độ kiểm tra, duy tu và trao binh khí.

Trong việc bảo vệ thành trì, phát triển các cách thức xuất thành chế, nỗ đài, địch lâu. Trong đó, có danh tiếng nhất là thể chế phòng ngự sơn thành, tướng Dư Giới của Nam Tống tại Tứ Xuyên phòng ngự quân Mông Cổ, nhằm củng cố khu vực Xuyên Tây đã sử dụng phương châm "thủ điểm bất thủ tuyến, liên điểm nhi thành tuyến", xây đắp thành Điếu Ngư, Đại Hoạch, Thanh Cư, Vân Đính, Thần Tí, Thiên Sinh, tổng cộng hơn 10 thành, hình thành một mạng lưới phòng ngự, đề kháng thành công sự công kích của quân Mông Cổ[tham 59]

"Trung Hưng tứ tướng Nhạc Phi, Trương Tuấn, Hàn Thế Trung, Lưu Quang Thế đồ" của Lưu Tùng Niên thời Nam Tống. Thứ hai bên trái là Nhạc Phi, thứ tư là Trương Tuần, thứ hai bên phải là Lưu Quang Thế, thứ tư là Hàn Thế Trung.

Ngoại giao

Triều Tống thường xuyên có ngoại địch, tính trọng yếu của ngoại giao ngày càng gia tăng. Đối với các đối tượng ngoại giao khác nhau, triều Tống lại có cách đối đãi khác biệt, đồng thời tiến hành chuyên môn hóa. Liêu và Kim đều cấu thành mối uy hiếp cực lớn đối với triều Tống, sự vụ ngoại giao với hai triều đại này chủ yếu do Lễ viện của Xu mật viện phụ tráchBản mẫu:备注, bao gồm văn thư qua lại, phái khiển và tiếp đãi sứ tiết. Năm Nguyên Phong thứ 1 (1078), Xu mật viện lập riêng Bắc diện phòng, quản lý quốc tín với phương bắc, Nam Tống kế tục. Ngoài ra, triều Tống còn lập riêng 'quốc tín sở' chủ quản quốc tín qua lại, là cơ cấu phụ trách cụ thể sự vụ qua lại với Liêu và Kim. Với các quốc gia Tây Hạ, Cao Ly, An Nam, do triều Tống nhìn nhận họ là nước phiên thuộc, do vậy văn thư và lễ vật ngoại giao phát ra đều gọi là "chế chiếu" hoặc "tứ", công nhận về ngoại giao với các quốc gia này được gọi là "sách phong". Tại kinh thành, triều Tống thiết lập nhiều quán dịch tiếp đãi ngoại giao, là nơi tiếp đãi các sứ tiết quốc gia. Sứ tiết Liêu tại Đô Đình dịch, sứ tiết Tây Hạ tại Đô Đình Tây dịch, sứ tiết Cao Ly tại Đồng Văn quán, sứ tiết Hồi Cốt và Vu Điền tại Lễ Tân viện, sứ tiết các quốc gia Tam Phật Tề, Chân Lạp, Đại Lý, Đại Thực tại Chiêm Vân quán hoặc Hoài Viễn dịch.[tham 5]

Triều Tống thi hành thể chế triều cống, tuy nhiên đặt trọng tâm vào lợi ích chính trị và lợi ích kinh tế, đó là "lai tắc bất cự, khứ tắc bất truy".Bản mẫu:备注 Chế độ triều cống của triều Tống hoàn thiện và phát triển, biểu hiện tại cơ cấu quản lý khá cố định, rõ ràng về quy định thời gian triều cống, chứng minh chính xác là cống sứ, chế độ hóa việc ban lại. Thời kỳ Nam Tống, còn đưa mậu dịch hải ngoại làm một nguồn ngân quỹ thu nhập tài chính của triều đình, đối với vật phẩm triểm cống không thu nhận toàn bộ mà chỉ tiếp nhận một bộ phận nhỏ trong đó, số còn lại dựa theo quy tắc mậu dịch để mua bán. Giảm thiểu cống vật vốn được miễn thuế, nghĩa là thuế thu gia tăng, điều này không chỉ có lợi cho qua lại ngoại giao, mà còn đem lại cho triều đình lợi ích thiết thực, về ngoại giao và kinh tế đều có lợi.

Những nhà ngoại giao có tiếng thời Tống có Phú Bật, Thẩm Quát và Hồng Hạo. Phú Bật trên phương diện ngoại giao nhiều lần lập công trước đại quân Liêu đến sát biên giới. Ông sử dụng lý lẽ để thắng Liêu sứ kiêu ngạo, buộc sứ giả của Liêu phải hành lễ tham bái, sau còn hai lần đi sứ sang Liêu, thắng trước yêu cầu cắt đất của Liêu. Phú Bật phân tích quan hệ ba bên Tống-Liêu-Tây Hạ, nhận định nguyên nhân Liêu và Tây Hạ cường thịnh là do đoạt được tài nguyên và nhân lực của Trung Quốc[chú thích 6], đồng thời lại hiệp trợ triều đình chia rẽ đồng minh Liêu-Hạ, khiến thế chân vạc Tống-Liêu-Hạ dần ổn định. Thẩm Quát với thân phận Hàn lâm thị độc học sĩ từng đi sứ sang Liêu để giao thiệp về sự việc phân định biên giới, sau khi vạch xong thì về Tống. Trên đường đi sứ sang Liêu, ông ghi chép lại địa hình cùng phong tục nhân tình của quốc gia này để hoàn thành "Sứ lỗ đồ sao", trình cho triều đình. Hồng Hạo đi sứ sang Kim trong lúc Nam Tống nguy nan, bị cầm tù trong 15 năm, song không chịu đầu hàng Kim. Hồng Hạo từng nhiều lần phái người bí mật truyền tin tức cho Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông tại Ngũ Quốc thành và Tống Cao Tông tại Lâm An. Sau khi về Nam Tống, Tống Cao Tông nói rằng "dù Tô Vũ cũng không vượt được"[tham 60]

Kinh tế

Tống Thái Tổ khi kiến quốc liền xác lập chế độ quyền tài sản tư hữu với thổ địa, mậu dịch tự do, đồng thời chọn chính sách không ngăn chặn thôn tính, kinh doanh tô điền trở thành hình thức kinh doanh thổ địa trọng yếu. Sau khi mãn hạn khế ước tô điền, điền nông có thể tự do quyết định đình chỉ hoặc kế tục.[tham 61] Tính lưu động nhân khẩu được tăng cường, kinh tế thương phẩm thành thị phát triển. Có học giả nhận định rằng thời Tống đã manh nha xuất hiện tư bản chủ nghĩa.[tham 62]

Kinh tế thời Tống phồn vinh, đạt trình độ chưa từng có trước đó, nông nghiệp, in ấn, làm giấy, tơ lụa, đồ sứ đều có sự phát triển trọng đại. Các ngành hàng hải, đóng thuyền có thành tựu đột biến, mậu dịch hải ngoại phát đạt, tổng cộng thông thương với 58 quốc gia tại Nam Dương, Nam Á, Tây Á, châu Phi, châu Âu.[tham 63] Thời kỳ đầu Nam Tống, phương Nam phát triển toàn diện theo chiều sâu trên quy mô lớn, biến phương Nam trở thành trung tâm kinh tế-văn hóa của Trung Quốc, hoàn toàn thay thế phương bắc.

