Nhân Rộng Mô Hình Trồng Sâm Bố Chính Hiệu Quả Tại Xã Thanh Lâm

        Sâm bố chính còn gọi là sâm thổ hàosâm báo, có tên khoa học là Hibiscus sagittifolius Kurz, thuộc họ bông – Malvaceae.

        Sâm bố chính là loại cây thân thảo sống dai, mọc đứng một cách yếu ớt, có khi dựa vào các cây xung quanh, cao chừng 1 m hay hơn. Rễ mẫm màu trắng nhạt hoặc vàng nhạt, có đường kính 1,5 – 2cm, nhiều rễ có hình người trông rất giống nhân sâm. Lá ở phía gốc cây hình trái xoan, phần cuối phiến lá hình tim hay hình mũi tên, đầu phiến lá không nhọn. Các lá ở phía ngọn càng lên trên càng hẹp. Mặt lá có lông đơn hay hình sao. Hoa màu hồng hay đỏ, phớt vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá, đường kính tới 8cm. Toàn bộ phần củ sâm là bộ phận được dùng làm thuốc.

        Theo các nhà khoa học sâm bố chính có dược tính rất cao, dược tính sâm bố chính được cho là tương đương nhân sâm Hàn Quốc và chỉ thua dược tính sâm Ngọc Linh. Sâm bố chính có vị ngọt, tính mát.

        Theo y học cổ truyền sâm bố chính có một số tác dụng chính như sau: Điều trị ho, tác dụng hạ sốt, tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa, điều hòa kinh nguyệt, hỗ trợ điều trị ung thư.

        Sâm bố chính là một vị thuốc với nhiều công dụng khác nhau, đầu ra rất ổn định và phù hợp sinh trưởng ở vùng miền núi, do đó từ năm 2018 đã có vài hộ dân ở xã Thanh Lâm nhen nhúm ý tưởng trồng Sâm Bố Chính, ban đầu chỉ có 4 hộ mạnh dạn trồng thử loại sâm này, nên diện tích chỉ có vài sào. Đến kỳ thu hoạch thì chất lượng sâm cho thu hoạch năng suất cao, trừ chi phí đầu vào và nhân công thì mỗi sào thu lãi được từ 15 - 20 triệu đồng, lãi hơn so với trồng lúa, trồng sắn rất nhiều. Thấy 04 hộ gia đình đầu tiên trồng sâm cho thu hoạch cao, nên các hộ gia đình khác trong xã cũng học hỏi để trồng. Đến năm 2020 trên địa bàn xã có 18 hộ trồng sâm với tổng diện tích cả hecta. Thu lãi từ 15 - 20 triệu đồng/sào. Quá trình trồng cây và chăm sóc được bà con Nhân dân thực hiện canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Do đó dược tính sâm rất cao và đảm bảo an toàn, hoàn toàn tự nhiên.

        Nhận thấy sâm bố chính phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao; năm 2020 UBND xã Thanh Lâm đã xây dựng kế hoạch trồng thử nghiệm 1,0 ha, cho thu hoạch năng suất 10 tấn/ha, với giá bán 100.000đ/1kg tươi, với tổng thu nhập 1 tỷ đồng. Từ kết quả đó, năm 2021 xã tiếp thục chỉ đạo phát triển mở rộng mô hình trồng sâm bố chính với diện tích 20 hecta, với mong muốn tăng thu nhập bình quân cho người dân, giúp các hộ gia đình nghèo, hộ khó khăn thoát nghèo bền vững. Để tiêu thụ sản phẩm, xã Thanh Lâm tiếp tục liên kết với công ty Trí Việt địa chỉ: 142 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Hội, để phát triển mô hình trồng sâm bố chính. Dự kiến cuối năm 2021 tổng thu nhập mang lại từ nhân rộng mô hình sâm bố chính khoảng 20 tỷ đồng, đưa xã Thanh Lâm dẫn đầu cả huyện về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Từ khóa » Trồng Sâm ở Miền Bắc