Nhận Biết Sớm Các Triệu Chứng Huyết áp Thấp Thường Gặp

Huyết áp thấp hiện là một căn bệnh khá phổ biến với tỷ lệ người mắc bệnh đang ngày càng gia tăng. Bệnh có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Vậy những triệu chứng, dấu hiệu nhận biết sớm khi bị huyết áp thấp là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây.

Mục lục

  • Huyết áp thấp là gì?
  • Triệu chứng nhận biết của huyết áp thấp
  • Huyết áp thấp nguy hiểm như thế nào?
  • Chẩn đoán huyết áp thấp như thế nào?
  • Người bị huyết áp thấp cần phải làm gì?
    • Điều trị nguyên nhân gây bệnh
    • Sử dụng thuốc
    • Biện pháp thay đổi lối sống
  • Khi nào cần gặp bác sĩ?

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp là áp lực dòng máu tác động lên thành mạch để đưa máu đến khắp các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp được coi là thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu (chỉ số trên) ≤ 90 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) ≤ 60 mmHg.

Huyết áp thấp có thể chia thành 2 dạng:

  • Huyết áp thấp sinh lý: Do yếu tố di truyền hay do sống ở vùng núi cao.
  • Huyết áp thấp bệnh lý: Do chức năng của các cơ quan bị suy giảm như tim, thận hoặc do hệ thống thần kinh thực vật của cơ thể không tự điều chỉnh dẫn đến hạ huyết áp tư thế.

Huyết áp thấp có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi và đối tượng nào. Đây là bệnh lý nguy hiểm và có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng không kém gì bệnh cao huyết áp. Vì vậy, bạn không nên chủ quan mà cần nắm rõ các dấu hiệu, triệu chứng của huyết áp thấp để có thể phát hiện bệnh sớm cũng như có biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Triệu chứng nhận biết của huyết áp thấp

Huyết áp thấp có thể gây ra một số triệu chứng thường gặp dưới đây:

➤ Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng

Triệu chứng nhận biết của huyết áp thấp 1
Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng là triệu chứng nhận biết huyết áp thấp

Khi áp lực dòng máu trong lòng mạch giảm, máu lên não kém, các tế bào thần kinh bị thiếu oxy và dưỡng chất để hoạt động sẽ gây ra các triệu chứng huyết áp thấp như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt và choáng váng.

Bạn có thể gặp phải các triệu chứng này khi thay đổi tư thế đột ngột như đứng dậy nhanh sau khi ngồi lâu, ngồi bật dậy khi đang nằm hay khi đứng liên tục trong thời gian dài. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, nhìn mọi vật như đang xoay tròn và không thể kiểm soát.

➤ Đau đầu, rối loạn giấc ngủ

Đau đầu là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh huyết áp thấp. Các cơn đau đầu sẽ nặng hơn mỗi khi bạn bị căng thẳng hoặc khi hoạt động thể lực nặng. Cơn đau thường tập trung tại vùng đỉnh đầu với mức độ và tính chất của cơn đau ở mỗi người là khác nhau.

Lưu lượng máu lên não giảm là nguyên nhân khiến người bị huyết áp thấp thường xuyên đau đầu, mất ngủ về đêm, trằn trọc hoặc tỉnh giấc đột ngột, ban ngày thì lờ đờ, ngủ gà, ngủ gật gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng công việc và sức khỏe người bệnh.

➤ Mất tập trung

Khi bạn bị huyết áp thấp, máu không được cung cấp đầy đủ tới não như bình thường sẽ khiến cho các tế bào não không nhận đủ oxy và các chất dinh dưỡng để hoạt động, hậu quả là gây cản trở tới khả năng tập trung của bạn.

Bên cạnh đó, huyết áp thấp cũng làm giảm khả năng tư duy, ghi nhớ, khiến người bệnh rất nhanh quên, hay lẫn lộn, lơ đãng, không thể tập trung, chú ý vào công việc hay học tập.

