Nhân Trần | BvNTP - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương

Vị thuốc nhân trần mang lại nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe, giúp điều trị cảm nắng, nhuận gan, đồng thời cải thiện tình trạng mệt mỏi và chán ăn.

Cây nhân trần

Hình ảnh cây nhân trần – Dược liệu với nhiều công dụng trị bệnh tốt cho sức khỏe

+ Tên khác: Chè nội, hoắc hương núi, tuyến hương lam, chè cát

+ Tên khoa học: Adenosma glutinosum

+ Họ: Mã đề Plantaginaceae

I. Mô tả cây nhân trần

1. Đặc điểm thực vật

Nhân trần là loại cây thân thảo sống lâu năm, có chiều cao 0.5 – 1 m. Thân cây tròn có nhiều lông. Toàn thân và lá có mùi thơm. Lá cây có hình trái xoang, mọc cách, có lông và gân lá, mép lá có răng cưa..

Hoa có mọc thành chụm ở đầu cành hoặc kẽ lá. Hoa hoắc hương núi có màu tím với đài hoa có 5 răng xếp thành hình chuông. Quả nang dạng hình trứng, chứa hạt có màu vàng.

2. Phân loại

Nhân trần có các loại chính như sau:

  • Nhân trần cái: Còn được gọi là hoắc hương núi, có tên khoa học là Adesnosma caeruleum R. Br. Loại thảo dược này thuộc họ Mõm Chó Scrophullrriaceae. Loài này có đặc tính kháng viêm tốt, đồng thời có tác dụng tăng tiết mật

  • Nhân trần bồ bồ: Tên khoa học là Adesnosma capitatum Benth. Dược liệu này cũng thuộc họ Scrophullrriaceae. Một số vùng thường gọi là cây nhân trần đực hoặc cây bồ bồ. Về tác dụng, nhân trần bồ bồ có công dụng giống nhân trần cái nhưng xét về tính tăng tiết mật thì kém hơn nhân trần cái.

  • Nhân trần cao (nhân trần Trung Quốc): Loại này thuộc họ Cúc Asteraceae với tên khoa học là Artemisia capillaris Thunb. Thảo dược có tác dụng kháng khuẩn, giúp tiêu diệt vi khuẩn ngoài da và hạ sốt

Nhân trần là gì

Hình ảnh nhân trần bồ bồ – Một loại nhân trần thuộc họ Mõm Chó

3. Phân bố

Hoắc hương núi mọc chủ yếu ở các khu vực có khí hậu nhiệt đới. Ngoài ra, thảo dược này có thể tìm thấy ở một số đảo lớn ở Châu Âu. Ở Việt Nam, hoắc hương núi mọc hoang và được trồng nhiều ở các vùng đồi núi như Bắc Giang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc,…

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến và bảo quản

  • Bộ phận dùng làm thuốc: Toàn thân

  • Thu hái: Thảo dược được hái vào khoảng tháng 4 – 7, lúc hoa đang nở

  • Chế biến: Sau thu hoạch, dược liệu sẽ được rửa sạch và phơi khô dưới bóng râm

  • Bảo quản: Tránh nơi ẩm ướt và tránh ánh nắng mặt trời

5. Thành phần hóa học

Dược liệu chứa nhiều tinh dầu với các thành phần hóa học như capilen, pinen, xeton. Ngoài các hoạt chất này, hoắc hương núi có chứa lượng lớn chất chống oxy hóa flavonoid, chất cumarin và polyphenol.

II. Vị thuốc nhân trần

1. Tính vị

Tính hơi hàn, vị đắng cay

2. Qui kinh

Tác dụng vào kinh Can, Vị, Đởm và Tỳ

3. Công dụng của nhân trần

Theo Đông y, nhân trần có tác dụng thái hoàng, thanh nhiệt và lợi thấp. Do đó, thảo dược thường dùng để cải thiện chứng tiểu tiện bất lợi, hoàng đản và các bệnh loét da do phong thấp,…

Theo nghiên cứu hiện đại cho biết, dược liệu này cò tác dụng thúc đẩy và tăng tiết dịch mất. Đồng thời, chúng còn có đặc tính kháng khuẩn, giúp tiêu diệt các chuẩn khuẩn gây viêm phổi, viêm não như tụ cầu vàng, mủ xanh, e.cpli, phó thương hàn,… Mặt khác còn giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Chính nhờ những tác dụng này, dược liệu nhân trần thường được sử dụng với các mục đích điều trị sau:

