Tác Dụng Làm Thuốc Của Uất Kim (củ Nghệ), Phân Biệt Với Thân Rễ Cây ...

Khi đào một bụi nghệ đủ già, bạn sẽ thấy ngoài phần thân rễ có màu vàng mà chúng ta hay gọi là củ thì còn có những cái củ trắng đục, tròn tròn, phình to lên giữa các đoạn rễ. Đây chính là củ nghệ thực thụ mà trong y học, nó được gọi là uất kim (郁金).

Khi bạn cắt ra, phần thịt của củ nghệ này có màu trắng ngà và có chất nhão như thịt củ khoai từ vậy. Khác với thân rễ cây nghệ có màu vàng ngà, có mùi thơm nồng và thường làm gia vị (bột nghệ), củ nghệ thực thụ (uất kim – UK) lại thường bị bỏ đi.

Uất kim có mùi hương nhẹ hơn khương hoàng và nếu không để ý thì sẽ khó cảm nhận được.

Uất kim được lấy từ cây gì?

  • Theo công trình Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam thì uất kim được lấy từ củ của cây nghệ vàng Curcuma longa.
  • Theo công trình Cây thuốc bài thuốc và biệt dược thì vị thuốc này được lấy từ củ của cây nghệ trắng Curcuma aromatica, hay còn gọi là nghệ rừng (loại này được nhắc đến nhiều hơn so với các loại khác) (1) (2) (3).
Thu hoạch Uất kim
Thu hoạch củ nghệ

Trên thực tế, ở Trung Quốc, uất kim còn được lấy từ rễ của cây Curcuma rcenyujin và một số cây khác nữa.

Uất kim có tác dụng gì?

Khi bạn bị thương ngoài da mà vết thương ấy lâu lành, bạn có thể nhổ lấy một ít UK tươi (củ tươi có màu trắng bột), giã nát rồi đắp lên thì lớp da non sẽ mau lên hơn (loại củ tươi này nó sệt như thịt củ khoai từ, mát lạnh và rất tốt cho da tổn thương, khi đắp lên thì có cảm giác mát dịu, rất dễ chịu).

So với khương hoàng (tức thân rễ cây nghệ mà ta hay gọi là củ) thì UK cũng có nhiều công dụng tương tự. Tuy nhiên, vị thuốc này vẫn có những chức năng nổi trội riêng của nó.

Uất kim
Vị thuốc khô

Theo y học cổ truyền, uất kim có vị cay đắng nhưng cũng hơi ngọt và có tính mát. Nói đến UK là nói đến khả năng tác động khí huyết, giúp khí huyết lưu thông (“hành khí”) và đồng thời hóa giải uất kết (phá ứ). Vì vậy, với trường hợp khí huyết uất trệ làm cho bụng và sườn đau nhức thì có thể dùng vị thuốc này.

Không chỉ thế, uất kim còn giúp mát máu và điều trị các chứng như chảy máu cam, thổ huyết, tiểu ra máu, điên cuồng và bệnh nhiệt hôn mê. Liều lượng cho mỗi ngày là từ 2 – 10 g rễ củ nghệ (UK) phơi khô, sắc lấy nước hoặc tán bột uống.

Đặc biệt, củ nghệ thực thụ không chỉ giúp tiêu ứ, thông mật mà còn điều trị được các bệnh chứng kèm theo như: buồn nôn, đau tức ngực, chán ăn uống, rối loạn kinh nguyệt và vàng da (hoàng đản). Với các chứng này thì liều dùng thông thường là từ 3 – 8 g mỗi ngày, sắc lấy nước hoặc tán bột uống (1) (2).

Lưu ý

  • Đối tượng cần tránh: Với những người cơ thể suy nhược, âm hư và không có ứ trệ thì không nên dùng (1) (2). Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai cũng không nên dùng và trong từng trường hợp cụ thể, các bệnh nhân nên hỏi thêm ý kiến thầy thuốc để có hướng dẫn phù hợp nhất (1).
  • Trong kết hợp: Không nên dùng uất kim chung với đinh hương và mẫu đinh hương (6).

Thông tin thêm

Ở Trung Quốc có vị thuốc “ôn uất kim” là đặc sản của thành phố Thụy An, tỉnh Chiết Giang. Được biết, đây cũng là loại dược liệu được bảo hộ “chỉ dẫn địa lý” của Trung Quốc.

Theo công trình “Bản thảo cương mục“, ôn uất kim có tác dụng lợi mật, giảm đau và sát khuẩn (5). So với các loại UK khác thì “ôn uất kim” được đánh giá là có giá trị dược liệu cao và vì vị thuốc này có màu nâu đen nên còn được gọi là “hắc uất kim” (5).

Ôn uất kim
Ôn uất kim
Tham khảo: Bột nghệ vàng và tinh chất nghệ, khi nào nên dùng?

Nguồn tham khảo

  1. Nhiều tác giả, Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2, NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, 2004, trang 383.
  2. Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, Cây thuốc bài thuốc và biệt dược, NXB Y học, 2000, trang 199.
  3. 郁金, https://zh.wikipedia.org/wiki/%E9%83%81%E9%87%91, ngày truy cập: 07/ 05/ 2020.
  4. 郁金, http://yc.xjlz365.com/zhongcaoyao/yujin.html, ngày truy cập: 07/ 05/ 2020.
  5. 温郁金, https://baike.baidu.com/item/%E6%B8%A9%E9%83%81%E9%87%91/5232627, ngày truy cập: 07/ 05/ 2020.
  6. 郁金, https://baike.baidu.com/item/%E9%83%81%E9%87%91, ngày truy cập: 07/ 05/ 2020.

Từ khóa » Tác Dụng Của Cây Uất Kim