Nhà Văn Đỗ Bích Thúy: Người đàn Bà Cao Nguyên Trên Cánh đồng Chữ

Đỗ Bích Thúy quê gốc ở Nam Định. Bố mẹ chị trước kia di tản lên Hà Giang và cũng ở mảnh đất cao nguyên đá, Đỗ Bích Thúy cất tiếng khóc chào đời. Được đi và đắm mình trong không gian văn hóa của các dân tộc, lại thêm năng khiếu cảm nhận văn chương trong hơn 4 năm làm ở báo Hà Giang, nên các tác phẩm văn xuôi về đề tài miền núi của Đỗ Bích Thúy nhiều hơn cả. Cũng bởi vậy mà đọc Đỗ Bích Thúy dễ lầm tưởng chị là nhà văn người Mông hoặc người Tày bởi đặc trưng văn hóa trong từng câu chuyện chị kể rất đặc sắc, tinh tế mà chỉ người con được rừng núi sinh ra mới viết được như thế.

nha van do bich thuy nguoi dan ba cao nguyen tren canh dong chu
Nhà văn Đỗ Bích Thúy và ấn phẩm “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” mới tái bản được thiết kế mỹ thuật đẹp hơn

Nữ nhà văn này bén duyên văn chương từ cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội 1988 - 1989 với chùm truyện ngắn “Sau những mùa trăng” - “Ngải đắng ở trên núi” - “Đêm cá nổi” và giành được giải Nhất cuộc thi này. Sau đó, những tập truyện như “Sau những mùa trăng”, “Những buổi chiều ngang qua cuộc đời”, “Ký ức đôi guốc đỏ”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” càng khẳng định nét riêng độc đáo của Đỗ Bích Thúy khi viết về vùng cao. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn từng nhận xét: “Nhờ đắm mình trong đời sống, hiểu cặn kẽ mọi ngóc ngách từ cảnh sắc, phong tục, tập quán, đến đời sống tính cách, tâm hồn và văn hóa của người dân vùng cao, với con mắt của người dưới xuôi, Đỗ Bích Thúy phát hiện được nhiều vẻ đẹp mà có khi chính người vùng cao không nhìn ra được...”.

Với sức viết bền bỉ, Đỗ Bích Thúy sở hữu gia tài đồ sộ hơn 20 đầu sách viết về chủ đề miền núi đa dạng về thể loại từ truyện ngắn, truyện vừa, tản văn đến tiểu thuyết. Trong đó, có những tác phẩm được chuyển thể thành phim, có tiếng vang lớn như “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” chuyển thể thành “Chuyện của Pao”, “Chúa đất”, “Người yêu ơi”… Cũng trên hành trình hơn 20 năm ở “cánh đồng văn chương” về đề tài miền núi, những tác phẩm của chị mang đậm hơi thở của cuộc sống vùng cao, với những con người, số phận ám ảnh trong khung cảnh miền núi đẹp hoang sơ, mơ màng.

Những trang văn đẹp hiện lên những phong tục tập quán của người Mông, người Tày; những lễ hội, tang ma, cưới xin, bằng những làn điệu dân ca độc đáo; hình ảnh người dân tộc thiểu số được hiện lên rõ nét: chân thật, giàu sức sống, tự trọng. Miền núi, cho đến giờ, với Đỗ Bích Thúy: “Vẫn là một vùng đất mà tôi vừa thuộc về vừa cảm thấy chưa bao giờ tôi hiểu nó đến tận cùng. Thế nên, cứ viết vậy thôi”.

Giữa tháng 4/2021, nhà văn Đỗ Bích Thúy khiến nhiều người bất ngờ khi “trình làng” bốn tác phẩm cùng một lúc tại Hà Nội. Đó là “Người yêu ơi” (tiểu thuyết), “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” (tập truyện ngắn), “Thương nhau như người thân” (tập tản văn), “Bóng của cây sồi” (tiểu thuyết). Trong đó “Người yêu ơi” và “Thương nhau như người thân” in lần đầu; “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” và “Bóng của cây sồi” tái bản. Cả 4 cuốn sách lần này đều được họa sĩ Lê Thiết Cương chăm sóc về mỹ thuật. Đỗ Bích Thuý kỳ vọng với sự giúp đỡ của Lê Thiết Cương, độc giả sẽ dần có được trong tay bộ sách xuyên suốt một phong cách mỹ thuật tối giản, tinh tế và sang trọng.

