Nhạc Cụ “Sáo ôi” Của Người Mường được Bảo Tồn Và Phát Huy Từ ...

TS.Bùi Văn Hộ

            Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, là trường trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch quản lý. Trường được thành lập ngày 17 tháng 12 năm 1965 tại Bản Ca, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Trường được chuyển về tỉnh Hòa Bình năm 1972 (xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình).

Hòa Bình là một tỉnh miền núi, là cửa ngõ miền Tây Bắc của tổ quốc, có rất nhiều những danh lam thắng cảnh, với nền văn hóa Hòa Bình nổi tiếng và lâu đời. Hòa Bình được coi là cái nôi ra đời của loài người thời tiền sử, cái nôi của văn minh Việt cổ, có nhiều di tích, di chỉ cư trú của con người thời tiền sử đã được các nhà khoa học trên thế giới thừa nhận. Người Mường có một kho tàng về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là về âm nhạc, trong âm nhạc người Mường có nhiều loại nhạc cụ truyền thống, nhiều những làn điệu dân ca đằm thắm và thiết tha cùng với những nét giai điệu dân nhạc vui nhộn, lạc quan… nhưng tiêu biểu hơn cả phải nói đến Chiêng Mường và nhạc cụ Sáo ôi. Sáo ôi ngày nay đã được nghiên cứu, phát triển và là một bộ môn chính thức đưa vào giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc.

Hòa Bình là mảnh đất có nhiều dân tộc cư trú, trong đó có 06 dân tộc chủ yếu là: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông, trong 06 dân tộc anh em cùng chung sống trên mảnh đất ấy, người Mường là chủ nhân đầu tiên của vùng đất này. Từ xa xưa, tổ tiên người Mường đã khai phá và sinh sống tập trung ở vùng đất này, hình thành nên nền văn hóa Hòa Bình. Từ một nền văn hóa thời tiền sử đã được giới khoa học trên thế giới công nhận và trở thành cái mốc lớn, văn hóa Hòa Bình dù trải qua biết bao thăng trầm, biến cố của lịch sử cho đến ngày nay vẫn được tồn tại bền vững như sự tồn tại của chính những chủ nhân đã sinh ra nó. Với truyền thống văn hóa văn nghệ lâu đời, dân tộc Mường đã góp phần làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng cho nền văn hóa, nghệ thuật âm nhạc nước nhà và tạo nên nền văn hóa, văn nghệ tốt đẹp của cả dân tộc Việt Nam. Văn hóa dân tộc Mường mang nhiều màu sắc khác nhau. Về văn hóa, nghệ thuật âm nhạc, đặc biệt là các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường rất phong phú và đa dạng. Khi nói đến nhạc cụ dân tộc Mường, một loại nhạc cụ không thể không nhắc đến đó là Chiêng. Chiêng Mường được sử dụng rất phổ biến, Chiêng là một biểu tượng thiêng liêng của người Mường, chính vì vậy mà nó không thể thiếu được trong sinh hoạt cộng đồng của người Mường, ngoài ra còn một loại nhạc cụ khác được người Mường cất giữ, bảo tồn và quý trọng, đó là sáo ôi, sáo ôi được người Mường gọi bằng từ (ống ôi hay kháo ôi). Sáo ôi là một loại nhạc cụ có xuất sứ từ dân tộc Mường, qua nhiều câu truyện dân gian, truyện truyền thuyết hết sức cảm động của người Mường, kể về sự ra đời của sáo ôi. Từ lúc ban đầu, sáo ôi rất mộc mạc và đơn sơ, dần dần sáo ôi đã được các thế hệ ông cha của dân tộc Mường sáng chế ra một cách khéo léo, tài tình và đã được các bậc nghệ nhân truyền dạy từ đời này, qua đời khác, cho đến tận ngày nay. Trong thời kỳ hiện đại, trong thời kinh tế hội nhập sáo ôi vẫn đang được đứng vững và đang được tồn tại trong đời sống sinh hoạt cộng đồng người Mường, sáo ôi luôn được các thế hệ ông cha giữ gìn, bảo tồn và phát triển. Sáo ôi hiện nay đã được nghệ nhân của người Mường nâng lên một tầm cao mới, nó có thể biểu diễn các tác phẩm trong nước và ngoài nước. Về tính năng nhạc cụ, sáo ôi ngày nay đã được đổi thay nhiều so với sáo ôi cổ. Để có được sự cải tiến, nâng cao và để có được sự thành công đó phải kể đến công lao của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc, anh là người dân tộc Mường, được sinh ra và lớn lên trong một làng quê nghèo, là một trong bảy xã vùng Cộng Hòa của huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình, đó là xã Văn Nghĩa (Thuộc vùng Mường Vang của tỉnh Hòa Bình) Trong thời chế độ Lang đạo, địa chủ Phong kiến, huyện Lạc Sơn được phân ra thành ba vùng lớn, vùng Đại Đồng, vùng Quyết Thắng và vùng Cộng Hòa. Bảy xã vùng Cộng Hòa được gọi chung là vùng Mường Vang, (Nhất Bi – Nhì Vang – Tam Thàng – Tứ Động). Nghệ sỹ Quách Thế Chúc được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có truyền thống về âm nhạc, anh là một nghệ nhân, đã từng là giáo viên giảng dạy bộ môn sáo ôi tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, nơi đây là nôi đào tạo âm nhạc cho con em các dân tộc vùng Tây Bắc của tổ quốc. Anh Quách Thế Chúc đã sinh ra và được thừa hưởng những tinh hoa nghệ thuật âm nhạc dân gian Mường từ thủa mới lọt lòng. Chính vì vậy, với sự đam mê âm nhạc, bản năng, năng khiếu về âm nhạc sẵn có, anh đã luôn miệt mài và không ngừng tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế đưa sáo ôi dân tộc Mường lên một tầm cao mới, để luôn đáp ứng kịp với sự phát triển âm nhạc trong thời kỳ hiện đại. Sáo ôi cổ chỉ có bốn lỗ bấm vì vậy, âm thanh của nó phát ra chỉ có năm nốt, nhưng với sự say xưa, đam mê âm nhạc và sự khéo léo, tài tình từ đôi bàn tay vàng của nghệ nhân Quách Thế Chúc, do vậy, sáo ôi ngày nay hoàn toàn có thể sánh vai với các loại nhạc cụ hơi nói chung.