  • Giải nhiệt

  • Giảm đam và chống viêm

  • Bảo vệ gan, giúp ngăn ngừa gan nhiễm mỡ

  • Ổn định huyết áp, hạ huyết áp ở những đối tượng bị huyết áp cao

  • Ức chế tế bào ung thư phát triển

  • Chữa viêm gan truyền nhiễm cấp tính thể vàng da

  • Kiểm soát rối loạn lipid máu

  • Viêm loét miệng

  • Nấm da

  • Thiểu năng mạch vành

  • Eczema ở trẻ em

  • Giun chui ống mật

  • Vàng da tán huyết do thương hàn ở trẻ sơ sinh

4. Cách dùng và liều lượng

Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc pha trà uống. Liều dùng mỗi ngày là 20 – 63 gram.

Hình ảnh cây nhân trần

Hình ảnh vị thuốc nhân trần sau khi thu hoạch được phơi khô

III. Bài thuốc chữa bệnh từ nhân trần theo kinh nghiệm dân gian

1. Điều trị viêm gan vàng da cấp tính có sốt

  • Cách 1: Dùng 100 gram hoắc hương núi, 30 gram đường trắng và 50 gram bồ công anh. Đem tất cả các vị thuốc này sắc nước và uống trong ngày. Ngoài giúp cải thiện triệu chứng viêm gan vàng da cấp tính có sốt, bài thuốc này còn giúp hỗ trợ điều trị bệnh viêm nhiễm đường mật cấp tính hoặc khắc phục tình trạng nước tiểu có màu vàng sẫm,…

  • Cách 2: Sử dụng 300 gram nhân trần, 30 gram trà và 60 gram sinh đại hoàng đem tán vụn. Mỗi lần lấy 30 gram hỗn hợp trà hãm với nước sôi từ 15 – 20 phút và uống.

  • Cách 3: Lấy 150 gram nhân trần, 50 gram sinh cam thảo và 500 gram bgachj hoa xà thiệt thảo đem tán vụn và trộn đều với nhau. Mỗi ngày dùng 60 gram hãm nước sôi và uống.

2. Lợi tiểu

Dùng 30 gram hoắc hương núi và 30 gram râu ngô đem sắc nước và uống trong ngày. Thường xuyên sử dụng giúp cải thiện chứng tiểu rát, khó tiểu, bí tiểu hoặc tiểu dắt,…

3. Làm giảm huyết áp

Sử dụng 30 gram nhân trần hãm trong ấm nước nóng và dùng uống hàng ngày giúp ổn đinh huyết áp.

4. Điều trị viêm hoặc ngứa da

Dùng 30 gram hoắc hương núi và 15 gram lá sen đem phơi hoặc sấy khô rồi tán bột mịn. Mỗi lần dùng 3 gram pha trong nước ấm, thêm mật ong và uống.

5. Lợi thấp và làm tiêu tan màu vàng ở da

24 gram hoắc hương núi sắc uống với 8 gram đại hoàng và 12 gram chi tử.

6. Sát trùng vết thương và hỗ trợ máu khó đông

Sử dụng một nắm lá cây hoắc hương núi đem rửa sạch và giã nát. Sau đó đắp lên vết thương giúp giảm sưng và kháng khuẩn. Đồng thời, cách làm này còn giúp cầm máu ở những bệnh nhân có vết thương nhưng mắc bệnh máu khó đông.

7. Chữa viêm gan cấp hoặc mạn tính gây vàng da

  • Cách 1: Sử dụng 30 gram nhân trần sắc thuốc, lấy nước và lọc bỏ bã. Tiếp đó, lấy phần nước cho 50 gram gạo lức đã được làm sạch vào nấu cháo. Khi cháo chín, thêm đường và ăn.

  • Cách 2: Dùng 30 gram hoắc hương núi đã được thái nhỏ đem hãm trong nước sôi từ 10 – 15 phút. Mỗi khi uống thêm đường phèn vào.

​​​​​​​Cách pha nhân trần

Nước nhân trần giúp chữa viêm gan cấp và mạn tính gây vàng da

8. Thanh nhiệt và mát gan

Dùng nhân trần, bông mã đề và bán biên liên, mỗi vị một lượng bằng nhau đem phơi hoặc sấy khô. Sau đó, đem tán mịn và trộn đều với nhau. Mỗi lần uống lấy 50 gram bột hòa tan với nước đun sôi để nguội và dùng.

