Nhân Học Tộc Người - Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam

PGS.TS. Vương Xuân Tình & ThS. Vũ Đình Mười*

 

Khái niệm “tộc người”

Tộc người (ethnicity) hay nhóm tộc người (ethnic group) là các thuật ngữ chỉ được sử dụng phổ biến ở Bắc Mỹ và châu Âu khoảng từ những năm 1960, để thay cho các thuật ngữ bộ tộc (tribe), chủng tộc (race) được dùng trước đó. Nghiên cứu về tộc người có sự khác biệt đáng kể giữa các truyền thống nhân học và dân tộc học ở các quốc gia trên thế giới, trong đó nổi bật là sự khác biệt giữa nhân học ở Bắc Mỹ và châu Âu (gọi là nhân học Âu-Mỹ) với dân tộc học ở Liên bang Xô-viết trước đây.

Vậy tộc người là gì? Khái niệm này có một số khác biệt giữa hai truyền thống nghiên cứu nêu trên. Với các nhà nhân học thuộc trường phái nhân học Âu - Mỹ, trong quan niệm về tộc người cũng chia thành hai khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất cho rằng, tộc người có liên quan đến chủng tộc, và sự khác biệt giữa tộc người với chủng tộc khá mờ nhạt. Tuy tộc người được dựa trên cơ sở tương đồng về văn hóa, song sự phân biệt giữa tộc người này với tộc người khác, ngoài thể hiện qua ngôn ngữ, tôn giáo, lịch sử, địa lý, còn ở dòng tộc hoặc chủng tộc. Chẳng hạn ở Mỹ, người Mỹ da đen được hiểu là người Mỹ gốc Phi, và điều ấy có nghĩa, nhóm tộc người cũng là nhóm chủng tộc (Kottak 2000, 113; Eriksen 2010, 1-9). Khuynh hướng thứ hai cho rằng, tộc người tồn tại không phụ thuộc vào chủng tộc, như người Đức hay người Ý không liên quan đến xác định gen. Tóm lại, tộc người là một dạng bản sắc nhóm dựa trên sự chia sẻ các đặc trưng văn hóa (Eriksen 2010, 1-9; Munasinghe 2018, 1). Với sự phát triển nhận thức liên quan đến chủng tộc xã hội (social race), tức sự khác biệt về chủng tộc là do định kiến chi phối chứ không phải yếu tố gen (Kottak 2000, 139), khuynh hướng thứ hai trong quan niệm về tộc người ngày càng được nhiều nhà nhân học Âu - Mỹ và các khoa học kế cận đồng tình.    

Với các nhà dân tộc học Xô-viết, việc thảo luận khái niệm “tộc người” đã diễn ra sôi nổi vào khoảng thập niên 1960, dẫn tới sự tương đối đồng thuận về nội hàm của khái niệm này. Theo đó, tộc người là một tập đoàn người ổn định, được hình thành trong lịch sử trên một lãnh thổ nhất định, có những đặc điểm văn hóa chung, có ý thức về sự thống nhất của mình, và sự khác biệt với cộng đồng khác, được biểu hiện ở tên tự gọi (dẫn theo Bế Viết Đẳng 2006, 73).

Hai quan niệm về tộc người nêu trên cho thấy có sự tương đồng giữa các nhà nhân học Âu - Mỹ và các nhà dân tộc học Xô-viết, thể hiện ở chỗ họ chú trọng đến bản sắc văn hóa tộc người. Trong nghiên cứu và phân tích về tộc người, các học giả của cả hai trường phái thường phân biệt giữa tộc người đa số với tộc người thiểu số. Tuy nhiên, các nhà dân tộc học Xô-viết không chấp nhận yếu tố chủng tộc, hay rõ hơn là yếu tố sinh học có liên quan đến tộc người. Sự khác biệt cơ bản nữa giữa hai trường phái trên là trong khi các nhà dân tộc học Xô-viết xác định rõ tộc người là đối tượng nghiên cứu của dân tộc học, dẫn đến dân tộc học là khoa học nghiên cứu về tộc người, thì các nhà nhân học Âu-Mỹ chỉ dừng lại ở chỗ tộc người là một đơn vị phân tích, hay chủ đề nghiên cứu và hoặc là đối tượng của một chuyên ngành nhân học tộc người trong phân ngành nhân học văn hóa.