Nông nghiệp

Thời Tống, nông nghiệp dần chuyển biến theo hướng chuyên nghiệp hóa và thương nghiệp hóa.[tham 64] Sơ kỳ Bắc Tống, khai hoang được diện tích lớn, không bị hạn chế thôn tính, quy mô ruộng đồng được mở rộng, nhằm nâng cao năng suất canh tác người ta chú trọng xây mới thủy lợi, cải tiến nông cụ, đổi giống cây trồng, nông nghiệp phát triển nhanh chóng.[tham 65] Nhiều hình thức ruộng đồng mới xuất hiện vào thời Tống, chẳng hạn như ruộng bậc thang (xuất hiện tại vùng núi), ruộng ứ (lợi dụng bùn đọng hình thành do nước sông xói mòn), ruộng cát (đất pha cát tại ven biển), ruộng giá (trên mặt hồ làm bè gỗ, bên trên trải bùn thành đất). Điều này làm gia tăng mạnh diện tích đất canh tác của Tống.[tham 66] Đến năm Chí Đạo thứ 2 (996), triều đình Tống nắm trong tay diện tích đất ruộng là hơn 3.125.200 khoảnh. Đến năm Thiên Hy thứ 5 (1021) tăng lên đến trên 5.247.500 khoảnh. Đến năm những năm Nguyên Phong (1078-1085), đạt đến diện tích đất canh tác đỉnh điểm là 700 triệu mẫu. Các loại nông cụ mới xuất hiện vào thời Tống, như 'long cốt phiên xa' và 'đồng xa'. Có 'đạp lê' thay trâu cày, có 'ưởng mã' dùng trong cắm mạ. Sự xuất hiện của công cụ mới đã khiến cho sản lượng nông sản tăng trưởng mạnh. Thông thường, đất ruộng trồng mạch tại Hoa Bắc mỗi năm một mẫu có thể thu được hai thạch đến ba thạch rưỡi; còn các khu vực Giang Hoài, Lưỡng Chiết, Phúc Kiến, Xuyên Kiểm, Kinh Hồ mỗi năm có thể đạt đến 3-7 thạch. Năm Đại Trung Tường Phù thứ 5 (1012), giống lúa gạo chịu hạn, chín sớm được tiến cống từ Chiêm Thành, phân cấp cho Giang Hoài và Lưỡng Chiết, từ đó về sau gạo nhọn lúa sớm của phương nam còn được gọi là lúa Chiêm Thành, lúa Hoàng Tiên.[tham 67] Thời Lưỡng Tống, sản lượng lúa gạo khu vực Thái Hồ đứng đầu toàn quốc, đặc biệt là Bình Giang phủ (nay là Tô Châu), có câu "Tô Hồ thục, Thiên hạ túc" (chỉ Tô Châu và Hồ Châu) hoặc "Tô Thường thục, Thiên hạ túc" (chỉ Tô Châu và Thường Châu), tức là các khu vực này được mùa thì toàn quốc đầy đủ lương thực. Nông nghiệp triều Tống phát triển theo khuynh hướng chuyên nghiệp hóa, thương nghiệp hóa,[tham 68] ví dụ như lưu vực Trường Giang và lưu vực Châu Giang nông nghiệp phát triển nhanh chóng, một số loại nông sản của phương bắc như túc, mạch, thử, đậu được đưa đến phương nam. Diện tích cây trồng kinh tế được mở rộng, vào trung kỳ Nam Tống, bông được trồng phổ biến tại khu vực Xuyên Thiểm, Giang Hoài, Lưỡng Chiết, Kinh Hồ, Mân, Quảng, khu vực trồng dâu nuôi tằm và gai cũng tăng lên. Thời Tống, phân bố trà đạt đến các lộ Hoài Nam, Kinh Hồ và Tứ Xuyên, các khu vực này mỗi năm nộp 14-15 triệu cân cho cơ cấu chuyên mại của chính phủ, không chỉ cung ứng thị trường quốc nội, mà còn bán ra ngoại quốc. Đương thời, trà được sản xuất tại Phúc Kiến là nổi danh nhất, các loại danh trà khác còn có Nhật Kinh trà của Lưỡng Chiết, Song Tỉnh Bạch trà của Giang Tây, Trúc trà của Quảng Tây. Thời kỳ Nam Tống, đất trồng trà tại phương nam nhiều hơn thời Bắc Tống, Tử Doãn tại Ngô Hưng, Dương Tiện tại Thường Châu, Nhật Chú tại Thiệu Hưng, Hoàng Long tại Long Hưng đều được gọi là "tuyệt phẩm".[tham 69] Trồng mía phổ biến tại các tỉnh Tô, Chiết, Mân, Quảng[tham 70] Đường trở thành thực phẩm được sử dụng rộng rãi, xuất hiện tư liệu đầu tiên trên thế giới chuyên về thuật pháp chế biến đường: "Đường sương phổ" của Vương Chước[tham 71]

Thủ công nghiệp

Bình gốm thời Tống

Khoáng sản chủ yếu thời Bắc Tống bao gồm vàng, bạc, đồng, sắt, chì, thiếc, than đá. Thời Tống Nhân Tông tại vị, có đến hơn 270 mỏ khoáng sản kim loại, tăng hơn 100 điểm so với những năm thịnh Đường. Thời kỳ Nhân Tông, mỗi năm khai thác hơn 15 nghìn lạng vàng, hơn 29 nghìn lạng bạc, hơn 5 triệu cân đồng, 7,24 triệu cân sắt, hơn 90 nghìn cân chì, hơn 33 vạn cân thiếc.

Các ngành dệt sợi tơ, gai, lông đều rất phát đạt, và khu vực Tây Bắc phổ biến nghề đan len, còn tại các khu vực Tứ Xuyên, Sơn Tây, Quảng Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam, Hà Nam thì nghề dệt sợi gai hết sức hưng thịnh. Đến thời Nam Tống, Quản Nam Tây lộ (bao gồm cả bán đảo Lôi Châu) trở thành trung tâm nghề dệt sợi bông. Khu vực Lưỡng Chiết và Xuyên Thục thì có nghề dệt tơ, triều đình thiết lập Chức cẩm viện tại khu vực tập trung nghề dệt tơ. Khoảng năm 1295, Hoàng Đạo Bà đem kỹ thuật xe sợi dệt vải của người Lễ tại đảo Hải Nam đến Ô Nê kính tại Tùng Giang phủ, đồng thời cải tiến công cụ và kỹ thuật xe sợi dệt vải, có công lao đặc biệt trên phương diện mở rộng nghề dệt bông sợi[tham 72].

Quan diêu, dân diêu thời Tống phân bố khắp toàn quốc, đương thời có bảy loại gốm sứ nổi tiếng là 'Định diêu' tại Khúc Dương Hà Bắc, 'nhữ diêu' tại Nhữ Châu Hà Nam, 'Quân diêu' Vũ huyện, 'Quan diêu' Khai Phong, 'Ca diêu' và 'Đệ diêu' tại Long Tuyền Chiết Giang, 'Cảnh Đức diêu' tại Cảnh Đức Trấn Giang Tây, 'Kiến diêu' tại Kiến Dương Phúc Kiến, cùng nhiều lò gốm lớn nhỏ phân bố tại các địa phương. Đồ sứ thời Tống thông qua con đường tơ lụa trên biển mà được bán ra hải ngoại, như Nhật Bản, Cao Ly, Đông Nam Á, Nam Á, Trung-Tây Á[tham 73].

Thời Bắc Tống, nguyên liệu chủ yếu để làm giấy gồm tơ, tre, mây, gai, mạch can. Tứ Xuyên, An Huy, Chiết Giang là các khu vực sản xuất giấy chủ yếu, 'bố đầu tiên', 'lãnh kim tiên', 'ma chỉ', 'trúc chỉ' của Tứ Xuyên; 'ngưng sương', 'trừng tâm chỉ', 'túc chỉ' của An Huy; 'đằng chỉ' của Chiết Giang đều nổi tiếng đương thời, thậm chí còn có các chế phẩm chăn giấy, y phục giấy, áo giáp giấy. Sản xuất giấy với số lượng lớn cung cấp cơ sở cho sự phồn vinh của nghề in ấn, nghề in ấn thời Tống phân thành ba hệ thống lớn, hệ thống quan khắc do Quốc tử giám khắc sách được gọi là 'giám bản', thư phường dân gian khắc sách gọi là 'phường bản'; gia đình sĩ thân tự khắc in thư tịch thuộc hệ thống tư khắc. Đông Kinh, Lâm An, Mi Sơn, Kiến Dương, Quảng Đô đều là các trung tâm nghề in ấn vào đương thời. Đương thời, trong số các phường khắc sách thì Chiết Giang được cho là là tốt nhất, gọi là 'Chiết bản', Tứ Xuyên đứng thứ hai, gọi là 'Thục bản'. Ngành khắc sách tại Phúc Kiến lấy chất lượng để giành danh tiếng, gọi là 'Kiến bản', đặc biệt trong đó Ma Sa trấn tại Kiến Dương, gọi là 'Ma Sa bản'. Xã hội thượng lưu lưu hành tập tục khắc sách, lấy thư phẩm do Quốc Tử giám tại Lâm An khắc ra có chất lượng tốt nhất. Ngành khắc sách thời Tống dùng giấy mực tinh tế, bản khắc thưa rõ, thể chữ uyển chuyển, kỹ thuật chế tác tinh mỹ, truyền thế rất ít, hết sức giá trị và nổi danh tại hậu thế[tham 74].

Giao thông

Trung tâm chính trị-kinh tế của triều Tống chuyển dịch theo hướng đông và hướng nam, khu vực đông nam có hệ thống đường sông phát triển, mạng lưới đường thủy dày đặc, là một mạng lưới giao thông tự nhiên. Triều Tống còn chú trọng khai thông đường sông, xây cầu, tạo ra điều kiện giao thông thuận lợi. Thời kỳ Nam Tống, giao thông đường biển cũng rất hưng vượng.

