Quy định Về Tiêu Chí đánh Giá Nhãn Hiệu Nổi Tiếng Theo Pháp Luật Sở ...

Nhãn hiệu nổi tiếng giúp doanh nghiệp có sức ảnh hưởng lớn trong thị trường so với những đối thủ cạnh tranh có cùng loại mặt hàng hay có mặt hàng tương tự. Nhãn hiệu nổi tiếng còn tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp khi giúp doanh nghiệp xây dựng danh tiếng và uy tín nhằm tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng. Vậy nên tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng luôn được mọi doanh nghiệp quan tâm. Thông qua bài viết dưới đây, Công ty Luật Quốc tế DSP sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

MỤC LỤC NỘI DUNG BÀI VIẾT:

  • 1. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?
    • 1.1. Nhãn hiệu là gì?
    • 1.2. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?
  • 2. Đặc điểm của nhãn hiệu nổi tiếng
  • 3. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng
    • 3.1. Ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng
    • 3.2. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng
  • 4. Cơ sở pháp lý

1. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

1.1. Nhãn hiệu là gì?

Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”.

Nhãn hiệu là dấu hiệu được đăng ký bởi một chủ thể kinh doanh nhằm phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với những chủ thể kinh doanh khác kinh doanh cùng mặt hàng hoặc mặt hàng tương tự với mình. Nhãn hiệu làm tăng sự nhận diện của hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng.

Ví dụ về nhãn hiệu điện thoại có: Samsung, Oppo, Apple, Huawei,…

1.2. Nhãn hiệu nổi tiếng là gì?

Nhãn hiệu nổi tiếng là gì? – Hình minh họa

Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam”.

Theo đó, phạm vi của nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam là trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Do đó, nếu một nhãn hiệu dù có nổi tiếng trên toàn thế giới nhưng không được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì cũng không được xem là nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Ngoài ra, để xác định một nhãn hiệu có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không cần xem xét các tiêu chí đánh giá được quy định theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Ví dụ về nhãn hiệu nổi tiếng của dòng nước uống có ga: Coca-cola, Pepsi.

2. Đặc điểm của nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu nổi tiếng có những đặc điểm cơ bản sau:

– Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc (theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019). Nhãn hiệu được hình thành nhằm giúp người tiêu dùng có thể ghi nhớ dễ dàng về một hàng hóa, dịch vụ nên đặc điểm trên là điều không thể thiếu khi nhắc đến nhãn hiệu.

– Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác (theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019).

Ví dụ: việc có nhãn hiệu nổi tiếng giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt được tivi mang nhãn hiệu LG hay tivi mang nhãn hiệu Sony để lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu của mình.

– Có tính phổ biến cao. Nhãn hiệu nổi tiếng được biết đến trên diện rộng bởi người tiêu dùng của các khu vực địa lý khác nhau.

Ví dụ: khi người tiêu dùng nhắc đến nhãn hiệu điện thoại thì họ sẽ nghĩ ngay đến Apple và Samsung.

– Có giá trị kinh tế lớn. Tuy là một tài sản vô hình nhưng nhãn hiệu nổi tiếng mang về cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích về kinh tế. Người tiêu dùng dựa vào nhãn hiệu nổi tiếng mà tin tưởng vào hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Nhãn hiệu nổi tiếng sẽ làm cho người tiêu dùng nhớ tới hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp mỗi khi họ có nhu cầu. Vì những giá trị to lớn của nhãn hiệu nổi tiếng đem lại nên các doanh nghiệp có thể kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư bằng cách sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng của mình.