➤ Cơ thể mệt mỏi

Triệu chứng nhận biết của huyết áp thấp 2
Người bị huyết áp thấp thường xuyên cảm thấy mệt mỏi

Người bị huyết áp thấp thường gặp phải triệu chứng này vào buổi sáng. Bạn sẽ cảm thấy cơ thể và tinh thần mệt mỏi, thiếu sức lực, chân tay tê buồn bủn rủn. Nếu được nghỉ ngơi thì tình hình sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, đến buổi chiều hoặc tối, cơ thể sẽ lại xuất hiện cảm giác mệt mỏi mặc dù không phải bạn vừa mới làm việc quá sức.

Nguyên nhân của triệu chứng trên có thể liên quan đến việc rối loạn chức năng hệ thần kinh do các cơ bị co thắt quá mức.

➤ Da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt

Tình trạng huyết áp thấp kéo dài lâu ngày có thể gây ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn máu trong cơ thể, khiến máu lưu thông kém đến các vùng ngoại vi như bề mặt da, chân tay. Việc thiếu oxy trong máu khiến da trở nên xanh xao, tái nhợt, chân tay lạnh, tê bì, thân nhiệt cơ thể giảm.

➤ Giảm thị lực

Mờ mắt là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh huyết áp thấp của bạn đang trở nên nghiêm trọng, đi kèm với đó là mất thính giác. Tình trạng này diễn ra đột ngột có thể gây nguy hiểm nếu bạn đang lái xe, di chuyển trên đường hay đang đi cầu thang.

➤ Nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, nông

Khi huyết áp xuống thấp quá mức, cơ thể bạn sẽ bị thiếu oxy nghiêm trọng. Điều này khiến tim và phổi phải tăng cường hoạt động để bù đắp lại lượng oxy thiếu hụt, gây nên tình trạng tim đập nhanh, nhịp thở nhanh, nông, khó thở.

Người mắc huyết áp thấp chỉ cần tham gia các hoạt động thể chất gắng sức nhẹ đã có thể xuất hiện các triệu chứng đánh trống ngực, thở gấp, mạch yếu, tim đập nhanh kèm theo hiện tượng toát mồ hôi.

➤ Buồn nôn

Huyết áp thấp có thể khiến lưu lượng máu đến các cơ quan tiêu hóa giảm đi, làm nhu động ruột yếu, dạ dày hoạt động kém hiệu quả, hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn cũng giảm đi. Điều này sẽ gây kích ứng làm bạn bị buồn nôn, lợm giọng, nôn, đầy bụng, khó tiêu, ăn uống không ngon khiến cơ thể thêm phần mệt mỏi, chán nản.

Triệu chứng nhận biết của huyết áp thấp 3
Huyết áp thấp có thể gây triệu chứng buồn nôn, ăn uống kém

➤ Cảm giác khát

Khi huyết áp của bạn giảm, não sẽ phát ra tín hiệu báo hiệu cơ thể cần uống nhiều nước hơn vì bổ sung thêm nước sẽ giúp tăng huyết áp.

➤ Ngất xỉu

Huyết áp hạ đột ngột ở mức độ nghiêm trọng sẽ làm giảm lượng máu tới mọi cơ quan trong cơ thể, não bộ rơi vào tình trạng ngừng hoạt động tạm thời và người bệnh có thể sẽ bị ngất (tình trạng mất ý thức đột ngột). Tình trạng ngất xỉu đột ngột có thể gây gãy xương và các chấn thương cơ thể nguy hiểm khác cho người bệnh.

➤ Trầm cảm

Người bị huyết áp thấp thường có tâm trạng buồn bã, uể oải và rất dễ mắc bệnh trầm cảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Huyết áp thấp nguy hiểm như thế nào?

Huyết áp thấp không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người bệnh mà còn có thể dẫn đến những biến chứng sức khỏe nguy hiểm nếu không được điều trị phù hợp.

Khi huyết áp bị hạ thấp nhiều lần trong thời gian dài, chức năng của hệ thống thần kinh sẽ bị suy giảm, cơ thể không kịp điều chỉnh để cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy đến các cơ quan như não, tim, thận và gây tổn thương các cơ quan này.

Huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim và làm tăng nguy cơ mất trí nhớ. Những người có huyết áp thấp kéo dài liên tục trong hai năm theo nghiên cứu sẽ có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp hai lần so với những người bình thường khác.