Trình độ kỹ thuật đóng thuyền thời Tống ở trong trạng thái hết sức tiên tiến so với thế giới đường thời. Năm Nguyên Phong thứ 1 (1078) thời Tống Thần Tông, Minh châu chế tạo được hai chiếc 'thần chu' vạn liệu (khoảng 600 tấn). Năm 1974, tại Tuyền Châu thuộc Phúc Kiến khai quật được một chiếc thuyền cổ thời Tống, có 13 khoang cách thủy, trong hành trình trên biển nếu một vài khoang bị thấm nước thì thuyền cũng không gặp nhiều nguy hiểm. Xưởng đóng tàu chủ yếu thời Tống phân bố tại các khu vực như Giang Tây, Chiết Giang, Hồ Nam, Thiểm Tây. Kiền châu, Cát châu, Ôn châu, Minh châu đều là các cơ sở đóng thuyền trọng yếu. Những năm Chí Đạo (995-997) thời Tống Thái Tông, lượng thuyền toàn quốc đều vượt quá 3300 chiếc. Sang thời Nam Tống, do phương nam có nhiều tuyến đường thủy cộng thêm mậu dịch hàng hải ngày càng phát đạt, nghề đóng thuyền phát triển nhanh chóng. Lâm An phủ (nay là Hàng Châu), Kiến Khang phủ (Giang Ninh phủ, nay là Nam Kinh), Bình Giang phủ (Tô Châu), Dương châu, Hồ châu, Tuyền châu, Quảng châu, Đàm châu, Hành châu và các khu vực khác trở thành các trung tâm đóng thuyền mới. Thuyền Mộc Lan đi biển đóng tại Quảng châu có thể "vượt Nam Hải đến phương nam, thuyền như nhà lớn, buồm xuôi theo mây trên trời, bánh lái dài vài trượng, một thuyền có vài trăm người, trong chứa lương thực cho một năm". Những năm đầu Nam Tống còn xuất hiện các chiến thuyền kiểu mới như xa thuyền, phi hổ chiến thuyền.[tham 75].

Thương nghiệp

Mậu dịch hải ngoại

Chế độ phú thuế

Nghệ thuật, Văn hoá và Kinh tế

Người sáng lập ra nhà Tống, Triệu Khuông Dẫn đã xây dựng nên một hệ thống quan lại trung ương tập quyền có hiệu quả với các quan chức có học thức xuất phát từ bình dân. Các lãnh chúa quân phiệt địa phương và hệ thống quan lại riêng của họ bị thay thế bằng cách quan chức do trung ương chỉ định. Hệ thống cai trị dân sự này dẫn tới sự tập trung quyền lực to lớn trong tay hoàng đế và triều đình trung ương mạnh hơn nhiều so với các triều đại trước đó.

Nhà Tống đã phát triển nhiều thành phố lớn không chỉ với mục đích hành chính mà còn đóng vai trò trung tâm thương mại, công nghiệp và hàng hải. Tầng lớp quan lại học giả - còn được gọi chung là quân tử - sống tại các địa phương cùng với các chủ tiệm, thợ thủ công và nhà buôn. Một nhóm bình dân giàu có - tầng lớp buôn bán - bắt đầu nổi lên khi kỹ thuật in phát triển dẫn tới mở rộng giáo dục, tăng trưởng kinh tế tư nhân, và nền kinh tế thị trường bắt đầu kết nối các tỉnh ven biển với vùng trung tâm. Việc sở hữu đất đai và tiến thân bằng con đường quan lại không còn là những phương tiện duy nhất để làm giàu và tăng uy thế. Sự phát triển của tiền giấy và một hệ thống thuế thống nhất đồng nghĩa với sự phát triển của một hệ thống thị trường toàn quốc thực sự.

Cùng với nó là sự khởi đầu của cái có thể coi là cuộc cách mạng công nghiệp Trung Quốc. Ví dụ, nhà sử học Robert Hartwell đã ước tính rằng sản lượng thép trên đầu người đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn từ năm 806 tới năm 1078, có nghĩa, tới năm 1078 Trung Quốc sản xuất 125.000 tấn thép một năm, và lượng tiêu thụ trên đầu người đạt khoảng 1,5 kg một năm (so với 0,5 kg ở châu Âu). Thép được dùng để sản xuất cày, búa, kim, ghim, chũm choẹ v.v với số lượng lớn, cho thị trường nội địa và để buôn bán với thế giới bên ngoài, khi ấy cũng đang phát triển mạnh mẽ. Đồng thời Trung Quốc cũng phát minh ra thuốc súng, phát triển súng thần công, súng phun lửa (như kiểu người Byzantine đã phát minh ra), kỹ thuật in ấn khiến tăng số người biết đọc, viết cũng như các vật tư phục vụ ngành in. Điều này đồng nghĩa với việc các bậc cha mẹ khuyến khích con cái đi học để biết đọc, biết viết để có cơ hội tham dự các kỳ khoa cử (科舉) nhằm trở thành một quan chức trong hệ thống quan lại dân sự triều đình. Nhờ những phát minh và cải tiến đó (cùng với cuộc cách mạng nông nghiệp đang diễn ra) Trung Quốc đã phát triển một vài thành phố lớn nhất thế giới thời kỳ ấy. Ví dụ Hàng Châu từng có khoảng 500.000 người: lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ thành phố châu Âu nào - ở Tây Âu tới năm 1200, chỉ Paris và Venice có dân số trên 100.000 người, dù cho Constantinopolis đã có tới 300.000 dân.

Về mặt văn hoá, nhà Tống có mức phát triển cao hơn nhiều so với những thế kỷ trước đó, không chỉ gồm những phát triển đã có từ thời nhà Đường như quan niệm về người thông thạo bách nghệ, gồm cả tính chất học giả, nhà thơ, hoạ sĩ và quan lại, mà còn cả về việc ghi chép sử, hoạ, thư pháp, và cả sứ tráng men. Các học giả nhà Tống tìm cách giải nghĩa mọi vấn đề triết học và chính trị trong những tác phẩm Khổng giáo cổ điển. Việc này khiến sự quan tâm tới các tư tưởng Khổng giáo và xã hội thời cổ lại tăng lên, trùng khớp với giai đoạn giảm sút ảnh hưởng Phật giáo, mà giới lãnh đạo Trung Quốc coi là ngoại lai và không mang lại nhiều tư tưởng hành động thực tế chính trị cũng như cách giải quyết các vấn đề trần thế.

Tranh vẽ Trung Hoa Thế kỷ XII mô tả những người lính thiết kị binh đời Tống

Các nhà lý học thời Tống đã phát hiện ra một số sự thuần khiết bên trong các văn bản kinh điển cổ, viết bình luận về chúng. Người nổi tiếng nhất trong số họ là Chu Hy (1130-1200), sự tổng hợp tư tưởng Khổng giáo với Phật giáo và Đạo giáo của ông cùng với các tư tưởng khác đã trở thành hệ tư tưởng chính thức của triều đình từ cuối thời nhà Tống tới cuối thế kỷ 19. Vì được kết hợp với khoa cử, triết lý Chu Hy liên quan tới tín điều chính thức cứng nhắc, bắt buộc sự tuân phục mù quáng từ một phía của dân chúng đối với nhà cai trị, con với cha, vợ với chồng, em với anh. Hậu quả làm kìm hãm sự phát triển xã hội của nước Trung Hoa tiền hiện đại, dẫn tới sự phát triển chậm chạp của nhiều thế hệ chính trị xá hội và sự ổn định tư tưởng dẫn tới sự trì trệ văn hoá cho tới tận thế kỷ 19. Học thuyết lý học Khổng giáo mới cũng đóng vai trò quyết định trong đời sống trí thức tại Triều Tiên, Việt Nam, và Nhật Bản.

Cương vực

Bản đồ hành chính Bắc Tống.

Năm 960, Triệu Khuông Dận phát động binh biến thay thế Hậu Chu, kiến lập triều Tống, vẫn kiến đô tại Khai Phong như cũ. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 4 (979), Bắc Tống đánh diệt Bắc Hán, kết thúc cục diện phiên trấn cát cứ từ sau loạn An Sử và loạn Hoàng Sào. Tuy nhiên, cương giới triều Tống và triều Liêu là tuyến qua Hà Khúc, Khả Lam, Nguyên Bình, Đại, Phồn Trì thuộc Sơn Tây và Phụ Bình, Mãn Thành, Dung Thành, Bá Châu thuộc Hà Bắc, và Thiên Tân. Trong chiến tranh giữa Tống và Liêu, quân Liêu từng nhiều lần nam hạ, xa nhất tiến đến Thiền châu (trị sở nay thuộc Bộc Dương, Hà Nam); quân Tống từng tiến qua phía bắc tuyến này. Do không có vùng sơn địa phía bắc Hà Bắc làm bức tường chắn, triều đình Tống chỉ có thể trồng nhiều liễu trên biên giới để làm giới tuyến. Ở phía tây, Định Nan tiết độ sứ người Đảng Hạng Lý Kế Phủng từng một thời gian đầu hàng triều Tống, đồng thời dâng đất Ngân châu, Hạ châu, Tuy châu, Hựu châu. Tuy nhiên, Lý Kế Thiên ba năm sau lại chiếm cứ Ngân châu, sau đó không ngừng tiến công các châu như Hạ, Linh, Lân, chưa từng thực sự phục tùng sự thống trị của Tống. Năm Cảnh Hựu thứ 1 (1034), cháu của Lý Kế Thiên là Lý Nguyên Hạo chính thức kiến lập Đại Hạ, sử gọi là Tây Hạ. Sau đó, biên giới phía tây bắc của Tống đại thể ổn định tại tuyến qua Lan Châu, Tĩnh Viễn thuộc Cam Túc, Đồng Tâm thuộc Ninh Hạ và Bạch Can sơn tại bắc bộ Thiểm Tây. Tống Thần Tông hết sức nỗ lực khoách trương lãnh thổ, chiếm được các châu Tuy, Hy, Hà, Thao, Mân, Lan. Năm Tuyên Hòa thứ 3 (1121), Tây An châu, Hoài Đức quân bị Tây Hạ chiếm. Tại phía tây, nhằm đoạt lấy lãnh thổ Thổ Phồn chiếm lĩnh từ hậu kỳ triều Đường, năm Hi Ninh thứ 4 (1071), triều đình Tống nhiệm mệnh Vương Thiều làm Thao Hà an phủ sứ (mới thiết lập), bắt đầu dụng binh với khu vực Hà Hoàng. Cuối cùng, quân Tống thu phục lưu vực Hoàng Thủy, lưu vực sông Đại Hạ, lưu vực Thao Hà nay thuộc Thanh Hải. Ở phía tây nam, tại khu vực dân tộc thiểu số thoát ly sự thống trị của triều Đường, triều Tống có tiến triển trong việc thiết lập quyền khống chế. Trải qua nhiều lần chinh phạt quân sự và "chiêu phủ", khu vực nay là nam bộ Tứ Xuyên, tây nam bộ Hồ Bắc, tây bộ Hồ Nam, đông bắc bộ Quý Châu và tây bộ Quảng Tây nhập vào bản đồ triều Tống, đặt châu chính thức hoặc châu ki mi. Trong đó, lần nổi danh nhất là vào năm Hi Ninh thứ 5 (1072), triều đình Tống phái Chương Đôn khai "Mai Sơn man". Mai Sơn tức là khu vực nay là Tân Hóa, An Hoa thuộc trung bộ Hồ Nam, sau đó đặt huyện xây thành, lập hộ tịch, định phú thuế, đặt thành khu hành chính chính thức tương tự như khu vực của người Hán.[tham 76] Năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122), trong thời kỳ cương vực cực thịnh, Bắc Tống tổng cộng có 26 lộ, 254 châu, 30 phủ, 55 quân, 4 giám.

