Nhà Văn Chu Lai Và Những "đồng Nghiệp" Trong Gia đình - CAND

Nửa thế kỷ có mặt trong quân đội, với 40 năm tuổi Đảng, Đại tá, nhà văn Chu Lai có lẽ là sĩ quan duy nhất để ria. Xù xì, thô ráp đúng như văn chương của mình, Chu Lai là người không thích cái gì bàng bạc. Cuộc đời trong văn chương của anh thường khốc liệt. Nhân vật của anh bao giờ cũng có nhu cầu đi tới tận cùng mọi nghĩ suy, khát vọng.

Viết, lúc nào cũng trong tâm thế của người đang viết cuốn sách cuối cùng, Chu Lai là một trong những nhà văn có số lượng tác phẩm lớn, ở các thể loại khác nhau. Sách của anh có nhiều độc giả là điều không phải bàn cãi. 60 tuổi vẫn vù vù xe máy đi ngang tàng xuyên Việt, Chu Lai cười khì khoe: "Tôi phải cám ơn bố tôi về cái gien thể lực ông truyền lại cho". Người cha mà Chu Lai nhắc tới chính là nhà cách mạng, nhà viết kịch Học Phi. Ông đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Nhà viết kịch Học Phi năm nay đã ở tuổi 95. Sống gần trọn một thế kỷ, ông là nhân chứng quan trọng cho những thăng trầm, biến cố của đất nước. Giác ngộ cách mạng từ năm 13 tuổi, Học Phi tham gia hoạt động trong phong trào yêu nước. Ông không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một người cầm bút. Cho tới khi gặp nhà cách mạng Trường Chinh, Học Phi nhận ra rằng, văn nghệ cũng là một vũ khí sắc bén của người cách mạng.

Lão nhà văn Học Phi (người ngồi hàng sau) cùng con cháu.

Ông là một trong những hạt nhân đầu tiên của Văn hóa Cứu quốc và nổi tiếng với những vở kịch về Đảng và cách mạng như "Một đảng viên", "Chị Hòa", "Cô hàng rau", "Bài ca nhân nghĩa"... Là người cán bộ trưởng thành trong các cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc, có thể nói, những vở kịch Học Phi viết chính là những trang nhật ký, hồi ức về bức tranh đời sống mà ông can dự.

Giống như nhiều nhà văn cùng thế hệ, tác phẩm của Học Phi đều hướng tới mục đích cao nhất là tuyên truyền cho cuộc vận động cách mạng của Đảng. Là một người cha, Học Phi cũng từng phải gánh chịu nỗi đau giống như nhiều gia đình Việt Nam khác. Ông đã mất 4 người con trong chiến tranh, trong đó có 2 con là liệt sĩ.

Ở tuổi thượng thọ 95, phải ngồi trên xe lăn vì căn bệnh loãng xương, nhưng đầu óc vẫn rất minh mẫn, Học Phi ngậm ngùi: "Tôi còn ở trần gian đây mà buồn lắm, vì giờ đây quanh tôi chỉ còn 3 đứa con. Trong đó có 2 văn sĩ là Hồng Phi và Chu Lai, và một cán bộ nhà nước".

Lớn lên trong gia đình có người cha làm văn nghệ, anh em Hồng Phi và Chu Lai được tiếp xúc với văn chương từ rất sớm. Chu Lai nhớ lại: "Cả nhà tôi khi đó sống chật chội trong không gian chừng hơn hai chục mét vuông, tôi có khi ngủ trong gậm giường vẫn nghe được những câu đàm đạo văn chương của cha và những người bạn văn nghệ cùng thời với ông như Thế Lữ, Đào Mộng Long. Những ngôn ngữ nghệ thuật ấy "nhập" vào anh em tôi từ tấm bé".

Sau này, trong làng kịch nghệ, Hồng Phi cũng đã trở thành một gương mặt tiêu biểu. Khác với "ông em" Chu Lai, người có một đời sống dường như "ồn ào" hơn, Hồng Phi rất kiệm lời và ưa thích sự yên lặng.