9. Cải thiện tình trạng đau đầu, say nắng và sốt

  • Cách 1: Dùng 1 nắm nhân trần và hành tăm đem sắc nước và uống

  • Cách 2: 16 gram nhân trần. 20 gram hoàng cầm, 8 gram mộc thông, 20 gram hoạt thạch và 8 gram thạch xương bồ, 6 gram hoắc hương, 6 gram liên kiều, 6 gram xạ can và 6 gram bạch đậu khấu. Tất cả các vị thuốc sắt uống.

10. Điều trị sốt, vàng da

Lấy 16 gram nhân trần, 12 gram lá cối xay và 16 gram lá vọng cách đem sắc thuốc và uống. Sử dụng liên tục trong 3 – 4 ngày giúp điều trị sốt và vàng da.

11. Trị đau mắt hoặc mắt sưng đỏ

Sử dụng 1 nắm lá nhân trần sắc chung với 1 nắm lá mã đề. Uống nước thuốc cho đến khi mắt hết đau hoặc đỏ thì ngưng.

12. Dự phòng sỏi mật hoặc viêm túi mật

  • Cách 1: Dùng 150 gram nhân trần, 300 gram râu ngô và 150 gram bồ công anh đem tán vụn và trộn đều. Mỗi ngày dùng 60 gram hãm với nước sôi để nguội và uống.

  • Cách 2: 63 gram nhân trần, 63 gram uất kim, 63 gram bồ công anh và 16 gram nghệ vàng. Sắc uống

13. Điều trị viêm gan ở giai đoạn có di chứng khó tiêu, chán ăn hoặc đầy bụng

Lấy 500 gram nhân trần, 250 gram quất bì và 500 gram mạch nha đem sấy khô và tán vụn. Mỗi ngày dùng 60 gram hãm trong nước sôi và uống trong ngày.

14. Khắc phục chứng chân tay ra nhiều mồ hôi, lạnh

Dùng 12 gram can khương, 24 gram nhân trần và 4 gram phụ tử chế. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, uống liên tục từ 3 – 4 ngày để kiểm soát triệu chứng bệnh.

15. Đẩy lùi tình trạng mệt mỏi, sắc mặt u ám, không muốn ăn

Dùng 15 gram nhân trần sắc chung với gừng khô thái lát, táo tàu và đường đỏ. Uống nước và ăn táo, sử dụng 5 – 7 ngày để có tác dụng tốt.

IV. Những lưu ý khi sử dụng nhân trần

Mặc dù là thảo dược mang lại nhiều lợi ích tốt đối với sức khỏe nhưng nếu sử dụng nhân trần sai cách, dược liệu này có thể để lại hậu quả khôn lường. Do đó, khi dùng vị thuốc này bạn nên lưu ý những điểm sau:

  • Không nên kết hợp nhân trần với cam thảo. Bởi theo các chuyên gia Đông y cho biết, nhân trần có tính chất đào thải nước còn cam thảo lại giữ nước. Do đó, khi pha chung hai thảo dược này với nhau chúng có thể gây tương tác thuốc, không chỉ làm giảm hiệu quả điều trị mà còn tăng tác dụng phụ

  • Theo kinh nghiệm lưu truyền từ dân gian, thảo dược này có tác dụng giúp hồi phục sức khỏe ở phụ nữ sau sinh một cách nhanh chóng. Nhưng, nếu sử dụng quá liều lượng có thể gây phản ứng ngược, làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể khiến mẹ bị mất sữa

  • Phụ nữ có thai không nên dùng nhân trần khi chưa có sự cho phép từ thầy thuốc

  • Thuốc có tác dụng thanh nhiệt và làm mát gan nhưng người không mắc các bệnh lý về gan không nên dùng hàng ngày. Vì việc thường xuyên sử dụng thảo dược này sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương ở gan. Chưa kể đến, nhân trần có tính lợi tiểu, sử dụng liên tục có thể gây mất nước và mất chất cân bằng điện giải khiến cơ thể mệt mỏi

Nhân trần có tính mát làm mát gan và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý khác nhau. Tuy nhiên, các bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều dùng và cách pha đúng để giảm những tình huống rủi ro trong quá trình sử dụng.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Uất Kim