Bản đồ hành chính Nam Tống

Năm 1127, Triệu Cấu tại Nam Kinh tức vị, tức là Tống Cao Tông, sử gọi là Nam Tống. Do quân Kim tiến sát, Tống Cao Tông không ngừng dời về phía nam, đến năm 1129 thăng Hàng châu thành Lâm An phủ, lập nơi này là hành tại (thủ đô lâm thời). Đầu thời Nam Tống, quân Kim từng tiến đến khu vực nay là Hồ Nam, Giang Tây và Chiết Giang. Sau Thiệu Hưng hòa nghị, Tống và Kim xác định tạm thời lấy Hoàng Hà làm biên giới. Tuy nhiên, năm sau triều Kim hủy ước, xuất binh chiếm Hà Nam, Thiểm Tây. Năm Thiệu Hưng thứ 11 (1141), Tống và Kim xác định Hoài Hà là biên giới. Năm thứ hai lại điều chỉnh giới tuyến phía tây đến Đại tán quan (nay tại tây nam Bảo Kê, Thiểm Tây]] và nam Tần Lĩnh ngày nay. Sau đó, tuy có biến động cục bộ, song đường biên giới này vẫn cơ bản ổn định. Biên giới phía nam và tây nam của Nam Tống không có biến hóa nhiều, giao giới giữa Nam Tống và Đại Lý được thiết lập tại các châu như Lê, Tự, Lô, Kiềm, Ung. Theo ghi chép trong "Chư Phiên chí" của Triệu Quát năm 1226, quần đảo Bành Hồ đã lệ thuộc Tấn Giang huyện của Phúc Kiến lộ.[tham 76].

Cơ cấu chính phủ địa phương của triều Tống thi hành chế độ hai cấp châu (phủ, quân, giám) và huyện. Rút bài học từ phiên trấn cát cứ thời Đường, cấp hành chính thứ nhất của triều Tống đổi thành "lộ". Đầu thời lập quốc, Tống theo chế độ thời Đường, phân toàn quốc thành 10 đạo, đến năm Khai Bảo thứ 8 (975) thì đổi thành lộ. Đến năm Chí Đạo thứ 3 (997) bắt đầu định thành 15 lộ, bao gồm: Kinh Đông, Kinh Tây, Hà Bắc, Hà Đông, Thiểm Tây, Hoài Nam, Giang Nam, Kinh Hồ Nam, Kinh Hồ Bắc, Lưỡng Chiết, Phúc Kiến, Tây Xuyên, Hiệp, Quảng Nam Đông, Quảng Nam Tây[tham 77] Năm Hàm Bình thứ 4 (1001), phân Tây Xuyên thành hai lộ là Lợi Châu và Ích Châu, phân Hiệp lộ thành hai lộ là Quỳ Châu, Tử Châu. Năm Thiên Hi thứ 4 (1020), phân Giang Nam lộ thành hai lộ Đông, Tây. Năm Hi Ninh thứ 5 (1072), phân Kinh Tây lộ thành hai lộ Nam, Bắc; phân Thiểm Tây thành hai lộ là Vĩnh Hưng quân, Tần Phụng. Sau đó, triều đình còn đem Hà Bắc lộ phân thành hai lộ Đông, Tây; phân Kinh Đông thành hai lộ Đông, Tây. Năm Sùng Ninh thứ 5 (1106), lại thăng Khai Phong phủ thành Kinh Kỳ lộ. Năm Tuyên Hòa thứ 4 (1122), Tống và Kim đạt minh ước, định sau khi diệt Liêu thì Tống sẽ có Yên Sơn Phủ lộ và Vân Trung Phủ lộ, song sau đó không đặt được. Sau Kiến Viêm nam độ, triều Tống thiết lập 16 lộ: Lưỡng Chiết Đông, Lưỡng Chiết Tây, Giang Nam Đông, Giang Nam Tây, Hoài Nam Đông, Hoài Nam Tây, Kinh hồ Nam, Kinh Hồ Bắc, Kinh Tây Nam, Thành Đô Phủ, Đồng Xuyên Phủ, Quý Châu, Lợi Châu, Phúc Kiến, Quảng Nam Đông, Quảng Nam Tây. Thiết lập phân chia hành chính và chế độ chính trị địa phương của triều Tống có thể nói là trọng nội khinh ngoại, trung ương tập quyền cao độ. Tuy tránh được cục diện phiên trấn cát cứ, song khiến khả năng phòng bị của địa phương yếu kém, cuối cùng khiến thời Tống ngoại hoạn không ngừng[tham 78].

Đầu thời Bắc Tống, các lộ đều đặt chức "chuyển vận sứ" và "đề điểm hình ngục", một số lộ thường đặt "an phủ sứ". "An Phủ sứ ty" tục gọi là "soái ty", do quan đứng đầu châu/phủ trọng yếu nhất kiêm nhiệm, chủ quản quan chính một lộ, cũng kiêm quản tư pháp, tài chính và dân chính. "Chuyển vận sứ" tục gọi là "tào ti", chủ quản vận chuyển đường thủy và đường bộ, cùng thu thuế tài chính của châu huyện, kiêm quản tư pháp và dân chính. "Đề điểm hình ngục" tục gọi là "hiến ti", chủ quản tư pháp một lộ, kiêm quản tài chính. Thời Tống Thần Tông, từng thiết lập "Đề cử thường bình ti", tục gọi là "thường ti", chủ quản thường bình, nghĩa thương, miễn dịch, thị địch, phường tràng, hà độ, thủy lợi của lộ, thời Nam Tống hợp nhất với "Đề cử trà diêm ty". Ngoài ra, còn lập các ty đề cử khanh dã, trà mã, thị bạc; các ty tào, thương, hiến, gọi chung là giám ti. Giám ty hiệu xưng "ngoại thai", có chức năng giám sát, quyền lực khá cao[tham 5].

Nhân khẩu

Theo ghi chép trong "Thái bình hoàn vũ ký", năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (980), toàn Đại Tống có 6.499.145 hộ với khoảng 32,5 triệu người. Theo ghi chép trong "Nguyên Phong cửu vực chí", vào những năm Nguyên Phong (1078-1085), toàn quốc có 16 triệu hộ. Căn cứ theo "Tống sử-Địa lý chí", năm Sùng Ninh thứ 1 (1102) thời Tống Huy Tông, toàn quốc có 17,3 triệu hộ. Năm Đại Quan thứ 5 (1110) thời Tống Huy Tông, Tống có 20.882.258 hộ, nhân khẩu khoảng 112,75 triệu. Ước tính vào năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120), có 22 triệu hộ, nhân khẩu khoảng 118,8 triệu. Sau "họa Tĩnh Khang", lại xuất hiện hiện tượng cư dân Trung Nguyên dời về phương nam với số lượng lớn, có hai làn sóng: làn sóng thứ nhất là từ "Tĩnh Khang chi biến" (1125-1127) đến "Thiệu Hưng hòa nghị" (1141), làn sóng thứ hai là trong thời gian hoàng đế Kim Hoàn Nhan Lượng xâm chiếm phương nam. Nhân khẩu phương nam do vậy tăng thêm rất nhiều, theo ước tính, vào năm Gia Định thứ 11 (1218) tức thời điểm đỉnh cao của Nam Tống, toàn quốc có 13,6 triệu hộ. Năm Thiệu Hưng thứ 32 (1162) so với năm Sùng Ninh thứ 1, Lưỡng Chiết lộ tăng thêm thêm 26 vạn hộ, Giang Nam Tây lộ tăng thêm 42 vạn hộ, Phúc Kiến lộ tăng thêm 33 vạn hộ, Đồng Xuyên Phủ lộ tăng thêm 24 vạn hộ, Quỳ Châu Phủ lộ tăng thêm 14 vạn hộ. Thời Tống, nhân khẩu thành thị tăng mạnh, có 50 thành thị có trên 10 vạn hộ, trong đó nhân khẩu Lâm An vượt 1,2 triệu (1274), nhân khẩu Biện Lương trên 1,8 triệu (1125), đương thời là một trong số các thành thị đông nhất trên thế giới.[tham 5][tham 79]

