Nhạc Jazz Và Các Thể Loại Nhạc Jazz Học Viện âm Nhạc SEAMI #1

Nhạc Jazz và các (biến) thể loại nhạc Jazz

Jazz, thể loại rất chill, phủ lên mình một màu sắc sang trọng ẩn chứa trong những giai điệu du dương ma mị, những cung âm khác lạ và đầy cuốn hút. Là một người yêu âm nhạc, chắc hẳn các bạn ở đây đều đã từng nghe qua một tác phẩm Jazz, dù cho đó là ca khúc hay nhạc không lời, dù là bên một ly Jack Daniel một tối chill trong Pub hay một tách cà phê một chiều nhạt nắng. 

Bài viết này sẽ không đi sâu vào những định hướng mang tính “mặc định” cho các bạn về Jazz, bởi lẽ làm thế sẽ khiến Jazz mất đi khả năng gợi hình vô tận từ những chuyển động âm thanh luôn khác biệt của mình. Dưới đây chỉ là một số những đúc kết được truyền đạt lại từ Nhạc sĩ – ca sĩ Lưu Thiên Hương về các nét tính chất đặc trưng của một số thể loại nhạc Jazz hiện đang phổ biến trên thị trường hiện nay. 

Một số sơ lược về Jazz

Những nghiên cứu về Jazz dẫn về tới cuối thế kỷ thứ 19, tầm những năm 1865. Nhạc Jazz được bắt nguồn từ cộng đồng người Mỹ gốc Phi tại bang Louisiana, Hoa Kỳ. Ban đầu, thứ âm nhạc này được xem là một sự pha trộn giữa nhạc Blues và Ragtime. Dần dà, Jazz được phát triển nên thành một thể loại âm nhạc độc lập và các cá tính riêng biệt của mình. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất trong Jazz là các chuỗi liên ba nốt đi xuống theo chiều Decrescendo. Để tìm hiểu rõ hơn về 2 thuật ngữ này, các bạn có thể tìm đọc thêm một số tài liệu nhạc lý khác của SEAMI.

Thời kỳ phát triển hoàng kim của Jazz có thể được xếp vào tầm những năm 1920 đến 1935, khi dân Mỹ vô cùng yêu chuộng thể loại âm nhạc này. 2 tên tuổi lớn nhất của thời đại này có thể kể đến Louis Armstrong (sức ảnh hưởng đến mức thành phố New Orlean đã mượn tên ông để đặt tên cho sân bay) và Ella Fitzgerald. Jazz thậm chí bước nhanh vào kinh đô nhạc kịch Broadway của thế giới, với hàng loạt các vở nhạc kịch được viết với màu sắc Jazz là âm nhạc chủ đạo, điển hình như Chicago, An American in Paris. Đương nhiên, từ đó đến nay, Jazz chưa bao giờ không phải là nguồn cảm hứng cho các thể loại phim âm nhạc. Chắc hẳn các bạn đều đã nghe đến bộ phim La La Land rồi chứ nhỉ.

Ở thời đại này, Jazz không còn là một thể loại âm nhạc thị trường hay một xu hướng nữa, mà đã bắt đầu bước chân vào hàng ngũ thể loại âm nhạc hàn lâm, được nghiên cứu và giảng dạy tài nhiều trường âm nhạc và Nhạc viện trên toàn thế giới, trong đó có cả Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh, đại học Mahidol của Thái Lan. Jazz không còn gói gọn trong thể loại ca khúc, hay trong một số nhạc cụ đặc trưng như Contrebass, Trumpet và Saxophone. 

Phần 2 của bài viết này sẽ liệt kê ra một số thể loại Jazz mang màu sắc hiện đại hơn, mà có thể bạn đã từng nghe qua nhưng không nhận ra đây là Jazz.

Một số thể loại Jazz hiện đại

SMOOTH JAZZ

Âm nhạc thể loại này chú trọng đến độ mượt mà và êm ả của tổng thể tác phẩm. Các bản phối Smooth thường chú trọng đến sự du dương thư giãn cho người nghe, cuốn hút họ bằng sự dịu dàng uyển chuyển, của những bước hòa âm tưởng chừng rề rà nhưng mang đến một sự tưởng tượng phong phú, khả năng tự thân sáng tạo rất lớn nếu bạn có khả năng ngâm nga theo giai điệu hay vô tình hứng lên ứng tấu một khúc solo theo phần hòa âm. Nó chú trọng đến sự tự do trong cách nhấn nhịp, hơn là những đặc trưng về hòa âm nghịch của Jazz chính quy. Nhưng có lẽ cũng chính vì vậy mà Smooth đôi khi bị đánh giá rằng không phải là Jazz chính thống.