Nhân học tộc người trên thế giới

Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ngành nhân học ở các trung tâm nhân học trên thế giới, cho thấy nghiên cứu tộc người chiếm một vị trí quan trọng, thể hiện ở chỗ tộc người là đơn vị nghiên cứu, tộc người là chủ đề nghiên cứu, và tộc người là đối tượng nghiên cứu (Munasinghe 2018, 2).

Các nhà nhân học đã nghiên cứu văn hóa tộc người ở nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn, năm 1859, Lewis Henry Morgan thu thập thông tin cho nghiên cứu nổi tiếng của ông về hệ thống thân tộc, cấu trúc xã hội và lý thuyết tiến hóa xã hội. Franz Boas nghiên cứu văn hóa của các bộ tộc thổ dân ở Bắc Mỹ. Bronisław Malinowski nghiên cứu các bộ tộc ở quần đảo Trobriands thuộc Nam Thái Bình Dương. Radcliffe -Brown nghiên cứu các bộ tộc quần đảo Andaman. Claude Lévi-Strauss tìm hiểu các bộ tộc thổ dân Nam Mỹ. Nghiên cứu của Leach (1954) lý giải hệ thống chính trị của người Kachin ở vùng cao Myanmar. Một số nhà nhân học xã hội người Anh tìm hiểu những bộ tộc ở châu Phi (Munasinghe 2018, 2). Điểm nổi bật trong các công trình nghiên cứu tộc người những thập niên cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX là các nhà nhân học thường tập trung tìm hiểu các xã hội truyền thống với giả định trở thành thông lệ, rằng mỗi xã hội tộc người có tính đồng nhất, các thành viên của nó chia sẻ những đặc trưng văn hóa chung tồn tại biệt lập với thế giới bên ngoài (Munasinghe 2018, 2). Từ thập niên 1960 đến nay, tộc người tiếp tục là vấn đề trọng tâm của nghiên cứu nhân học. Hơn nữa, tộc người không chỉ là vấn đề văn hóa được các nhà nhân học quan tâm mà còn là vấn đề có tính chính trị ở cấp độ quốc gia và quốc tế, nhất là ở các quốc gia và khu vực đa tộc người tồn tại hay tiềm ẩn mâu thuẫn giữa các tộc người hay mâu thuẫn giữa tộc người với quốc gia - dân tộc. Trong một số trường hợp, thực tế này đòi hỏi nghiên cứu nhân học tộc người phải có khả năng ứng dụng để giải quyết các vấn đề tộc người trong đời sống thực tiễn ở các địa bàn cụ thể.

Các nhà nhân học đã xây dựng nhiều lý thuyết để phân tích và giải thích tộc người. Trong truyền thống nhân học Âu-Mỹ, các nhà nhân học văn hóa ở Bắc Mỹ và nhân học xã hội ở vương quốc Anh đã xây dựng các lý thuyết lớn giải thích về văn hóa và xã hội trong đó có chủ đề tộc người. Nổi bật trong đó là hai quan điểm lý thuyết đối lập nhau. Quan điểm lý thuyết tiến hóa văn hóa cho rằng văn hóa con người nói chung và văn hóa của các tộc người cụ thể nói riêng có sự phát triển từ thấp lên cao theo một con đường duy nhất. Từ đó, các nhà nhân học nghiên cứu về các tộc người cụ thể thường đặt văn hóa tộc người này ở vị trí nào đó trong khung tiến hóa từ mông muội đến man rợ hay văn minh. Vì các nhà nhân học ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX thường xuất thân từ phương Tây, nên họ lấy các giá trị và chuẩn mực văn hóa của tộc người mình để soi chiếu và phân tích đối tượng nghiên cứu. Điều này dẫn đến chỗ họ bị rơi vào chủ nghĩa vị chủng trong phân tích văn hóa của các tộc người khác, làm hình thành nhận thức không có cơ sở khoa học rằng có một số tộc người siêu đẳng, ưu việt hơn những tộc người khác.

