Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Là Gì? - InvestOne Law Firm
Có thể bạn quan tâm
Trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhãn hiệu ngày càng đóng một vai trò quan trọng. Bên cạnh vai trò chính là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các nhà sản xuất trên thị trường, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm, dịch vụ thì nhãn hiệu nổi tiếng còn có các vai trò khác như thu hút thị hiếu người tiêu dùng, là một biểu tượng cho hình ảnh, danh tiếng và uy tín của doanh nghiệp, là yếu tố quyết định tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường, và là một tài sản kinh doanh có giá trị đặc biệt.
Lý do nhãn hiệu nổi tiếng cần được quan tâm đặc biệt
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã làm xuất hiện những nhãn hiệu nổi trội hơn so với những nhãn hiệu hàng hóa thông thường. Sự nổi trội hơn hẳn có thể là do thời gian sử dụng lâu dài, phạm vi sử dụng rộng lớn hay có thể là do chất lượng sản phẩm tốt,…
Mục đích chính của nhãn hiệu là để phân biệt sản phẩm của các nhà sản xuất khác nhau. Nhưng khi nhãn hiệu được người tiêu dùng nhận biết rộng rãi và tín nhiệm thì đã đem lại những lợi thế kinh doanh rất lớn cho chủ sở hữu. Những nhãn hiệu như vậy được gọi là nhãn hiệu nổi tiếng (Famous marks).
Ví dụ khi nhắc đến những cái tên như Coca-cola, Pepsi, Heineken, Toyota, Samsung, Apple,… thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ biết ngay những nhãn hiệu này được dùng cho sản phẩm nào.
Nhãn hiệu nổi tiếng chính là biểu tượng cho danh tiếng và thương hiệu của doanh nghiệp. Đó là kết tinh của trí tuệ và vật chất của doanh nghiệp trong một quá trình hoạt động lâu dài. Vì vậy, nó là tài sản có giá trị rất lớn (những nhãn hiệu như Kymdan được định giá lên đến cả triệu USD). Chính vì vậy, tình trạng sao chép, làm nhái sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng diễn ra phổ biến ở khắp nơi trên thế giới. Do đó, việc bảo hộ các thương hiệu nổi tiếng ngày càng trở nên cấp thiết và thu hút được sự quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển.
Đặc điểm của nhãn hiệu nổi tiếng
Qua định nghĩa đã nêu ở trên thì nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng có nhiều điểm khác biệt so với nhãn hiệu thông thường. Và sự khác biệt đó được thể hiện thông qua những đặc trưng cơ bản của nó:
- Là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Hay nói cách khác, khi nhắc đến hàng hóa, dịch vụ nào đó thì người tiêu dùng sẽ nghĩ ngay đến nhãn hiệu đó.
- Là nhãn hiệu có căn cứ xác lập quyền, có tiêu chí đánh giá, có cơ chế bảo hộ riêng, khác hoàn toàn so với nhãn hiệu thông thường.
- Là kết tinh của nhiều yếu tố trong suốt một quá trình lâu dài. Những yếu tố đó có thể là uy tín, chất lượng sản phẩm, cung cách phục vụ,…
- Là một ưu thế kinh doanh của chủ sở hữu nhãn hiệu. Vì khi được khách hàng biết đến một cách rộng rãi, được khách hàng tin tưởng thì công ty đã có một lợi thế cạnh tranh rất lớn đối với những nhãn hiệu cùng loại.
- Là một tài sản vô hình có giá trị rất lớn đối với doanh nghiệp.
Nhãn hiệu nổi tiếng theo công ước Paris
Mặc dù đã được biết đến từ rất lâu, song cho đến nay quy định về thương hiệu nổi tiếng vẫn còn rất khác nhau trong các điều ước quốc tế cũng như trong pháp luật các nước. Công ước Paris năm 1883 lần đầu tiên đề cập đến nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 6bis với nội dung chính là:
- Quy định nghĩa vụ bắt buộc của các quốc gia thành viên trong việc từ chối hay hủy bỏ mọi sự đăng ký cũng như ngăn cấm mọi sự sử dụng của nhãn hiệu hàng hóa mà nó được coi là sự sao chép, một sự bắt chước, một bản dịch hoặc có thể gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu nổi tiếng;
- Quy định về khoảng thời gian cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ sự đăng ký đối với những nhãn hiệu xâm phạm.
Tuy nhiên, Công ước lại không hề đưa ra một định nghĩa chính thức và rõ ràng. Chỉ có một căn cứ duy nhất để xác định một nhãn hiệu hàng hóa trở nên nổi tiếng, đó là sự chấp nhận hay thừa nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia nơi nhãn hiệu được đăng ký hay sử dụng. Điều đó khiến cho mỗi quốc gia thành viên phải tự xây dựng các quy định riêng về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng.