Au lang syne

Silent night

COOL JAZZ

Được ra đời với nhu cầu thị trường hóa lên thể loại âm nhạc khá kén người nghe này. Trên thực tế, Cool Jazz khá gần gũi với các thể loại khác như Pop, Hawaian, Jamaican. Nhịp độ của Cool Jazz thường dễ nghe và tạo cảm giác thư giãn, ít dồn dập hơn các thể loại nêu trên. Tuy nhiên, để người nghe có thể dễ dàng đi theo giai điệu và vòng hòa âm, các bản phối Cool Jazz thường được xây dựng khá…”chỉnh chu” và quy cách hơn các bản phối truyền thống. Đây cũng là style nhạc ưa dùng khi các nghệ sĩ chọn để Cover lại một tác phẩm đã có tiếng tăm khác theo phong cách Jazz.

Can’t take my eyes off you

Chúng ta của hiện tại (cover)

Một playlist Cool bạn có thể vô tình bắt gặp trong các quán café

ACID JAZZ

Nếu bạn là một tín đồ Lounge, có thể rằng Acid không hề xa lạ với bạn. Không quá êm đềm như Cool, Acid có tiết tấu nhanh hơn, thôi thúc hơn với sự kết hợp nhiều âm nhạc điện tử, đặc biệt là synthesizer. Về mặt nào đó, Acid và Funk khá gần gũi và thường được đánh đồng chung với nhau. Tuy nhiên, Acid lại chú trọng vào độ nhịp nhàng và phần phối điện tử hơn. Và có lẽ, bởi tính thôi thúc của mình, bạn có thể vô tình bắt gặp được Acid Jazz trong một… quảng cáo nào đó cũng nên.

FUNK JAZZ

Tới đây thì bạn bạn bắt đầu đi vào những sự ngẫu hứng khá đặc trưng có thể thấy trong Jazz, về cả mặt nhịp độ và biến tấu trong giai điệu. Vẫn giữ một nền hòa âm có màu sắc khá điện tử, những nét tiết tấu thường nhanh, Funk chú trọng hơn tới tiếng Guitar và sự ngẫu hứng của nhịp gõ. Funk thường được ưu chuộng thể hiện bởi nhạc cụ Solo như Saxophone hơn là bởi ca sĩ. Nếu bạn thích nhạc cụ kèn, guitar, đây có lẽ là một Style lựa chọn phù hợp để bạn cover lại tác phẩm yêu thích của mình.

SWING JAZZ

Và đây rồi, thể loại có lẽ đang được yêu thích và thịnh hành nhất trên thị trường hiện nay.Có ai trong chúng ta mà chưa từng xem qua Tom and Jerry nhỉ? Có gợi cho các bạn tí ấn tượng nào không? Đấy, các bạn đang dần mường tượng ra được Swing rồi đấy. Mọi người có thể biết đến Swing Jazz qua một cái tên cũng thông dụng không kém khác là Juke Box. Swing ra đời khoảng tầm thập niên 40s, với tiết tấu cực nhanh và đầy cảm hứng. Về các nét đặc trưng thì, sao bạn không nghe thử và cảm nhận nhỉ. Tin chắc nếu bạn bắt đầu nghe rồi thì sẽ dễ dàng thấy được vì sao Swing lại cuốn hút đến thế ngay thôi. Đôi khi một bản cover Swing Jazz có thể đánh thức buổi chiều làm việc của bạn hữu dụng hơn cả một ly café đấy.

Tom and Jerrry

Careless Whisper

We will rock you

Vậy thích thể loại Jazz, bạn có thể thử xem mình hợp với các nhạc cụ nào?

Thông thường nhắc đến Jazz, không thể thiếu bộ ba: Piano, Trumpet, ContraBass và Jazz Drums. Các band Jazz thường thấy sẽ thêm các nhạc cụ như Guitar (dạng Archtop Guitar), hoặc Saxophone, hoặc… hầu như nhạc cụ nào cũng có thể phối Jazz được, vì Jazz là chất nhạc, Jazz luôn rộng mở cho những ai có tâm hồn cùng Jazz.

Và, ngạc nhiên chưa, ở SEAMI đang tựu hội nhiều giáo viên, huấn luyện viên cũng cùng đam mê Jazz, bạn có thể xem qua tại đây để chọn cho mình giáo viên hướng dẫn bạn Jazz “hợp gu” nhất nhé!

Nội dung bài viết được Sưu tầm, biên dịch bởi thầy Lê Nguyên Vũ (bio profile tại đây)

Từ khóa » Jazz Cơ Bản