Phủ định quan điểm lý thuyết tiến hóa văn hoá đơn tuyến, từ đầu thế kỷ XX, quan điểm lý thuyết tương đối văn hóa được nhà nhân học Franz Boas phát triển, cho rằng không có nền văn hóa cao hay nền văn hóa thấp, bởi lẽ mỗi nền văn hóa là sản phẩm được hình thành từ chính bối cảnh địa lý và lịch sử riêng có của tộc người đó. Vận dụng quan điểm lý thuyết này vào phân tích văn hóa tộc người, rõ ràng nhà nhân học phải đặt văn hóa của tộc người được nghiên cứu trong bối cảnh lịch sử cụ thể của chính tộc người đó để phân tích và lý giải từ lăng kính, giá trị và các chuẩn mực văn hóa của chính tộc người đó, và dĩ nhiên cả từ quan điểm và lăng kính của nhà nhân học. Theo cách này, không thể mang văn hóa của tộc người này so sánh với văn hóa của tộc người khác. Điều này đồng nghĩa với việc không có văn hóa cao và văn hóa thấp, văn hóa thượng đẳng và văn hóa hạ đẳng. Thay vào đó, văn hóa tộc người là sự khác biệt văn hóa giữa tộc người này với tộc người khác. Sự khác biệt này chỉ là sự khác biệt văn hóa, không phải là chỉ báo về sự khác biệt mang tính sinh học. Quan điểm lý thuyết này định hướng và dẫn dắt cách phân tích và giải thích của các nhà nhân học trong nghiên cứu tộc người và nghiên cứu con người nói chung. 

Trong trường phái dân tộc học Xô-viết, ngoài việc quán triệt những luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhất là việc nghiên cứu phải dựa trên phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, trong những thập niên 1960 -1970, các nhà dân tộc học Xô-viết đã xây dựng một số lý thuyết để giải thích về tộc người, bao gồm lý thuyết quá trình tộc người của Yu.V. Bromley phân tích và giải thích quá trình biến đổi của các tộc người theo hai hướng cố kết tộc người và phân ly tộc người. Ngoài ra, lý thuyết khu vực dân tộc học lịch sử do các nhà dân tộc học Trêbôcxarốp và Trêbôcxarốpva phát triển đã đề cao vai tr  của các điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội trong quá trình kiến tạo các đặc trưng văn hóa tộc người (Vương Xuân Tình 2019, 109-127). 

 Từ dân tộc học đến nhân học tộc người ở Việt Nam

Ở Việt Nam, từ thời kỳ Pháp thuộc, một số nhà dân tộc học người Pháp đã nghiên cứu các tộc người cụ thể và họ gọi là “người”. Ví dụ, nhà dân tộc học Georges Condominas (2008) nghiên cứu về một cộng đồng của nhóm địa phương thuộc tộc người Mnông ở Tây Nguyên, và ông gọi đối tượng nghiên cứu của mình là “người Mnông Gar”. Trong những thập niên 1960-1990, với ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái dân tộc học Xô-viết, các nhà dân tộc học Việt Nam đã xác định dứt khoát rằng đối tượng nghiên cứu của dân tộc học ở Việt Nam là các tộc người. Từ những năm 2000, khi dân tộc học được chuyển đổi thành ngành nhân học, vấn đề tộc người tiếp tục được các nhà nhân học Việt Nam quan tâm nghiên cứu. Hai khoa Nhân học của hai Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đều có các học phần về nhân học tộc người. Còn ở một số cơ quan, tổ chức nghiên cứu có chức năng, nhiệm vụ gắn với vấn đề dân tộc thì tộc người vẫn là đối tượng nghiên cứu trọng tâm.

Các công trình nghiên cứu tộc người ở Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy các nhà dân tộc học Việt Nam nỗ lực làm rõ khái niệm tộc người, từ đó xác định tộc người là đối tượng nghiên cứu của dân tộc học, với mục đích ứng dụng rất rõ là nhằm phục vụ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Bằng cách đó, tính đến nay, hàng nghìn công trình nghiên cứu về tộc người của các nhà dân tộc học và nhân học Việt Nam được công bố dưới các hình thức sách, bài báo khoa học, v.v. Nghiên cứu dân tộc học về tộc người chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp luận dân tộc học, tức các nhà nghiên cứu đi điền dã, tham gia vào các hoạt động trong đời sống thường ngày của đối tượng nghiên cứu để tìm hiểu từ chính góc nhìn của họ, và xây dựng thành các chuyên khảo, tức trình bày và phân tích về một tộc người, một nhóm tộc người hay vùng tộc người.[1] Theo đó, đến nay các công trình dân tộc học về tộc người ở Việt Nam có mấy khuynh hướng nghiên cứu chính sau đây:

Thứ nhất là nghiên cứu cơ bản về tộc người. Những công trình nghiên cứu này được trình bày dưới dạng dân tộc chí, xem xét toàn diện về tộc người, như dân số, phân bố dân cư, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa. Ngoài dân tộc chí c n có những nghiên cứu mang tính lý luận hay tổng kết về vấn đề tộc người ở Việt Nam. Một trong những thành tựu nổi bật của khuynh hướng nghiên cứu cơ bản là các nhà dân tộc học có đóng góp quyết định trong công tác xác định thành phần tộc người, tức xác định xem Việt Nam có bao nhiêu tộc người và ai thuộc tộc người nào. Nhiệm vụ lớn và khó này được các nhà dân tộc học bắt đầu thực hiện từ cuối thập niên 1950, và triển khai mạnh mẽ trong những thập niên 1960-1970. Kết quả là đến năm 1979, Chính phủ công bố có 54 tộc người ở Việt Nam. Trong những năm 2001 đến năm 2013, việc xác định lại thành phần tộc người đối với một số tộc người hay các nhóm trong một tộc người được thực hiện xuất phát từ nguyện vọng của một số người dân và nhà dân tộc học. Trong hai lần xác định lại thành phần tộc người do Viện Dân tộc học và Ủy ban Dân tộc thực hiện, các nhà dân tộc học và cán bộ quản lý nhà nước ở Việt Nam đều áp dụng ba tiêu chí là có chung ngôn ngữ, có chung các đặc điểm văn hóa, và ý thức tự giác tộc người (ý thức mình thuộc về một tộc người nào đó), như đã được sử dụng trong lần xác định trước. Vì thế, dù qua hai lần xác định lại thành phần tộc người, đến nay Việt Nam vẫn giữ nguyên danh mục 54 tộc người ở Việt Nam được công bố từ năm 1979.

Tài liệu nghiên cứu, các văn bản chính sách và trong tài liệu truyền thông về 54 tộc người ở Việt Nam thường phân chia thành tộc người đa số và tộc người thiểu số. Chỉ có một tộc người đa số, đó là người Kinh (Việt) vì dân số của tộc người này chiếm đa số dân cư Việt Nam, lên tới 85,3% tổng dân số cả nước (năm 2019). Toàn bộ 53 tộc người còn lại được gọi là các dân tộc thiểu số, vì tổng dân số của 53 tộc người này chỉ chiếm 14,7 % dân số cả nước (năm 2019). Trong 53 dân tộc thiểu số lại có tới 16 dân tộc thiểu số rất ít người, theo nghĩa tổng dân số của mỗi tộc người này chỉ đạt dưới 10.000 người, bao gồm các tộc người: Ơ-đu, Pu Péo, Si La, Rơ-măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Cơ Lao, La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Phù Lá, Chứt, và Lô Lô.

Thứ hai, bản sắc tộc người là vấn đề được các nhà nhân học quan tâm tìm hiểu và thường gắn với nghiên cứu các thành tố văn hóa tộc người cụ thể, như trang phục, nhà cửa, ẩm thực, quan hệ gia đình và dòng họ, các thực hành tôn giáo và tín ngưỡng. Một trong những nghiên cứu như vậy là của nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi (2003, 109-126). Ông đã dày công điền dã dân tộc học ở các bản người Mường tại tỉnh Hòa Bình để nghiên cứu hoa văn trên cạp váy của phụ nữ người Mường. Phát hiện của ông là các hoa văn trên cạp váy của phụ nữ người Mường tương đồng với những hoa văn trên mặt các trống đồng Đông Sơn. Vậy sao lại có sự tương đồng này? Cạp váy của phụ nữ người Mường đương thời có mối liên hệ gì với trang trí nghệ thuật trên mặt trống đồng được đúc từ nhiều thế kỷ trước? Nhà dân tộc học Từ Chi cho rằng, phụ nữ chính là người có khả năng lưu giữ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống. Cuộc sống của người Mường dẫu có những đổi thay, song nhiều hoa văn do tổ tiên họ - chủ nhân của trống đồng Đông Sơn tạo nên, vẫn được họ giữ gìn, hay nói cách khác, là đã “hóa thạch” trên cạp váy của họ.   