Trong những năm Nguyên Phong - Tuyên Hòa thời Tống Huy Tông, trong số các lộ ở phương bắc thì Kinh Kỳ lộ có nhân khẩu tập trung nhất, năm Nguyên Phong thứ 6 (1083) có 23 vạn hộ, năm Sùng Ninh thứ nhất có 26 vạn hộ. Vĩnh Hưng Quân lộ có 100 vạn hộ, Kinh Triệu phủ với trung tâm là Trường An có 23 vạn hộ, nguyên nhân do đây là tiền tuyến trong chiến tranh giữa Tống và Tây Hạ. Nhân khẩu phương nam tập trung chủ yếu tại các lộ: Lưỡng Chiết, Giang Nam Đông-Tây, Phúc Kiến, Xuyên Thiểm. Hộ khẩu của năm lộ này đạt 5,71 triệu hộ, tức một nửa số hộ của phương nam. Trong đó, Lưỡng Chiết lộ là đông nhất với 1,97 triệu hộ, tiếp đến là Giang Nam Tây lộ với 1,66 triệu hộ, Giang Nam Đông lộ với 1,01 triệu hộ, Phúc Kiến lộ với 1,06 triệu hộ, hai lộ Hoài Nam Đông-Tây có tổng cộng khoảng 1,3 triệu hộ, bốn lộ Xuyên-Hiệp có tổng cộng 2 triệu hộ (năm 1231 có 5 triệu hộ), hai lộ Kinh Hồ Nam-Bắc có tổng cộng 1,4-1,5 triệu hộ, hai lộ Quảng Nam Đông-Tây có tổng cộng hơn 80 vạn hộ, Kinh Tây Nam có tổng cộng 40 vạn hộ.[tham 80]

Mặc dù người Hán đến định cư trên đảo Hải Nam từ Trước Công nguyên, song phải đến thời Tống thì mới có các nỗ lực nhằm đồng hóa người Lê sống trên vùng núi- những người này khi đó đang chiến đấu chống lại và đẩy lui người Hán nhập cư.8

Bảng nhân khẩu thời Tống
Niên đại Số hộ Số khẩu Ghi chú
Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (980) thời Tống Thái Tông 6.499.145 hộ
Năm Chí Đạo thứ 3 (997) thời Tống Thái Tông 4.131.576 hộ (chủ hộ), ước tính thực tế có 5.242.105 hộ.
Năm Thiên Hy thứ 5 (1021) thời Tống Chân Tông 6.839.331 hộ (chủ hộ), ước tính thực tế có 8.677.677 hộ.
Năm Cảnh Hựu thứ 1 (1034) thời Tống Nhân Tông 10.296.565 hộ 26.205.441 khẩu
Năm Hoàng Hựu thứ 1 (1053) thời Tống Nhân Tông 10.792.705 hộ.
Năm Gia Hựu thứ 8 (1063) thời Tống Nhân Tông 12.462.531 hộ.
Năm Trị Bình thứ 3 (1066) thời Tống Anh Tông 14.181.486 hộ 20.506.980 nam khẩu
Năm Hi Ninh thứ 10 (1077) thời Tống Anh Tông 14.245.270 hộ 30.807.211 nam khẩu năm 1069, Vương An Thạch biến pháp
Năm Nguyên Hựu thứ 1 (1086) thời Tống Thần Tông 17.957.092 hộ 40.072.606 khẩu
Năm Thiệu Thánh thứ 1 (1094) thời Tống Triết Tông 19.120.921 hộ 42.566.243 nam khẩu
Năm Nguyên Phù thứ 3 (1100) thời Tống Triết Tông 19.960.812 hộ 44.914.991 nam khẩu
Năm Sùng Ninh thứ 1 (1102) thời Tống Huy Tông 20.264.370 hộ 45.324.154 nhân đinh
Năm Đại Quan thứ 4 (1110) thời Tống Huy Tông 20.882.258 hộ 112.750.000 người
Năm Tuyên Hòa thứ 2 (1120) thời Tống Huy Tông 22.000.000 hộ 118.800.000 người
Năm Thiệu Hưng thứ 31 (1161) thời Tống Cao Tông 11.364.337 hộ 24.202.301 nam khẩu Thời Nam Tống
Năm Thiệu Hưng thứ 32 (1162) thời Tống Cao Tông 11.139.850 hộ 33.112.327 nam khẩu
Năm Thuần Hy thứ 5 (1178) thời Tống Hiếu Tông 12.976.123 hộ 28.558.940 nam khẩu
Năm Thiệu Hy thứ 4 (1193) thời Tống Quang Tông 12.302.873 hộ 27.845.085 nam khẩu
Năm Gia Định thứ 11 (1218) thời Tống Ninh Tông 13.600.000 hộ khoảng 80.600.000 người
Năm Gia Định thứ 16 (1223) thời Tống Ninh Tông 12.670.801 hộ 28.320.085 nam khẩu có thuyết nói năm này có 15,5 triệu hộ, 80,60 triệu người
Năm Cảnh Định thứ 5 (1264) thời Tống Lý Tông 5.696.989 hộ 13.026.532 nam khẩu Từ năm 1235 trở đi xảy ra chiến tranh với Mông Cổ
Chú: Số liệu được lấy từ "Thái bình hoàn vũ ký", "Nguyên Phong cửu vực chí", "Tống sử-Địa lý chí",