Để có được một sáo ôi mang dáng vóc thời đại nhưng vẫn giữ được cái hồn của người Mường là nhờ công lao của nghệ nhân Quách Thế Chúc. Anh Chúc kể về cách làm một chiếc sáo ôi sao cho hay, các kỹ thuật … của sáo ôi được nâng cao, anh đã phải rất công phu, cẩn thận lựa chọn một cách thật tỉ mỉ, từ lúc ban đầu cho đến khi hoàn thành một chiếc sáo ôi được cải tiến như ngày nay. Muốn có một chiếc sáo ôi tốt, chất lượng, trước hết phải biết chọn lựa một cây nứa thật như ý, nên chọn lấy loại cây nứa nào?. Từ lúc chọn cây đến khi hoàn thành, theo như quy trình làm của nghệ nhân Quách Thế Chúc phải tuần tự tiến hành các bước sau:

– Trước hết phải cần lựa chọn một cây nứa mọc ở phía đông và ngọn của nó cũng hướng thẳng về phía đông.

– Cây nứa phải là một cây nứa “khèng” (cây nứa sành, nứa tép già).

– Thân của cây nứa đó có đường kính 1,5 cm, chiều dài của ống từ đốt này tới đốt kia phải đảm bảo độ dài từ 68 cm đến 70 cm.

– Phải là một cây nứa già, thân của nó không phải là màu xanh mà thân của nó phải hơi ngả sang màu vàng hoặc ngả sang màu vàng óng càng tốt.

– Một việc quan trọng nữa là cây nứa đó không được cụt ở phần ngọn. Sau khi đã lựa chọn được một cây nứa đủ các tiêu chí như đã nói ở trên, chặt cây nứa đó mang về và lấy hai đoạn ống thẳng nhất mang phơi cho thật khô, sau khi thân cây đã được phơi khô công việc tiếp theo được tiến hành từng bước như sau:

– Cắt sát đốt của đoạn ống dài (tính từ đốt này đến phần cắt sát đốt kia có chiều dài 68 cm đến 70 cm)

– Cắt phần ống còn lại của đầu kia để dư lại 7 cm (Tính từ đốt giữa ngược lại, tức là để lại đốt giữa, một bên là 70 cm và một bên là 7 cm)

– Cắt hai đầu sao cho thật đều, bằng phẳng sau đó dùng mũi dao nhọn khoét thành các lỗ. Lỗ đầu tiên khoét sát vào giữa đốt, nhưng không để thông hết đốt chỉ cần một chút sâu 2 mm để khi thổi hơi được truyền thông từ đầu ống bên trên xuống ống bên dưới.