Chu Lai khởi đầu sự nghiệp là một diễn viên kịch. Anh từng vượt qua gần 6.000 đối thủ để trở thành diễn viên đoàn kịch quân đội và có tới 10 năm chuyên thủ vai các nhân vật phản diện trong các vở diễn của đoàn bởi vẻ ngoài "rất ngầu" của mình.

Chiến tranh nổ ra, cả nước mịt mù súng đạn. Thanh niên nườm nượp ra chiến trường theo lời kêu gọi của Tổ Quốc, chàng trai trẻ Chu Lai chợt nhận ra mình "vô duyên" biết bao khi hàng ngày son phấn nơi sàn diễn, trong khi bạn bè cùng lứa đang cầm súng ngoài trận địa.

Rồi Chu Lai xung phong vào chiến trường, dù gia đình muốn anh ở lại vì đã có 2 người anh trai đang chiến đấu ngoài mặt trận, bỏ lại tương lai có thể được đi học đạo diễn ở nước ngoài.

Chu Lai tham gia đánh giặc từ Bắc vào Nam, hơn 10 năm không viết thư về nhà. Những ký ức trận mạc anh không chia sẻ với một ai, và sau này nó được ngả hết vào các trang viết. 10 năm ấy, vượt qua bao nhiêu gian khổ, mất mát, chứng kiến bao nhiêu cái chết, và rất nhiều lần tiếng gọi quay về với đời diễn viên buồn vui dưới ánh đèn sân khấu đã cất lên, nhưng phẩm chất ngang tàng "rất Chu Lai" đã thắng.

Ngày giải phóng, vẫn đeo quân hàm chuẩn úy như ngày ra đi, Chu Lai ôm mộng trở thành sĩ quan tình báo. Nhưng ước mộng này ngay lập tức tan thành mây khói, cũng chỉ tại cái mặt "rất ngầu" của anh. "Cái mặt mà chỉ cần nhìn một lần người ta đã nhớ, còn tình báo nỗi gì?".

Vậy là chiến tranh thì đã ở lại sau lưng. Còn phía trước người lính là khoảng không vô nghĩa. 10 năm không một lá thư, đất nước hoàn toàn thống nhất đã 3 tháng mà không thấy Chu Lai về, gia đình "yên trí" anh đã hy sinh ở chiến trường. Người anh Hồng Phi mang một chút hy vọng mong manh, lặn lội vào Nam tìm cậu em. Và bất ngờ điện về cho cha thông báo: "Nó vẫn sống "nhăn răng" ở Biên Hòa, bố đừng lo".

Gặp lại anh trai và bố, Chu Lai đọc cho họ nghe truyện ngắn đầu tiên anh viết trong lúc chán chường của người lính hậu chiến. Truyện ngắn "Cô gái vùng ven", sau đổi thành "Kỷ niệm vùng ven" được nhà viết kịch Học Phi mang về sửa chữa đôi chút rồi gửi báo Văn nghệ.

Chu Lai bước chân thực sự vào văn nghiệp từ đó. Anh thú nhận: "Dường như chỉ có cái truyện được in đầu tiên đó làm tôi xúc động. Còn sau này, mọi thứ cứ như một công việc thường nhật. Cứ viết xong một tác phẩm là gặp cảm giác chán. Nhiều lúc muốn "rửa tay, lau bút".--PageBreak--

Nhờ cha chăm chút cho từng con chữ trong những tác phẩm đầu tiên, Chu Lai vướng vào "nghiệp chướng" văn chương (như anh từng nói). Nhớ lại kỷ niệm về vở kịch đầu tiên Chu Lai viết và được dàn dựng, cả bố và anh trai Hồng Phi cùng tới xem. Lúc về, vốn kiệm lời, Hồng Phi chỉ "phán" hai từ: "Được đấy". Còn nhà văn Học Phi thì im lặng. Ông "đòi" tới nhà ngủ với con trai một tối. Dù cha không nói câu gì, nhưng nhìn vào ánh mắt của cha, Chu Lai biết ông đã yên tâm về mình.