Quân chủ nhà Tống

Thế phả
quá kế
Tống Tuyên Tổ Triệu Hoằng Ân 899-956
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận 927-960-976 Tống Thái Tông Triệu Quang Nghĩa 939-976-997
Yên Ý vương Triệu Đức Chiêu 951-979 Tần Khang Huệ vương Triệu Đức Phương 959-981 Tống Chân Tông Triệu Hằng 968-997-1022 Thương Cung Tĩnh vương Triệu Nguyên Phần 969-1005
Kí vương Triệu Duy Cát Anh quốc công Triệu Duy Hiến 979-1016 Tống Nhân Tông Triệu Trinh 1010-1022-1063 Bộc An Ý vương Triệu Doãn Nhượng 995-1059
Lư Giang hầu Triệu Thủ Độ Tân Hưng hầu Triệu Tùng Úc Tống Anh Tông Triệu Thự 1032-1063-1067
Gia quốc công Triệu Thế Quát Hoa Âm hầu Triệu Thế Tương Tống Thần Tông Triệu Húc 1048-1067-1085
Phòng quốc công Triệu Lệnh Giá Khánh quốc công Triệu Lệnh Thoại Tống Triết Tông Triệu Hú 1076-1085-1100 Tống Huy TôngTriệu Cát 1082-1100-1125-1135
Ngô quốc công Triệu Tử Thích Tú An Hi vương Triệu Tử Xưng ?-1143 Tống Khâm Tông Triệu Hoàn 1100-1125-1127-1156 Tống Cao Tông Triệu Cấu 1107-1127-1162-1187
Ích quốc công Triệu Bá Ngộ Tống Hiếu Tông Triệu Thận 1127-1162-1189-1194
Triệu quốc công Triệu Sư Ý Tống Quang Tông Triệu Đôn 1147-1189-1194-1200
Vinh vương Triệu Hi Lô Tống Ninh Tông Triệu Khoách 1168-1194-1224
Tống Lý Tông Triệu Quân 1205-1224-1264 Vinh vương Triệu Dữ Nhuế 1207-1287
Tống Độ Tông Triệu Kỳ 1240-1264-1274
Tống Đoan Tông Triệu Thị 1268-1276-1278 Tống Cung Tông Triệu Hiển 1271-1274-1276-1323 Tống Thiếu Đế Triệu Bính 1271-1278-1279
Miếu hiệu Thụy hiệu Họ, tên Trị vì Niên hiệu và thời gian sử dụng (âm lịch)
Bắc Tống, 960-1127
Thái Tổ (太祖) Khải Vận Lập Cực Anh Vũ Duệ Văn Thần Đức Thánh Công Chí Minh Đại Hiếu hoàng đế (启运立极英武睿文神德圣功至明大孝皇帝) Triệu Khuông Dẫn (赵匡胤) 960-976 Kiến Long (建隆) 960-963 Càn Đức (乾德) 963-968 Khai Bảo (開寶) 968-976
Thái Tông (太宗) Chí Nhân Ứng Đạo Thần Công Thánh Đức Văn Vũ Duệ Liệt Đại Minh Quảng Hiếu hoàng đế (至仁應道神功聖德文文武睿烈大明廣孝皇帝) Triệu Quang Nghĩa (赵光义) 976-997 Thái Bình Hưng Quốc (太平興國) 976-984 Ung Hi (雍熙) 984-987 Đoan Củng (端拱) 988-989 Thuần Hoá (淳化) 990-994 Chí Đạo (至道) 995-997
Chân Tông (真宗) Ứng Phù Kê Cổ Thần Công Nhượng Đức Văn Minh Vũ Định Chương Thánh Nguyên Hiếu hoàng đế (应符稽古神功让德文明武定章圣元孝皇帝) Triệu Hằng (赵恒) 997-1022 Hàm Bình (咸平) 998-1003 Cảnh Đức (景德) 1004-1007 Đại Trung Tường Phù (大中祥符) 1008-1016 Thiên Hi (天禧) hay Nguyên Hi (元禧) 1017-1021 Càn Hưng (乾興) 1022
Nhân Tông (仁宗) Thể Thiên Pháp Đạo Cực Công Toàn Đức Thần Văn Thánh Vũ Duệ Triết Minh Hiếu hoàng đế (体天法道极功全德神文圣武睿哲明孝皇帝) Triệu Trinh (赵祯) 1022-1063 Thiên Thánh (天聖) 1023-1032 Minh Đạo (明道) 1032-1033 Cảnh Hữu (景祐) 1034-1038 Bảo Nguyên (寶元) 1038-1040 Khang Định (康定) 1040-1041 Khánh Lịch (慶曆) 1041-1048 Hoàng Hữu (皇祐) 1049-1054 Chí Hoà (至和) 1054-1056 Gia Hữu (嘉祐) 1056-1063
Anh Tông (英宗) Thể Càn Ứng Lịch Long Công Thịnh Đức Hiến Văn Túc Vũ Duệ Thánh Tuyên Hiếu hoàng đế (体乾应历隆功盛德宪文肃武睿圣宣孝皇帝) Triệu Thự (赵曙) 1063-1067 Trì Bình (治平) 1064-1067
Thần Tông (神宗) Thiệu Thiên Pháp Cổ Vận Đức Kiến Công Anh Văn Liệt Vũ Khâm Nhân Thánh Hiếu hoàng đế (绍天法古运德建功英文烈武钦仁圣孝皇帝) hay Thể Nguyên Hiển Đạo pháp Cổ Lập Hiến Đế Đức Vương Công Anh Văn Liệt Vũ Khâm Nhân Thánh Hiếu hoàng đế (體元顯道法古立憲帝德王功英文烈武欽仁聖孝皇帝) Triệu Húc (赵顼) 1067-1085 Hi Ninh (熙寧) 1068-1077 Nguyên Phong (元豐) 1078-1085
Triết Tông (哲宗) Hiến Nguyên Kế Đạo Hiển Đức Định Công Khâm Văn Duệ Vũ Tề Thánh Chiêu Hiếu hoàng đế (宪元继道显德定功钦文睿武齐圣昭孝皇帝) Triệu Hú (赵煦) 1085-1100 Nguyên Hữu (元祐) 1086-1094 Thiệu Thánh (紹聖) 1094-1098 Nguyên Phù (元符) 1098-1100
Huy Tông (徽宗) Thể Thần Hợp Đạo Tuấn Liệt Tốn Công Thánh Văn Nhân Đức Hiến Từ Hiển Hiếu hoàng đế (体神合道骏烈逊功圣文仁德宪慈显孝皇帝) Triệu Cát (赵佶) 1100-1125 Kiến Trung Tĩnh Quốc (建中靖國) 1101 Sùng Ninh (崇寧) 1102-1106 Đại Quán (大觀) 1107-1110 Chính Hoà (政和) 1111-1118 Trọng Hoà (重和) 1118-1119 Tuyên Hoà (宣和) 1119-1125
Khâm Tông (钦宗) Cung Văn Thuận Đức Nhân Hiếu hoàng đế (恭文顺德仁孝皇帝) Triệu Hoàn 1126-1127 Tĩnh Khang (靖康) 1125-1127
Nam Tống, 1127- 1279
Cao Tông (高宗) Thụ Mệnh Trung Hưng Toàn Công Chí Đức Thánh Thần Vũ Văn Chiêu Nhân Hiến Hiếu (受命中兴全功至德圣神武文昭仁宪孝皇帝) Triệu Cấu (赵构) 1127-1162 Tĩnh Viêm (靖炎) hay Kiến Viêm (建炎) 1127-1130 Thiệu Hưng (紹興) 1131-1162
Hiếu Tông (孝宗) Thiệu Thống Đồng Đạo Quán Đức Chiêu Công Triết Văn Thần Vũ Minh Thánh Thành Hiếu hoàng đế (绍统同道冠德昭功哲文神武明圣成孝皇帝) Triệu Thận (赵昚) 1162-1189 Long Hưng (隆興) 1163-1164 Càn Đạo (乾道) 1165-1173 Thuần Hi (淳熙) 1174-1189
Quang Tông (光宗) Tuần Đạo Hiến Nhân Minh Công Mậu Đức Ôn Văn Thuận Vũ Thánh Triết Từ Hiếu hoàng đế (循道宪仁明功茂德温文顺武圣哲慈孝皇帝) Triệu Đôn (赵惇) 1189-1194 Thiệu Hi (紹熙) 1190-1194
Ninh Tông (宁宗) Pháp Thiên Bị Đạo Thuần Đức Mậu Công Nhân Văn Triết Vũ Thánh Duệ Cung Hiếu hoàng đế (法天备道纯德茂功仁文哲武圣睿恭孝皇帝) Triệu Khoách (赵扩) 1194-1224 Khánh Nguyên (慶元) 1195-1200 Gia Thái (嘉泰) 1201-1204 Khai Hi (開禧) 1205-1207 Gia Định (嘉定) 1208-1224
Lý Tông (理宗) Kiến Đạo Bị Đức Đại Công Phục Hưng Liệt Văn Nhân Vũ Thánh Minh An Hiếu hoàng đế (建道备德大功复兴烈文仁武圣明安孝皇帝) Triệu Quân (赵昀) 1224-1264 Bảo Khánh (寶慶) 1225-1227 Thiệu Định (紹定) 1228-1233 Đoan Bình (端平) 1234-1236 Gia Hi (嘉熙) 1237-1240 Thuần Hữu (淳祐) 1241-1252 Bảo Hữu (寶祐) 1253-1258 Khai Khánh (開慶) 1259 Cảnh Định (景定) 1260-1264
Độ Tông (度宗) Đoan Văn Minh Vũ Cảnh Hiếu hoàng đế (端文明武景孝皇帝) Triệu Kỳ (赵禥) 1264-1274 Hàm Thuần (咸淳) 1265-1274
Cung Tông (恭宗) Hiếu Cung Ý Thánh hoàng đế (孝恭懿聖皇帝) Triệu Hiển (趙显) 1274-1276 Đức Hữu (德祐) 1275-1276
Đoan Tông (端宗) Dụ Văn Chiêu VũMẫn Hiếu hoàng đế (裕文昭武愍孝皇帝) Triệu Thị (赵昰) 1276-1278 Cảnh Viêm (景炎) 1276-1278
Hoài Tông (懷宗) Cung Văn Ninh Vũ Ai Hiếu Hoàng Đế (恭文寧武哀孝皇帝) Triệu Bính (赵昺) 1278-1279 Tường Hưng (祥興) 1278-1279

Xem thêm

  • Tống Tứ Đại Thư
  • Lục Du
  • Thiệu Ung
  • Đặng Tộc
  • Thuế trong thời kỳ cận đại Trung Quốc
  • Thiên triều Đại quốc
  • Vương Trùng Dương
  • Tăng Củng
  • Văn Thiên Tường
  • Thủy hử
  • Sự biến Tĩnh Khang
  • Trận Nhai Môn