Đặc biệt, trong lần xuất bản này, tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, ngoài 2.000 bản in thường còn có 100 bản đặc biệt được đánh số từ 1-100, có các minh họa trên giấy dó của họa sĩ Lê Thiết Cương, các bản viết tay của tác giả. Thay vì in, phần tranh bìa và tên tác giả, tác phẩm được thêu trên vải lanh bọc bìa cứng. Bìa áo được in bằng giấy mỹ thuật chất lượng cao. Một phần tiền bán sách sẽ được chuyển thành quà tặng cho trẻ em miền núi, trong những dự án mà cả họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà văn Đỗ Bích Thuý đều đã dành nhiều tâm huyết trong những năm qua.

Tập “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” có truyện ngắn cùng tên được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng phim “Chuyện của Pao”, đoạt giải Cánh diều vàng năm 2005. Đây là một trong những tập truyện ngắn được bạn đọc yêu thích nhất của Đỗ Bích Thuý, bao gồm những tác phẩm chị viết gần như liên tục trong khoảng 3 năm. Với “Bóng của cây sồi”, đây là tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Bích Thuý. Bối cảnh câu chuyện được lấy từ chính ngôi làng Tày mà chị sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Một cuốn tiểu thuyết mang trong nó sự đắm đuối với văn hoá Tày và cả niềm nuối tiếc khi một vùng đất tuyệt đẹp dần dần biến mất vì sự xâm lấn của văn minh vật chất.

“Người yêu ơi” lại là tiểu thuyết được viết sau khi Đỗ Bích Thúy đã hoàn thành kịch bản điện ảnh cùng tên, đang chờ đưa vào sản xuất. Việc viết tiểu thuyết sau khi viết kịch bản dường như là một việc làm “ngược” so với thông lệ. Nhưng Đỗ Bích Thuý thì viết kịch bản xong mới viết tiểu thuyết. Chị cho rằng, viết cái gì trước cái gì sau không quan trọng. Quan trọng là ở mỗi thể loại chị có thể thực hiện những ý đồ khác nhau. Có những điều chỉ kịch bản làm được, có những điều chỉ văn học làm được.

Đó là lý do mà đã có kịch bản điện ảnh rồi chị vẫn muốn viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết mới có thể thoả mãn nhiều ý đồ khác của nhà văn mà kịch bản thì không thể. Ở cuốn tiểu thuyết mới nhất này, Đỗ Bích Thuý mang tới một nỗi buồn sâu thẳm, nhưng không tuyệt vọng. “Người ta không chỉ cần phải biết là mình đang có gì, mà còn phải biết là mình đang không có gì trong cuộc đời” - nhà văn Đỗ Bích Thuý chia sẻ, sau 5 cuốn tiểu thuyết đã in, cuốn thứ 6 vẫn được dành để viết về tình yêu - nỗi khát khao lớn nhất của con người.

“Thương nhau như người thân” là tập tản văn, tuỳ bút - thể loại mà Đỗ Bích Thuý rất đắm đuối. Cuốn sách gồm nhiều bài viết được tác giả ghi lại sau những chuyến đi, sau những cuộc gặp gỡ, hoặc chỉ là sự cảm nhận giản dị trong trạng thái điềm tĩnh về cuộc sống. Cuốn sách này không chỉ có các bài viết mà còn in kèm rất nhiều những bức ảnh do tác giả chụp.

Với việc ra mắt cùng lúc 4 cuốn sách, Đỗ Bích Thuý nói rằng, cho đến giờ thì chị mong muốn bạn đọc không chỉ được đọc những cuốn sách là sản phẩm của lao động văn chương thực thụ, mà còn là những cuốn sách đẹp.

Từ khóa » đỗ Bích Thúy Truyện Ngắn