– Dễ bị xâm phạm. Nhãn hiệu nổi tiếng dễ bị sử dụng trái phép vì mức độ phổ biến cũng như giá trị kinh tế cao. Do đó, nhãn hiệu nổi tiếng thường bị các chủ thể khác sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự dẫn đến gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa chủ thể sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Ví dụ: Trong vụ việc Bulova Watch Co. v. Allerton Co., (gọi tắt là vụ Bulova Watch), nguyên đơn đã đăng ký nhãn hiệu “BULOVA” từ rất lâu và nhãn hiệu xuất hiện ở vỏ đồng hồ, động cơ đồng hồ. Bị đơn mua đồng hồ Bulova và chuyển động cơ mang nhãn hiệu Bulova từ đồng hồ Bulova sang vỏ đồng hồ được trang trí kim cương mà bị đơn đã mua của một nhà sản xuất vỏ đồng hồ. Bị đơn bán đồng hồ với tên gọi “TREASURE MATES”. Mỗi vỏ hoặc hộp đựng đồng hồ có in dòng chữ “Vỏ đồng hồ kim cương chính hiệu TREASURE MATES với động cơ Bulova 17 J.”  Giải quyết vụ việc này, cả Tòa án hạt và Tòa phúc thẩm khu vực số 7 (District Court and the Court of Appeals Seventh Circuit) đều kết luận: hành vi đặt động cơ đồng hồ Bulova và sử dụng nhãn hiệu Bulova trong vỏ đồng hồ khác và sử dụng nhãn hiệu Bulova trên động cơ đồng hồ là tạo ra “sản phẩm mới” đồng thời là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng.

3. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng – Hình minh họa

3.1. Ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại Điều 42 Mục 5 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ, được sửa đổi bởi điểm a khoản 35 Điều 1 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN thì nhãn hiệu nổi tiếng được ghi nhận như sau:

– Các nhãn hiệu nổi tiếng được pháp luật Việt Nam bảo hộ theo quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 và phù hợp với quy định tại Điều 6bis Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp.

– Quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ và thuộc về chủ sở hữu nhãn hiệu đó mà không cần thủ tục đăng ký. Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể sử dụng các tài liệu theo quy định của pháp luật để chứng minh quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu và chứng minh nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện để được coi là nổi tiếng.

– Tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu và chứng minh sự nổi tiếng của nhãn hiệu có thể bao gồm các thông tin về phạm vi, quy mô, mức độ, tính liên tục của việc sử dụng nhãn hiệu, trong đó có thuyết minh về nguồn gốc, lịch sử, thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu; số lượng quốc gia nhãn hiệu đã được đăng ký hoặc được thừa nhận là nhãn hiệu nổi tiếng; danh mục các loại hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; phạm vi lãnh thổ mà nhãn hiệu được lưu hành, doanh số bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ; số lượng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được sản xuất, tiêu thụ; giá trị tài sản của nhãn hiệu, giá chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu; đầu tư, chi phí cho quảng cáo, tiếp thị nhãn hiệu, kể cả cho việc tham gia các cuộc triển lãm quốc gia và quốc tế; các vụ việc xâm phạm, tranh chấp và các quyết định, phán quyết của tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền; số liệu khảo sát người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thông qua mua bán, sử dụng và quảng cáo, tiếp thị; xếp hạng, đánh giá uy tín nhãn hiệu của tổ chức quốc gia, quốc tế, phương tiện thông tin đại chúng; giải thưởng, huy chương mà nhãn hiệu đã đạt được; kết quả giám định của tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ.

– Trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng được công nhận dẫn đến quyết định xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng đó theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 hoặc dẫn đến quyết định không bảo hộ nhãn hiệu khác theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì nhãn hiệu nổi tiếng đó sẽ được ghi nhận vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ tại Cục Sở hữu trí tuệ để làm thông tin tham khảo phục vụ công tác xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

3.2. Tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng

Theo quy định tại Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019 thì các tiêu chí được xem xét khi đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng là:

– Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo.

Tiêu chí đầu tiên để đánh giá một nhãn hiệu nổi tiếng là số lượng người tiêu dùng đã biết đến nhãn hiệu trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Nhưng pháp luật không quy định số lượng người tiêu dùng phải đủ lớn như thế nào nên việc chứng minh tiêu chí này còn khá bất khả thi đối với các chủ sở hữu nhãn hiệu.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Theo đó, người tiêu dùng liên quan là người tiêu dùng có chung hoặc có những nhu cầu, sở thích tương tự nhau trong việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức. Theo đó, người tiêu dùng liên quan có thể biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc qua hình thức quảng cáo. Vậy nên, nếu số lượng người tiêu dùng liên quan biết đến nhãn hiệu càng nhiều thì mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu đó càng cao. Số lượng những người không liên quan biết đến nhãn hiệu không phải tiêu chí đánh giá mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu.

– Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành.

Từ khái niệm về nhãn hiệu nổi tiếng có thể thấy rằng phạm vi lãnh thổ để đánh giá về nhãn hiệu nổi tiếng là dựa vào số lượng khu vực trên lãnh thổ Việt Nam mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành.

Muốn đưa hàng hóa, dịch vụ được tự do lưu thông trên thị trường thì một trong những điều kiện cần thiết đó là đăng ký lưu hành sản phẩm. Do đó, hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành là hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được cấp Giấy phép lưu hành sản phẩm hợp pháp.

– Doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp.

Để một nhãn hiệu trở thành nhãn hiệu nổi tiếng thì cần đánh giá về doanh số từ việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp. Doanh số bán hàng càng lớn, số lượng hàng hóa được bán ra, lượng dịch vụ được cung cấp càng nhiều  chứng tỏ hàng hóa, dịch vụ đó được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, mức độ phổ biến cao. Tiêu chí đánh giá trên nhằm củng cố thêm giá trị mà nhãn hiệu nổi tiếng mang lại cho chủ sở hữu nhãn hiệu.

– Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu.

Một nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu phải được sử dụng lâu dài và được sử dụng một cách liên tục. Việc không sử dụng liên tục nhãn hiệu tức là chủ sở hữu nhãn hiệu có thời gian ngừng sử dụng nhãn hiệu làm cho mức độ phổ biến của nhãn hiệu không cao dẫn đến độ nhận diện của người tiêu dùng đối với nhãn hiệu bị giảm xuống. Lúc này, các cơ quan có thẩm quyền sẽ đánh giá khoảng thời gian nhãn hiệu không được sử dụng, xem xét nguyên nhân gián đoạn để từ đó đưa ra quyết định nhãn hiệu có còn là nhãn hiệu nổi tiếng hay không.

– Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

Một nhãn hiệu được xem là nhãn hiệu nổi tiếng chỉ khi nhãn hiệu đó tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng. Do đó, khi xét đến tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng thì cần quan tâm đến mức độ uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

– Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu.

Tiêu chí này cũng là một tiêu chí đáng quan tâm để biết được chủ sở hữu nhãn hiệu đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở bao nhiêu quốc gia và số lượng quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu từ đó đánh giá được mức độ nổi tiếng của nhãn hiệu đó.

– Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng.

Với số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng càng nhiều thì chứng tỏ nhãn hiệu đó có mức độ uy tín càng lớn.

Ví dụ: nhãn hiệu Coca Cola được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại nhiều quốc gia trên thế giới bao gồm cả Việt Nam.

– Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá một nhãn hiệu là nhãn hiệu nổi tiếng. Một nhãn hiệu uy tín thì sẽ nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng từ đó làm tăng giá trị kinh tế của nhãn hiệu đó. Nhãn hiệu có độ phổ biến càng cao thì sẽ được định giá càng cao và mang lại giá trị kinh tế càng lớn. Do đó, giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư càng lớn chứng tỏ nhãn hiệu có độ phủ sóng càng rộng trong thị trường cũng như là có mức độ uy tín lớn đối với người tiêu dùng.

4. Cơ sở pháp lý

– Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019;

– Thông tư 01/2007/TT-BKHCN ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;

– Thông tư 16/2016/TT-BKHCN ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ;

– Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Quốc tế DSP về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Công ty Luật Quốc tế DSP để nhận được sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Mọi thông tin chi tiết, Quý khách vui lòng liên hệ với Công ty Luật Quốc tế DSP chúng tôi theo:

Điện thoại: 0236 222 55 88

Hotline: 089 661 6767 hoặc 089 661 7728

Email: info@dsplawfirm.vn

Fanpage: facebook.com/dsplawfirm.vn

Miền Trung87 Phạm Tứ, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng, Việt Nam 

Miền NamTầng 2, Tòa nhà GP Bank, 83 Đinh Tiên Hoàng, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam 

Hoa Kỳ9869 Coronado Lake Drive, Boynton Beach City, Florida 33437, USA

Rất mong được hợp tác cùng Quý Khách!

Từ khóa » Ví Dụ Nhãn Hiệu Nổi Tiếng