Nhai Dầu Mè Trị Bá Bệnh: Hoang đường! - PLO

Gần đây, trên một số trang web có đăng tải phương pháp chữa bệnh bằng cách nhai dầu mè và đã thu hút rất nhiều độc giả. Thậm chí có người in và phôtô gửi cho bạn bè, người quen.

Ung thư, tiểu đường… trị tuốt

Theo các trang web, phương pháp chữa bệnh bằng cách nhai dầu mè được dịch từ một trong những bài viết của Youthing Strategies đăng tại địa chỉ http://www.youthingstrategies.com/results.htm. Theo đó, tại hội nghị “All-Ukrainian” (nguyên văn), một bác sĩ đã đưa ra phương pháp trên làm các chuyên gia phải kinh ngạc. “Nhai dầu mè là phương pháp đơn giản, có hiệu lực chữa trị nhiều bệnh khác nhau mà không cần giải phẫu hoặc uống thuốc. Nhức đầu, viêm cuống phổi, gan, nhức răng, nghẽn mạch máu, đau khớp, tê liệt, nấm chàm, loét dạ dày, bệnh đường ruột, tim, thận, thần kinh, viêm não, các bệnh phụ nữ… đều có thể điều trị hiệu quả bằng cách nhai dầu mè” - vị bác sĩ khẳng định.

Vị bác sĩ đó cũng hướng dẫn: “Buổi sáng bụng đói hãy ngậm một muỗng canh dầu mè và nhai. Việc nhai dầu mè kích thích các enzyme (men trong cơ thể) và các enzyme này sẽ rút chất độc ra khỏi máu. Khi dầu mè chuyển từ vàng sang trắng thì nhổ bỏ, không được nuốt vì đã thấm chất độc. Nhai dầu mè nhiều lần sẽ giúp tiến trình chữa lành bệnh hiệu nghiệm hơn”. Bác sĩ này còn tuyên bố bệnh cấp tính sẽ có kết quả khả quan rất nhanh, chỉ trong vòng 2-3 ngày. Bệnh kinh niên thì thời gian lâu hơn nhưng chớ nản lòng hoặc bỏ cuộc.

Nhai dầu mè trị bá bệnh: Hoang đường! ảnh 1

Dầu mè chỉ có giá trị dinh dưỡng, không có giá trị chữa bá bệnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Để tăng thêm tính thuyết phục, các trang web còn đăng tải kết quả điều tra chữa bệnh bằng nhai dầu mè của một tờ báo ở Ấn Độ. Theo đó, 927/1.041 người được chữa lành một trong các bệnh như đau nhức, suyễn, viêm cuống phối, ngứa, nấm chàm, đường tiêu hóa, thấp khớp, tiểu đường, nghẽn mạch máu, ung thư, tê liệt… Chưa hết, các trang web còn đăng tải tâm sự của những người đã khỏi bệnh sau thời gian nhai dầu mè. Trong đó, các “bệnh nhân” đã tâng bốc phương pháp chữa bệnh này lên tận mây xanh!

Không có cơ sở khoa học

Tiến sĩ dược học Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết phương pháp chữa bệnh nói trên quá vô lý, không thuyết phục. Dầu mè là thực phẩm cung cấp nhiều dinh dưỡng, dùng chế biến thức ăn. Acid béo trong dầu mè có tác dụng tốt cho hệ thần kinh trung ương, giúp não hoạt động tốt hơn. “Nếu khẳng định nhai dầu mè hút các chất độc trong người, chữa được nhiều bệnh thì phải có chứng cứ khoa học rõ ràng, phải được thử nghiệm lâm sàng. Còn nói bâng quơ thì… ai nói cũng được” - Tiến sĩ Đức nêu quan điểm.

Tiến sĩ Đức còn cho biết ngay cả những bài tự sự của các “bệnh nhân” khỏi bệnh sau thời gian nhai dầu mè cũng rất đáng nghi. Bởi họ viết sai hoàn toàn căn bệnh của mình, thậm chí không biết tí gì về bệnh lý, kể cả triệu chứng của căn bệnh mà họ mắc phải.

Dầu mè chỉ là dầu mè, không phải thuốc!

Dầu mè có giá trị dinh dưỡng cao vì chứa nhiều vitamin D và E. Dầu mè dùng làm thực phẩm còn có tác dụng chống lão hóa, giảm mỡ trong máu, phòng chống béo phì. Nhai dầu mè có khả năng làm mau lành các thương tổn ở miệng, vòm họng, bảo vệ răng. Dầu mè còn được sử dụng trong ngành mỹ phẩm, có mặt trong các sản phẩm như xà phòng, dầu gội đầu, sữa tắm, kem dưỡng da… với tác dụng dưỡng da, dưỡng tóc. Ngoài những tác dụng trên, chưa có bất kỳ công trình khoa học nào ghi nhận nhai dầu mè chữa được các bệnh lý khác.

Nhai dầu mè để chữa bệnh chỉ là một hình thức tự kỷ ám thị, bởi bản thân người bệnh cho rằng nhai dầu mè sẽ hết bệnh. Tự kỷ ám thị có thể có tác dụng về mặt tâm lý nhưng hoàn toàn không có tác dụng về mặt dược lý. Dầu mè chỉ là dầu mè, không phải là thuốc, càng không phải… thần dược!

Lương y ĐINH CÔNG BẢY, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM

TRẦN NGỌC

Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Súc Miệng Dầu Mè