– Đo chiều dài của ống 70 cm chia đôi (tức 35 cm) khoét vào đấy một lỗ, sau đó chẻ một cái lạt mỏng mềm để đo vanh của thân cây sáo và lấy chiều dài của vanh (đường tròn) cây sáo đó làm khoảng cách các lỗ với nhau.

– Khoét thành 4 cái lỗ từ giữa ống trở xuống, lỗ ở chính giữa được khoan ở phía dưới ống (lỗ này dùng ngón cái để bấm ngược lên), còn 3 lỗ còn lại nằm ở phía trên mặt ống, mỗi lỗ cách nhau chính là chiều dài đo vanh của thân cây và 4 lỗ, 4 lỗ chính dùng để điều chỉnh âm thanh phát ra.

– Toàn bộ thân sáo được khoét thành 7 lỗ, 4 lỗ chính (dùng để điều chỉnh âm thanh), 2 lỗ ở hai bên đốt thông nhau để hơi từ đốt này sang đốt kia và một lỗ được khoan ở phía dưới cùng (đuôi) của chiếc sáo, lỗ này dùng để treo hoặc móc trên tường nhà.

–  Sáo ôi ngày nay được khoét thành 10 lỗ chính, 2 lỗ để thông hơi ở trên đốt, 1 lỗ được khoét ở chính giữa phía mặt dưới (dùng ngón tay cái để bịt) 6 lỗ tiếp theo được khoét ở trên mặt và sau cùng là 1 nốt được khoét ở bên cạnh của sáo, lỗ này dùng ngón út tay cầm phía dưới để bấm.

– Một khâu cuối cùng phải làm là, sáo ôi cổ dùng bằng lá chuối để bịt nhưng ngày nay nghệ nhân Quách Thế Chúc dùng bằng băng dính đen để bịt lỗ ở chỗ đốt giữa, chỉ để hở ra một chút. Khoét phía đầu ngắn (Phía đầu thổi) để cho hơi không thoát ra ngoài, khi thổi, hơi từ đầu ống trên xuyên thẳng xuống ống đầu bên dưới (Phía ống dài) từ đó hơi thổi tạo ra âm thanh, người ta dùng 4 ngón tay (ngày nay được dùng 8 ngón) để bấm và điều chỉnh các lỗ theo độ vang cao thấp của sáo, điều khiển theo ý mình muốn.

  • Cấu tạo của một chiếc Sáo ôi cổ

– Tổng chiều dài của cây sáo là 77 cm.

– Phía ống ngắn, từ đốt lên đến đầu thổi có chiều dài là 7 cm

– Phía ống dài, từ đốt đến hết ống có chiều dài là 70 cm.

– Khoét thành 7 lỗ. 1 lỗ được khoét ở chính giữa đốt, để khi thổi hơi từ ống trên xuyên qua đốt xuống ống dưới tạo ra âm thanh, lỗ này, dùng lá chuối để bịt một nửa lỗ ở chỗ đốt.

1 lỗ được khoét ở giữa nửa phần ống dưới và 3 nốt tiếp theo, mỗi một lỗ cách nhau bằng chính cái vanh của thân cây sáo đó và 2 lỗ còn lại được khoét xuyên ngang qua nhau ở phía dưới cách đầu cuối cùng của ống 1 cm (dùng để treo, móc trên vách nhà).

– Sáo ôi cổ có 4 lỗ chính dùng để bấm, 5 nốt chính là: (Hò, sự, sang, xê, cống).

Untitled-1

* Cấu tạo của sáo ôi mới (do nghệ nhân Quách Thế Chúc cải tiến)

– Tổng chiều dài của cây sáo là 77 cm.

– Phía ống ngắn, từ đốt lên đến đầu thổi có chiều dài là 7 cm

– Phía ống dài dùng để bấm từ đốt đến hết chiều dài của ống là 70 cm.

– Khoét thành 9 lỗ. 1 lỗ được khoét ở chính giữa đốt (dùng để thông hơi từ đốt này sang đốt kia). còn lại khoét tiếp 1 lỗ ở chính giữa ống, phía dưới mặt ống (dùng ngón cái để bấm ngược lên) còn 6 nốt được khoét ở phía trên mặt ống. 1 nốt còn lại được khoét ở dưới cùng, phía bên cạnh ống (dùng ngón út để bấm).