Trong gia đình có 3 cha con là nhà văn ấy, họ thực sự là những người bạn, những người đồng nghiệp của nhau. Tất nhiên, mỗi người đi một con đường riêng, bởi lẽ văn chương xưa nay thật khó để người nọ dạy cho người kia, như truyền bất cứ một nghề nào khác.

Với giọng hóm hỉnh, nhà văn Học Phi nói về "đồng nghiệp" Chu Lai thế này: "Tôi vẫn thích những cái truyện đầu tiên của "chàng". Nó đậm chất trữ tình. Về tiểu thuyết, thì cuốn "Ăn mày dĩ vãng" là vẫn còn một chút trữ tình. Càng về sau này "chàng" viết đốp chát nhiều quá, tôi không thích. Mà thực ra nó cũng không bao giờ hỏi ý kiến tôi cả. Nó trưởng thành rồi".

Không biết Chu Lai sẽ mỉm cười hay cau mày khi nghe nhận xét này của nhà văn Học Phi? Tôi nghĩ, hẳn anh cũng sẽ lại cười khoái chí như lúc ngồi kể lại một kỷ niệm mà anh không bao giờ quên. Đó là vào một dịp tết, mấy cha con ngồi cùng nhau, nhà văn Học Phi tỏ ra rất tâm đắc với tiểu thuyết "Xuống đường" mà ông vừa hoàn thành. Chu Lai "vênh váo" đùa rằng: "Bố buồn cười, đừng nói về tiểu thuyết trước mặt một tiểu thuyết gia nhé". Thế mà hôm sau Chu Lai nghe điện thoại mẹ anh gọi, góp ý: "Lần sau con đừng đùa như vậy nhé, bố buồn suốt đêm đấy".

Chu Lai là nhà văn có "mật độ" xuất hiện tương đối dày đặc trên báo chí. Anh là khuôn mặt hấp dẫn báo chí. Con người có vẻ ồn ào ấy lại tỏ ra chẳng hề mâu thuẫn khi tâm sự rất thật lòng, mình đang mắc bệnh không thích xuất hiện nơi đám đông. Một người "nghiện cô đơn". Cô đơn để được tự do với con chữ, với trang giấy. Và với yên tâm rằng không ai làm phiền tới mình.

Người ta rất dễ nhầm tưởng Chu Lai trong cái vẻ ngang tàng "không biết sợ gì" ấy. Thực ra thì cái gì cũng có thể "chạm" vào một tâm hồn nghệ sĩ. Và đã buồn là buồn rất lâu, là day dứt không yên. Để có được một không gian yên ổn, Chu Lai nghĩ, phải có một điều kiện cuộc sống tốt. Phải có nhiều sách báo, phương tiện để cập nhật thông tin và không bị xa rời cuộc sống. Và làm việc "như con trâu con bò" cũng là để minh chứng một điều rằng, văn sĩ thời nay không thể là "hàn sĩ".

Chu Lai là người có khả năng "thâm canh" các tác phẩm của mình. Anh viết tiểu thuyết, truyện ngắn, rồi từ đó chuyển thể thành kịch bản sân khấu, kịch bản phim. Nhưng đối với anh, đó chỉ là những khoảnh khắc "khỏa chân cho mát". Tham gia vào điện ảnh, sân khấu là những cuộc vui của Chu Lai, với ý nghĩ "nó cho mình thêm nhiều độc giả và một ít tiền để đảm bảo cuộc sống". Việc viết một cuốn sách thường không nuôi nổi nhà văn, nhưng anh thú nhận, những con chữ vẫn luôn tạo ra một sức quyễn rũ đặc biệt. Và chỉ những lúc ngồi trước trang giấy nhà văn mới có được cảm giác đang trở lại chính mình

Từ khóa » Chu Lai Bặc