Nhà Văn Đỗ Bích Thúy Ra Mắt 4 Cuốn Sách

Sau tròn 20 năm sống và làm việc tại Hà Nội, nhà văn Đỗ Bích Thúy đã xuất bản 21 cuốn sách. Trong đó có 6 tiểu thuyết, các tập truyện ngắn, tản văn, truyện thiếu nhi. Phần lớn các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy viết về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi. Có một điều đặc biệt trong sự nghiệp của Đỗ Bích Thúy đó là hầu hết những tác phẩm viết về đề tài miền núi suốt hơn 20 năm qua đều được viết khi cô đang ở dưới miền xuôi, từ khi rời xa quê hương Hà Giang xuống Hà Nội học đại học.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Đỗ Bích Thúy là một cây bút đặc biệt về đề tài nông thôn, miền núi. Ở thành thị nhiều năm nhưng Đỗ Bích Thúy vẫn luôn sống trong những ký ức về nông thôn, miền núi và dồn tất cả vào những trang viết như cách để trở về với nơi mình sinh ra, nuôi lớn mình, để cân bằng với cuộc sống.

4 cuốn sách được nhà văn Đỗ Bích Thúy ra mặt độc giả gồm: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Bóng của cây sồi”, “Người yêu ơi” và “Thương nhau như người thân”

4 cuốn sách được nhà văn Đỗ Bích Thúy ra mặt độc giả lần này gồm: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, “Bóng của cây sồi” (tái bản), “Người yêu ơi” (tiểu thuyết cùng tên với kịch bản phim) và tản văn “Thương nhau như người thân”. Trong đó có hai cuốn tái bản và hai cuốn in lần đầu. Hai cuốn tiểu thuyết, một tập truyện ngắn và một tập tản văn.

“Bóng của cây sồi” là tiểu thuyết đầu tay của Đỗ Bích Thúy. Bối cảnh câu chuyện được lấy từ chính ngôi làng Tày mà chị sinh ra và lớn lên ở Hà Giang. Tiểu thuyết mang trong đó sự đắm đuối với văn hóa Tày và cả niềm nuối tiếc khi một vùng đất tuyệt đẹp dần dần biến mất vì sự xâm lấn của văn minh vật chất. Những câu chuyện xoay quanh cuộc sống của người Dao ở thung lũng Lao Chải - nơi có rất nhiều sồi, sồi mọc khỏe khoắn và kiêu hãnh từ rừng đại ngàn trở ra cho đến sát với những nương đồi trồng lúa và sắn.

Tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” có truyện ngắn cùng tên từng được đạo diễn Ngô Quang Hải chuyển thể thành kịch bản và dựng phim “Chuyện của Pao” - giành Giải Cánh diều vàng năm 2005. Đây là một trong những tập truyện ngắn được bạn đọc yêu thích nhất của Đỗ Bích Thúy, bao gồm những tác phẩm chị viết gần như liên tục trong khoảng ba năm kể từ sau khi đoạt Giải nhất Cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1998 - 1999) 21 truyện ngắn trong tập truyện này của Đỗ Bích Thúy đưa người đọc trở về thiên nhiên Tây Bắc thật lộng lẫy.

Tiểu thuyết “Người yêu ơi” được viết sau khi tác giả đã hoàn thành kịch bản điện ảnh cùng tên, đang chờ được đưa vào sản xuất. Còn “Thương nhau như người thân” gồm nhiều bài viết được tác giả ghi lại sau những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, hoặc chỉ là sự cảm nhận giản dị trong trạng thái điềm tĩnh về cuộc sống. Cuốn sách này không chỉ có các bài viết mà còn in kèm rất nhiều những bức ảnh do tác giả chụp.

Với việc ra mắt cùng lúc 4 cuốn sách, Đỗ Bích Thúy nói rằng, cho đến giờ thì chị mong muốn bạn đọc không chỉ được đọc những cuốn sách là sản phẩm của lao động văn chương thực thụ, mà còn là những cuốn sách đẹp. Do đó, trong lần xuất bản này, 1 trong 4 cuốn, tập truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”, ngoài 2.000 bản in thường còn có 100 bản đặc biệt được đánh số từ 1-100. Bản đặc biệt có các minh hoạ trên giấy dó của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, các bản viết tay của tác giả. Thay vì in, phần tranh bìa và tên tác giả, tác phẩm được thêu trên vải lanh bọc bìa cứng. Bìa áo được in bằng giấy mỹ thuật chất lượng cao. Đây là một món quà đặc biệt được hoạ sĩ và nhà văn dành cho những bạn đọc có nhu cầu sưu tầm sách đẹp.

Từ khóa » đỗ Bích Thúy Truyện Ngắn