Untitled-1

       Sáo ôi khi đã được cải tiến thành 8 lỗ bấm, các nốt của nó giống như sáo trúc 6 lỗ thổi ngang. Âm thanh được phát ra là: Đồ, Rê, Mi, Fa, Son, La, Si. Tiếng sáo ôi phát ra nghe rủ rỉ, man mát, dịu dàng, êm ái, có một sắc thái riêng biệt của nó. Sáo ôi khác với sáo trúc, sáo ôi dùng thổi đệm cho hát các làn điệu dân ca Mường rất phù hợp, vì âm thanh của sáo ôi phát ra rất đằm thắm, thiết tha, hai âm thanh đó cùng phát ra nghe thật não nề, thương nhớ. Chính vì vậy mà tiếng sáo ôi của người Mường được ví thay cho tiếng gọi lòng, tiếng gọi của tình yêu đôi lứa.

Nhìn từ góc độ văn hóa dân gian, sáo ôi có xuất sứ từ dân tộc Mường, sáo ôi mang đậm nét văn hóa của dân tộc Mường, là một loại nhạc cụ mang hình giáng đơn sơ, có âm thanh hết sức đặc biệt. Từ bản chất âm thanh của sáo ôi được phát ra nghe thật não nề, thương nhớ, nghe đâu đó văng vẳng xa xa lại gần gần, thì thầm, lúc to lúc nhỏ, âm thanh đó làm cho người nghe luôn luôn thương, luôn luôn nhớ cái tiếng sáo ôi…! Ơi…! Như kêu như gọi trong lòng bạn ơi …em ơi… những tiếng sáo ôi được cất lên văng vẳng đâu đó, nghe lúc xa lúc gần đã làm cho các cô gái Mường ở trong nhà đứng ngồi không yên. Kể cả trong những lúc đang làm ngoài đồng áng hay những lúc đêm nằm, tiếng sáo ôi vẫn cứ văng vẳng bên tai, những lời tỏ tình thương nhớ ấy đã làm cho các cô gái Mường luôn bày tỏ lòng mến yêu vô bờ bến. Sáo ôi là một loại sáo được dùng để thổi dọc và sơ khai của cây sáo ôi chỉ có 4 nốt bấm (5 nốt nhạc) chính vì vậy mà tính năng của nó có phần hạn chế. Trải qua bao nhiêu thời gian năm tháng, các thế hệ của người Mường đã luôn luôn không ngừng cải tiến nâng cao, phát triển để sáo ôi đạt tới một tầm cao như ngày hôm nay. Công lao này là của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc đã có công cải tiến và đưa sáo ôi của dân tộc Mường tới một đỉnh cao mới. Hiện nay sáo ôi đã được nghệ nhân Quách Thế Chúc cải tiến và phát triển thành 8 lỗ bấm và đủ 7 âm bình quân (Đồ – Rê – Mi – Fa – Son – La – Si). Vì vậy tính năng của sáo ôi cũng không thua kém gì các loại nhạc cụ khác như kỹ thuật: tr…luyến, láy, láy đơn, láy kép, vuốt ngón …Có thể thổi các bài có kỹ thuật khó, có tốc độ nhanh… sáo ôi vẫn đạt tới các kỹ năng về âm nhạc. Sáo ôi đã dần dần khẳng định vị thế của mình, không những chỉ riêng với người Mường mà ngày nay sáo ôi đã lan tỏa đi khắp nơi, nó đã xuất hiện không chỉ trong đời sống lao động, trong sinh hoạt cộng đồng của dân tộc Mường mà sáo ôi ngày nay đã được xuất hiện trên cả sân khấu chuyên nghiệp, trong các trường văn hóa nghệ thuật. Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc đã đưa sáo ôi vào giảng dạy chính khóa trong nhà trường, do nghệ nhân, giảng viên Quách Thế Chúc trực tiếp giảng dạy. Trong các cuộc hội diễn chuyên nghiệp, sáo ôi cũng đã đoạt được rất nhiều huy chương bạc. Như trong hội diễn toàn miền Bắc năm 1962, tác phẩm được nhà sưu tầm về văn hóa Mường Bùi Thiện (Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) sưu tầm, biên soạn và do chàng trai Mường Bùi Quyển (Văn nghĩa, lạc Sơn, Hòa Bình) trình diễn đã đoạt được huy chương Bạc. Tiếp theo là hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, năm 1995 do nghệ sỹ Quách Thế Chúc đoàn nghệ thuật tỉnh Hòa Bình biểu diễn và đoạt huy chương Bạc, liên tiếp cho đến năm 1999 năm 2004 Quách Thế Chúc đều đã đoạt huy chương Bạc trong những cuộc hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Đặc biệt gần đây nhất Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc Liên hoan ca múa nhạc và triển lãm mỹ thuật học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc, được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng năm 2005, em Bùi Văn Cảnh là học sinh học chuyên ngành sáo ôi, em là học sinh khóa đầu tiên thuộc khoa Âm nhạc trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật Tây Bắc do nghệ sỹ Quách Thế Chúc trực tiếp giảng dạy, với tiết mục độc tấu sáo ôi “Tiếng sáo bản mường” sáng tác Quách Thế Chúc và em Bùi Văn Cảnh đã đoạt huy chương bạc.