Thứ ba, quan hệ tộc người cũng là một vấn đề được các nhà nhân học quan tâm. Khi nói đến quan hệ tộc người, các nhà nhân học nhìn nhận từ nhiều chiều cạnh, như quan hệ giữa các thành viên trong một tộc người, quan hệ giữa các tộc người thiểu số với nhau, quan hệ giữa các tộc người thiểu số với tộc người đa số, quan hệ tộc người xuyên quốc gia - tức quan hệ giữa các tộc người ở các quốc gia có chung biên giới hoặc không chung biên giới, và quan hệ tộc người với quốc gia - dân tộc (giữa một hay các tộc người với quốc gia - dân tộc Việt Nam). Trong công trình nghiên cứu gần đây về các quan hệ tộc người xuyên quốc gia, chúng tôi đã tìm hiểu ở người Khơ-me, người Chăm và người Hoa tại vùng Nam Bộ và phát hiện ra rằng, cùng với quan hệ kinh tế, mối quan hệ về tôn giáo cũng góp phần quan trọng thúc đẩy sự cố kết tộc người xuyên quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa, khu vực hóa (Vương Xuân Tình, Vũ Đình Mười đồng chủ biên 2016).

Thứ tư, là nghiên cứu phát triển, tức tri thức và phương pháp luận dân tộc học được ứng dụng một cách hiệu quả vào giải quyết các vấn đề hoạch định và thực thi chính sách trong thực tiễn đời sống của đất nước. Có thể nói, từ những tri thức sâu và toàn diện của mình, nhà nhân học nghiên cứu về tộc người đã ứng dụng tri thức và phương pháp của họ vào giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường ở các vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đồng bằng. Thực tế này xuất phát từ chỗ các nhà nhân học đã nghiên cứu sâu về các tộc người ở các địa phương cụ thể, thấu hiểu những nền tảng và các nhân tố kiến tạo hay ảnh hưởng đến cuộc sống, bản sắc văn hóa, sự phát triển kinh tế và cố kết xã hội tộc người ở địa bàn nghiên cứu. Trên cơ sở đó, họ là các chuyên gia tư vấn cho chính quyền trong việc thiết kế những chính sách phù hợp với văn hóa tộc người, hay triển khai chính sách để giải quyết các vấn đề cấp bách ở từng tộc người cụ thể.

Chẳng hạn, trong quá trình xây dựng và triển khai Chương trình xóa đói giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong những năm 1998-2020, một số lượng không nhỏ các nhà nhân học đã đóng góp vào việc triển khai các hoạt động cụ thể liên quan đến nhận diện đói nghèo, thực hiện các dự án giảm nghèo, đánh giá hiệu quả và tác động của các dự án giảm nghèo như cho vay vốn, hỗ trợ người dân cây trồng, vật nuôi, công cụ sản xuất, hay tham gia vào các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương và người dân để có thêm kiến thức và kỹ năng phát triển sinh kế, thích nghi với thị trường, đảm bảo công bằng giới, phát huy các giá trị văn hóa tộc người để làm du lịch, hoặc bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng, đất và nước, v.v. Giải quyết tốt, có hiệu quả và bền vững các vấn đề này, và nhiều vấn đề khác của các cộng đồng tộc người thiểu số ở các địa bàn cụ thể đòi hỏi phải có tri thức về văn hóa của họ. Chúng ta biết đây chính là sở trường của các nhà nhân học, những người am hiểu về văn hóa, lịch sử, môi trường sống và các tập quán của chính những cộng đồng tộc người được thụ hưởng các chính sách và sự hỗ trợ của chính quyền nhà nước, các tổ chức quốc tế và địa phương, các doanh nghiệp công và tư. Bằng cách này, các nhà nhân học đã có đóng góp đặc biệt vào công tác xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ vừa qua. 

Kết luận

Tộc người là một trong những chủ đề được các nhà nhân học quan tâm nghiên cứu. Tùy vào từng truyền thống nhân học ở các quốc gia cụ thể, tộc người được xác định là đối tượng nghiên cứu theo cách riêng của mình, nhưng điểm chung cơ bản là các nhà nhân học nhấn mạnh đến văn hóa trong định nghĩa tộc người và triển khai nghiên cứu về tộc người bằng phương pháp luận dân tộc học. Ở Việt Nam, từ thời Pháp thuộc, tộc người là chủ đề được các nhà dân tộc học quan tâm nghiên cứu. Đến những thập niên nửa sau thế kỷ XX, tộc người được các nhà dân tộc học Việt Nam xác định rõ là đối tượng nghiên cứu của dân tộc học, một trong các chuyên ngành của khoa học lịch sử. Từ những năm 2000 đến này, trong quá trình dân tộc học được chuyển đổi thành nhân học, tộc người tiếp tục là một chủ đề nghiên cứu quan trọng của các nhà nhân học văn hóa, làm hình thành một chuyên ngành mà chúng tôi và các đồng nghiệp gọi là nhân học tộc người. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hiện đại hóa hiện nay, văn hóa tộc người tiếp tục là một thành tố quan trọng quyết định sự thành công và tính bền vững của các chính sách phát triển kinh tế, khoa học và môi trường. Nhà nhân học quan tâm nghiên cứu tộc người không chỉ là những chuyên gia mà còn là cầu nối giữa những người thực hiện chính sách với cộng đồng, để đảm bảo các chính sách được thực thi phù hợp và bền vững trong các bối cảnh thực tiễn và xã hội cụ thể. Đây là cơ sở để các nhà nhân học tiếp tục dấn thân nghiên cứu cơ bản và ứng dụng tri thức khoa học cơ bản vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, nhất là ở vùng dân tộc tộc thiểu số, miền núi và biển đảo của đất nước. 