Chú thích

  1. ^ Ebrey, Walthall & Palais 2006, tr. 167
  2. ^ Rossabi 1988, tr. 115
  3. ^ Rossabi 1988, tr. 76
  4. ^ Ebrey, Walthall & Palais 2006, tr. 156
  5. ^ Brook 1998, tr. 96
  6. ^ Veeck et al. 2007, tr. 103–104
  7. ^ Csete, Anne. (2001). "China's Ethnicities: State Ideology and Policy in Historical Perspective," in Global Multiculturalism: Comparative Perspectives on Ethnicity, Race, and Nation. Edited by Grant Hermans Cornwell and Eve Walsh Stoddard. Lanham: Rowman and Littlefield Publishers, Inc. ISBN 0-7425-0883-8, page 293.
  1. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉 (bằng tiếng zh-tw). 地球出版社. 1993年. tr. 第206頁. ISBN 9577140475.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp) Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  2. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên .E5.BE.90.E4.BF.8A
  3. ^ 黄仁宇. 《中國大歷史》〈第十一章 北宋:大膽的試驗〉 (bằng tiếng zh-tw). 聯經出版事業股份有限公司. tr. 第153頁. ISBN 957-08-1068-8.  Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  4. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉 (bằng tiếng zh-tw). 地球出版社. 1993年. tr. 第207頁. ISBN 9577140475.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp) Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  5. ^ a ă â b c Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên .E5.A4.A7.E7.99.BE.E7.A7.91
  6. ^ 黃仁宇. 《中國大歷史》〈第十一章 北宋:大膽的試驗〉 (bằng tiếng zh-tw). 聯經出版事業股份有限公司. tr. 第157頁. ISBN 957-08-1068-8.  Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  7. ^ 王明蓀. 《中國通史 宋遼金元史》〈第一章 宋的建國-統一之局的再造〉. tr. 第13頁. 
  8. ^ 陳學霖. 《宋史論集》〈第一章 大宋「國號」與「德運」辯論述義〉. tr. 第13頁. 
  9. ^ 王明蓀. 《中國通史 宋遼金元史》〈第一章 宋的建國-統一之局的再造〉. tr. 第15頁. 
  10. ^ 王明蓀. 《中國通史 宋遼金元史》〈第二章 北宋的外患-遼與夏〉. tr. 第30頁. 
  11. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第210頁. 
  12. ^ 王明蓀. 《中國通史 宋遼金元史》〈第二章 北宋的外患-遼與夏〉. tr. 第32頁. 
  13. ^ 陈振 (2003年). 《中国断代史系列·宋史》〈第五章 北宋中叶的改革浪潮(上):庆历新政〉第一节 积贫积弱局面的形成 二、刘太后专政与积贫状况的加剧 (bằng tiếng zh-cn). 上海人民出版社. tr. 第181页. ISBN 7-208-04444-9.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp) Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  14. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第208頁. 
  15. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第211頁. 
  16. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第215頁. 
  17. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第216頁. 
  18. ^ 王明蓀. 《中國通史 宋遼金元史》〈第二章 北宋的外患-遼與夏〉. tr. 第45頁. 
  19. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第217頁. 
  20. ^ 王明蓀. 《中國通史 宋遼金元史》〈第二章 北宋的外患-遼與夏〉. tr. 第51頁. 
  21. ^ 黃仁宇. 《中國大歷史》〈第十一章 北宋:大膽的試驗〉. tr. 第166頁. 
  22. ^ 黃仁宇. 《中國大歷史》〈第十一章 北宋:大膽的試驗〉. tr. 第170頁. 
  23. ^ 王明蓀. 《中國通史 宋遼金元史》〈第二章 北宋的外患-遼與夏〉. tr. 第52頁. 
  24. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第220頁. 
  25. ^ 大百科
  26. ^ 确庵、耐庵. 《靖康稗史箋證》 (bằng tiếng zh-tw). tr. 第220頁.  Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  27. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉 卷三. tr. 第223頁. 
  28. ^ 黃仁宇. 《中國大歷史》〈第十二章 西湖與南宋〉. tr. 第175頁. 
  29. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第241頁. 
  30. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第244頁. 
  31. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第246頁. 
  32. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第247頁. 
  33. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第247. 
  34. ^ 陈振 (2003年). 《中国断代史系列·宋史》〈第十二章 南宋中期的政治、军事形势〉第二节 权臣秉政的宁宗时期 二、韩侂冑擅权与开禧北伐 (bằng tiếng zh-cn). 上海人民出版社. tr. 第490页—第492页. ISBN 7-208-04444-9.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp) Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  35. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第250頁. 
  36. ^ 黃仁宇. 《中國大歷史》〈第十二章 西湖與南宋〉. tr. 第178頁. 
  37. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第248頁. 
  38. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第252頁. 
  39. ^ a ă â 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第253頁. 
  40. ^ 黃仁宇. 《中國大歷史》〈第十二章 西湖與南宋〉. tr. 第189頁. 
  41. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈宋代 第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第254頁. 
  42. ^ a ă â 《中國文明史 宋遼金時期》〈第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第254頁. 
  43. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第255頁. 
  44. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第256頁. 
  45. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第257頁. 
  46. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第258頁. 
  47. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第260頁. 
  48. ^ 《长编》卷三 建隆三年十一月甲子
  49. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第三章 積弱的軍事和繁榮的兵學〉. tr. 第350頁. 
  50. ^ 《长编》卷二
  51. ^ 《玉海》卷一百三十九 宋朝侍衛親軍
  52. ^ 《宋詔令》卷九十四
  53. ^ 《长编》卷一百七十二
  54. ^ 《宋朝兵制初探》六 募兵制下的各项制度
  55. ^ 黃仁宇. 《中國大歷史》〈第十一章 北宋:大膽的試驗〉. tr. 第154頁. 
  56. ^ 章如愚:《群书考索》后集卷21《官门》
  57. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第三章 積弱的軍事和繁榮的兵學〉. tr. 第367頁. 
  58. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第三章 積弱的軍事和繁榮的兵學〉. tr. 第376頁. 
  59. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第三章 積弱的軍事和繁榮的兵學〉. tr. 第386頁. 
  60. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên .E5.AE.8B.E5.8F.B2
  61. ^ 贾春泽. “中国古代土地制度浅析” (DOC) (bằng tiếng zh-cn). Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2011.  Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  62. ^ 葛金芳、顾蓉 (ngày 25 tháng 11 năm 2007). “从原始工业化进程看宋代资本主义萌芽的产生” (bằng tiếng zh-cn). Truy cập ngày 12 tháng 1 năm 2011.  Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  63. ^ 《诸蕃志校释》,中华书局。ISBN 7-101-02059-3. (宋)趙汝适著,楊博文注释. 
  64. ^ 杜正勝主編. 《中國文化史》〈第九章 科舉與士大夫的社會文化〉. tr. 第175頁. 
  65. ^ 《中國古代經濟簡史》第五章 〈封建社会唐(后期)宋辽金元的经济〉. 复旦大学. 1982年. tr. 第121頁.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  66. ^ 《中國古代經濟簡史》第五章 〈封建社会唐(后期)宋辽金元的经济〉. 复旦大学. 1982年. tr. 第132頁.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  67. ^ 明严从简著《殊域周咨錄·占城》
  68. ^ 杜正勝主編. 《中國文化史》〈第九章 科舉與士大夫的社會文化〉. tr. 第166頁. 
  69. ^ 《中國古代經濟簡史》第五章〈封建社会唐(后期)宋辽金元的经济〉. 复旦大学. 1982年. tr. 第134頁.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  70. ^ 漆侠著《宋代经济卷·第四章第三节 甘蔗种植的扩大》
  71. ^ 季羡林 (1997年). 《中华蔗糖史》第六章〈宋代的甘蔗种植和制糖霜术〉. 经济日报出版社. ISBN 7801272846.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  72. ^ 《中國古代經濟簡史》第五章 〈封建社会唐(后期)宋辽金元的经济〉. 复旦大学. 1982年. tr. 第135頁.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  73. ^ 《中國古代經濟簡史》第五章 〈封建社会唐(后期)宋辽金元的经济〉. 复旦大学. 1982年. tr. 第136頁.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  74. ^ 《中國古代經濟簡史》第五章 〈封建社会唐(后期)宋辽金元的经济〉. 复旦大学. 1982年. tr. 第137頁.  Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  75. ^ 陳尚勝、陳高華. 《中國海外交通史》〈第三章 宋元:海外交通的鼎盛〉. tr. 第87頁. 
  76. ^ a ă 《中國文明史 宋遼金時期》〈第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第255頁. 
  77. ^ 辛向前 (ngày 6 tháng 12 năm 2010). “也谈《大唐三藏取经诗话》的成书时代” (bằng tiếng zh-cn). 中国国学网引自明清小说研究. Truy cập ngày 19 tháng 1 năm 2011.  Bảo trì CS1: Ngôn ngữ không rõ (link)
  78. ^ 《中國文明史 宋遼金時期》〈第一章 波瀾起伏的宋代政治〉. tr. 第256頁. 
  79. ^ 《太平寰宇记》、《元豐九域志》、《宋史·地理志》
  80. ^ 《太平寰宇记》、《元豐九域志》、《宋史·地理志》