Huyết áp thấp nguy hiểm như thế nào? 1
Huyết áp thấp có thể gây biến chứng nhồi máu cơ tim

Bên cạnh đó, các triệu chứng do huyết áp thấp gây ra như hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, giảm thị lực, ngất,… còn làm tăng nguy cơ gây té ngã, chấn thương, có thể gây nguy hiểm tính mạng trong những trường hợp như đang lái xe, làm việc trên tầng cao,…

Do đó, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của huyết áp thấp là vô cùng quan trọng để từ đó có biện pháp điều trị kịp thời, kiểm soát tốt huyết áp ở mức ổn định và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Chẩn đoán huyết áp thấp như thế nào?

Mục đích trong xét nghiệm chẩn đoán huyết áp thấp là nhằm tìm ra nguyên nhân gây bệnh như vấn đề về tim, não, hay hệ thần kinh cũng như xác định phương pháp điều trị chính xác. Bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện một số kiểm tra sau:

  • Kiểm tra huyết áp: Kết quả đo huyết áp cho thấy tình trạng huyết áp cao, thấp hay bình thường của người bệnh.
  • Xét nghiệm máu: Nhằm cung cấp thông tin về sức khỏe tổng quát và cho biết người bệnh có bị hạ đường huyết, tiểu đường hay thiếu máu – các bệnh lý có thể làm huyết áp thấp hơn mức bình thường hay không.
  • Điện tâm đồ (ECG): Nhằm phát hiện bất thường trong nhịp tim, trong cấu trúc tim và các vấn đề liên quan đến sự cung cấp máu và oxy cho cơ tim.
  • Siêu âm tim: Hình ảnh siêu âm tim cho thấy chi tiết cấu trúc và chức năng của tim.
  • Siêu âm tim gắng sức: Siêu âm tim khi hoạt động gắng sức nhằm chẩn đoán chính xác được nguyên nhân gây huyết áp thấp là do nguyên nhân tại tim hay do nguyên nhân ngoài tim.
  • Phương pháp Valsalva: Nhằm kiểm tra chức năng của hệ thần kinh tự chủ bằng cách phân tích nhịp tim và huyết áp sau một vài chu kỳ hít thở sâu.
  • Kiểm tra với bàn nghiêng: Nếu bạn bị hạ huyết áp theo tư thế bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra với bàn nghiêng nhằm đánh giá phản ứng của cơ thể trước những thay đổi trong tư thế.
Chẩn đoán huyết áp thấp như thế nào? 1
Đo huyết áp là phương pháp cơ bản để chẩn đoán huyết áp thấp

Người bị huyết áp thấp cần phải làm gì?

Điều trị nguyên nhân gây bệnh

Nếu bạn mắc huyết áp thấp không triệu chứng, hoặc các triệu chứng ở mức độ nhẹ, chẳng hạn như bị chóng mặt khi đứng lên đột ngột, bạn thường không cần phải điều trị.

Khi các triệu chứng xuất hiện rõ rệt, người bệnh cần được điều trị và phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ thường bắt đầu chữa trị nguyên nhân cơ bản gây huyết áp thấp – chẳng hạn như mất nước, mất máu, suy tim, tiểu đường hoặc suy giáp. Nếu nguyên nhân gây bệnh là do thuốc, phương pháp điều trị sẽ bao gồm việc thay đổi liều lượng hoặc ngừng hoàn toàn loại thuốc đó.

Nếu nguyên nhân gây ra huyết áp thấp không được xác định rõ ràng hoặc không có phương pháp điều trị hiệu quả, mục tiêu trước mắt sẽ là làm tăng huyết áp và làm giảm các triệu chứng của bệnh. 

Sử dụng thuốc

Trong trường hợp tình trạng huyết áp thấp diễn biến nặng, không cải thiện sau khi đã thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống, bác sĩ có thể chỉ định bạn sử dụng một số loại thuốc điều trị dưới đây:

  • Fludrocortisone: Thuốc hoạt động bằng cách thúc đẩy thận gây tăng giữ muối và nước, từ đó làm tăng thể tích máu và cải thiện tình trạng huyết áp thấp.
  • Midorine: Midorine tác động lên các thụ thể trên động mạch và tĩnh mạch, từ đó gây tăng áp lực ở các mạch máu và gây tăng huyết áp. Thuốc thường được sử dụng để tăng huyết áp ở những người bị hạ huyết áp tư thế đứng mạn tính.
  • Heptaminol (Heptamyl): Heptaminol thường được dùng trong điều trị triệu chứng do hạ huyết áp tư thế do có tác dụng gây co mạch, bảo vệ mạch máu, giúp tăng lượng máu về tim và tăng huyết áp.
  • Ephedrine: Ephedrine có tác dụng gây co mạch và tăng cường lưu thông máu, từ đó làm tăng lưu lượng tim và co mạch ngoại vi gây tăng huyết áp, cải thiện các triệu chứng huyết áp thấp.
Sử dụng thuốc 1
Sử dụng thuốc điều trị huyết áp thấp

Biện pháp thay đổi lối sống

Bạn có thể thực hiện một số thay đổi trong lối sống hàng ngày để cải thiện tình trạng huyết áp thấp như:

➤ Điều chỉnh chế độ ăn uống

  • Tăng cường bổ sung đa dạng các nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là thực phẩm tốt cho quá trình tạo máu như thịt, sữa, trứng, bí đỏ, rau cải bó xôi…
  • Bổ sung một số loại thức ăn, nước uống có tác dụng làm tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, tam thất, rau cần tây, hạt sen, táo tàu, nho khô, cam thảo, hạnh nhân, gừng,…
  • Hạn chế dùng những thực phẩm có tính lợi tiểu như rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô…
  • Tăng lượng muối trong chế độ ăn: Người bị huyết áp thấp nên duy trì lượng muối  10 – 15g/ ngày. Tuy nhiên, việc này cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng vì nếu tăng quá nhiều, lượng muối natri dư thừa có thể dẫn đến suy tim, đặc biệt là ở người lớn tuổi,
  • Chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày (5 – 6 bữa) và hạn chế những thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, bánh mỳ,…
  • Uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
  • Ngừng hút thuốc lá, kiêng hoàn toàn uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích khác.

➤ Thay đổi chế độ sinh hoạt

  • Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc, tránh lo lắng, căng thẳng quá mức.
  • Tránh thay đổi tư thế đột ngột, khi ngồi dậy cần phải từ từ.
  • Nên gối đầu thấp, kê chân cao trong khi ngủ. Có thể sử dụng loại gối chống giãn tĩnh mạch để thoải mái và đảm bảo độ cao chân phù hợp
  • Tập thể dục thường xuyên với những bài tập nhẹ nhàng như yoga, ngồi thiền, đi bộ, hít sâu thở chậm,…
  • Sử dụng tất y khoa nhằm tăng áp lực lên phần chân, giảm đau và cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch giúp đẩy máu đến các bộ phận cơ thể ở phía trên.
  • Theo dõi huyết áp thường xuyên tại nhà.
Biện pháp thay đổi lối sống 1
Đi bộ, tập thể dục thường xuyên để cải thiện tình trạng huyết áp thấp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trong đa số các trường hợp, huyết áp thấp thường không nghiêm trọng. Nếu tình trạng huyết áp thấp của bạn ổn định, bạn có thể chỉ cần theo dõi định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, bạn nên đi khám bác sĩ sớm trong các trường hợp sau:

  • Huyết áp giảm đột ngột, rất thấp hoặc thấp hơn bình thường một cách đáng kể.
  • Huyết áp thấp đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như đi tiểu nhiều, sốt, mệt mỏi vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý tiềm ẩn khác trong cơ thể.
  • Nếu bạn bị tụt huyết áp kèm dấu hiệu, triệu chứng của sốc (cực yếu, lo lắng tột độ, tim đập nhanh, đánh trống ngực, vã mồ hôi…), bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng.

Việc nhận diện bệnh huyết áp thấp sẽ không còn quá khó khăn khi bạn biết rõ về các triệu chứng thường gặp của bệnh lý này. Huyết áp thấp không khó để điều trị, nhưng nó sẽ rất nguy hiểm nếu để bệnh tiến triển lâu ngày. Do vậy, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể, bạn hãy sớm thăm khám để có biện pháp khắc phục kịp thời, nhằm bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất.

Tài liệu tham khảo

  • https://www.medicinenet.com/low_blood_pressure/article.htm
  • https://www.healthline.com/health/hypotension#complications
  • https://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-basics

Từ khóa » Các Biểu Hiện Của Huyết áp Thấp