Như vậy, sáo ôi không những chỉ được lưu truyền qua các thế hệ của người Mường, mà ngày nay sáo ôi đã trở thành một loại nhạc cụ được phổ biến và có mặt trong làng âm nhạc chuyên nghiệp, được đào tạo một cách bài bản, chính quy trong nhà trường chuyên nghiệp. Điều đó đã khẳng định vị thế, sự phát triển và tầm quan trọng của sáo ôi trong nền văn hóa, nghệ thuật nói chung và với nhạc cụ truyền thống nói riêng. Sáo ôi đã góp phần làm tăng thêm sự phong phú, đa dạng của nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Sáo ôi đạt được một tầm cao mới, xứng danh với các loại nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, điều đó, công lao đó không thể không nhắc tới nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc, anh chính là người làm sống lại nhạc cụ sáo ôi, làm phong phú thêm cái hồn sáo ôi của dân tộc Mường và chính anh là người đưa nhạc cụ sáo ôi lên đứng trên một vị trí mới cao hơn.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, tiếng sáo ôi vẫn vang lên trong bom đạn, vẫn cùng các chàng trai Mường theo dọc nẻo đường Tây Bắc, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, sáo ôi vẫn đứng vững và sáo ôi vẫn tồn tại một cách bền bỉ, thầm lặng, bình thản như chính âm thanh của bản thân nó phát ra vậy. Khi bước sang thập kỷ 90 của thế kỷ XX, sáo ôi đã được nghệ nhân Quách Thế Chúc cải tiến nâng lên một tầm cao mới, từ sáo ôi 4 lỗ nay đã được cải tiến thành 8 lỗ, từ một sáo ôi chỉ được dùng để thổi ngẫu hứng, thổi các bài dân ca Mường hay đơn giản là chỉ đệm cho hát các bài dân ca Mường. Từ một nhạc cụ chỉ mang tính nghiệp dư, giờ đây sáo ôi đã xứng đáng để được đứng trong hàng nhạc cụ chuyên nghiệp. Hiện nay, sáo ôi đã có mặt ở khắp nơi và đã được công chúng chấp nhận, không những chỉ ở người Mường, hay các dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, mà cả những người nước ngoài họ cũng đã đồng cảm với tiếng sáo ôi. Sáo ôi không chỉ có độc tấu, đệm cho hát mà sáo ôi ngày nay còn được các nhạc sỹ sử dụng trong dàn nhạc giao hưởng như tác phẩm “Bóng núi không tan” của nhạc sỹ Tống Hoàng Long. Đã có đoạn viết solo dành cho sáo ôi, hay như tác phẩm “Hòa tấu sáo trúc, sáo ôi cùng dàn nhạc giao hưởng” của nhạc sỹ Trần Ngọc Dũng, do chính nghệ sỹ, thầy giáo Quách Thế Chúc thổi cùng dàn nhạc giao hưởng.

Nhờ được sự quan tâm, động viên và được sự chỉ đạo đúng hướng của cấp Ủy, Ban Giám hiệu trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, anh Quách Thế Chúc đã không phụ lòng và không ngừng tìm tòi để áp dụng các kỹ thuật đưa vào giảng dạy cho học sinh học bộ môn sáo ôi taị trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc.

Sáo ôi được như ngày nay là do đôi bàn tay khéo léo, tài tình của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc, nguyên là giáo viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc gọt giũa và không ngừng cải tiến nâng cao. Cho đến nay, sáo ôi đã không ngừng phát triển để theo kịp sự đi lên của nền âm nhạc nước nhà. Sáo ôi đã khẳng định được diện mạo của mình, sáo ôi đã không phụ lòng với thế hệ ông cha, các bậc nghệ nhân của người Mường cũng như công lao hết sức to lớn của nghệ nhân, thầy giáo Quách Thế Chúc. Chính vì vậy, sáo ôi sẽ không dừng lại ở đây mà vẫn còn phát triển mãi mãi để đáp ứng kịp với thời kỳ hiện đại, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay.

RelatedPost

Thông báo đăng ký dự thi “Tiếng hát Hà Nội 2... Hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2021-2022... Lịch thi Hướng dẫn học sinh sinh viên làm thủ tục nhập học ...

Từ khóa » Nhạc Cụ Dân Tộc Mường Hòa Bình