Quy định của Việt Nam
Việt Nam là thành viên của Công ước Paris từ năm 1994. Vì vậy, Việt Nam cũng cần xây dựng một cơ chế bảo hộ cho các nhãn hiệu được coi là nổi tiếng. Tuy nhiên, phải đến tận năm 2001, tại Nghị định số 06/2001/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/NĐ-CP quy định chi tiết về sở hữu công nghiệp thì vấn đề này mới được nhắc đến.
Nghị định số 06/2001/NĐ-CP
Theo điểm b, khoản 8, Điều 2 của Nghị định thì:
“Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu hàng hoá được sử dụng liên tục cho sản phẩm, dịch vụ có uy tín khiến cho nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi”.
Đây có thể được coi là quá trình nội luật hoá các quy định của điều ước quốc tế vào các văn bản pháp luật Việt Nam đồng thời cũng đánh dấu một bước tiến trong quá trình xây dựng các quy phạm pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nổi tiếng nói riêng. Tuy nhiên, định nghĩa này có một số vấn đề bất cập như sau:
- Thứ nhất, nhãn hiệu được biết đến một cách rộng rãi nhưng rộng rãi đến mức nào, hay nói cách khác, luật đã không xác định phạm vi nổi tiếng.
- Thứ hai, luật đề ra định nghĩa nhưng lại không xác định các tiêu chí để phân định nhãn hiệu là nổi tiếng hay không. Chính vì vậy, nghị định này có hiệu lực từ năm 2001 nhưng hầu như không có giá trị áp dụng và hết hiệu lực ngày 21/10/2006.
Luật Sở hữu trí tuệ 2005
Để khắc phục những nhược điểm của nghị định 06, Luật SHTT đã có quy định mới. Theo khoản 20, điều 4, Luật SHTT thì “nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến một cách rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”. Quy định này đã giới hạn phạm vi nổi tiếng là trên lãnh thổ Việt Nam. Có nghĩa rằng một nhãn hiệu dù nổi tiếng như thế nào trên thế giới đi nữa mà người tiêu dùng tại Việt Nam không biết đến thì nó cũng không được xem là nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này có thể kể đến Viglacera là nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu tại Việt Nam không ai là không biết nhưng chỉ là nổi tiếng ở Việt Nam thôi, còn ở thị trường nước ngoài thì chưa có danh tiếng đáng kể. Do đó thương hiệu này có thể được coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Các tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng
Được quy định tại điều 75, Luật Sở hữu trí tuệ:
- Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
- Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
- Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
- Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
- Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
- Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
- Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.
Đây có thể xem là một bước tiến dài trong việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng của pháp luật nước ta. Mặc dù có những sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật, song chúng ta vẫn có thể đưa ra một định nghĩa chung nhất về nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng.
Xem thêm:
- Khái niệm về Nhãn hiệu hàng hóa;
- Khái niệm về Nhãn hiệu tập thể;
- Khái niệm về Nhãn hiệu liên kết;
- Khái niệm về Nhãn hiệu chứng nhận;
- Lịch sử của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa;
Ngày cập nhật: 08/03/2022
Xin lưu ý: Nội dung và các văn bản pháp luật được trích dẫn trong bài viết có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn xem bài viết. Để có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất, bạn vui lòng gọi hotline để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Từ khóa » Ví Dụ Nhãn Hiệu Nổi Tiếng
-
Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Là Gì? Tiêu Chí Của Nhãn Hiệu Nổi Tiếng - AZLAW
-
Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Theo Quy định Của Luật Sở Hữu Trí Tuệ
-
Ví Dụ Về Nhãn Hiệu Nổi Tiếng - CÔNG TY TNHH TƯ VẤN & ĐẦU TƯ ...
-
Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Là Gì? Tiêu Chí Công Nhận Nhãn Hiệu Nổi Tiếng?
-
- Việc Ghi Nhận Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Tại Việt Nam Và Một Số Quốc Gia ...
-
Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Là Gì? Tiếu Chí Xác định Nhãn Hiệu Nổi Tiếng?
-
Quy định Về Tiêu Chí đánh Giá Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Theo Pháp Luật Sở ...
-
Nhãn Hiệu Là Gì? - PLF LAW FIRM
-
Tiêu Chí đánh Giá Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Và Sự Tương Tự đến Mức Gây ...
-
Phân Loại Nhãn Hiệu - Tư Vấn đăng Ký Nhãn Hiệu - Công Ty Luật Việt An
-
Điều Kiện Bảo Hộ Nhãn Hiệu Nổi Tiếng - Công Ty Luật Việt An
-
Bảo Hộ Nhãn Hiệu Nổi Tiếng ở Việt Nam - Vision & Associates
-
Nhãn Hiệu Và Thương Hiệu – Phân Biệt Và Ví Dụ - GLOBAL BRAND