Tham khảo

  • Adshead, S. A. M. (2004), T'ang China: The Rise of the East in World History, New York: Palgrave Macmillan, ISBN 1403934568  (hardback).
  • Anderson, James A. (2008), “'Treacherous Factions': Shifting Frontier Alliances in the Breakdown of Sino-Vietnamese Relations on the Eve of the 1075 Border War”, trong Wyatt, Don J., Battlefronts Real and Imagined: War, Border, and Identity in the Chinese Middle Period, New York: Palgrave MacMillan, tr. 191–226, ISBN 978-1-4039-6084-9 
  • Bai, Shouyi (2002), An Outline History of China , Beijing: Foreign Languages Press, ISBN 7119023470  Bảo trì CS1: Văn bản dư (link)
  • Bol, Peter K. (2001), “The Rise of Local History: History, Geography, and Culture in Southern Song and Yuan Wuzhou”, Harvard Journal of Asiatic Studies 61 (1): 37–76, JSTOR 3558587, doi:10.2307/3558587 
  • Brook, Timothy (1998), The Confusions of Pleasure: Commerce and Culture in Ming China, Berkeley: University of California Press, ISBN 9780520221543 
  • Brose, Michael C. (2008), “People in the Middle: Uyghurs in the Northwest Frontier Zone”, trong Wyatt, Don J., Battlefronts Real and Imagined: War, Border, and Identity in the Chinese Middle Period, New York: Palgrave MacMillan, tr. 253–289, ISBN 978-1-4039-6084-9 
  • Ebrey, Patricia Buckley; Walthall, Anne; Palais, James B. (2006), East Asia: A Cultural, Social, and Political History, Boston: Houghton Mifflin, ISBN 0-618-13384-4 
  • Ebrey, Patricia Buckley (1999), The Cambridge Illustrated History of China, Cambridge: Cambridge University Press, ISBN 0-521-66991-X  (paperback).
  • Embree, Ainslie Thomas; Gluck, Carol (1997), Asia in Western and World History: A Guide for Teaching, Armonk: ME Sharpe, ISBN 1563242648 
  • Chan, Alan Kam-leung; Clancey, Gregory K.; Loy, Hui-Chieh (2002), Historical Perspectives on East Asian Science, Technology and Medicine, Singapore: Singapore University Press, ISBN 9971-69-259-7 
  • Fairbank, John King; Goldman, Merle (2006) [1992], China: A New History (ấn bản 2), Cambridge; London: The Belknap Press of Harvard University Press, ISBN 0-674-01828-1  Bảo trì CS1: Văn bản dư (link)
  • Fraser, Julius Thomas; Haber, Francis C. (1986), Time, Science, and Society in China and the West, Amherst: University of Massachusetts Press, ISBN 0-87023-495-1 
  • Gernet, Jacques (1962), Daily Life in China on the Eve of the Mongol Invasion, 1250-1276, Translated by H. M. Wright, Stanford: Stanford University Press, ISBN 0-8047-0720-0 
  • Graff, David Andrew; Higham, Robin (2002), A Military History of China, Boulder: Westview Press 
  • Guo, Qinghua (1998), “Yingzao Fashi: Twelfth-Century Chinese Building Manual”, Architectural History: Journal of the Society of Architectural Historians of Great Britain 41: 1–13 
  • Hall, Kenneth (1985), Maritime trade and state development in early Southeast Asia, Hawaii: University of Hawaii Press, ISBN 0-8248-0959-9 
  • Hansen, Valerie (2000), The Open Empire: A History of China to 1600, New York & London: W.W. Norton & Company, ISBN 0-393-97374-3 
  • Hargett, James M. (1985), “Some Preliminary Remarks on the Travel Records of the Song Dynasty (960–1279)”, Chinese Literature: Essays, Articles, Reviews (CLEAR): 67–93 
  • Hargett, James M. (1996), “Song Dynasty Local Gazetteers and Their Place in The History of Difangzhi Writing”, Harvard Journal of Asiatic Studies 56 (2): 405–442, JSTOR 2719404, doi:10.2307/2719404 
  • Hartwell, Robert M. (1982), “Demographic, Political, and Social Transformations of China, 750-1550”, Harvard Journal of Asiatic Studies 42 (2): 365–442, JSTOR 2718941, doi:10.2307/2718941 
  • Hymes, Robert P. (1986), Statesmen and Gentlemen: The Elite of Fu-Chou, Chiang-Hsi, in Northern and Southern Sung, Cambridge: Cambridge University Press, ISBN 0521306310 
  • Hsu, Mei-ling (1993), “The Qin Maps: A Clue to Later Chinese Cartographic Development”, Imago Mundi 45: 90–100, doi:10.1080/03085699308592766 
  • Levathes, Louise (1994), When China Ruled the Seas, New York: Simon & Schuster, ISBN 0671701584 
  • Lorge, Peter (2005), War, Politics and Society in Early Modern China, 900–1795 (ấn bản 1), New York: Routledge 
  • McKnight, Brian E. (1992), Law and Order in Sung China, Cambridge: Cambridge University Press 
  • Mohn, Peter (2003), Magnetism in the Solid State: An Introduction, New York: Springer-Verlag, ISBN 3-540-43183-7 
  • Mote, F. W. (1999), Imperial China: 900–1800, Harvard: Harvard University Press 
  • Needham, Joseph (7 tháng 11 năm 1986), Science and Civilization in China: Volume 1, Introductory Orientations, Taipei: Caves Books 
  • Needham, Joseph (7 tháng 11 năm 1986), Science and Civilization in China: Volume 3, Mathematics and the Sciences of the Heavens and the Earth, Taipei: Caves Books 
  • Needham, Joseph (7 tháng 11 năm 1986), Science and Civilization in China: Volume 4, Physics and Physical Technology, Part 2: Mechanical Engineering, Taipei: Caves Books 
  • Needham, Joseph (7 tháng 11 năm 1986), Science and Civilization in China: Volume 4, Physics and Physical Technology, Part 3: Civil Engineering and Nautics, Taipei: Caves Books 
  • Needham, Joseph (7 tháng 11 năm 1986), Science and Civilization in China: Volume 5, Chemistry and Chemical Technology, Part 7: Military Technology; The Gunpowder Epic, Taipei: Caves Books 
  • Paludan, Ann (1998), Chronicle of the Chinese Emperors, London: Thames & Hudson, ISBN 0-500-05090-2 
  • Peers, C. J. (2006), Soldiers of the Dragon: Chinese Armies 1500 BC-AD 1840, Oxford: Osprey Publishing 
  • Rossabi, Morris (1988), Khubilai Khan: His Life and Times, Berkeley: University of California Press, ISBN 0-520-05913-1 
  • Rudolph, R. C. (1963), “Preliminary Notes on Sung Archaeology”, The Journal of Asian Studies 22 (2): 169–177, JSTOR 2050010, doi:10.2307/2050010 
  • Sastri, Nilakanta, K.A. (1984), The CōĻas, Madras: University of Madras 
  • Schafer, Edward H. (1957), “War Elephants in Ancient and Medieval China”, Oriens 10 (2): 289–291, JSTOR 1579643, doi:10.2307/1579643 
  • Sen, Tansen (2003), Buddhism, Diplomacy, and Trade: The Realignment of Sino-Indian Relations, 600–1400, Manoa: Asian Interactions and Comparisons, a joint publication of the University of Hawaii Press and the Association for Asian Studies, ISBN 0824825934 
  • Shen, Fuwei (1996), Cultural flow between China and the outside world, Beijing: Foreign Languages Press, ISBN 7-119-00431-X 
  • Sivin, Nathan (1995), Science in Ancient China, Brookfield, Vermont: VARIORUM, Ashgate Publishing 
  • Steinhardt, Nancy Shatzman (1993), “The Tangut Royal Tombs near Yinchuan”, Muqarnas: an Annual on Islamic Art and Architecture X: 369–381 
  • Sung, Tz’u (1981), The Washing Away of Wrongs: Forensic Medicine in Thirteenth-Century China, translated by Brian E. McKnight, Ann Arbor: University of Michigan Press, ISBN 0-89264-800-7 
  • Temple, Robert (1986), The Genius of China: 3,000 Years of Science, Discovery, and Invention, with a foreword by Joseph Needham, New York: Simon and Schuster, ISBN 0-671-62028-2 
  • Veeck, Gregory; Pannell, Clifton W.; Smith, Christopher J.; Huang, Youqin (2007), China's Geography: Globalization and the Dynamics of Political, Economic, and Social Change, Lanham: Rowman & Littlefield Publishers, ISBN 0742554023 
  • Wagner, Donald B. (2001), “The Administration of the Iron Industry in Eleventh-Century China”, Journal of the Economic and Social History of the Orient 44 (2): 175–197, doi:10.1163/156852001753731033 
  • Wang, Lianmao (2000), Return to the City of Light: Quanzhou, an eastern city shining with the splendour of medieval culture, Fujian People's Publishing House 
  • West, Stephen H. (1997), “Playing With Food: Performance, Food, and The Aesthetics of Artificiality in The Sung and Yuan”, Harvard Journal of Asiatic Studies 57 (1): 67–106, JSTOR 2719361, doi:10.2307/2719361 
  • Wright, Arthur F. (1959), Buddhism in Chinese History, Stanford: Stanford University Press 
  • Yuan, Zheng (1994), “Local Government Schools in Sung China: A Reassessment”, History of Education Quarterly 34 (2): 193–213, JSTOR 369121, doi:10.2307/369121 

Đọc thêm

  • Cotterell, Arthur. (2007), The Imperial Capitals of China - An Inside View of the Celestial Empire, London: Pimlico, tr. 304 pages., ISBN 9781845950095 
  • Gascoigne, Bamber (2003), The Dynasties of China: A History, New York: Carroll & Graf, ISBN 1-84119-791-2 
  • Gernet, Jacques (1982), A history of Chinese civilization, Cambridge: Cambridge University Press, ISBN 0-521-24130-8 
  • Giles, Herbert Allen (1939). A Chinese biographical dictionary (Gu jin xing shi zu pu). Shanghai: Kelly & Walsh. (see here [1] for more)
  • Kruger, Rayne (2003), All Under Heaven: A Complete History of China, Chichester: John Wiley & Sons, ISBN 0-470-86533-4 
  • Tillman, Hoyt C. and Stephen H. West (1995). China Under Jurchen Rule: Essays on Chin Intellectual and Cultural History. Albany, New York: State University of New York Press.

(Nguồn: Wikipedia)

Từ khóa » Bản đồ Trung Quốc Thời Tống