Tài liệu trích dẫn

Nguyễn Từ Chi. 2003. Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người. Hà Nội: Nxb Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật.

Congdominas, Georges. 2008. Chúng tôi ăn rừng. Hà Nội: Nxb. Thế giới.

Eriksen, Thomas H. 2010. Ethnicity and Nationalism: Anthropological Perspectives. Pluto Press.

Bế Viết Đẳng. 1973. “Mấy ý kiến về ‘Công tác xác minh thành phần dân tộc’ ở miền Bắc nước ta hiện nay.” Thông báo Dân tộc học, số 3 (4): 10-18.

Eriksen, Thomas. 2010. Ethnicity and Nationalism: Anthropological Perspectives. Pluto Press.

Kottak, Conrad P. 2000. Anthropology: The Exploration of Human Diversity.  8th Edition. McGraw-Hill Higher Education.

Vương Xuân Tình, Vũ Đình Mười (Đồng chủ biên). 2016. Quan hệ dân tộc xuyên quốc gia ở Việt Nam: Nghiên cứu tại vùng Nam Bộ. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

 Vương Xuân Tình. 2019. Cộng đồng kiến tạo: Tộc người với quốc gia - dân tộc trên thế giới và ở Việt Nam. Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

Munasinghe, Viranjini. 2018. “Ethnicity in Anthropology.” In The International Encyclopedia of Anthropology, edited by Hilary Callan, pp. 1-12. John Wiley & Sons Ltd. Publication.

* Về tác giả

PGS. Vương Xuân Tình tốt nghiệp tiến sĩ Dân tộc học tại Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (1999); hoàn thành chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ về Nhân học ẩm thực tại Trường Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ. Gần 40 năm công tác ở Viện Dân tộc học, ông đã tham gia và tổ chức nhiều hoạt động nghiên cứu, gắn nghiên cứu với đào tạo (bậc thạc sĩ và tiến sĩ). Các vấn đề nghiên cứu chính: văn hóa ẩm thực, hưởng dụng đất ở vùng cao Việt Nam, văn hóa và phát triển, quan hệ tộc người xuyên quốc gia, quan hệ tộc người với quốc gia - dân tộc. Những chuyên đề đào tạo: Quan hệ dân tộc và chính sách dân tộc ở Việt Nam (Thạc sĩ); Tộc người và các quan hệ xuyên biên giới ở khu vực Mê-kông (Thạc sĩ); Văn hóa tộc người và phát triển (Tiến sĩ).

ThS. Vũ Đình Mười tốt nghiệp thạc sĩ Nhân học tại Đại học Northern Illinois, Hoa Kỳ (2006), hiện đang là NCS tiến sĩ tại Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. ThS. Vũ Đình Mười công tác tại Viện Dân tộc học từ năm 1999, tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu trong và ngoài cơ quan. Các chủ đề nghiên cứu chính: Dân tộc Khơ-me, nhân học kinh tế, nghèo đói, sinh kế tộc người, quan hệ tộc người xuyên quốc gia.

 

[1] Ngoài ra, tộc người còn là đề tài nghiên cứu của nhiều nhà nhân học người nước ngoài, như Oscar Salemink, Philip Taylor, Jean Michaud, v.v. song chúng tôi chưa có điều kiện giới thiệu ở đây.

 

Nguồn: Giáo trình Nhân học: Ngành khoa học về con người

Nguyễn Văn Sửu (chủ biên), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020

Từ khóa » Ví Dụ Về Tộc Người